Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019

GIAO THỪA SAO QUÊN - Hoàng Ngọc Tuấn




- Ông đừng nhắc đến ngày Tết nữa. Cứ xem lịch là biết chứ gì, đêm mai là đêm Giao Thừa... Nhưng tôi không muốn nghe những chuyện đó... 

Nàng nói một cách lạnh lùng, môi nàng bình thản nhấp một chút rượu. Chàng để ý ly này là ly Martini thứ năm mà nàng uống. Hơn một tiếng đồng hồ trôi qua, nàng vẫn ngồi bất động trên chiếc ghế bành đặt sát góc tường. Trong phòng chỉ có ánh sáng mù mờ vì được thắp bằng đèn cầy, mỗi bàn một cây nhỏ. Ban nhạc chơi không ngừng nghỉ, đều đặn những điệu chậm chạp nhẹ nhàng, chập chờn từng cặp ôm nhau khiêu vũ trong bóng tối. 

Những ngày cuối năm, người ta tổ chức tiệc tùng ăn nhậu liên miên, ở đâu cũng tưng bừng náo nhiệt. Bởi thế đêm dạ vũ tại ngôi nhà sang trọng này, thật hiếm có và khác hẳn những chỗ ồn ào khác. Một bầu không khí lịch sự và êm ấm, khách khứa đều trông có vẻ tươm tất đứng đắn. Tấm thiệp mời ký tên bởi một ông nhà giàu nổi tiếng và sành điệu. 

Một người bạn đưa chàng đến đây. Rồi y biến mất trong đám người để tìm một người đàn bà y đã hẹn trước. Chàng tìm một chỗ ngồi khuất lấp kín đáo nhất, chỉ gọi người bồi đem rượu một lần, rồi chàng không lui tới xê dịch gì nữa, không chào hỏi gì một hai người quen mà vì say mê nhảy họ cũng không để ý đến chàng. 

Khi mắt chàng đã quen với bóng tối, đã nhìn thấy rõ ràng một vài khuôn mặt, chàng nhìn thấy nàng. Một người đàn bà chưa hề quen biết. Nàng cũng ngồi một mình như chàng, cũng uống rượu, nhưng không hút thuốc lá. Chàng không thấy rõ chiếc áo dài của nàng màu gì nhưng có lẽ là một màu vàng sẫm. Tóc nàng bới cao, trông có vẻ là một người đàn bà đã có chồng, nhưng có lẽ là không phải, bàn tay nàng một khi cầm chiếc ly đưa lên môi không thấy mang nhẫn cưới. Thỉnh thoảng một cô gái đến nói cười với nàng một chút rồi bỏ đi, chắc là cô bạn của nàng. Một vài người đàn ông đã đến mời nàng khiêu vũ, nhưng chàng thấy nàng nhẹ lắc đầu từ chối. 

Khi chàng gọi người bồi rót thêm rượu cho nàng, nàng nhìn chàng nói : "Cám ơn". Chàng trả lời bằng một câu nói thông thường, rồi chàng gợi chuyện bâng quơ một vài câu thông thường, nàng trả lời vắn tắt theo điệu xã giao thông thường. Và hết, chỉ có thế. Khi chàng muốn nói chuyện nhiều hơn một chút, như nhắc đến ngày Tết sắp tới, nàng có vẻ khó chịu và buồn bực. 

Nàng ra dấu không bằng lòng với đề tài loại đó. Chàng im lặng không biết nên nói thêm một lời nào, chàng hút một điếu thuốc và chợt nhớ cái câu nói thật chán ngắt: 

- Xin lỗi... khói thuốc có làm cô khó chịu không? 

Nàng lắc đầu. 

- Chắc cô cũng biết hút thuốc? 

Nàng vẫn lắc đầu, nhưng nhẹ đưa tay tỏ ý muốn nắm lấy bao thuốc lá. Nàng cầm một điếu. Chàng nghiêng mình gần lại định quẹt lửa cho nàng nhưng nàng đã châm thuốc bằng đốm lửa nhỏ của ngọn nến. 

Nàng chợt nói: 

- Lúc nãy ông vừa nói gì? 

- Cô đã nói là không muốn nghe.

 - Ông cứ nói lại đi. 

Giọng chàng đều đều: 

- Tết, mọi người đều về với gia đình. Cả nhà thao thức suốt đêm trong đêm Giao Thừa. Rồi sáng sớm mồng một, những ngày nghỉ ngơi thong thả, uống rượu và đánh bài suốt mấy ngày đêm... 

Nàng hơi mỉm cười: 

- Ông thích những thứ đó lắm sao? 

- Ai cũng thích cả. 

- Tôi tưởng khi mình còn nhỏ mới thấy thích. 

- Lớn rồi cũng thích chứ. Nhưng sợ không có được nữa. 

Nàng dịu tắt điếu thuốc, hỏi nhanh: 

- Thế bây giờ ông còn có được những điều đó không? 

- Điếu thuốc của cô chưa hết sao đã... 

- Ông còn có được cái Tết như hồi xưa không? 

- Không.

Chàng lặng lẽ uống một hớp rượu, hơi hối hận vì đã mở đầu cho những chuyện về ngày Tết. Thật ra, chàng cũng không thích đề tài loại này. Nhưng bây giờ, nàng có vẻ không chịu ngừng lại: 

- Tôi cũng thế. 

Chàng hỏi: 

- Bao lâu rồi? 

- Bao lâu... cái gì ạ? 

- Cô hiểu mà... Nghĩa là đã bao nhiêu năm rồi cô không được... 

- Tôi hiểu. Có lẽ gần mười năm. 

- Lâu quá nhỉ. 

Nàng lắc đầu, chàng không hiểu ý nghĩa của cử chỉ đó.

Người bạn chàng bỗng trở lại, đem theo giới thiệu một cô gái cho chàng, nhưng chàng nói chàng không muốn khiêu vũ, chàng cám ơn và nói hãy để chàng ngồi yên một mình. 

Khi người bạn đi khỏi, nàng nói:

 - Ông định ngồi đây có lâu không? 

- Chắc là lâu. Khi nào người ta về hết. 

- Ông có ý định tìm một người bạn nào để trò chuyện hay nhảy với ai không? 

- Không. Cô vừa biết rồi. 

Nàng lặng yên có vẻ suy nghĩ đắn đo một điều gì. Rồi nàng bỗng hỏi thật bất ngờ: 

- Ông thích nghe tôi kể chuyện không... 

Chàng mỉm cười: 

- Thích chứ. Hồi nhỏ tôi vẫn thường nghe mẹ tôi kể chuyện cổ tích đến mê mẩn. Trước khi đến đây, tôi cũng vừa đọc một cuốn truyện... 

- Như thế nào? 

- Đại khái có một người đàn ông khi biết được người tình của hắn, một người đàn bà có chồng, hết lòng yêu hắn thì nàng đã chết. Trước đó, hắn tưởng người đàn bà ấy yêu người khác, hắn xa nàng vì quá ghen tương, ghen với cả chồng nàng. Chìa khóa của câu chuyện là một tập nhật ký của nàng mà hắn đọc được khi đã muộn... 

Nàng có vẻ lưu ý: 

- Rồi sao nữa? 

- Còn gì nữa. Đến đó là hết chuyện. Như thế là "Kết Thúc Một Chuyện Tình", truyện của Graham Greene. 

Nàng thở dài: 

- Thế là ly kỳ hơn chuyện của tôi sắp kể rồi. 

- Tôi không thích những gì "ly kỳ, éo le" đâu. 

- Thế thì được. Nhưng gần Tết rồi, ông có ngại nghe chuyện buồn không? 

Chàng lắc đầu. Nàng quay sang nói một cách tự nhiên: 

- Ông cứ ngồi gần lại tôi... Tôi bắt đầu dây, ông có thể ngủ gục nửa chừng nhưng đừng ngắt lời hoặc hỏi gì cả.

Chàng nghe theo lời nàng, nhưng khi sắp nhìn thấy mặt nàng rõ hơn, nàng bỗng thổi tắt ngọn nến cắm trên bàn. Nàng trở thành một bóng đen. Chàng không còn nhìn thấy gì hết. 

Chỉ có giọng nói của nàng, và tiếng kèn đồng của người nhạc công dã dượi lan đi khắp căn phòng. 

- Cũng kỳ cục thật. Tại sao tôi lại kể cho ông nghe... Tôi đâu quen biết gì ông... Năm đó, tôi được mười tám tuổi, học lớp đệ nhị tại một trường nữ tư thục ở tỉnh X... Thuở làm học trò thật là vui. Mỗi khi tan trường, tôi và vài ba đứa bạn gái thân nhất còn dạo một vòng ven bờ sông. Thế là bao nhiêu gã thư sinh lò dò theo sau một đoàn, xầm xì bàn tán, mà tôi chắc đó chỉ toàn là những lời trầm trồ ca tụng. Thỉnh thoảng một anh chàng nào đó bạo miệng nhất thốt lên vài lời bâng quơ. Tụi tôi chỉ khúc khích cười hay bĩu môi chế diễu, cặp sách nặng trên tay nhưng người vẫn thấy nhẹ nhàng lâng lâng nhờ ngọn gió mát thổi từ bến sông. Những tà áo trắng của bọn tôi quấn quýt vào nhau. Hồi đó, tôi chỉ thích mặc áo dài trắng. 

Trong nhà, tôi là đứa con gái út. Anh đầu của tôi chừng hai mươi bốn tuổi, theo học năm cuối ở Đại Học Sư Phạm. Kế đến là chị tôi, lớn hơn tôi ba tuổi, chị học Văn Khoa nhưng ghi danh cho vui chứ ít khi đến trường, chị phải lo hết mọi công việc nội trợ trong nhà vì mẹ tôi mất sớm. Ba anh em chúng tôi thân nhau như bạn bè, anh tôi chẳng hề mở miệng la mắng tôi một tiếng, còn chị tôi thì săn sóc cho tôi từng ly từng tí. Bao nhiêu kiểu quần áo nào đẹp nhất in mẫu trong báo Pháp, chị đều sưu tầm để may cho tôi. Từ ngày mẹ tôi mất, ba tôi trở nên trầm ngâm, ít nói. Miệng ông không bao giờ rời ống vố đầy khói thuốc lá, cái thú thứ hai còn lại là đánh bài. Ba tôi đã xin về hưu nhưng gia đình tôi sống khá sung túc nhờ huê lợi của một căn nhà lớn cho thuê ở phố, nhà tôi dọn về một nơi yên tĩnh hơn.

Trong căn nhà nhỏ ấm cúng, gia đình tôi sống quây quần với nhau thật hạnh phúc. Mỗi đêm, ba tôi đánh bài với mấy người quen thân, gồm vài ông công chức trong Tòa Tỉnh. Trong những người này, tôi chỉ biết có anh Lê, vì anh là giáo sư ở trường tôi, mặc dầu anh dạy ở lớp trên.

Anh Lê thân với mấy anh em chúng tôi nhất. Anh đã lớn, khoảng gần bốn mươi nhưng có lẽ nhờ làm nghề dạy học, anh vẫn còn hiểu biết khá nhiều về lớp người trẻ, anh nói chuyện rất vui, thường chọc chúng tôi cười luôn và thỉnh thoảng anh còn chỉ vẽ thêm bài vở cho hai chị em tôi.

Ba tôi rất khó tính nên tôi ít bạn, cũng ít khi được đi chơi đâu ra khỏi nhà mà không có chị đi kèm. Bạn gái, tôi chỉ có một hai đứa lâu lắm mới lại chơi một lần, còn bạn trai thì hoàn toàn không. Thỉnh thoảng vài anh chàng gửi thư cho tôi theo địa chỉ nhà con bạn, tôi đọc thấy hơi thích thú nhưng dĩ nhiên không bao giờ trả lời, tôi cất tất cả vào một chiếc hộp bánh nhỏ. Chị tôi cũng biết chuyện này, chị nói đùa cứ cất dành để lúc nào làm luận lấy ra mà "tham khảo", nhưng đến khi nào đi lấy chồng thì nên đốt hết. "Đàn ông hay ghen vặt lắm", chị nói thế với cái điệu từng trải làm tôi nhạc nhiên, tôi thấy chị đã có ông "bồ" nào đâu. 

Đó... tôi sống bình thản với khung cảnh gia đình như thế. Mỗi đêm, khoảng chừng mười hai giờ là sòng bài "thân mật" của ba tôi bế mạc... Khách khứa kéo nhau ra về, chỉ còn lại anh Lê. Tôi chạy lại anh reo lên: 

- Anh Lê ăn nhiều không, "lì xì" cho em đi. 

Anh Lê gượng cười lắc đầu. Trông anh thật tội nghiệp, đầu bù tóc rối, mắt đỏ sâu vì thiếu ngủ, anh chơi bài thường đêm nào cũng thua, may lắm mới huề. Anh chậm chạp đến ngồi thu mình trong chiếc ghế bành lớn, co hai chân lên đầu gối, miệng ngậm ơ hờ một điếu thuốc lá. Lúc này, trông anh thật khác với vẻ nghiêm nghị chững chạc khi ở trường học. Nhưng nhìn anh dưới dáng vẻ thứ hai này, tôi cảm thấy mến anh hơn. 

Anh Lê mỉm cười với tôi, chậm rãi nói: 

- Khui cho anh một chai bia đi Út. 

Anh vẫn gọi tên tôi như các anh chị thường gọi. Tôi hăng hái mở tủ lạnh, làm cho anh một ly bia, rồi bắc ghế ngồi cạnh anh. Đợi anh nhấp một chút bia xong, anh sẽ nói chuyện với chị em tôi thật hào hùng cho đến khuya. Tôi đã học thuộc bài và chưa thấy buồn ngủ, tôi rất thích có người trò chuyện cho vui. Ba tôi thì thường lặng lẽ đi ngủ khi hết đánh bài, anh trai tôi suốt ngày cứ cắm đầu vào sách, chị em tôi thì ngày nào mà không thủ thỉ tâm sự, rồi cũng hết chuyện. 

May mà có anh Lê, là người thông cảm với tôi nhất, anh lại khéo nói chuyện, khéo gợi chuyện nên lâu ngày anh là người tôi thân nhất trong nhà. Không những chuyện học hành thôi, mà có những "tâm sự" gì về tình cảm tôi cũng kể cho anh Lê nghe. Anh mỉm cười, còn đùa tôi thêm mấy câu hay khuyên răn vài điều. Anh rất sành tâm lý bọn trẻ nên đôi khi anh giải thích, phân tách những tâm trạng còn mơ hồ băn khoăn của tôi thật hay và tế nhị. 

Mấy lúc sau này, vì thường đánh bài đến khuya và nhà anh Lê ở xa, nên anh ngủ lại nhà tôi. Ba tôi cũng rất quý anh Lê. Ông nói anh ấy là người tài cao, học rộng, đạo đức nhưng vì liêm khiết và hơi cao ngạo nên khó thích hợp giữa thời đại bon chen tranh giành này. Ba tôi cũng hài lòng khi thấy mấy anh chị em tôi thường thân mật với anh Lê. Ba nói anh Lê có thể chỉ vẽ cho chúng tôi nhiều điều bổ ích. Anh "truyền lại" những kinh nghiệm trong đời dạy học của anh cho anh tôi, anh giảng giải những đoạn khó hiểu trong "cours" văn chương và triết của chị tôi, và sau hết, anh kèm cho tôi môn Toán. Tôi học ban B, năm nay lại phải thi Tú Tài I nên tôi rất chuyên chú đến môn chính này.

Cứ thế, tôi cảm thấy đầy đủ sung sướng trong gia đình. Gia đình tôi bây giờ có lẽ phải kể thêm anh Lê mới đúng, anh gần như là người trong nhà, một ông anh thứ hai của tôi ngoài anh ruột tôi. 

Nhưng rồi một ngày kia, đời tôi thay đổi. Chàng đến... 

Anh trai tôi xưa nay ít thấy chơi thân với người bạn nào. Bỗng dưng một hôm anh dẫn về nhà một người bạn trai, nói là học cùng lớp với anh. Ở nhà lúc đó thật vắng, ba tôi nằm trong phòng riêng, chị tôi bận bịu bên chiếc máy may, đo cắt áo. Trên phòng khách chỉ còn lại một mình tôi. Tôi phải "đại diện" chào người bạn của anh tôi, pha trà rót nước mời hắn uống theo đúng phép lịch sự.

Không hiểu sao, anh tôi lại nói: 

- Út, mày ngồi đó tiếp chuyện với anh Trần một chút. Tao đi tắm cái đã, nóng quá.

Và anh tôi bỏ đi vào nhà sau. Tôi hơi lúng túng một chút, nhất là chưa gì mà gã con trai xa lạ này lại nhìn tôi mỉm cười có vẻ như là thân mật lắm. Nhưng tôi cũng phải ngồi xuống ghế, gần hắn, không biết phải "tiếp chuyện" như thế nào. Gã tên Trần và tôi ngồi một lâu mà không ai lên tiếng, tính tôi vốn ít nói và dè dặt trước người lạ. Tôi nhìn lơ đi tận đâu đâu rồi bỗng nhiên tôi có cái cảm giác hơi nhột nhạt tôi quay lại và bắt gặp đôi mắt của Trần nhìn chăm chăm vào tôi. Bị bắt "quả tang" đang nhìn trộm, đáng lẽ hắn phải nói câu gì để chữa thẹn, nhưng không, hắn vẫn im lặng nhìn tôi. Tôi thấy nóng mặt, ngượng ngùng lẫn hơi khó chịu. Tôi gượng thản nhiên nói: 

- Mời anh uống nước kẻo nguội... 

Lần này Trần mới tỏ vẻ lúng túng, vì nhìn lại trên bàn tôi mới biết hắn đã uống sạch tách trà to tướng từ lúc nào rồi, chưa đợi ai mời cả. Tôi cầm bình trà định rót thêm cho Trần, tôi muốn làm bất cứ một cử động gì để không khí khỏi ngột ngạt. Tôi ngạc nhiên, bình trà nhẹ bỗng. 

Bây giờ Trần mới lên tiếng sau một cái đằng hắng: 

- Thôi... tôi uống hết rồi...

Thì ra nãy giờ trong lúc tôi không để ý, Trần tự động rót nước trà ra tách và uống hết tách này đến tách khác, đến sạch cả bình. Không biết ông tướng này mới đi đâu về mà khát nước thế. Tôi nhìn Trần và thấy bộ mặt hắn có vẻ khôi hài, tôi không nhịn được cười. Hắn và tôi cùng bật cười lên một lúc.

Bây giờ, không khí có vẻ dễ thở hơn, tôi hỏi: 

- Chắc anh thích uống trà lắm... 

Trần mỉm cười lắc đầu: 

- Không... nhưng tại tôi... không biết phải làm gì cả. 

Tôi cười thầm. Thì ra Trần cũng bối rối không kém gì tôi, hắn không dám gợi chuyện, cũng không biết phải làm gì nên cứ ngồi uống trà liên miên. Thế mà, lúc mới nhìn đôi mắt hắn chăm bẳm nhìn vào tôi, tôi tưởng anh chàng này "ghê" lắm.

Tính trẻ con của tôi trở lại, tôi cảm thấy tự nhiên hơn và bắt đầu nói chuyện với Trần một cách thoải
mái như với anh tôi. Thỉnh thoảng, Trần nói đùa mấy câu làm tôi phá lên cười, tôi cũng nghịch ngợm không kém. Chẳng mấy chốc, tôi và Trần đã trò chuyện với nhau rất vui vẻ và thú vị. Khi anh tôi trở lại phòng khách, tôi cũng không biết vì mải mê nghe Trần kể chuyện hắn và anh tôi cũng "theo" một cô hoa khôi trong trường. 

- Chà, hôm nay chắc trời mưa lớn. Cóc mở miệng rồi. 

Giọng anh tôi vang lên làm tôi giật mình. Trần cũng ngưng bặt câu chuyện có vẻ tiếc rẻ. Tôi xấu hổ chạy lại nắm lấy tay anh tôi, véo mấy cái hết sức mạnh. 

- Anh nói ai là cóc, hử? 

Anh tôi cười chống chế, chỉ vào Trần: 

- Tao đâu có nói mày, thật là có tật giật mình. Cóc là Trần đó, trong lớp cả năm nay tụi tao đánh cá xem hắn là người Bắc, người Trung hay người Nam mà chưa có kết quả...

Tôi hơi ngạc nhiên nhìn Trần. Nãy giờ hắn nói với tôi thao thao bất tận. Anh chàng này mà ít nói sao, và tôi đỏ mặt khi chợt nghĩ thầm chắc chỉ có tôi là "hợp chuyện" với hắn. Trần mỉm cười lần nữa, mắt không rời tôi. Tôi vùng bỏ chạy vào nhà trong, sút mất một chiếc guốc trong tiếng cười ha hả của anh tôi. 

Hôm sau, Trần đến nhà tôi hỏi anh tôi có ở nhà không. Chị tôi nói không và hắn lúng túng bỏ về. Hôm sau nữa, Trần lại đến, lần này cùng với anh tôi. Hôm sau nữa... và hôm sau nữa. Thế là suốt trong một tháng, Trần gần như đến nhà tôi ngày một. Nhờ anh tôi, bây giờ hắn đã quen biết hết với tất cả những người trong nhà. Lúc này gặp anh Lê, hắn cũng lễ phép chào: "Thưa thầy". Rồi một hôm, hắn mang cả sách vở đến cùng học chung với anh tôi.

Trần trạc tuổi anh tôi, nghĩa là hơn tôi khoảng bốn năm tuổi nhưng tính hắn còn rất trẻ con như tôi, đôi khi tôi nói đùa hắn trông như một cậu công tử bột mười bảy tuổi, và phải gọi tôi bằng chị. Nói thế chứ bây giờ khi nói chuyện, Trần đã tự xưng là "anh" và gọi tôi bằng "em" nghe rất tỉnh, kể ra thì cách xưng hô ấy cũng không có gì quá đáng. 

Tính tình gần giống nhau: ham trò chuyện không biết mệt, thích nói đùa, thích phá nghịch, thích cãi bướng... Trần và tôi dần dần hợp nhau hơn ai hết. Anh tôi lại có dịp nói đùa: 

- Bây giờ không những là trời mưa thôi mà còn có bão tố nữa. Cóc và cóc cùng nhau mở miệng...

Bão tố, có thể gọi là bão tố... nhưng tôi muốn gọi bằng một chữ dịu dàng hơn. Tôi muốn gọi đó là những hạt mưa phùn đầu mùa xuân, lăn nhẹ nhàng trên tóc mà vẫn lắng sâu vào người thấm thía. 

Yêu. Cái tiếng thật sáo và kỳ cục, nói ra thấy ngượng miệng và nghe có vẻ chướng tai nữa. Nhưng tôi biết dùng chữ gì bây giờ. Tôi thương vô cùng ba tôi, anh tôi, chị tôi nhưng tôi thấy rõ tình cảm đó khác hẳn lúc tôi đối với Trần. Ngày ấy, tôi mới mười tám tuổi, tôi không bao giờ dám dùng đến chữ "yêu", không dám nói, cũng không dám nghe lời đó. Nhưng bây giờ tôi đã già dặn lắm rồi. Nhớ lại ngày xưa, tôi không còn e thẹn gì mà không nói thẳng một cách vắn tắt: Tôi yêu Trần. 

Tôi yêu. Nhưng làm sao nhớ được bắt đầu từ lúc nào và cũng đâu lo xa chi đến một ngày tan vỡ. Không phải là "tiếng sét". Là một cánh cửa mở nhẹ nhàng mời gọi tôi bước vào, chân rón rén dẫm run rẩy như hồn bàng hoàng rung động.

Tôi biết kể những gì về Trần. Tôi yêu chàng ở điểm nào, tôi có gì cho chàng yêu... Tôi cũng không biết rõ. Có lẽ nẩy mầm từ một điều giống nhau đầu tiên: tâm hồn cả hai đều trẻ dại và nhiều mơ mộng. Chúng tôi cùng yêu cái đẹp, yêu những niềm vui đơn giản, yêu những thú tiêu khiển thật tầm thường như bao nhiêu người khác... Yêu âm nhạc bềnh bồng dịu dàng, sách hay, phim ảnh mới có những cặp tình nhân trẻ... Cũng như tôi, Trần thích màu sắc, tiếng cười đùa, bánh kẹo ngon, những tràng chuỗi hạt lóng lánh rực rỡ... Chàng nhớ từng màu áo của tôi, nhớ rõ tôi có bao nhiêu áo mặc trong nhà, và màu nào chàng thích nhất. Chàng yêu màu vàng cúc nở và vì tôi chàng yêu thêm màu lụa trắng. Chàng thích tôi để tóc dài, và mỗi lần tóc tôi cắt ngắn bớt, chàng cùng tôi chờ đợi mỗi ngày từng sợi dài thêm đôi chút. Tôi thích thấy chàng mặc áo màu xanh nhạt, tôi nói chàng đừng hớt tóc ngắn kiểu "gáo dừa", cứ để tóc dài đến gáy nhưng cũng đừng rậm rạp quá như người rừng. Mỗi lần chàng sắp đi hớt tóc đều phải ý kiến tôi: 

- Tóc anh dài quá, anh đi hớt nghe. 

- Khoan đã. Như thế là vừa rồi, đợi thêm một tuần nữa. 

Tuần sau, chàng cố ý mang mái tóc rối bù xù, hớt hải đến tìm tôi:

 - Đầu anh ngứa quá rồi. Em cho tiền anh đi hớt tóc mau lên. 

Tôi phì cười: 

- Ai bảo anh không gội đầu. Xem tóc em đây, dài hơn anh gấp đôi... 

Chàng giả vờ cãi: 

- Tại em là con gái. Tóc em càng dài càng đẹp, óng ánh như suối. 

- Anh xạo. 

Tôi bĩu môi thích thú, và tôi cũng nghịch không kém: 

- Tóc anh cũng đẹp lắm. Để em chải lại cho đàng hoàng.

Mặt chàng tươi lên. Nhưng:

- Út ơi, pha cho tao một ly cà phê.

Giọng anh trai tôi vang lên cắt đứt giây phút thích thú. Kể ra cũng nhờ anh tôi, Trần mới có dịp thân với tôi hơn. Anh tôi rủ Trần đến học chung mỗi tối ở phòng sau, tôi cũng ngồi học bài gần đó. Anh tôi dễ tính và cưng chiều tôi, anh cũng mến Trần nữa, bởi thế lúc nào cũng cắm đầu vào cuốn sách học, giả vờ như quên Trần và tôi. Chúng tôi tha hồ nói chuyện với nhau, miễn là nói nhỏ đừng để lọt lên phòng khách là nơi ba tôi đang đánh bài. Chỉ đôi khi, có lẽ thấy câu chuyện của chúng tôi sắp đến chỗ "thân mật" quá, anh tôi mới lên tiếng "phá đám" bằng cách sai tôi làm một cái gì đó hay hỏi Trần một câu vớ vẩn.

Nhà tôi và nhà Trần cách nhau có mấy con đường mà chúng tôi gởi thư cho nhau một tuần đến hai ba cái. Gởi bằng bưu điện nữa mới thật buồn cười. Vì tỉnh này chỉ có một nhà bưu điện nên có lần chúng tôi đụng đầu nhau trước thùng thư. Hôm đó tôi đi với con bạn nên Trần không dám trò chuyện gì nhiều. Chúng tôi giả vờ như hai người không quen trước thùng thư, nhưng thay vì bỏ vào thùng, tôi và Trần nhanh nhẹn đổi thư cho nhau. Về sau chàng nói bưu điện Việt Nam nên hãnh diện vì chưa bao giờ có một vụ chuyển thư với thời gian nhanh chóng như thế, phá hết mọi kỷ lục trên thế giới.

Tôi đã nói Trần vốn thích nói đùa. Chàng nói đùa nhiều khi quá lố làm người khác dễ giận, riêng tôi thì không. Có lần nhà tôi làm đám giỗ thật trọng thể với đầy đủ khách khứa lớn tuổi, Trần đến ăn uống no say, rồi nói nhỏ với tôi bằng cái giọng đầy mùi rượu:

- Nhà tổ chức tiệc tùng gì mà lớn quá, chắc là đám hỏi của em?

Tôi "suỵt" chàng một tiếng bảo nín ngay, rồi tôi vờ nghiêm nghị gật đầu :

- Ừ, đám hỏi của em đó. Có sao không?

Chàng nheo mắt hỏi:

- Của em và ai?

Tôi im lặng. Trần bốc đồng hứng chí nói tiếp:

- Chắc là của em với anh.

Tôi đỏ mặt, nguýt chàng một cái dài rồi vội bỏ đi chỗ khác vì sợ nghe thêm những lời ẩu tả của chàng. Sinh nhật tôi, Trần đem đến một bó hoa hồng đỏ tươi. Chàng tặng tôi đủ thứ nhẫn vòng, chuỗi hạt, và một chiếc trâm cài tóc. Chàng còn nói:

- Từ nay, anh tình nguyện lấy ngày sinh nhật của em làm sinh nhật của anh luôn. Ăn mừng một lần cho tiện.

Tôi cười, nhìn chàng âu yếm, rồi nói:

- Cũng được. Thế hôm nay là ngày sinh nhật của anh hả?

Tôi không biết đã mắc mưu Trần. Chàng chỉ đợi tôi nói thế là lên tiếng ngay:

- Sinh nhật của anh, em phải tặng cho anh cái gì đi.

Tôi cũng khôn không kém:

- Bây giờ em mới biết. Làm sao đi mua đồ kịp nữa?

- Thì cho cái gì có sẵn trong nhà. Cho anh chiếc "ruban" cột tóc em cũng được.

Tôi lắc đầu. Mặt chàng nặng xuống có vẻ giận. Lát sau, khi Trần về, tôi đưa tặng chàng món đồ mà tôi quý nhất. Đó là cuốn sách dày tự tay tôi khâu đóng với giấy xanh, từ hai năm nay tôi chép trong đó những bài thơ tôi thích nhất. Tôi đã cố ý gấp nếp đánh dấu ở một trang, bài thơ của Huy Cận mà giờ đây tôi chỉ còn nhớ đôi câu:

Chân bên chân, hồn bên hồn, yên lặng 
Người cùng tôi đi giữa đường rải nắng 
Trí vô tư như da thở hương tình...

Tôi vẫn muốn Trần và tôi sống mãi những ngày đầm ấm vô tư, tươi sáng rực rỡ như ánh nắng, say đắm mà giữ gìn kín đáo, nồng nào bên nhau mà lặng lẽ cho nhau.

Và hạnh phúc thay, ngày ấy tình yêu của Trần và tôi đã êm đềm trong sạch như tôi mơ ước. Chúng tôi trao nhau những cái nhìn nồng cháy đắm đuối, chúng tôi nói những lời chan chứa ẩn tình, chúng tôi cười bên nhau ròn rã như đôi uyên ương...Nhưng chúng tôi chưa hề dám có với nhau một nụ hôn, điều khởi đầu của những cặp tình nhân như tôi thường nghe nói. Đôi khi chúng tôi câm lặng nhìn nhau mắt không rời mắt, tôi như đã hôn đôi mắt chàng trong trí óc, chàng như đã uống lấy đôi môi tôi trong tâm hồn chàng.

Chúng tôi chưa có một lời ràng buộc rõ ràng nào với nhau, nhưng tôi biết cả hai đều tự nhủ kết ước đời mình với nhau mãi mãi. Chỉ một lần, Trần bạo gan buồn buồn hỏi:

- Sau này dầu em có làm gì hay em "ở" với ai, em sẽ thấy là không có ai thương em bằng anh cả.
Tôi muốn khóc. Chàng yêu tôi nhưng sao không tin tưởng vào lòng tôi vĩnh viễn. Tôi giận dỗi nói:

- "Ở" với ai là sao?

- Là đi lấy chồng.

- Em không muốn lấy chồng gì cả.

Trần chợt nắm lấy bàn tay tôi. Tôi khẽ nhẹ nhàng khéo léo rút ra khỏi bàn tay của chàng. Giọng chàng ngần ngại bên tai tôi:

- Vài năm nữa em có muốn "ở" với anh không?

Tôi hờn mát.

- Để nuôi vợ con anh à?

- Anh cũng không lấy vợ. Anh "lo" gả chồng cho em trước rồi mới lấy vợ sau. Đám cưới của em trước rồi mới đến đám cưới anh.

Trần ngừng lại một lát như để lấy thêm can đảm, rồi run run nói:

- Nếu hai đám cưới cùng tổ chức vào một lần thì tiện hơn. Nếu rút gọn lại được thành một đám cưới, chỉ một... của anh với em...

Chúng tôi im lặng giây lâu. Tôi biết lời chàng thành thật, tính chàng hay bông đùa nhưng vì đã quen thuộc, lúc nào chàng nói đùa là tôi biết. Và lần này, sự thành thật đã làm chàng nói một cách khó khăn, ấp úng như đứa trẻ. Trần nhắc lại:

- Em bằng lòng không?

Tôi cúi đầu. Tôi mong được chàng hiểu cho tôi cả những điều không thể phát thành lời nói. Tôi ngập ngừng tháo chiếc nhẫn vàng xưa của mẹ mà tôi thường đeo ở ngón áp út, tôi nắm chặt giấu kín trong lòng bàn tay và hướng về phía chàng.

Cả hai bàn tay tôi đều nắm lại, còn e dè đặt trên bàn. Có tiếng chân của anh tôi trên nhà đi xuống. Trần trở lại với thói quen tinh nghịch, chàng vui vẻ nói lớn như trẻ con đố:

- Xầm xì may rủi... Bửa củi nấu ăn... A... tay này.

Và chàng gỡ những ngón tay của tôi ra, lanh lẹ cầm lấy chiếc nhẫn cất ngay vào túi. Ngày hôm sau, tôi thấy Trần lúc nào gặp người khác đều bỏ một tay vào túi quần, chàng sợ người ta biết. Chiếc nhẫn của tôi hơi nhỏ nên chàng đeo ở ngón út bàn tay phải.

Cứ thế, tháng ngày qua đều đặn nhưng không còn tẻ nhạt nữa. Mỗi ngày của tôi đều mang một màu sắc mới sống động. Rồi mùa xuân gần tới...

...

Đến với nhau vì cùng trẻ tuổi, nhưng chúng tôi dần dần khổ sở với nhau vì tôi và Trần đều quá trẻ người non dạ. Chúng tôi có nhiều tự ái, bướng bỉnh, mau nóng giận và hay nghi ngờ không ai thua kém ai. Nhất là Trần, chàng bồng bột phóng lớn tình yêu của chàng biến thành một cái gì thật vĩ đại và toàn bích. Chàng nói đến những điều tuyệt đối, lý tưởng, tuyệt vời gần như ảo mộng. Chàng đòi hỏi quá nhiều, chàng muốn nhận được tất cả vì nghĩ rằng chàng đã cho tất cả. Rồi không khi nào chàng cảm thấy hoàn toàn mãn nguyện hài lòng về tôi. Chàng tìm những lý do để tự vò xé chàng. Một cử chỉ vô tình thờ ơ của tôi cũng trở thành nặng nề như một vết thương làm đau lòng chàng. Chàng trở nên khó tính, nóng nảy, ngờ vực gần như si dại. Chàng ghen thật vô lý. Chàng ghen với tất cả những người đàn ông nào không phải là ba tôi hay là anh ruột của tôi. Chàng ghen với cả anh Lê. Sau này khi gặp anh, chàng chỉ lạnh lùng gật đầu chào rồi đi thẳng, không nói một tiếng. Và thế là, trong tình yêu, nụ cười vui đã dần dần bị thay thế bằng những nét nhăn sâu buồn bực trên trán và đôi mắt đỏ.

Và để "trả thù" tôi, Trần úp mở nói cho tôi biết đời sống tình cảm bừa bãi của chàng. Chàng nửa đùa nửa thật kể cho tôi nghe những chuyện chàng đi tán tỉnh cô này cô nọ. Chàng giả vờ thành thật nói chuyện một cách tự nhiên, và dễ ghét, rằng chàng đang có một hai cô bồ nào đó.

Tôi cảm thấy giận và khó chịu, nhưng ngoài mặt vẫn bình thản như thường. Tính tôi vốn dấu diếm tình cảm rất giỏi. Tôi còn cười cười ra vẻ thích thú, hỏi thêm về những "người yêu" của chàng, tôi cũng không ngớt lời ca tụng những người đẹp ấy. Không ngờ vì thế mà Trần giận thêm, chàng nói rằng tôi có trái tim bằng sắt, rằng tôi coi thường chàng quá và chàng bực tức dọa rằng chàng sẽ chứng minh cho tôi thấy "sắt" không bao giờ được yêu thương cả.

Trần lớn hơn tôi vài tuổi, dĩ nhiên tôi cũng biết chàng có thể có người yêu nào đó trước khi gặp tôi. Tôi không phải là tình đầu tiên của Trần, nhưng tôi tin tưởng rằng hiện nay chàng chỉ yêu có mình tôi. Chỉ có tôi là người duy nhất của chàng, và chàng sẽ không bao giờ yêu ai khác ngoài tôi nữa. Không biết vì lý do gì mà tôi tự tin một cách vững chắc như thế. Không phải vì lý do sắc đẹp. Trong trường, trong lớp, tôi biết mình không phải là người đẹp nhất. Ở nhà, tôi cũng nhìn nhận chị tôi có dáng dấp yêu kiều, quyến rũ hơn tôi. Huống gì tỉnh này còn biết bao người đẹp khác nữa. Trần là đàn ông, chàng có thể quen biết một vài cô. Nhưng... tôi vẫn tin chàng chỉ có mình tôi, chỉ nhìn thấy tôi, chỉ nhớ chỉ nghĩ về tôi, ngay cả khi chàng giận dữ nói chàng "sắp sửa" quên tôi rồi. Có lẽ nhờ tình yêu nồng nàn bộc lộ không hề che dấu của chàng mà tôi tin như thế. Một gã sở khanh có thể tán tỉnh nhiều người bằng những lời nói lặp đi lặp lại giống hệt nhau. Nhưng không ai có thể nhìn đến hai người với chỉ một ánh mắt. Trần lặng lẽ cho tôi hết tất cả màu mắt chan chứa yêu thương, say đắm, hân hoan, hờn dỗi của chàng... Chàng không thể lặp lại ánh sáng sống động xôn xao ấy cho một người nào khác.

Chỉ tiếc là chúng tôi yêu nhau, nhưng vẫn đi trên hai lối khác. Tôi che dấu bớt tình yêu của mình còn chàng thì say sưa bộc lộ quá nhiều tình yêu của chàng, để rồi chàng tính toán một cách trẻ con mà bảo rằng chàng "thua lỗ".

Như đã nói, tính tôi cũng bướng bỉnh không kém gì Trần... Khi nghe nói đến những người yêu nào đó tưởng tượng hay có thật của Trần, lập tức tôi nói chuyện về những người bạn trai của tôi cho Trần nghe. Thỉnh thoảng nhắc đến tên của người nào đó, tôi mỉm cười một cách bí mật. Thế là Trần nghi ngờ hỏi:

- Tại sao em cười?

- Bộ anh cấm em cười à? Thích cười là cười.

- Nhưng tại sao khi nói đến tên "thằng" X... em lại cười có vẻ thích thú lắm? Còn anh...

Và Trần nói lớn một tràng dài:

- Trần, Trần, Trần, Trần... Đó, sao em không cười đi?

Chàng đã vô lý như thế làm sao tôi nói gì được. Tôi im lặng và lạnh lùng không nói gì nữa. Trần lại tìm thêm một cớ khác:

- Chắc em có nhiều bạn trai gởi thư cho em lắm.

Tôi đáp:

- Không nhiều. Vừa thôi.

- Vừa là sao? Ngoài thư anh ra, em còn nhận thư hay viết thư cho ai nữa không?

- Có chứ.

Trần như nổi điên:

- Em trả thư anh hết lại cho anh.

Tôi cắn môi, lắc đầu:

- Em không trả. Ai bảo anh không chịu suy nghĩ kỹ trước khi gởi cho em. Gởi rồi là không được quyền đòi lại.

- Chữ của anh viết tại sao anh lại không có quyền. Trả lại cho anh.

Trần nói với giọng như người đòi nợ làm tôi tức, tôi trả lời:

- Em làm mất hết rồi.

Trần sững sờ giây lát, rồi chàng bỗng nói một cách dịu dàng:

- Thôi, cũng không sao. Để mai anh đem trả lại cho em tất cả thư từ gì em gởi. Anh không muốn nhận, không muốn giữ cái gì của em nữa.

Những lời nhẹ nhàng đó làm tôi nhói đau nhè nhẹ, mắt tôi cay nóng và hình như tôi đã khóc. Tôi quay đầu đi, nói nhỏ:

- Khỏi cần trả. Anh đốt hết đi.

Trần có vẻ ngần ngại rồi lấy ra trong túi một lá thư. Chỉ nhìn sơ qua ngoài bì tôi biết ngay là lá thư tôi vừa gởi cho chàng tuần trước, tôi còn nhớ trong đó tôi viết cho chàng những chuyện thật vớ vẩn: "Hôm qua em đi học về, trời mưa lớn và đường trơn quá, em suýt trợt té xuống ao đó... Anh biết không?", và "... Mấy ngày nay trời mưa hoài thích quá. Tự dưng em muốn anh đến thăm em ngay bây giờ, nếu đến chậm quá lỡ... em chết đi thì sao. Anh biết không... chà, anh mà biết gì... anh vẫn nói anh ghét trời mưa lạnh lắm, thật trái với em... Anh nhớ không. Và ở xứ này, dầu anh ghét hay thích, trời vẫn cứ mưa mãi..."

Trong khi tôi đang mơ màng nghe lại những lời cũ của chính mình, Trần bỗng đột ngột đưa cho tôi lá thư, chàng lạnh lùng nói:

- Em đốt trước một cái cho vui.

Tôi khóc. Tôi không còn muốn nhường nhịn gì Trần nữa. Tôi đi đến bên cánh cửa sổ, quẹt diêm đốt lá thư và nhìn tro tàn bay tan tác theo gió dần xa mất biệt.

Và thế là, tôi, có lẽ cả Trần nữa, chúng tôi đã đốt cháy nhiều thứ lắm.

Chúng tôi tránh mặt nhau trong nhiều ngày. Xa cách thật giá lạnh như mùa đông, và làm mùa đông của chúng tôi kéo dài bất tận.

Nhưng bên ngoài, tiết trời vẫn tuần tự. Dù muốn dù không, mùa xuân vẫn tới.

Đêm Giao Thừa, hai chị em tôi sửa soạn ủi mấy chiếc áo dài mới. Những chiếc áo len lấy từ trong rương thơm mùi long não. Tuy không còn mẹ, nhưng nhà tôi vẫn có đầy đủ những thứ cho ngày Tết. Bánh chưng, bánh tét, mứt me, mứt sen, mứt dừa, trà rượu... Chị tôi đang dọn sẵn sàng. Một cành mai nở hoa vàng do anh Lê đem lại biếu cho ba tôi, rực rỡ trong chiếc bình cổ được chùi rửa bóng loáng. Mấy ngày gần đây, không hiểu sao anh Lê có vẻ buồn, anh ít nói hơn với chị em tôi. Và nhất là với tôi, thỉnh thoảng tôi bắt gặp đôi mắt của anh lén nhìn một thoáng nhanh rồi quay đi. Anh Lê vẫn đánh bài hằng đêm ở nhà tôi, anh vẫn thua luôn như thường lệ, nhưng dạo này anh uống rượu nhiều hơn trước. Cứ mỗi khi sòng bài tan, anh ngồi lầm lì uống rượu li bì đến khuya mới uể oải đi ngủ.

Gần mười một giờ tối. Đêm nay, ba tôi nghỉ đánh bài sớm, ông rút vào phòng đóng kín cửa. Anh tôi ở trong phòng riêng, dọn dẹp sách vở và cũng chịu khó chải lại bộ Veston bảnh bao của anh để ngày mai "diện" vào. Chị tôi ở trong phòng tắm, chị đang gội đầu "tất niên" bằng nước bồ kết và nói có để dành cho tôi một ít.

Trên phòng khách chỉ còn lại anh Lê và tôi. Tôi đang đọc một tấm thiệp chúc Tết "làm hòa" của Trần, chàng nói chàng sẽ đến xông đất nhà tôi vào sáng mồng một hay có thể là trong đêm Giao Thừa, trước khi mọi nhà đều đóng kín cửa.

Anh Lê ngồi hút thuốc liên miên, chai rượu Mai Quế Lộ trước mặt anh đã vơi một nửa. Tôi tiến lại gần bên anh, gợi chuyện cho anh vui nhưng anh chỉ thở dài, lặng câm không nói.

Đôi mắt anh đỏ sâu lờ đờ nhìn không chớp vào mắt tôi. Tôi hơi sợ và bối rối. Hôm nay anh có vẻ gì thật khác lạ. Bỗng anh Lê cầm lấy tay tôi. Tôi để yên, thỉnh thoảng anh Lê vần xem chỉ tay cho tôi. Anh vẫn thường vuốt tóc tôi, véo má tôi hay cầm tay tôi đùa nghịch như anh trai vẫn thường đùa với tôi.

Nhưng lần này, anh Lê nắm tay tôi thật lâu và không có vẻ gì đùa giỡn cả. Anh còn siết chặt mấy ngón tay tôi thật đau. Tôi mỉm cười, nhẹ gỡ tay anh ra nhưng anh vẫn không buông. Cánh tay kia của anh bỗng quàng lên vai tôi kéo lại gần, tôi cảm thấy mái tóc của tôi bị những ngón tay của anh lùa vào quấn quýt. Anh bỗng run run nói, tôi chỉ nghe mập mờ vì trống ngực tôi đang đập thình thịch lo sợ, nhưng tôi vẫn nghe và hiểu rõ những lời nói của anh. Anh nói anh yêu tôi. Tôi bàng hoàng như nằm trong mơ. Không phải là một cơn ác mộng, cũng không phải là một giấc mộng đẹp. Tôi sững sờ. Anh Lê lớn hơn tôi gần hai mươi tuổi, và anh cư xử một cách tự nhiên trong nhà tôi khiến không ai có thể gán ghép anh với chị tôi nữa chứ đừng nói với tôi.

Tôi bất động, không biết phải làm gì hay nói gì cả. Trong lúc đó, anh Lê ôm chặt lấy tôi, anh hôn vào má tôi...

Bỗng có tiếng cửa mở và tiếng chân chạy vào. Tôi bừng tỉnh, vội giằng anh Lê ra... nhưng không kịp nữa. Trần đã nhìn thấy. Khuôn mặt Trần tái xanh, kinh ngạc, đau đớn lẫn hung dữ. Chàng ném mạnh bó hoa huệ trắng đang cầm trên tay, bỏ chạy ra khỏi nhà. Tôi kêu lên:

- Trần ! Trần ! Trần ! Không phải... không...

Nhưng Trần không trả lời. Tôi chạy vội nhìn ra ngoài cửa sổ. Trần đang chạy như người điên băng qua đường và biến mất trong bóng tối.

Tôi bật khóc, đứng suy nghĩ một lát rồi vội vàng xuống mở cửa nhà. Tôi không kịp mặc thêm áo choàng hay áo mưa gì cả, tôi đi gần như chạy đến nhà Trần. Tôi biết chỗ Trần ở, cách nhà tôi không xa, chàng ở chung với một người dì góa chồng và chàng có phòng riêng.

Trời đêm cuối năm mưa lất phất nhưng rét căm căm. Tôi lầm lũi đi, lạnh run rẩy, tóc tai ướt mèm, bóng tối hoang mang dễ sợ và có vài tiếng chó sủa nghe thật ghê rợn.

Tôi nhìn thấy phòng Trần còn ánh đèn. Tôi không e dè như mọi khi, mở cửa bước vào. Một quang cảnh hỗn độn bày ra trước mắt. Trần xáo tung, đạp đổ sách vở áo quần vứt bừa bộn trên nền nhà. Chàng đang tìm một cái gì đó. Tôi nắm lấy cánh tay chàng, khóc lóc: 

- Trần... anh nghe em nói đã. 

Chàng hất mạnh tay tôi ra, mắt chàng long lên sòng sọc điên cuồng khiến tôi lùi lại. Chàng hét lên: 

- Còn nghe gì nữa? Anh đã nghe người ta đồn đại lâu rồi mà không tin, giờ mới thấy tận mắt... 

Tôi ôm lấy mặt, lắc đầu. Trần lục tìm được một xấp thư của tôi viết cho chàng. Chàng xé tan từng lá rồi ném những mảnh giấy bay tung vào mặt tôi. Chàng gằn giọng nói: 

- Anh ghê tởm em.

Tôi chỉ biết khóc. Mọi khi tôi vẫn không giải thích được cho chàng hiểu một điều gì, huống chi là lúc này, chàng gần như quẫn trí.

Trần bỗng chợt nhớ chiếc nhẫn của tôi đeo ở ngón tay út chàng, chàng nóng nảy tháo ra nhưng không gỡ được. Chàng nắm tay, đấm liên hồi trên mặt bàn, bàn tay chàng rướm máu sưng vù nhưng chiếc nhẫn chỉ trầy trụa chứ không gãy ra. Chàng như điên dại, đấm tay vào mặt kính ở cửa sổ. Tôi hoảng sợ la lên, bàn tay Trần bị mảnh kính cắt tươm đầy máu trong tiếng vỡ của thủy tinh loảng xoảng, chiếc nhẫn vẫn không rời ra. Chàng đấm mạnh vào mặt kính vỡ một lần nữa. Tôi rú lên, định ngăn chàng nhưng không kịp... nắm tay của Trần đã đập mạnh vào một cạnh sắt nhọn của mảnh kính chĩa ra... chàng la lên một tiếng đau đớn... Ngón tay út của chàng ngập đầy máu đỏ, có lẽ là bị đứt lìa, chàng ôm lấy bàn tay quỵ ngã xuống đất... 

... 

Vài năm sau, anh tôi có dịp đi Saigon. Anh về kể cho tôi nghe tình cờ có gặp được Trần trong đó. Anh buồn bã nói Trần bây giờ đã khác hẳn hồi trước, chàng sống hết sức bê tha và trác táng, chàng dính dấp với những người đàn bà tồi tệ, và đêm nào chàng cũng say khướt qua những quán rượu. Anh tôi gặp Trần ở một quán nước đường Tự Do, chàng rất vui mừng khi gặp lại anh tôi nhưng tuyệt nhiên chàng không nhắc nhở đến ngày xưa nữa. 

Tôi chẳng đổ lỗi cho ai, tôi cũng không có lỗi gì trong chuyện tan vỡ này. Năm sau, chị tôi đi lấy chồng. Đến năm hai mươi tuổi, tới lượt tôi, lấy một người mới quen sau này do nhà chọn lựa. Hai năm sau, tôi ly dị. Và từ đó đến nay, tôi sống một mình, đi làm việc và sống tự lập. Tôi cũng không trở về với gia đình nữa, ngay cả trong lúc Tết đến. 

Tôi thường nghe nói đến những cuộc hôn nhân tốt đẹp không cần có tình yêu. Riêng tôi thì không thể. Đối với tôi, tình yêu khởi đầu cho tất cả mọi sự, nuôi dưỡng được tất cả mọi sự. Đàn bà không phải lúc nào cũng trẻ đẹp mãi mãi, thời gian sẽ làm chóng tàn tạ. Chỉ nhờ có tình yêu, chút nhan sắc mong manh của người đàn bà mới được nhìn thấy, được gọi tên, được trở thành cái đẹp vĩnh cữu.

Nhưng tôi chỉ yêu Trần. Mất chàng, là tôi mất hết tình cảm lớn lao đó. 

Tình yêu, niềm tuyệt vời và bí ẩn ấy tôi không biết và cũng không muốn biết đến hai lần. Thật kỳ lạ... Tình yêu... là cái gì nhỉ? Kính trọng hay thương hại cũng không phải là tình yêu. Có lẽ chẳng bao giờ hiểu rõ hay định nghĩa được, chỉ có thể ví dụ. Tình yêu, như tôi đã yêu Trần. Và tôi tin rằng ở một nơi xa nào đó, đến nay, Trần cũng sẽ nói như thế. Tình yêu đối với chàng, có nghĩa là...như chàng đã yêu tôi. 

Nàng uống cạn ly, nói tiếp: 

- Đã gần mười năm qua kể từ đêm Giao Thừa năm ấy. Ông thấy đó, như thế làm sao tôi còn có thể sung sướng hân hoan gì trong mấy ngày Tết. Hàng năm, cứ đến Giao Thừa là tôi sợ hãi, uống rượu đến say mèm để không nhớ gì đến kỷ niệm. Nhưng làm sao quên Giao Thừa đó được. May mà đêm nay gặp ông, tự dưng tôi kể ra hết mọi chuyện, tôi hy vọng là đêm mai tôi sẽ nhẹ lòng bớt mà ngủ yên. Còn Trần.. tôi không hề gặp lại một lần. Và nếu chỉ gặp thoáng chốc vội vàng, chắc chúng tôi cũng không nhìn ra nhau. Chúng tôi đều đã thay đổi nhiều. Năm tháng, nhất là sự đau đớn, làm người ta chóng già cỗi... 

Chàng thở dài, im lặng một lát rồi nói: 

- Cô có thấy người bạn hồi nãy mới đi với tôi không. Hắn hiện là chủ bút của một tờ báo. Tôi sẽ giới thiệu cô với hắn, cô nên viết lại chuyện của cô thành một cuốn truyện... 

Nàng cười nhạt, lắc đầu: 

- Không... chuyện của tôi đã động chạm đếm nhiều người nếu người ta đọc được. Có người sẽ bất bình, trách móc...

Chàng nói: 

- Người bạn của tôi bắt đầu viết văn cũng vì tình yêu. Truyện đầu tiên của hắn in ra, người yêu cũ của hắn, hiện đã có chồng, viết thư đến trách móc. Tôi còn nhớ câu hắn trả lời cho cô ấy: Đừng trách móc những chữ được viết ra bởi sự đau đớn... Có thể trách những điều đùa giỡn, cười cợt nhưng phải tha thứ cho những người đau đớn. Họ có thể làm tất cả mọi chuyện để cứu sống chính họ. Một nhà thơ... Goethe, ông ta viết xong cuốn "Những nỗi đau của chàng Werther" mới dứt bỏ được ám ảnh tự tử. Tôi nhớ mãi lời nói của bạn tôi: Đừng trách móc những chữ được viết ra bởi sự đau đớn... Cô đâu có vui gì khi kể lại chuyện đó... 

Nàng vẫn lắc đầu: 

- Thôi, bỏ chuyện ấy đi. 

Và nàng chợt rùng mình: 

- Tôi cảm thấy ớn lạnh. Có lẽ vì tôi đã uống nhiều rượu quá.

 - Để tôi nắm tay cô cho ấm. 

Chàng vội nắm lấy bàn tay nàng. Nàng nghiêm trang nói:

 - Đừng... ông đừng làm thế.

Chàng vẫn giữ chặt tay nàng trong tay mình. Giọng chàng bỗng run rẩy thốt lên, nghe đều đều âm u:

 - Cô cứ nắm lấy tay tôi một lát thôi, rồi sẽ thấy tại sao tôi làm thế. Đó... cô cứ nắm như thế... đan tay vào những ngón tay tôi... và đếm... nào một... hai... ba... bốn... tôi chỉ... thiếu một ngón tay út.

Nàng bật la lên, mắt trừng trừng nhìn vào mặt chàng, tay nàng lạnh ướt mồ hôi trong tay chàng. Nàng bắt gặp một cái gì gần như là một nụ cười quen thuộc lẫn xa xăm, âu yếm và đau thương trên khuôn mặt chàng. Lúc đó, người bạn của chàng lảo đảo trở lại, y lè nhè nói với chàng: 

- Khuya rồi. Thôi bọn mình về đi, Trần. 


HOÀNG NGỌC TUẤN 

(Trích từ tập truyện Nhà Có Hoa Mimosa Vàng, An Tiêm xuất bản, 1972)  
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét