Nàng không thích tổ chức tiệc tùng trong ngày sinh nhật. Hồi nhỏ thì khác, mỗi năm có người đem đến cho nàng chiếc bánh ngọt, trên mặt phủ một lớp kem dày và Chantilly uốn lượn thành một nét đẹp mắt ghi rõ tên nàng, chiếc bánh hồi đó cắm mười tám ngọn nến, sâm banh, nổ như tiếng vỗ tay, rượu vang đỏ trộn với cam táo tràn đầy trong hũ thủy tinh trong veo, bó hoa hồng rực rỡ và vĩ đại che lấp được những bộ mặt hăng hái của người đem tặng lấp ló đằng sau những búp đỏ tươi và cành gai xanh.
Hồi đó nàng đã thích những cây gai hơn là những bông hoa. Khi hoa tàn, nàng vẫn còn giữ mấy cành khô héo trong bình, có ngọn gai thỉnh thoảng bấm đau nhè nhẹ và thích thú vào tay nàng.
Nhưng năm nay nàng nói không muốn ngày sinh nhật có gì đặc biệt hơn ngày thường. Không muốn những quà tặng gói trong giấy đủ màu, không có bánh rượu, không mời khách khứa đông đảo tưng bừng như những lần trước.
Buổi sáng qua đi không có gì lạ.
Buổi chiều, một người đến nhà nàng. Nàng nghe tiếng chuông reo ngắn dưới nhà, tưởng là ông phát thư của nhà bưu điện, đến khi mở cửa nàng mới biết không phải. Đó là một gã thanh niên khá quen biết với nàng. Anh mỉm cười chào nàng nhưng một bàn tay giấu cái gì đó sau lưng, chưa bước vào nhà, anh đã hỏi :
- Hôm nay là ngày sinh nhật của chị phải không ?
Nàng gật đầu, nói với giọng đùa cợt :
- Lần thứ 25, hơi nhiều...
- Không nhiều đâu, chỉ một bông thôi...
Và đưa cho nàng cái thứ mà nãy giờ anh giấu sau lưng. Đó là một đóa hoa hồng đỏ. Chỉ một đóa nhỏ trên cành khẳng khiu. Nàng nhớ tên loại hoa này: Baccara, đỏ đậm hơn hoa anh đào, gần bằng hoa tigôn và có lẽ tươi như màu xác pháo.
Anh định nói nhưng nàng nhanh hơn :
- Thôi đừng nói một cách khách sáo "mừng ngày sinh nhật " nữa. Vào đi, ngồi uống tạm chai bia trong khi chờ tôi đi kiếm cái bình cắm hoa.
Người thanh niên, có thể gọi là người bạn cũ của nàng, tỏ vẻ ngạc nhiên :
- Sao lại bia ? Không có sâm banh, rượu chát ?
- Không.
- Không cả gà quay ?
- Không.
- Chắc là có bánh ngọt.
- Không.
- Thôi, một ly kem cũng được.
- Không.
Người bạn nàng nhún vai tỏ vẻ thất vọng, anh than phiền :
- Vô lý quá. Mọi người đâu hết rồi mà để cho ngày sinh nhật của chị thế này ?
Nàng mỉm cười cho anh thấy nụ cười của nàng vẫn diễm ảo hơn hàng triệu hoa đèn của ngày hội lễ. Có lẽ anh đã nhận thấy không có thứ rượu nào ngon hơn màu môi thân ái đó, nhưng anh vẫn giả vờ trách móc :
- Sinh nhật gì mà lặng lẽ như thế này. Nhân loại đi đâu hết rồi, thế giới ở đâu hết rồi ?
Nàng cầm cành hoa phát nhẹ vào vai anh :
- Lại đùa rồi.
- Không đâu. Sao không có ai cả ?
- Có tôi.
Nàng trả lời và cười chế diễu anh. Nàng đóng cửa lại, vào nhà. Anh đi theo nàng, sau đó, anh làm theo đúng lời nàng đã nói trước, nghĩa là kiếm một chai bia, tìm khoen mở trên kệ tủ, xoay được một viên đá lạnh, và anh ngồi uống bia một mình trong khi nàng ra phòng sau, lục lọi tìm kiếm một chiếc bình cũ nào đó. Dẫu sao thì bất cứ một cành hoa nào cũng cần một chiếc bình với chút ít nước để có thể lâu tàn hơn. Cũng như trong một ngày sinh nhật, một người này dù sao cũng cần có thêm một người kia để nói chuyện cho vui. Cũng như điếu thuốc lá phải cần có thêm một cây diêm quẹt. Cứ theo lối so sánh ba phải đó, anh có thể áp dụng liên miên cho hàng trăm trường hợp. Ví dụ như một người đàn bà dầu sao cũng cần phải có một người đàn ông.
Khi nàng trở lại phòng khách, anh nói với nàng điều đó nhưng nàng không đồng ý.
Nàng chứng tỏ cho anh thấy nàng có thể sống độc lập, hoàn toàn một mình chứ không cần có một người đàn ông bằng cách nàng không cần cắm hoa vào trong chiếc bình chật hẹp nữa. Bàn tay trắng xanh của nàng nắm nhẹ cành hoa. Anh thầm nghĩ có lẽ đóa hoa mềm ấy thích được nằm trong tay nàng hơn là bị nhốt trong lớp men sứ cứng. Và đóa hoa thật may mắn vì đã được như ý, còn anh...
- Tôi thì không.
Nàng ngạc nhiên :
- Sao ?
- Không... không có gì cả.
Dĩ nhiên anh không thể nói cho nàng biết ước muốn của anh, sự phân bì của người đối với hoa, vì hôm nay là ngày sinh nhật, là một ngày cấm không được có sự ghen tị hơn thua. Dầu nàng coi thường ngày đó nhưng anh bao giờ cũng rất tôn trọng ngày sinh nhật của phụ nữ. Vào ngày đánh dấu thêm một tuổi, đàn bà thường nhớ lại một năm dã qua, dẫu rằng quá khứ là điều chẳng bao giờ có thể ảnh hưởng đến tâm hồn người đàn bà, họ thích kể những kỷ niệm, thích nghe những kỷ niệm nhưng tuyệt đối lạnh lùng với kỷ niệm.
Sinh nhật, một năm đã qua của nàng như thế nào, có mấy mùa xuân có mấy mùa đông. Anh hỏi nàng điều đó, và nàng trả lời :
- Ở đây trời nóng quá, nóng quanh năm.
Như thế anh phải hiểu nàng chỉ có mùa hè bất tận qua suốt năm. Một mùa hè vô tư, thênh thang, tự do, hoàn toàn ở ngoài những ràng buộc phiền toái của tình cảm. Nhưng anh đoán nàng nói dối không thể tránh được những bóng mây u uẩn phiền muộn trên những tháng ngày qua của nàng. Nhưng nàng phải nói dối để cho anh vui lòng. Anh rất sợ khi thấy nàng buồn, nhưng lúc đó có lẽ anh còn buồn hơn nàng. Anh muốn nàng được vui mãi mãi, để cho anh được xin bớt một chút sắc màu thắm thiết trên miệng cười và mắt sáng. Tóm lại , từ lâu anh đã thương nàng hơn tất cả những người bạn của anh, và chỉ thua anh chút ít.
Nàng ngồi đó với anh nhưng nàng không biết uống rượu, không biết hút thuốc lá. Anh phải cố gắng làm cho nàng bớt chán bằng cách :
- Mừng ngày sinh nhật thứ mười ba của chị...
- Trời ơi... trời ơi . Nói lầm số rồi ông ơi.
- Mười hai ?
Anh tiếp tục nói đùa để cho nàng cười như thường lệ anh chờ đợi và sẵn sàng cười theo nàng. Và đúng như anh dự đoán, nàng bật cười. Tiếng cười, quý giá hạng nhất trên đời. Anh, cả nàng nữa, cũng như tất cả mọi người, đều đã khóc khi mới mở mắt chào đời. Khóc một lần đó là quá đủ, anh không muốn anh và nàng có thêm một lần nào nữa. Nhưng làm sao nụ cười có thể nở bất tuyệt trên môi người khi chính môi người đôi khi đã nói những lời cay đắng. Bởi thế mỗi khi gặp nàng, anh tình nguyện làm tên hề giấu mặt, giấu hồn sau chiếc mặt nạ nghịch ngợm, lặng thinh riêng mình ôm lấy lời đau mà chỉ thốt nên lời vui vẻ. Và người ta biết chắc chắn một ngàn phần ngàn là tất cả những người đàn bà đều phải cười khi nói đến chuyện tình yêu, dẫu là cười bí mật, ranh mãnh hay ngượng ngùng. Nhưng anh không cần biết có bao nhiêu ý nghĩa của tiếng cười, chỉ cần nàng nở một nụ cười là đủ. Anh hỏi :
- Trong năm nay chị có yêu ai không ?
Nàng trả lời chậm hơn mười lăm giây, vì trước đó nàng phải nhìn lơ đi chỗ khác một lát, dĩ nhiên có kèm theo một thoáng cười và má đỏ.
- Không.
- Thế tổng kết tình trạng trong năm vừa qua, có ai yêu chị không ?
- Nhiều lắm.
- Dám kể tên một vài người cho nghe được không ?
- Sao không. Để xem... nào là X , Y ,Z , W...
Anh uống thêm một hớp bia để lấy thêm can đảm nói tiếp :
- Có... tôi trong danh sách đó không ?
Nàng nhìn vào mắt anh, trả lời nhỏ :
- Không.
Anh biết nàng vừa phạm một sai lầm nghiêm trọng. Hoặc là nàng nghĩ sao nói vậy, hoặc nàng nói nhầm chữ. Nhưng hôm nay là một ngày sinh nhậ , là một ngày không được bắt bẻ nhau. Cho nên anh đành im lặng mà tha thứ cho câu trả lời của nàng. Anh chỉ thắc mắc :
- Sao người ta yêu chị nhiều thế mà chị không yêu lại một ai cả ?
- Yêu... mà cũng có yêu qua... yêu lại sao ?
- Như vậy mới công bình, mới huề chứ.
- Yêu... mà cũng tính toán hơn thua, lời lỗ hay huề vốn sao ?
- Thế phải làm sao ?
- Nếu không biết phải làm sao thì đừng làm gì cả.
Nàng nói với giọng hình như không được vui vẻ lắm làm anh lo lắng. Anh phải trở lại với đề tài dịu dàng.
- Chị có thấy, yêu... thật là tuyệt phải không ?
Nàng bĩu môi :
- Nãy giờ ông dùng tiếng "yêu" hơi nhiều rồi ông ơi. Bỏ chuyện đó đi.
Nàng làm anh im bặt , cụt hứng . Anh công nhận là trong đời anh anh đã sử dụng tiếng "yêu" hơi nhiều và bừa bãi. Nhưng nàng không nhớ rằng hôm nay là ngày sinh nhật, là một ngày cấm không được hạn chế điều gì, nhất là hạn chế tình yêu. Từ lâu nay, nàng đã quên hết ý nghĩa của một ngày sinh nhật. Nàng đã quên cắm trong bình mỗi ngày một bó hồng, nhiều màu thay đổi : trắng, vàng nhạt, hồng nhạt, hồng đậm hay đỏ sậm. Mỗi khi có người đem hoa tặng, nàng thờ ơ và dửng dưng đem chia cho mấy chị em trong nhà mỗi người một bông, nàng quên cả chuyện giữ lại những cành gai theo thói quen. Suốt ngày nàng bận rộn với những chuyện khác. Nàng đi chợ, lo việc bếp núc, may vá, dọn dẹp nhà cửa, bù đầu với mọi việc trong nhà. Dưới vẻ đẹp thanh thoát xanh mướt của một tiên nữ không hề đụng móng tay vào việc gì, thật ra nàng lặng lẽ quán xuyến mọi công việc gia đình như một bà nội trợ an phận đời đời . Điều đó làm anh đau lòng quá.
Khi uống hết chai bia, anh nói với nàng :
- Nhạc.
Nàng nhẹ gật đầu, trao cho anh cầm giùm cành hoa đã rơi lìa một vài cánh mỏng. Nàng đang tập chơi dương cầm, còn dè dặt và chậm rãi trên những phím ngà, nàng đánh bài nhạc nhập môn của Beethoven : Thư gửi nàng Elise... Những nốt nhạc ngân vang cuống quít, thúc hối và tràn đầy lời kêu gọi nhung nhớ.
Khi bản đàn chấm dứt, nàng quay lại nhìn anh như dò hỏi, anh trả lời :
- Nữa.
Nhưng nàng mỉm cười lắc đầu, nàng làm biếng lắm. Gần đó, có một chiếc máy hát cũ. Anh thích nàng tìm cho anh một dĩa hát về ngày sinh nhật, nhưng có lẽ không có. Sau cùng nàng cho anh nghe một dĩa nhạc gồm những bài Thánh ca Giáng sinh. Cách đây 1972 năm Chúa Ki-Tô ra đời, hôm nay bài hát vang lên dìu dặt ngợi ca về đêm "Beelem" xa xưa ấy : Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...
Anh cũng đâu được ấm áp gì. Mọi người đều lạnh lẽo giữa biển đời đầy mưa bão, lo âu, khốn đốn, đau thương... Giữa cõi trần, mọi người chen chúc, tranh giành nhau đến toát mồ hôi nhưng trái tim lạnh buốt vì những người kề cận mà hồn chia cách nhau, xa lạ, lạnh nhạt, thù hận. Từ lâu, anh sống như người băng đảo. Nhưng hôm nay là ngày sinh nhật, là một ngày cấm không được lạnh lùng với nhau... Anh muốn nàng được ấm áp, bằng cách kể cho nàng nghe vài kỷ niệm ngày xưa mà nàng không biết là đã cho anh, hoặc có biết nhưng nàng đã quên.
.......
Thành phố, bốn năm về trước.
Trên một khu đất rộng đầy cỏ dại, vài căn nhà lụp xụp ở ấm áp bên nhau. Nhà này cách nhà kia chỉ với một tấm "cạc tông" hoặc một lớp ván mỏng. Nói là nhà nhưng thật ra diện tích chật hẹp bằng một căn phòng. Đôi khi khá nhiều người của một gia đình phải ở trong một căn phòng nhỏ.
Anh chiếm một mình một căn. Nếu anh thích sống cô độc một mình thì đây quả là một căn phòng riêng lý tưởng, ngoại trừ chiếc giường bố vừa đủ cho một người nằm ngủ, trong phòng không còn một chỗ nào nữa, tất cả đều dày đặc những tủ bàn đã phế thải, sách báo, giấy má, rác rưới không biết đem đi vứt đâu. Thiếu nhiều tiện nghi về nước nhưng rất đông người đổ xô về sống tụ tập trong mấy căn nhà này. Lý do là khỏi mướn một đồng thuê mướn nào cả : Chẳng biết ai là chủ đất, ai là chủ nhà, chỉ biết tình cờ một ngày nào đó, người ta bỏ trống khu đất này và từng đám năm ba người rủ nhau đến chiếm mỗi đám một căn, tự túc sửa sang, chống đỡ mấy cái sàn nhà rung rinh sắp sụp đổ, và cứ thế, sống ở đây từ ngày này sang ngày khác, từ năm này sang năm khác.
Đây có vẻ là một khu như kiểu St. Germain des Prés của Paris. Tuy tất cả chỉ có vài chục người, nhưng thuộc đủ thành phần hấp dẫn trong xã hội : sinh viên, bọn phóng viên nhà báo, bọn thất nghiệp, bọn nghệ sĩ chưa có rác phẩm... Trong bốn hạng kể trên, anh một mình chiếm đến ba.
Năm đó, anh mới ngoài hai mươi tuổi, vừa là sinh viên, vừa thất nghiệp, vừa là nghệ sĩ chưa nhất quyết nằm trong bộ môn nghệ thuật nào. Bạn bè anh ở đầy những phòng bên cạnh. Người thì họa sĩ, người văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ... Tiếng cãi cọ, đàn địch, ca hát tưng bừng suốt ngày. Thỉnh thoảng có một vài phụ huynh đến "bắt" một nghệ sĩ về lại dưới mái ấm gia đình. Thỉnh thoảng có