Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2019

RÉO RẮT KHÚC ĐÔNG CA - Trần thị Phương Lan


Tôi không định tâm viết bài này, vì vốn không ưa mùa đông. Ngoài những ngày cuối năm trùng với dịp lễ Noel và Tết Tây mùa lễ hội kim sa hột lựu xanh xanh đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng, mùa đông thì có gì để mà thích cơ chứ, ngoài cái tiết trời lạnh lẽo? 

Mưa rơi hiu hắt, ai sầu mùa đông. Không gian u ám sương mờ, mờ buông. Xa trong đêm vắng chuông buồn, buồn ngân. Mùa đông xưa rét mướt, bến sông, ngừng chân Chờ ai trong tê tái, lắng nghe, chuông than. Thời gian trôi tan tác, mang theo, ngày xuân Mưa đêm nay khóc thầm Cuộc đời đầm ấm đã theo thời gian. 
(Tiếng thời gian, Lâm Tuyền, Dạ Chung) 

Nhưng đã trót thì phải trét. Tây cũng có câu, đừng bắt đầu chuyện gì mà bạn không muốn kết thúc. Không lẽ đã "lỡ" viết về ba mùa xuân, hạ, thu rồi mà lại ngó lơ mùa sau cùng là mùa đông thì sao kết nối trọn vẹn chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên cho được? 

Để bản thân mình còn có chút hào hứng mà viết, và cũng để cho các bạn khỏi ngủ gục, hầu có thể chuẩn bị tham dự những sự kiện, những buổi dạ tiệc Tất Niên tưng bừng, sôi động sắp diễn ra, người viết sẽ cố gắng chỉ chọn "những khúc đông ca" nào rộn ràng, réo rắt nhất có thể, ít nhất là về mặt giai điệu, ví dụ như bài Sầu đông của Khánh Băng chẳng hạn, lời ca thì héo hắt não nề nhưng nhịp điệu lại được viết trên khung nhạc Twist nghe thật náo nức:

Ngại ngùng bước chân buồn, em đã sang ngang rồi Đành thôi nhớ mong, gởi theo gió Đông. Tình yêu giá băng vào nơi cuối trời nhớ Sầu Đông còn đến bao giờ. 

Hoặc bài Thương về quê cha, của Hoàng Trọng, lại được soạn theo điệu Tango dặt dìu:

Quê tôi miền xa xa Lạnh tê chiều đông vắng Tôi buồn trông mây trắng Trôi trên vài nếp tranh Khói lam chiều lên nhanh. 

Ngay từ khi còn nhỏ, người viết đã rất thích nhạc giựt gân, hoặc chí ít cũng là loại nhạc vui vẻ hầu mang lại niềm phấn chấn cho tâm hồn. Mình nhớ má mình luôn kinh ngạc mà phàn nàn về mình rằng, mặt mày nó nhìn sao mà nghiêm túc làm vậy, nhưng quanh năm ngày tháng chỉ thấy nó nghe nhạc xuân, còn không là nhạc quậy .Hàng xóm nghe thiếu điều cũng muốn cà giựt nhảy hip hop theo. Còn nhạc buồn ấy à, đừng có hòng... với nó! (Thì đã nói, mình nhìn vậy chớ không phải vậy đâu mà lại. Hì hì). 

Để xứng với cái danh "thích nhạc quậy" đó, mình muốn tiếp tục bài viết bằng một khúc nhạc vui do ban Tam Ca Áo Trắng trình bày, bài Bốn Mùa Bốn Màu, một sáng tác của nhạc sĩ Y Vũ, để ngợi ca cả bốn mùa trong năm, dễ thương và hay ngất ngây tận trời mây luôn các bạn ơi: 

Mùa xuân em mặc áo hồng Đi lễ chùa, chùa rất đông Rồi qua bao đường phố rộng Giữa muôn người vui bước tung tăng Hạ sang em mặc áo vàng Trên bãi biển nắng chang chang Tình yêu như đợt sóng cồn Bước bên người yêu mới quen ĐK: Mùa thu trời nhiều mây bay Áo em xanh dịu dàng qua đây Tiếng mưa thu từng giọt mưa rơi Vào hồn thu sầu lắng… Mùa đông lanh lùng heo may Áo em đem vào lòng đêm thâu Gió đông không làm lạnh trong tim Khi tình yêu ấm êm… Tình yêu lắng đọng bốn mùa Mà bốn mùa thật dễ thương Để em không còn thấy buồn Với bao ngày xa vắng không lâu Tình yêu dang rộng bốn mùa Mỗi mùa một nét duyên Đỏ, xanh, nâu, hồng, tím, vàng Đã chan hòa trong trái tim yêu.... 

Do chỉ có mưa phùn, gió bấc, tuyết lạnh, sương sa, mùa đông thường được gán cho những định nghĩa không tươi tắn gì, chẳng hạn như là MÙA LY BIỆT: 

Sương chiều dần rơi Bao phủ cánh đồng khắp nơi Gió chiều nhẹ đưa Liễu buồn rũ lá Như nhớ người phương xa Lá vàng nhẹ rơi Nhìn lá riêng ta ngậm ngùi Cánh gió chơi vơi Nhắn ai nơi chốn xa vời Chiều chiều riêng đứng bên sông Lòng tràn ngập bao nỗi nhớ nhung Dòng nước trôi lững lờ Thuyền ai lướt nhẹ trên sóng xanh mơ Lời nguyện trong lúc chia ly Sầu vương vấn từ khi bước chân đi Buồn nhớ người xa vắng Lòng mến thương người đi đã mấy trăng 
(Nhớ người xa vắng, Võ Đức Thu) 

Hay: 

Chiều nay tìm về thăm xóm ấy Nghe kể rằng một ngày cuối đông Pháo hồng nhuộm trên bến sông Có cô em nho nhỏ dẹp thương mong Bước xuống thuyền hoa Kết bằng muôn màu sắc hồng Ôi buồn làm sao Chiều nay bên xóm vắng Không tiếng thì thầm chuyện cũ qua Ước ngày mai đời nở hoa Chỉ biết vương trên bến sông Tiếng sáo nhớ mong Nghe sáo lạnh lòng
(Qua xóm nhỏ, Mạnh Phát) 

Hay: 

Xa khuất sau chân trời Từng đàn chim én ngơ ngác bay. Tiếng sáo quê lưng trời Một mùa đông tô thêm màu nhớ . Khắp đó đây mịt mùng Một chiều tan tác với nhớ nhung. Xa cố hương muôn trùng Chiều đông sương xuống lòng giá băng.
(Đường về, Hoàng Trọng) 

Hoặc: 

Lòng tê tái vương nhớ nhung Người chinh phu với sầu đông Thuyền không bến lắng trôi tới đâu Ðưa đón ai xa ngừng bến nào Thầm reo rắc chi sầu nhớ 
(Phút chia ly, Hoàng Trọng) 

Đây nữa: 

Mây bao la trời đen u tối Đêm đông trường lữ khách bâng khuâng Ngóng về phương xa chờ tin nhạn... nhưng nhạn nào có biết nơi nao mà chờ, Nhạn còn véo von bay cao bay xa tít. . .  chẳng có hẹn ngày về tìm ai nơi nao 
(Tan tác, Tu My)

Mùa đông cũng thường bị mang hình tượng của một MÙA NGĂN CÁCH, như cánh lá lìa cành: 

Yêu người như lá đổ chiều đông Như mây hồng chưa tím Như con chim khóc trong lồng Như cơn giông đêm hè Tình ta nức nở canh khuya 
(Phượng yêu, Phạm Duy) 

Rồi đây không biết còn Mầu mắt em mang khung trời Đầy ánh sao rơi đêm gầy Ngày mai ta tìm về mùa đông Có từng áng mây hoang Đem buồn tô mắt em. 
(Rời nhau, Từ Công Phụng) 

Hoặc: 

Ai đâu hay được biết được tình yêu Sợ không dám yêu mà nhớ thương nhiều Em ơi khi mùa đông qua Cô đơn tâm hồn buốt giá Nhớ hỏi lòng phải chăng vừa yêu 
(Yêu, Trần Thiện Thanh) 

Vượt cao vút cao mây trời kết thành một vùng tuyết trắng ngần.Tuyết ơi xin nhuộm trắng trong tâm hồn em gái nhỏ tôi thương. Khi nắng chiều đi không gian chợt tối xóa nhòa vùng tuyết trắng mông mênh Anh ước sao tình mình như tuyết trinh cho dù chúng mình không gian cách chia cho dù tuyết trắng đã chìm trong màn đêm. 
(Tuyết trắng, Trần Thiện Thanh) 

Em không nghe ngoài kia, trời Đông đã lên rồi bao lớp người đi đầu mây chân gió vai nặng gánh sông hồ. Còn bao lâu nữa xin em thôi hờn dỗi. 
(Hành trang giã từ, Trường Sa) 

Mùa đông cũng được mệnh danh là MÙA LẺ ĐÔI: 

Cứ mỗi khi chiều gió lướt qua bên mình thì lòng em thấy xốn xang vì gió nâng áo lên em kề bên trái tim Mùa đông sắp đến gió lay mành trúc, bóng ai qua thềm. 
(Bóng ai qua thềm, Văn Chung, Dzoãn Mẫn) 

Người phu quét lá dưới nguồn quét cả gió nồm quét cả mùa đông Đầu sân hoa tím sầu đông Bèo mang hoa tím về sông Còn em xanh mướt hồng nhan Chiều em ra bến cầu kinh 
(Góp lá mùa xuân, Trịnh Công Sơn) 

Hay bài hát Khói trời mênh mông của Trịnh Công Sơn: 

Ta về nơi đây thoáng nghe gió lạnh Hết mùa thu sang đã đến ngày đông Những hàng cây xanh đón em áo lộng Bây giờ ta nhìn khói trời mênh mông Trời còn in dấu chim xa nguồn Đời còn bay những cơn mưa phùn... 

Bài hát Tuổi xa người, Từ Công Phụng: 

Một mình đi lang thang trong mùa đông rét mướt nghe bơ vơ hồn mình lạc loài Buồn dậy lên trên dung nhan gầy xanh của tuổi trên tháng ngày hằn vết đời mình Trời mùa Đông hong khô đi niềm tin sỏi đá trên đôi tay này mình còn gì Và giòng sông trôi đi vô tình mang tất cả cuộc đời này của người hay tôi 

Bài Bây giờ tháng mấy cũng do nhạc sĩ Từ Công Phụng sáng tác 

Mai đây anh đưa em đi về, mưa giăng chiều nắng tàn cho buốt lạnh chúng mình. Em ơi, thôi đừng hờn anh nữa, nhìn nhau buồn vời vợi, để mùa đông buốt giá bờ vai mềm. Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em? Anh đi tìm mùa xuân trên đời Mùa đông chết đi rồi mùa xuân mắt em đẹp trời sao cho mình thương nhớ nhau. 

Hoặc bài Tình khúc mùa đông (Tiếc Thu), của nhạc sĩ Thanh Trang: 

Mắt đã một chiều thu hoen lệ sầu Tiếng đã lạc loài trong tim nghẹn ngào Đưa em về chiều thu reo dưới gót Âm thầm từng hồi giá buốt Nghe tin đông sang... 

Vì phải xa cách người thân, nên khi nghĩ tới họ, chúng ta thường hay bày tỏ sự quan tâm một cách cụ thể bằng những hành động như đan áo, viết thơ, đến thăm... mong làm ấm lòng người phương xa trong tiết trời giá rét: 

Ðông về rồi cành cây rụng lá Chim cất cánh bay về ngàn xa Và áo len cô em gửi ra Cho người chiến sĩ mùa băng giá Xa một ngày lòng vương sầu nhớ Ðan áo ấm cho người tình mơ Vì chiến chinh xa xôi đường tơ Ai còn nhớ chăng bao lời thơ 
(Hẹn gió xuân về, Hoàng Trọng) 

Hay: 

Gởi về anh, một cánh thư em viết bên đèn khuya Thời gian len lén đi mãi không ngừng, đêm tối mơ hồ Ngày anh đi mang bao vạn niềm nhớ, mang biết bao ân tình, nhìn anh thấy giận hờn, cỏ cây cũng u buồn Riêng một mình em đau đớn xót xa.... 
(Gởi về anh, Đỗ Thu) 

Mùa đông, sau tất cả, cũng là MÙA LẠNH LẼO, một cách hiển nhiên, vì thời tiết khắc nghiệt: 

Phố núi cao phố núi đầy sương. Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn... Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông.
(Còn chút gì để nhớ, Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định) 

Từng bước từng bước thầm Hoa vòng rừng tuyết trắng Rặng thông già lặng câm Em yêu vì xa vắng Cho trời mây ướp buồn 
(Những bước chân âm thầm, Y Vân và Kim Tuấn) 

Mùa đông sắp đến trong thành phố Buổi chiều trời lạnh Heo may từng cơn gió bước chân về căn gác nhỏ Nhìn xuống công viên. Ngồi xem lá úa trên đường vắng Buổi chiều ngủ vùi Cô đơn còn theo dấu những đêm dài nghe tiếng sầu Thì thầm với nhau. Cho anh yêu em thêm một lần nữa, rồi mai giã từ Mất em đi rồi, đời vắng đi tiếng cười Mình anh ở lại trong tiếc nuối. Mùa đông sắp đến trong thành phố Buổi chiều trời lạnh Heo may từng cơn gió bước chân về căn gác nhỏ Khi mùa đông đến trong thành phố 
(Mùa đông sắp đến trong thành phố, Đức Huy) 

Xa cách, chia ly, cô đơn, lạnh lẽo càng nhiều, chúng ta càng mong được đoàn viên, sum họp với người thân khi mùa giá băng không còn nữa: 

Dù mai em đưa anh về nơi không mái tranh xa xôi lạnh lùng Một đêm có ánh sao trời cao tim nao nao Đường về xôn xao Rồi đây ai đưa em về nơi ấm êm trăng soi đầy thềm Nhìn nhau khẽ nói câu: "Thời gian trôi qua mau không phai lạt đâu" Một chiều đông bên sông Thuyền lênh đênh cặp bến Đừng qua em ơi, sông nhuốm sương chiều Một lần vương thương yêu và vui không bao nhiêu Chờ xuân tươi khoe sắc thắm muôn nơi Chiều nay nghe chơi vơi Nhìn chiếc lá sắp rơi, mưa giăng đầy trời Ngời sáng, khóe mắt em mừng vui nghe qua đêm.. Thôi đừng gọi tên.
(Một chiều đông, Tuấn Khanh) 

Vì vậy, có thể nói mùa xuân hy vọng, tin yêu ngập tràn chính là mùa đối lập 180 độ với mùa đông. Ấy vậy mà có chàng nghệ sĩ kia. (Trần Thiện Thanh)... Chờ Đông đấy các bạn ạ: 

Em ơi có phải ngoài trời đang mưa? Em ơi! có phải trời đã sang đông? Mùa đông giá băng anh đang chờ Mùa đông ái ân anh đang tìm Tìm màu áo cưới cho em... Ô hay, mắt ngọc lại buồn hay sao? Khi anh đã nguyện một đời yêu em Dù cho nét son môi phai mờ Dù cho mắt xanh kia hững hờ Và dù năm tháng phôi pha. DK Ta quen biết nhau... Khi tàn xuân Ta yêu thiết tha... Khi hè sang Và khi thu đến anh gom ánh sao Cho đêm đêm kết thành vương miện Để mùa đông đám cưới đôi mình Em ơi! xích lại thật gần bên anh.. Cho anh xiết chặt nụ cười xinh xinh Từ đây những đêm trăng thanh đầy Mình không lẻ loi không u sầu Nguyện cầu ta mãi bên nhau...

Chẳng qua mùa đông trong nhạc tình lãng mạn của Trần Thiện Thanh chỉ là một bước đệm đợi chờ, chờ phút giây được sum vầy, hạnh phúc... 

Mùa đông, ngoại trừ toàn khuyết điểm, yếu điểm như đã nêu trên, lại có một điểm sáng, cũng là một điểm cộng cho một mùa vừa út ít, vừa sinh sau đẻ muộn, đó chính là MÙA LỄ HỘI Giáng sinh và Tết dương lịch. 

Bài hát Noel tôi ưa thích nhứt có lẽ là bài Niềm tin, do Anh Bằng phổ thơ Nhất Tuấn: 

 Lại một Noel nữa Mấy mùa giáng sinh rồi Anh ở đồn biên giới Thương về một khung trời Chắc Đà Lạt vui lắm Mimosa mimosa nở vàng Anh đào khoe sắc thắm Hương ngào ngạt không gian Mấy mùa giáng sinh trước Chỗ hẹn anh chờ hoài Lần này không về được Hồi hộp đợi tin ai Em biết chăng đời lính Nắng sớm với sương chiều Gió rừng rồi mưa núi Đã làm anh vui nhiều Cùng cầu cho thế giới Cho nhân loại hòa bình Cho đôi ta gặp lại Trong một mùa giáng sinh. 

Kế nữa là bài Mùa sao sáng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông: 

Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời Người hẹn cùng tôi ngày về khi đất nước yên vui Quỳ lạy Mẹ Maria lòng Mẹ từ bi bao la Tấu khúc nhạc lên xin Ơn Trên ban cho nhà Nam Từng mùa đông trước qua mùa đông tiếp theo sau này. Người bạn còn đi mà niềm tin vẫn thắm trên môi... Đêm nay tôi nhớ người chưa trở lại Chênh chếch mùa sao lạc loài Ôi những mùa sao lẻ đôi Cho tôi thương nhớ mùa sao ngày nào Thương những mùa sao hồng đào Ôi những mùa sao cách xa... 

Một bài hát Giáng sinh hầu như ở cửa miệng của tất cả chúng ta mỗi dịp Noel đến, thật đáng ngạc nhiên, lại là một bài hát thuần Việt, do Minh Châu và Hải Linh đồng sáng tác, đã từng bị lũ con nít quỉ hát ầm xóm thành: Đêm đông lạnh lẽo Chúa chun vô mùng...

Đêm đông lạnh lẽo chúa sinh ra đời Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Trong hang Bê lem ánh sáng tỏa lan tưng bừng Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng...

Mong rằng những khúc đông ca thánh thót, du dương, dặt dìu sẽ góp phần làm cho dịp cuối năm của chúng ta bớt đi vẻ u mặc, và điểm tô cho năm mới sắp sang được thêm những sắc màu tươi thắm, hầu có thể giúp chúng ta sốc lại tinh thần, bước vào một năm 2020 đầy thành công mỹ mãn. 

Trần Thị Phương Lan    
(Bút nhóm Hoa Nắng)   
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét