Như một trận sóng thần, ào ạt kéo đến rồi rút đi. Không biết bao giờ lại kéo vào nữa. Chỉ thấy những gì để lại thật khôn lường. Nhưng con người vốn có bản năng sinh tồn nên đứng dậy rất nhanh. Họ hối hả chạy đua với dòng sống mới. Ai cũng vui vì được sống. Trận dịch, và những gì kèm theo, là như thế.
Ngoại trừ những em nhỏ, quá nhỏ, như bé Hoan. Em chỉ mới bốn tuổi, vừa qua mấy lớp mẫu giáo. Em không biết gì hết. Ai bảo làm sao thì em làm vậy. Em biết khóc khi buồn, và biết cười khi có ai bày trò chơi thú vị. Nhưng có một điều em biết nhiều hơn ai khác, là từ nay em không thấy ba và má của em về nhà nữa! Và đó là em nhỏ đầu tiên mà Nhiên gặp, khi tiếp nhận công việc mới của mình.
Ai khiến xui chi, Nhiên về Việt Nam khi dịch chưa đến Mỹ. Khi dịch bùng mạnh ở Mỹ, Nhiên ở lại Việt Nam. Đến khi Việt Nam bị dịch hoành hành, Nhiên chọn ở lại. Cũng như những người bạn trong cùng hội thiện nguyện của mình, Nhiên chạy vào những vùng mà từ đó người ta chạy ra. Lần này, Nhiên phụ với Chị Cả nhận làm “mẹ” của đàn con mười đứa, tuổi từ bốn đến mười hai. Hoan là bé nhỏ nhất.
Em mở to đôi mắt nhìn Nhiên. Đôi mắt long lanh, ngây thơ nhưng đầy vẻ chịu đựng. Chị Cả nói bé Hoan là đứa trẻ ít nói nhất trong số các em được nhận về. Ngay sau khi ba má em mất, cuộc sống của em đã bị đảo lộn hoàn toàn. Em không còn người thân nào ở thành phố này.
Nhìn bé Hoan, Nhiên nghe lòng quặn thắt. Kỷ niệm những ngày sống trong viện cô nhi trở về. Nhưng Trời đã ban cho Nhiên một bà mẹ quý. Bà vào viện cô nhi, ôm từng đứa, từng đứa về nhà. Đám con mười đứa của bà, trắng có, đen có, vàng có. Nhà của bà là một hợp chủng quốc, bà nói vui như vậy. Những đứa con của bà lớn lên dần, được đi học đàng hoàng, lại còn được tiếp nhận kho kiến thức của bà mẹ-nhà giáo. Bây giờ bà đã mất, Chị Cả, một trong những con nuôi của bà, tiếp nối tấm gương của mẹ, mở một mái nhà tình thương và nhận nuôi một số cô nhi trong đại dịch.
Và như thế, dòng đời, cứ như theo một kịch bản đã được viết sẵn!
*
“Em bé, cô tên là Nhiên, còn bé?”
Bé Hoan lí nhí đáp:
“Con tên là Hoan.”
Rồi bé cúi đầu xuống, im lặng, nửa gương mặt giấu sau chiếc khẩu trang, chỉ nhìn thấy ánh mắt lẩn trốn. Nhiên gợi chuyện:
“Bé với cô cùng chơi trò chơi lớp học nhé!”
Đôi mắt hơi liếc nhìn lên, tỏ vẻ muốn hỏi. Nhiên tiếp luôn:
“Bé muốn làm cô giáo hay làm học trò nào?”
Lần này thì ánh mắt hơi vui lên một chút. Chắc bé thấy câu hỏi của Nhiên hơi lạ. Lại lặng im, không trả lời. Nhiên đề nghị luôn:
“Bé Hoan làm cô giáo đi! Cô thì làm học trò. Cô thích làm học trò lắm!”
Ánh mắt sáng lên. Nhiên gọi mấy em khác đến cùng làm học trò. Hình như trò chơi này thời nào, ở đâu, các bạn nhỏ cũng đã từng có lần chơi. Nhưng lớp học này thì có điểm khác thường, học trò không có bàn ghế ngay ngắn, mà mỗi trò ngồi một góc, cách xa nhau, mang khẩu trang. Và cô giáo nhỏ nhít của lớp học, bắt đầu tiếng nói ngập ngừng:
“Chào các bạn.”
Chao ôi, thật là lịch sự! Cả lớp chào lại:
“Chào cô ạ!”
Và như vậy, giờ học diễn ra. Cô giáo Hoan xin một xấp giấy, phát cho mỗi trò một tờ. Cả lớp chờ đợi cô giáo ra lệnh. Cô giáo hơi suy nghĩ, rồi nói:
“Bạn nào muốn làm gì cũng được.”
Cả lớp “ồ” lên, thích thú. Cô giáo nói tiếp:
“Nhưng bạn nào vẽ hình thì sẽ được nhiều điểm.”
Chẳng là cô giáo chưa học lên lớp Một!
Nhiên chọn vẽ. Từ thuở còn bé, tuy không xuất sắc với môn Vẽ, nhưng Nhiên lại rất thích vẽ, như một cách giải trí. Nhà mẹ nuôi có đầy đủ bút màu, thuốc vẽ, giấy vẽ các loại, nên các con của bà cũng tạm thấy thoải mái. Lớn lên, Nhiên không có thì giờ để vẽ tranh, nhưng khi buồn thì cũng nguệch ngoạc vài nét, như một cách để bày tỏ điều gì đó với chính mình. Nhiên qua Mỹ, được đi nhiều nơi có phong cảnh đẹp, cũng phác họa vài nét khi có cảm xúc với thiên nhiên. Rồi như một duyên nợ, khi tốt nghiệp đại học, Nhiên đã chọn đi làm việc thiện nguyện. Môi trường làm việc khiến Nhiên cảm nhận được nhiều nét đặc biệt của cuộc sống con người. Nhưng không có thì giờ để vẽ nữa. Mỗi cảm xúc đều được ghi vào tâm khảm, bằng hai con mắt. Một em bé Somalia ốm trơ xương. Một bà mẹ Kenya đau đớn trong khi sinh con. Một gia đình Haiti chia nhau bữa cơm hẩm. Một người lính Afghanistan sau chiến tranh, trở về nhà trên chân nạng. Một di dân Trung Mỹ bơi qua dòng sông chảy xiết, tìm chân trời mới…
Nhiên xin “cô giáo Hoan” cho chọn vẽ, thế mà lại ngồi thừ ra trước trang giấy trắng. Coi vậy mà khó dữ! Nhìn quanh, thấy có vài bạn nhỏ đang cúi mình vẽ gần xong. Có bạn vẽ cây, lá, bông hoa. Có bạn vẽ ngôi nhà. Có bạn vẽ người. Ôi, đây là những bạn nhỏ mồ côi! Tim Nhiên nhói lên. Bỗng Nhiên nhớ đến một bức ảnh, các bạn của Nhiên truyền nhau từ internet: Một bé gái nhỏ tại Iraq vẽ hình mẹ mình lên nền nhà trong cô nhi viện của bé, sau đó cẩn thận cởi giày, nằm xuống trên ngực mẹ rồi thiếp đi… Bức ảnh, vâng, bức ảnh, được chia sẻ khắp nơi, nhanh và rộng như một cơn bão.
Cuối cùng thì “trò Nhiên” cũng nộp bài. Không thể nộp giấy trắng, Nhiên vẽ lên góc trên bên trái của trang giấy, một trái tim nhỏ xíu. “Cô giáo Hoan” hơi có vẻ cười nhẹ qua đôi mắt khi nhìn thấy bức tranh. Cô giáo thu bài của cả lớp.
*
Buổi trưa, căn nhà nóng, ngột, tuy đã được gắn vài cây quạt máy. Sài Gòn như không còn mùa đông! Thật vậy sao? Nếu so sánh với cùng thời gian này vài mươi năm trước, thì quả đúng như vậy. Thuở đó, Nhiên là cô học trò nhỏ, những ngày mùa đông còn co ro trong chiếc áo ấm mỗi buổi sáng đến trường, đêm ngủ còn đắp chăn đến tận cổ. Thật ra thì không lạnh nhiều lắm đâu, nhưng cũng là món quà tặng cuối năm Trời cho người của thành phố này, và cũng là dịp để người ta mặc áo ấm, gọi là se sua một chút. Còn bây giờ, với lượng người và nhà cửa ngày một nhiều, cây cối ngày một thưa đi vì bị đốn bỏ, Sài Gòn không có nhiều không khí để thở, mùa đông như cũng không còn.
Đã từng đi đây đi đó, nếm trải nhiều loại khí hậu khác nhau, Nhiên vẫn thương cái lạnh nhè nhẹ của mùa đông Sài Gòn xưa. Bây giờ thì mùa nào người ta cũng phải ra đường với mũ bảo hộ, kính đeo mắt, khẩu trang và áo khoác ngoài kín mít. Thời dịch bệnh, những vật dụng này lại càng kiên cố hơn, cộng thêm tấm chắn trong suốt che mặt. Thấy thương người dân của mình quá!
Tội nghiệp Chị Cả, chị lo các bé nóng không ngủ được, cứ đi thăm chừng hoài. Chị tập cho các bé theo nề nếp như một lớp học bán trú, buổi trưa phải có một giấc ngủ ngắn. Nhưng cái lớp học này phải gọi là lớp học nội trú rồi! Các học trò chỉ còn đây là nhà.
Nhiên cũng tìm cho mình một góc, tự bắt mình lim dim như thể làm gương cho các bé. Tâm trí lan man nghĩ đến những vùng đất xa xôi. Rồi cũng nhớ về xứ Mỹ. Mình đã không về Mỹ gần hai năm rồi! Thấy nhớ. Giờ này bên Mỹ cũng khá rộn ràng mùa lễ cuối năm. Năm ngoái dịch bùng nặng, người ta hầu như bỏ qua hết chuyện vui chơi. Năm nay có vaccine rồi, “chiến trận” lắng xuống phần nào, mọi sinh hoạt được phục hồi. Đọc tin, thấy người ta than năm nay khan hiếm các Ông Già Noel. Chẳng là Ông Già Noel thường có mặt ở các trung tâm mua sắm, trên những đường phố, cho trẻ con đến làm quen và chụp hình. “Đóng vai Ông Già Noel” trở thành một cái nghề. Tuy năm nay mức lương được trả cao hơn bình thường, nhưng có nhiều Ông Già Noel sợ bị lây bệnh nên đã bỏ nghề.
Ngày xưa trẻ con tin có Ông Già Noel do không bao giờ gặp được ông, chỉ thấy ông qua những tấm thiệp, truyện tranh hay phim ảnh. Trong mỗi gia đình, cha hoặc mẹ, thậm chí một anh hay chị, làm Ông Già Noel đi phát quà, mà thường thì bí mật lắm, chẳng cho ai thấy. Mà không phải gia đình nào cũng có Ông Già Noel. Với nhiều gia đình Việt Nam, đó là một xa xí phẩm!
Có một ai đó đang khe khẽ ngồi dậy. Nhiên hé mắt nhìn. Một cái bóng nhỏ xíu. Là bé Hoan! Nhiên định tới giúp bé, nhưng thôi, vì thấy bé đang mở trang giấy để trước mặt. Với một cây bút chì, bé vẽ. Nhiên mỉm cười thú vị. Hóa ra cô bé cũng thích vẽ, giống như mình ngày xưa. Vẽ xong, bé Hoan rón rén, thật nhẹ nhàng, đặt tờ giấy xuống bên dưới xấp bài đã thu của lớp.
*
Hôm nay lớp học trở lại, với Nhiên là cô giáo. Các bé có những môn học thật sự. Nhưng đây chỉ là trường lớp tạm, mà các bé lại ở những lứa tuổi khác nhau. Các bé cần được đến trường thật, học với thầy cô thật. Dịch bệnh khiến môi trường học tập thu lại thành thế giới ảo, càng khó khăn hơn nhiều với hoàn cảnh của các bé.
Nhiên cầm xấp bài tập hôm qua, hỏi bé Hoan:
“Cô giáo có chấm điểm chưa?”
Bé Hoan lắc đầu, chỉ vào Nhiên. Nhiên bật cười:
“Vậy hôm nay cô được làm cô giáo, cô sẽ chấm điểm cho các con nhé!’
Lướt nhanh các tờ bên trên, Nhiên nói:
“Thật ra mình chỉ là lớp học làm quen thôi, cô xin chấm bài nào cũng mười điểm, nhé các con! Các con giỏi lắm, viết chữ ngay ngắn, vẽ tranh đẹp. Cô khen tất cả các con. Các con bây giờ là anh chị em trong cùng một mái nhà. Cô mong rằng các con sẽ thương yêu nhau, giúp đỡ nhau.”
Các bé “dạ” rân, tỏ vẻ vui mừng. Nhiên xem từng bài, và đến tờ giấy nằm dưới cùng, đúng như Nhiên nghĩ, đó là một bức vẽ. Tờ giấy này chính là bức vẽ Nhiên vẽ trái tim nhỏ xíu ở góc trên bên trái. Phần còn trống đã được lấp đầy bằng nét vẽ non nớt, nhưng rõ ràng. Là hai cái bình, trong mỗi bình bé vẽ một người đứng, rất đơn giản, nhưng nhìn là biết bé muốn vẽ ai. Nhiên lặng người, nghe quặn thắt tận tâm can.
Trưa, Nhiên trốn vào phòng với Chị Cả. Nhiên kể cho Chị Cả nghe rồi khóc nức nở, khóc đau đớn. Nhiên tưởng như thấy lại hình ảnh của chính mình ngày xưa. Nhưng ngày xưa, con bé Nhiên không biết diễn tả tâm trạng của mình như vậy. Nhiên lớn lên, ray rứt với nỗi buồn không biết mặt cha, còn mẹ thì mất trong loạn lạc. Nhiên tưởng chỉ có chiến tranh là kẻ hủy diệt ghê gớm nhất trên đời. Nhưng bây giờ, trận đại dịch như sóng thần quét qua, đã biến hàng ngàn trẻ em Việt Nam và hàng triệu trẻ em trên thế giới trở thành trẻ mồ côi trong chớp mắt.
Thì ra bé Hoan, cô bé chỉ mới bốn tuổi, lại là người bước ra nhận di hài của cha mẹ bé!
*
Sài Gòn nay như không có mùa đông. Nhưng Chị Cả và Nhiên muốn mang mùa đông trở về. Là một mùa đông ấm áp cho các bé. Hai chị em khệ nệ bưng cây thông xin được từ Nhà Thờ, đặt ở góc phòng học. Là cây thông giả, không sợ gây dị ứng cho các bé. Các bé được gọi xúm vào giúp trang trí cho cây thông. Bên cạnh những sợi gòn dùng làm tuyết, Nhiên cho treo những quả cầu đủ màu. Các bé ngoan sẽ được Ông Già Noel cho quà. Mà chắc chắn là tất cả các bé đều ngoan. Các bé vui, nói chuyện rộn ràng.
Nhiên kéo bé Hoan lại gần, hỏi nhỏ:
“Con có vui không?’
Bé Hoan gật đầu nhè nhẹ. Nhiên chỉ lên hai quả cầu, nói:
“Ba ở trong một quả cầu, Má ở trong một quả cầu. Đó là những ngôi sao sáng, như sao trên trời vậy, con thấy không?”
Bé Hoan gật đầu, ánh mắt tươi lên. Chị Cả nói lớn:
“Nào, trang trí đã xong. Mình thắp đèn lên nhé các con!”
Các bé đồng loạt đếm một, hai, ba. Đèn đã được thắp lên! Những quả cầu rực sáng, chớp tắt, lấp lánh như những vì sao.
Tháng 12/2021
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét