Khi định viết một bài cảm nghĩ về những ca khúc mùa hạ, mùa mà tôi cũng rất yêu thích trong năm, chỉ xếp sau mùa xuân, tôi đã tự hỏi lòng kỳ này sẽ viết theo kiểu nào đây:
1/ phân loại nhạc: nhạc tiền chiến, nhạc xưa, nhạc trẻ, nhạc Bolero…?
2/ phân loại theo tác giả: ăn khách, viết nhiều, lừng danh, ít được biết tới...?
3/ phân loại theo sở thích cá nhân: thích nhiều, thích ít, không thích…?
4/ phân loại theo từng giai đoạn cuộc đời tôi: thuở ấu thơ, thời niên thiếu, lúc trưởng thành…?
5/ phân loại theo thời gian, thời cuộc: trước 1975, sau 1975…?
6/ phân loại theo kỷ niệm: sâu đậm, nhạt nhòa…?
7/ tùy hứng?
Sau bao suy nghĩ mất công nhức đầu thêm, tôi đành viết theo kiểu thứ 7: thích gì viết nấy, nhớ đâu viết đó, và bao gồm tất cả các loại nói trên, như thuở ban đầu tập tành viết văn đăng bài trên báo Tuổi Hoa, lúc kiến thức viết văn vỏn vẹn chỉ mới được thày cô giáo huấn rằng, một bài tập làm văn phải gồm đủ ba phần: mở bài, thân bài và kết luận!
Những mùa hè tuổi nhỏ trong ký ức dưới Châu Đốc là những buổi tối không khí trong nhà nồng nực, vì vậy người ta túa hết ra trước cửa, túm năm tụm ba trò chuyện với hàng xóm. Trong nhà chỉ có tiếng radio đọc tin tức với bác trai ngồi trên ghế đẩu, tay phe phẩy chiếc quạt nan. Có khi là tiếng những người ca sĩ hợp ca bài Hè về hay Mùa hợp tấu của Hùng Lân, hoặc bài Khúc Ca Mùa Hè của Canh Thân với tiếng đàn mandolin vui tươi, rộn rã, một khúc hát vương ngàn sắc hoa, khiến tôi luôn liên tưởng tới Châu Đốc mỗi khi ca khúc này vang lên, dù đang ở bất cứ nơi nào. Trẻ em trai mền quê thì thường rủ nhau đi bắt dế bắp hay cà cuống dưới những ngọn đèn đường, bỏ vào những thùng sắt tây đã từng là những thùng đựng dầu lửa. Chúng tôi cũng hay quây quần quanh người lớn láng giềng như ông Tụng lục sự để nghe kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, tiếng nói cười rộn rã râm ran khắp hàng ba trong đêm hè tỉnh nhỏ, dưới tàng cây nhạc ngựa hoa vàng li ti thơm phức, mà chúng tôi thường nhặt bỏ vô lon ngâm với một ít nước lã để làm dầu thơm! Trái nhạc ngựa khô rơi xuống, tách ra thành nhiều mảnh, gõ xuống mặt đường nhựa nghe lóc cóc. Chúng tôi cũng thường đuổi bắt những trái sao dầu quay vòng vòng trong không khí như chong chóng trước khi hạ cánh, trong những buổi chiều hè thật lãng mạn ở miền quê yêu dấu đó. Cũng có khi chị San, chị họ lớn của tôi sẽ dắt tôi và chị Tâm, chị họ nhỏ, tới nhà bạn của chị San, hình như là chị Lệ, rồi cả bốn người sẽ đi uống nước rau má hay sinh tố để giải khát, trước khi ra bờ sông ngồi hóng gió. Đường đi qua những ngôi nhà có trồng nhiều loại hoa được chăm chút cẩn thận, như hoa dừa cạn trắng tím, hoa mẫu đơn màu cam, có cả giàn dây leo xanh mướt, trái nho treo thành chùm lủng lẳng. Mùi đất ướt do nước tưới cây xông lên mũi để lại trong tôi những thoáng hương mùa hạ dịu dàng khó xóa nhòa. Có những buổi chiều hè anh Chính, anh họ của tôi, đạp xe đạp chở tôi ra nhà sách để chọn mua những bài hát, có in hình minh họa thật đẹp của những họa sĩ Kha Thùy Châu hay Duy Liêm, để về tập đánh đàn Tây ban cầm. Đây là giai đoạn những bài hát ảo não Lưu bút ngày xanh, Nỗi buồn hoa phượng của Thanh Sơn, Mùa chia tay của Duy Khánh ra đời:
Rồi chiều nay hè trở về đây
Phượng thắm ơi phượng thắm rơi đầy
Lại cách xa nhau chín mươi ngày
Hay là một thế kỷ dài
Mà lòng ai đang khóc ai.
Một ngày nào mình mới gặp nhau
Phượng đã phai ve chẳng ru sầu
Mà áo xưa nay vẫn tươi màu
Sân trường rũ bóng âu sầu
Khóc đời chia rẽ tình sâu.
Mai đây đường ngược đường xuôi
Nhớ nhau trong đời xin cứ tìm lại lưu bút thôi ...
Nhưng tôi lại ấn tượng hơn với những bài hát khác cũng xuất bản trong giai đoạn này, dù không nhắc nhở gì tới mùa hè, như bài Mưa chiều kỷ niệm của Duy Yên, Quốc Kỳ; Anh về một chiều mưa của Anh Thy và Duy Khánh:
Giữa lòng mưa chiều người đã về đây
Gió bạt núi rừng tìm cánh hoa phai
Người về, quê hương xanh ngàn lá,
Hoa xuân vương mầu má người em ngóng chờ
Có phải chúng mình hẹn ước từ lâu
Sẽ trọn bước đời đẹp ánh trăng sao
Để chiều mưa thôi rơi sầu não
Hoa tươi lên mầu áo Buồn vui có nhau
; bài Sầu đông của Khánh Băng, và nhất là bài Tôi đi giữa hoàng hôn của Văn Phụng vì luôn khiến tôi mường tượng ra bờ sông Châu Đốc, cũng những cơn gió hè lồng lộng như Bến Bạch Đằng trên Sài Gòn.
Tôi cũng thích so sánh cuộc đời với lăng kính vạn hoa, mà chủ nhân của nó là "ông Trời": "đứa trẻ đành hanh quá ngán", lần này đã ném trả tôi từ tỉnh lỵ êm đềm Châu Đốc về nguyên quán Sài Gòn, mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông. Về đứng giữa thành phố náo nhiệt, ồn ào, xô bồ, bụi bặm, với những tòa buildings cao ngất ngưởng, mang những cái tên nghe rất kêu, và những người bán hàng rong ngồi quạt than nướng những chiếc bánh tráng, bánh phồng trên vỉa hè, giữa những dòng xe cộ tấp nập qua lại như mắc cửi:
Chiều xóa Thành đô
Thế nhân bàng hoàng
Giọng hát lời ca
Ôi sao nhịp nhàng
Dừng trên hè phố Lòng ta thầm nhớ những chiều lá rơi, lá rơi bên thềm nhà
(Đường chiều, Hồng Duyệt)
Người về người đi hoàng hôn một lối Đường một đường hai chiều đưa vào tối Trời cao gào gió đầy Hàng cây cùng ghế dài Nào ai lẻ bóng Nào ai thành đôi? Đời mình là con tàu qua nhiều bến Mà thăng trầm như trùng dương nổi sóng Trời mây là lữ hành Biển khơi một nỗi niềm Bàn tay còn trắng Lòng không tình thương Gió băng gối mộng Sương trắng chăn mơ Gió khua ngõ hồn Mưa ướt tâm tư Biết ai tâm sự Ghế lạnh lùng chờ Những chiều vàng mờ Đại lộ hoàng hôn phồn hoa ngập nắng Thời gian thường vô tình theo đời sống Ngày xanh thì khuất dần Chiều rơi nhuộm tóc vàng Mà trong lòng thấy còn thiếu tình thương...
(Đại lộ hoàng hôn, Y Vân)
Buổi sáng trước khi cắp cặp tới trường, tôi thường được nghe một bài hát do Ban Thăng Long (?) hợp ca trên radio tên là Hương nắng huy hoàng của Hương Huyền Trinh, rộn ràng vui tươi, rất thích hợp để mở đầu một ngày mới, và cũng gợi nhớ tới những ngày xanh mùa hạ đã qua nơi tỉnh lẻ: Nắng đang về, ngày tươi xanh xanh ngát bao-la. Nắng huy-hoàng đùa vui lướt trên muôn cành hoa. Nắng tưng-bừng đàn chim non đang líu-lo ca. Nắng về đây, kìa hương nắng đang gieo chan-hòa. Nắng đang thắm tô ngàn nơi. Nắng gieo muôn ngàn lối. Kìa xem bao đôi môi hồng. Nắng, hương nắng huy-hoàng...
Tôi cũng rất yêu quí ca khúc Nhắn bạn ngày hè của Minh Kỳ, thường được hát vào dịp cuối niên học trong lễ phát phần thưởng, nhắc nhớ một thời áo trắng học trò hoa bướm thơ ngây; nhạc phẩm Thuỵ khúc của Vũ Thành với âm hưởng nhạc cổ điển qua tiếng hát Kim Tước: Hè tàn úa, vấn vương tia nắng cuối mùa, hấp hối bên đồi Trời vừa chớm thu, ố hoen mây chiều, gió vàng hắt hiu Chiều dần xuống, tâm tư chan chứa mối sầu cô lữ u hoài Ngàn thông bóng nghiêng, khẽ ru triền miên..., bài Mái trường xưa của Phạm Mạnh Cương: "Chiều nay bơ vơ bên mái trường. Về đây tìm lại phút mến thương.Trường vắng bóng dáng bao hàng xoan mơ màng. Mộng hoa niên chôn trong mái trường xưa...."; bài Mùa Ly biệt của Nhật Bằng; và bài Mùa phượng rơi (tác giả khuyết danh) do Hoàng Oanh đơn ca: Mùa phượng rơi rơi, mùa biệt ly lắm buồn tiếc xa vời. Nhìn phượng rơi rơi, lòng bâng khuâng nói mà không thành lời. Đường hoa lối ấy cầm tay nhau cười trong nắng bồi hồi...
Có một khoảng thời gian chúng tôi phải ở nhờ nhà một người bà con xa, trong một con hẻm ngoằn ngoèo, lầy lội, để chờ xây xong nhà mới. Xóm lao động với những đứa trẻ suốt ngày ở trần chơi đánh bài, choảng nhau hoặc cãi lộn chí chóe, có đứa lại học bài miệng gang ra nghe riết khiến ta cũng thuộc bài lây!; người lớn, không chịu thua kém, cũng mở radio điếc tai hàng xóm với những bài cải lương rền rĩ ai oán, hay những khúc nhạc Bolero được nghe miễn phí nhất là vào giấc trưa, như bài Phượng buồn của Nguyễn Vũ, Trong tiếng hát ve phượng hồng là hoàng hậu đó Phượng buồn vì tình đã tan theo sóng biển nổi trôi Giờ trong tim tôi, màu hồng không phai phôi Xuân qua hè tới ta nhớ nhau luôn phượng ơi, hay bài Kỷ niệm nào buồn của Hoài An: Ngày đôi ta quen nhau tuổi còn thơ, đi học chung một giờ Nhặt hoa đem cho nhau ghim vào thơ..? Thời gian qua trôi mau không ngừng đâu Mỗi mùa hoa phượng đầu, tiếng ve kêu gợi sầu Phút chia tay rầu rầu Tiếc thương riêng mình biết, hoặc tìm trong mắt nhau... Dù nguyên do đâu duyên không thành đôi những buồn vui cuộc đời, nói sao cho cạn lời Nhớ thương lâu dần vợi. Giấu trong tim chuyện cũ gửi vào mây gió trôi... Hay bài Gởi cánh mây trời của Mạnh Phát qua tiếng hát Phương Dung, đã gieo vào lòng tôi một nỗi buồn xa xăm, man mác: Mây
ơi có về miền biên giới xa Cho nhắn mây đôi lời Vầng trăng khi khuyết
khi đầy Mà mối duyên mình tròn mãi không bao giờ vơi Lạnh lùng nghe đàn
reo Tư Mã Trong nhạc thắm với mộng phồn hoa Chiều lại chiều mây bay
thiết tha Dù xuân mộng thắm trôi qua Thương cánh mây trời bao la...
Vào khoảng tết Mậu thân, tôi thường được nghe những bài ca cộng đồng hay tuyệt vời của phong trào Du Ca của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, thường được trình bày qua tiếng hát ca sĩ Diễm Chi như bài Xin chọn nơi này làm quê hương, Đường Việt Nam, Những bàn chân (nhạc sĩ Phạm Duy), Vui cảnh mùa hè (nhạc sĩ Hoàng Trọng):
Trời hồng tươi Gió reo thơ nắng vui cười
Làn mây tơ vắt lưng trời lửng lơ
Hè về đây khắp nơi phượng vĩ rơi đầy
Lòng say say với nắng hè ngất ngây
Mùa hè ơi gió êm ru đến lưng trời
Dịu lòng tôi lắng tâm hồn chơi vơi
Rồi hai anh trai của tôi cũng đến tuổi mới lớn, và tập tành lên trung tâm Sài Gòn chơi, với những chiều bát phố, những buổi coi phim tại những rạp hát xịn "cấm trẻ em dưới 16 tuổi" như Rex, Vĩnh Lợi, Lê lợi..., bỏ tôi và thằng em út lại với những rạp chiếu bóng trong con phố cũ: Thế rồi mùa hè qua từ đấy Tạm biệt nhau ngày ấy Thương nhớ trong tim đầy Biết đâu ngày vui mau chóng tàn Giã từ nhau muộn màng Phượng tàn trên hè phố Nhìn trăng khuya tránh bên mái lầu Cánh phượng đã nhạt màu Ép trong lòng tay sầu... (Thế rồi một mùa hè, Phạm Mạnh Cương) hay bài Tóc em chưa úa nắng hè cũng do Phạm Mạnh Cương sáng tác, nhưng được trình bày qua giọng ca Sĩ Phú , người ca sĩ/phi công của đô thị hoa lệ Sài Thành, vô cùng điển trai và tài hoa nhưng lại bạc mệnh, một thời thần tượng của tôi: Em buông lơi tóc thề Tìm mê theo cơn lốc về Em như mưa nắng hạ Hôn bờ biển xanh sỏi đá. Anh lang thang dấu giầy Vòng tay em cho đã đầy. Men yêu đương rũ rượi Mây trời phong kín trùng khơi. Rồi cánh phượng hồng rơi Chơi vơi ngàn lối. Mỏi đường tình ái Con sóng khuya xô về Ngậm ngùi sỏi đá Nuối tiếc trôi qua...
Vì không được phép xem phim "người lớn" khi chưa tới 16 tuổi, tôi đành ngồi chầu rìa nghe hai anh say sưa kể lại chuyện phim, sau những lần hai anh đi xem phim về. Một thời vàng son của phim ngoại quốc hay tuyệt vời mà tôi đành bỏ lỡ, vẫn vang danh đến tận bây giờ, cùng với những khúc nhạc phim cũng xuất sắc không kém: Chỉ yêu một mùa hè, Tình thù rực nắng, Romeo và Juliet, Love story, Soleil Rouge, và nhất là Hè 1942 với nhạc phim là bài The summer knows êm như một giấc mộng!
Những mùa hè rực rỡ trong dĩ vãng đã trôi qua rất lâu rồi, nhưng những khúc ca mùa hè bất hủ vẫn mãi còn đó, vượt cả thời gian lẫn không gian, là những mảnh sắc màu tươi thắm, trong lăng kính vạn hoa cuộc đời.
Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)