Vô Kỵ Học Lái Xe
Hồ Đắc Đằng
Ghi chú: Bác sĩ Hồ Đắc
Đằng là người bạn cùng khóa với tôi tại Y khoa Đại học đường Saigon
(1962-1969) vừa có bài viết rất thú vị về chuyện “Vô Kỵ Học Võ” đã
được post trên trang này và được rất nhiều bạn bè chia sẻ. Hôm
nay anh gởi thêm bài Vô Kỵ Học Lái Xe cũng rất độc đáo.
Xin chia sẻ cùng các bạn.
Cảm ơn Hồ Đắc Đằng.
Đỗ Hồng Ngọc
PS Đa tạ Đèn Biển (Quang Võ), người đã chịu khó gõ Word từ
bản viết tay “chữ bác sĩ” đọc không ra của Hồ Đắc Đằng.
………………………………………………………..
Vô Kỵ bây giờ đã trưởng thành, quyền cước điêu luyện, tâm thần sảng
khoái, tánh tình khoan thai, điềm đạm. Hai thầy trò ngoài chuyện võ nghệ
còn hay ngồi thiền với nhau. Vui nhiều. Một hôm thầy nó gọi nó vào.
– Vô Kỵ nầy. Ở đời không chỉ có đánh võ và tham thiền. Nếu đánh võ
mà không có tham thiền thì cả 2 bên dễ bị gãy sườn, dập lách lắm. Ngoài
đời dập lách nhiều lắm. Con phải xuống núi để dạy cho người ta vừa đánh
võ vừa đỡ địch thủ kiểu múa Tango thì ai ai cũng vui, không còn ai thắng
ai bại nữa. Ngoài đời thì rộng, chân con thì ngắn, đi bộ thì không biết
bao giờ mới đến người ta được. Phật hồi xưa, ổng làm gì có xe. Ổng tà
tà đi bộ, đôi khi đến chỗ người cần ổng giúp thì người đó đã chết mất
rồi. Bây giờ mình có xe, mình đi được để đến giúp người khác. Con phải
biết lái xe.
– Thưa thầy – Vô Kỵ nói – Con thấy lái xe dễ ợt. Con thấy mấy đứa con
nít, mấy bữa trước còn mang tã, ngậm núm vú, mấy bữa sau tuyên bố với
mẹ nó là nó 16 tuổi rồi nó muốn lái xe. Thế là bà mẹ phải bứt đầu, bứt
tai đi mua cho nó một chiếc xe nhỏ cho nó lái, nó chạy phăng phăng, dễ
ợt thưa thầy.
– Nầy Vô Kỵ. Chạy phăng phăng không hẳn là dễ. Chạy phăng phăng rồi
vô phòng cấp cứu, đôi khi vô thẳng nhà xác là thường đó con. Chạy phăng
phăng mà an toàn trên xa lộ mới là cái nghệ thuật của lái xe. An toàn
cho mình và an toàn cho người mới là cái khó. Một kiểu Tango đó Vô Kỵ ạ.
Lái nhường, lái nhịn là lái Tango. Con phải nhớ cái nầy.
Vô Kỵ:
– Thưa thầy, con thì thích cái gì nhanh. Đối với thầy, gió thổi
nhè nhẹ trên mặt thầy là thầy đủ vui rồi. Con thì gió phải thổi bay tóc
ra sau như khi con chạy xuống dốc núi thì con mới khoái. Lái xe mà cứ
lái 5 dặm/giờ thì ai mà chịu được thưa thầy.
– Vô Kỵ này. Thầy không bảo là con phải chạy chậm luôn luôn. Đức
Phật, ngồi yên một chỗ, chẳng nhúc nhích gì hết mà ổng cũng đủ vui rồi.
Con còn ở đời. Con phải lái xe. Lái nhanh cũng được, lái chậm cũng được.
Tùy lúc. Lái nhanh chẳng sao cả. Với một điều kiện.
– Điều kiện? Điều kiện gì thưa thầy? Đường phải không có ổ gà? Trời
phải không có bão có tuyết? Phải không có sương mù khói phủ? Con sẽ rất
cẩn thận.
– Vô Kỵ ơi. Con còn nông cạn quá. Mắt con sáng, phản xạ con nhanh,
thời tiết tụi nó báo con biết trước từ 3–4 ngày trước thế mà tai nạn
chết người vẫn xảy ra hằng ngày đó thôi. Tại sao con biết không?
– Xin thầy chỉ giáo.
– Tại vì không có cái thắng (phanh) tốt. Vậy đó con, người đời, xe
của họ cái gì cũng tốt hết: máy mạnh, chạy nhanh ; đèn sáng, thấy rõ ;
cảnh đẹp, mùi thơm 2 bên đường thì nhiều ; vui nhộn không thiếu ; chỉ
thiếu có một cái thắng (phanh) tốt.
Con người ta có “3” cái xe: xe Thân, xe Khẩu (miệng) và xe Ý.
Cái thắng (phanh) của “xe Ý” là cái yếu nhất của người đời. Nếu con
chưa thông thạo võ nghệ của thầy dạy thì con phải kiểm tra cái thắng nầy
thật kỹ đấy. Một ý nghĩ bất thiện nảy ra là phải có đèn đỏ chớp lên
trên dashboard của con.
Kế đến, là cái thắng của “xe Thân”. Cái nầy con đã thuần thục với
kinh nghiệm học võ vừa qua. Con không còn có thể làm cho người khác, vật
khác đau được nữa. Tụi Mỹ nó gọi “Do no harm to others and to
yourself”. Con đã đạt đến cái thắng này qua học võ.
Kế đến là cái thắng của “xe Khẩu”. Cái thắng này ít người để ý
lắm! Nó không có đèn đỏ trên dashboard. Thắng này nếu nó không ăn,
không chạy thì cũng ít ai hay biết. Nó (Khẩu) xuất “ra” đều đều, làm
ai cũng đau, ai cũng giận mà mình vẫn không hay. Con nhớ trong Bát
chánh đạo có một cái gọi là Chánh ngữ. Cái miệng của người ta ngộ lắm
Vô Kỵ ạ. Miệng người ta có 2 chức năng: một là để Ăn, hai là để Nói. Ăn
thì ai cũng biết. Vô Kỵ, con có nhớ lúc thầy dạy võ cho con những năm
đầu, thầy đã dạy con ăn không?
– Vâng thưa thầy. Con còn nhớ là con muốn ăn chay vì con thương tất
cả thú vật. Con không muốn tụi nó phải chết để con được sống. Chính thầy
đã dạy con phải biết ăn trong Chánh niệm, và biết ăn trong một tâm
thức biết ơn. Eating in mindfulness and gratitude.
– Vô Kỵ, con giỏi lắm. Đó chỉ mới có một chức năng của miệng thôi:
Ăn. Còn cái chức năng kia là Nói. Con có biết là thầy trước khi học võ,
thầy làm nghề gì không?
– Thưa thầy, con thấy thầy hay dạy con về tinh bột, đường, mỡ, chất đạm (protein), có vẻ thầy là một nhà khoa học sinh vật học?
– Thầy thuốc, Vô Kỵ ạ. Thầy là một thầy thuốc. Thầy chỉ dạy cho bệnh
nhân về dinh dưỡng là mấy cái thức ăn này. Đức Phật là một thầy thuốc
(y vương), dạy người đời về cái chức năng thứ hai của cái miệng, là
cái xuất “ra”: Lời Nói. Cái “vô” là đồ ăn, cái ra là “lời nói”. Mấy
cái ra này mới là cái ngộ nhất đấy. Cái “vô” mà sai quấy, nó chỉ hại
cho một người thôi, người ăn. Cái “ra” mà lạng quạng là nó hại người
khác không kể xiết được. Nhiều khi đại chiến xảy ra cũng chỉ vì mấy
cái xe không có thắng nầy.
– Làm sao có một cái thắng tốt thưa thầy?
– Thắng tốt cho Ý: tham thiền. Thiền định là con quán chiếu cái ý
của con, từng giây phút. Bông hoa thơm con cũng hay mà như cứt bò con
cũng biết. Tùy con, nếu con thấy cứt bò là thơm thì con cứ theo, chẳng
ai cản con được cả. Làm sao con biết cái ý nào của con là cứt bò?
– Xin thầy chỉ dẫn. Nhiều khi con cũng khoái cứt bò. Ra chợ mua Cow manure về bón hoa, tốt đáo để.
– Cứt bò kiểu đó không sao cả. Cũng tốt thôi vì hoa của con nở, người
khác cũng được thơm lây. Cái cứt bò “ý” là khi nào con thấy ai cũng là
cứt bò hết thì chính con là cứt bò đấy. Con nhớ chuyện Tô Đông Pha và sư
cụ tham thiền với nhau thầy kể con khi xưa?
– Làm sao thắng cái Khẩu (miệng) này, thưa thầy? Con đọc Chánh ngữ
trong Bát chánh đạo dài dài mà sao lâu lâu con cũng còn nói mấy cái mà
con không được hài lòng lắm…
– Chẳng hạn?
– Thưa thầy, nói láo thì con không còn nói láo được nữa rồi. Nhưng mà
đôi khi trong một cuộc nói chuyện với nhiều bạn khác, khi có người nào
đó nói về một vấn đề gì đó thì con cũng hào hứng chen vào với những
mẩu chuyện tương tợ để kể cho cả nhóm nghe! Nghĩ lại mà mắc cỡ. Tại sao
mình lại cũng “quơ đũa cả nắm” theo họ cho vui vậy nhỉ. Vui cái giống
nhau. Vui mình cũng giống bạn mình, cùng nghề, cùng sở thích, cùng xã
hội. Con cứ ngẫm nghĩ rồi mắc cỡ cho cái miệng hay nói theo của mình.
Con thấy con không phải là con nữa. Một mình thì con là con mà vô một
nhóm “phe ta” thì con lại mất con. Mất mình. Làm sao bỏ được tật nầy,
thưa thầy?
– Giỏi, giỏi lắm, Vô Kỵ con. Con biết mắc cỡ sau khi con nói mấy cái
đó là con giỏi lắm đó. Nhiều người khác không thấy, không biết mấy cái
mắc cỡ đó và tiếp tục cái tật “nói theo” này suốt đời họ. Muốn còn đi
lại với mấy người như vậy, con phải tập cái tâm con cho nó mạnh. Dĩ
nhiên, con phải có một cái thắng thứ thiệt, đạp một cái là đứng lại, là
dừng lại ngay. Dừng lời nói.
– Tập cái thắng? Cái thắng nầy tập được? – Vô Kỵ tò mò hỏi thầy.
– Dĩ nhiên, cái gì trên đời nầy cũng tập được hết. Không có ai sanh
ra, 2 tuổi vừa mới biết đi đã biết cưỡi xe đạp 1 bánh, 2 tay cầm 8 cây
dùi cui quăng lên trên trời mà không cây nào rơi xuống đất, miệng lại
thổi kèn harmonica. Đó là tập thân. Tham thiền là tập ý. Tập nói là tập
thắng.
– Xin thầy dạy con tập Nói.
– Có 3 người giữ cửa. Miệng của con có 3 anh chàng giữ cửa: 1) Có
thật không? (Is that true?). 2) Có tử tế không? (Is that kind?) và 3)
Có cần thiết không? (Is that necessary?)
Nếu sau khi duyệt xét 3 cửa đó mà thoát hết thì cái lưỡi của con nó nói được. Đó là Chánh ngữ.
Vô Kỵ con, có nhiều người cho rằng lời nói là một cái huyền diệu mà
Thượng đế ban bố cho loài người. Con phải cẩn thận. Huyền diệu thì cũng
có thật mà tai hại thì cũng không thiếu. Lời nói là một công cụ (tool).
Nó có thể làm một vết thương lành lại mà nó cũng có thể làm cho người
khác đau thêm. Mà con thì đã qua cái ngưỡng cửa không còn muốn làm cho
bất cứ ai hay vật nào đau nữa. Do vậy cái Khẩu (miệng) xuất “ra” của
con, con phải có một cái thắng thật tốt.
Khi mà thắng con tốt rồi, thì chạy nhanh, chạy chậm không thành vấn
đề. Dĩ nhiên, chạy chậm dễ dừng, chạy nhanh phải thấy xa. Nghe thầy nói
nãy giờ, con học được cái gì về lái xe?
– Thưa thầy, xe con có 3 cái thắng mà cái thắng con phải dùng nhiều
nhất là cái thắng của Miệng (Khẩu): Đó là lời nói. Nói sao cho người
vui, nói sao cho người thanh thoát.
– Đúng vậy Vô Kỵ. Để thầy kể cho con nghe chuyện Mẹ của thầy dạy thầy
thế nào nhé. “Nầy con, hễ có nói thì nói Pháp. Còn không thì tốt nhất
là đừng nói”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét