Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

CON TƯ DIÊM - Vũ Hạnh


Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa rõ là con tư diêm thuộc loài lông vũ hay là lông mao. Nó đã hiện ra ở giữa quãng đời niên thiếu ngờ nghệch của tôi đúng vào lúc nào cũng không làm sao nhớ được. Thực chẳng có gì là quan trọng hết : nó là con vật vô tình ở trong một lời hữu ý, nhưng thật vô nghĩa chừng nào. Tuy vậy ở trong cuộc đời của mỗi chúng ta, có nhiều nỗi khổ lại chẳng bắt nguồn từ những sự việc vô nghĩa đấy sao?

Con tư diêm có lẽ xuất hiện đã lâu lắm rồi, ở thời tiền sử cũng nên. Làm sao mà nó lạc loài vào giữa thế giới loài người, nằm trong văn học, thực là khó hiểu. Nó bước vào giữa chúng ta không gây ồn ào, xao động và ngồi ở giữa chúng ta lặng lẽ, điềm nhiên. Cứ theo cái lề lối ấy, chắc gì nó muốn từ giã chúng ta cho được? Nhiều khi tôi vẫn cố gắng đem cái vốn liếng nghèo nàn của trí óc mình hình dung ra nó. Tôi đã thêm lông, thêm cánh, thêm cả móng vuốt, gạc sừng thế mà con vật tư diêm vẫn không có một hình hài tạm ổn. Cái nỗi khát khao muốn biết sự thật về nó càng làm cho nó xa dần sự thực, trở thành một vật hoang đường. Dù sao, trong nhiều năm con tư diêm ấy chập chờn trước mặt đã lôi kéo tôi đi vào khá nhiều ngõ ngách cuộc đời. Cho đến một lúc, tôi những ngại rằng có người sẽ biết được nó, nói rõ cho tôi biết nó chỉ là con vật tầm thường như là con kiến, con trâu thì tôi sẽ phải thất vọng bao nhiêu! Tương tự như người trai trẻ luôn luôn muốn biết sự thực về người yêu mình, lại thấy đau khổ khi gặp được những điều ấy. Do đó, nhiều khi trong sự tha thiết đi tìm sự thực, người ta lại có tấm lòng băn khoăn che giấu sự thực rất đỗi thiết tha.

Hồi ấy, tôi còn rất nhỏ, học trường Phủ lỵ xây dựng ở ngay nơi làng mà tôi sinh đẻ. Học trò học nhiều tiếng Pháp và ít tiếng Việt, mỗi tuần lại có một giờ chữ Hán do một ông thầy vừa điếc lác vừa cà lăm truyền dạy. Nếu khéo suy diễn, người ta có thể cho rằng người Pháp đã muốn bôi nhọ nền học cổ truyền của ta bằng sự lựa chọn một người như vậy để làm ông thầy. Không rõ ông ta ở đâu, làm gì trước kia, đỗ đạt thế nào (mãi về sau này người ta mới chịu thay thế bằng một ông Tú hiền lành ở tại địa phương) nhưng xem cung cách thường ngày, người ta đến phải cho rằng ông ta chắc đã nứt ra từ gốc cây nào đó. Không phải nói thế là tôi khinh thường các vị tôn sư và đem gieo rắc ở trong sách vở một thứ tư tưởng hỗn loạn của người từ chối cương thường. Trái lại, suốt trong nhiều năm đi học tôi vẫn coi thầy như là một thứ đền thờ, một chốn bất khả xâm phạm. Thời ấy, nếu mà lỡ dại tôi nhìn thấy được thầy dạy của tôi làm một việc gì ô uế (điều này, xin thưa là tôi có dịp nhìn thấy thường xuyên) thì tôi chỉ biết nhắm con mắt lại, cúi cái đầu xuống, lắc qua lắc lại nhiều lần rồi bước thật nhanh để tỏ rằng tôi quả không dám có một cái cảm tưởng nào hết về người trời sinh để dạy dỗ mình. Nhưng cũng không phải nói thế là tôi khinh người tàn tật. Trái lại, tôi vẫn dắt gậy cho những người mù qua đường, vẫn cố đừng nhìn vào chân của kẻ què quặt và không tỏ vẻ rát cổ bỏng họng chút nào khi nói với người điếc lác vào loại kinh niên.

Tôi phải giới thiệu ông thầy của mình như vậy, là vì quả thực ông ta như vậy. Không rõ ông thầy của tôi đối với thánh hiền có sự sốt sắng nào không, nhưng đối với đàn bà góa thì thầy tỏ ra có lắm nhiệt tình. Như thế, nên xếp vào loại xâm phạm thuần phong mỹ tục hay là thực hiện chủ nghĩa nhân đạo vì đã xẻ ngọt chia bùi với kẻ cô đơn? Thú thật, tôi không dám biết. Chỉ biết từ ngày thầy tôi về dạy ở tại quận lỵ thì có lắm sự bàn tán xôn xao chung quanh cuộc đời "tiết hạnh khả phong" của nhiều góa phụ. Sự chăm sóc của thầy tôi đối với các bà quạnh quẽ ấy xem chừng đã hơi đi quá giới hạn thánh hiền chỉ định nên có một lần một bà phải kêu hoảng lên trong lúc đêm hôm khuya khoắt. Sáng dậy thầy tôi cải chính những lời đồn đại một cách điềm đạm, khả kính, cho rằng  giữa lúc tối tăm thầy tôi đã đi lộn đường, nhầm lẫn cái buồng của "con mụ ấy" với cái ảng nước sau hè. Những tiếng "con mụ ấy" thầy tôi nói bằng một giọng khinh thường rất mực, có vẻ xưa nay không hề lưu ý mảy may đến những hạng người như vậy. Cuối cùng, thầy tôi hạ lời phê phán:

- Đàn bà thức là đáo để khôn ngoan! Bất cứ dịp nào là họ cũng lợi dụng được để mà "huyên truyền" cho cái đạo đức của họ.

Cứ theo như ý thầy tôi thì bà góa ấy đã lợi dụng thầy, đợi thầy chạm vào chân giường là vội kêu lên, như tuồng có ý chờ đợi từ lâu để được có dịp phô trương về sự trong sạch lạnh lẽo của mình.

Thầy tôi nói tiếp, hùng hồn trong sự cà lăm thường trực:

- Nếu quả hôm ấy... ta có... làm điều... không phải, thì trời... hại ta... trời hại ta!

Và thầy đưa tay lên trời mà thề, có lẽ y hệt đức Khổng đã thề với thầy Tử Lộ ngày xưa, sau khi ngài vào thăm viếng một người đàn bà lẳng lơ tên là Nam Tử. Nhưng mà sau đó thầy giáo của tôi vẫn còn tiếp tục lầm lẫn nhiều lượt, khi thì tưởng chốn buồng the là cái tủ sách, khi thì đoán chắc đó là bàn thờ. Rốt cuộc, những đàn bà góa trong vùng nhất định không chịu chứa chấp thầy nữa, khiến thầy phải than thở nhiều về nỗi nhân tình thế thái và buồn khá lâu cho sự trong sạch quá đáng của mình đã làm nhiều người khó chịu. Nhưng sự phản đối của người đàn bà dù dưới bất cứ một hình thức nào, và ở bất cứ trong trường hợp nào xem ra cũng vẫn dễ chịu, cho nên thầy còn tiếp tục giảng dạy khá lâu về cái cao siêu của các thánh hiền cho chúng tôi nghe. Thực ra, chúng tôi nào có nghe gì? Và có học chữ nào đâu? Cả lớp cùng theo một sách như nhau, là khi thầy gọi lên bảng thì đọc rất lớn mấy tiếng đầu bài và rồi cứ nói lầm rầm những câu vô nghĩa ở trong cổ họng cho đến một lúc nào đó mới đọc thật to vài tiếng cuối cùng. Trong khi chúng tôi nói nhảm, ông thầy không muốn tự nhận là mình nặng tai nên cứ gục gặc cái đầu ra vẻ bằng lòng. Mãn cuộc, chúng tôi đều nhiều điểm cả. "Bọn trẻ ngày nay vẫn còn hiếu học", đại khái thầy vừa xếp sổ, vừa khen như vậy.

Nhưng thầy không sao kéo dài sứ mạng cao quí bởi vì bên cạnh những người góa phụ còn có một số đàn ông vốn mồ côi vợ xưa nay, lên tiếng chống thầy ráo riết để bảo vệ cho tiết hạnh của các bà này mà họ thấy mình mới chính là kẻ thừa kế xứng đáng hơn cả. Họ không công kích cái khoa sư phạm ở trường, nhưng rất bất bình về sự mô phạm ở nhà của thầy. "Mãnh hổ nan địch quần hồ", thầy tôi rốt cuộc phải chịu thua họ, chính lời thánh hiền cũng đã dạy thế từ đời xưa rồi. Nói tóm một câu, thầy tôi phải nhường chỗ lại cho một tôn sư thâm nho hơn nhiều, và có bộ thận suy yếu hơn nhiều. Trước khi thầy rời xóm làng yêu quí của tôi để mà hát bài "qui khứ lai từ" thì tôi vâng lệnh song thân tìm đến thăm thầy cho đúng cái tình sư đệ trong buổi phân kỳ. Tôi đến lúc trưa, đã tính toán sẵn giờ giấc, đợi thầy ăn cơm xong xuôi lên giường nằm nghỉ là tôi sẽ rón rén vào thưa gửi vài lời kính cẩn mà nghiêm đường tôi đã dạy thuộc lòng, trước là cảm ơn cái công giáo hóa lâu nay của thầy có thể sánh với bể rộng trời cao, sau là tỏ sự lâm ly đau xót khi không còn được nghe lời vàng ngọc do thầy truyền lại của các thánh hiền. Nhưng trái với sự dự đoán, khi tôi bước vào thì thầy đang ngồi trên ghế, đánh trần, khoe một cái bụng ba ngấn phong phú chất mỡ và nhịp tay quạt phành phạch vừa giảng cho một người bạn về một vấn đề có lẽ hết sức lý thú nên thấy người kia lúc nào cũng như nhổm sẵn mông lên và nheo miệng lại để chực một sự hào hứng sắp sửa bột phát. Sự hiện diện của tôi không làm cho thầy bớt đi chút nào nhiệt tâm trong phần diễn giảng. Hình như trước khi giã từ, thầy muốn đem hết kinh nghiệm bản thân truyền dạy cho người, và sự tận tụy vì nhiệm vụ ấy không cần đòi hỏi nghỉ ngơi là giấc ngủ trưa, không cần đếm xỉa đến những tình cảm nhỏ nhặt là sự viếng thăm của đứa học trò.Tôi cứ ngồi yên một chỗ, ban đầu loay hoay cố làm cho con người mình nới rộng thêm ra để thầy lưu ý mà hỏi han đến, nhưng sau biết rõ mình chỉ là một thính giả hạng bét, tôi cố thu hẹp mình lại để thầy khỏi phải bận tâm về tôi trong khi giảng giải. Hồi ấy tôi cho làm thế là tỏ thái độ tôn kính, một sự tự quên mình đi để vừa lòng thầy. Nhưng về sau này, nghĩ lại tôi thấy thật tình tôi không cao thượng như thế. Nguyên là câu chuyện của thầy hôm ấy có rất nhiều điểm hấp dẫn nên tôi cứ ngại thầy sực nhớ ra có tôi ở đó mà vội chấm hết thì uổng không biết chừng nào! Thầy nói chuyện gì? Làm sao mà tôi có thể thuật lại cho được? Có nhiều câu chuyện người ta chỉ nghe bằng thứ trực giác chứ không lĩnh hội được hết ý tình. Nhưng điều chắc chắn câu chuyện của trưa hôm đó thuộc về loại chuyện phải được nghe qua một kẽ ván hở hay một cái lỗ khóa thì mới là người... sành điệu, nói theo danh từ ngày nay. Ban đầu tôi đã tỏ ý không nghe để khỏi có sự thất lễ, vì theo khuôn khổ giáo dục của gia đình tôi thì để tai vào câu chuyện kẻ khác là mình tỏ ra mất dạy. Nhưng dần dần giọng nói cà lăm của thầy có phần quyến rũ và trong câu chuyện tôi nghe có lắm danh từ mới mẻ liên quan phần nhiều đến các cô gái, đến người đàn bà và đàn bà góa, khiến tôi lại tự trách rằng không chịu ghi nhớ lời thầy là đồ... bất hiếu, khó lòng mà tha thứ được. Tưởng nên thú thật là tôi không hiểu gì mấy về câu chuyện thầy, để cho mọi người đừng tưởng lầm là tôi thông minh quá sớm. Cố nhiên có nhiều câu chuyện không phải ở vào tuổi nào người ta cũng hiểu như nhau. Chẳng hạn như chuyện yêu đương đã được hầu hết các nhà thi sĩ bây giờ ca tụng và xem như là muôn thuở, muôn nơi, nhưng mà có phải vậy chăng? Hồi nhỏ, nếu bắt gặp anh ta hay chị ta để lọt ra một bức thư hay một tấm ảnh, dấu hiệu của sự yêu đương, hoặc bắt gặp họ âu yếm với người nào đó thì ta thích nói cho cha mẹ ta biết liền tự sự, bởi vì cảnh ấy ta cho là rất khó coi, là rất lố bịch. Lớn thêm một ít, ta lại nghĩ ngợi toàn chuyện ái ân ở trong đầu óc, và tưởng như ở trên đời chỉ có ái tình, ái tình muôn năm, ái tình bất diệt! Tất cả sự kiện quanh ta, ở dưới chân ta và trên đầu ta đều được phiên dịch thành ra tiếng nói yêu đương, kìa chim liền cánh, nào cây liền cành, nhật nguyệt giao hòa, âm dương tương hợp. Nhưng lớn lên nữa, nhiều khi vội vàng chạy theo danh vọng, đuổi bắt lý tưởng, hì hục xây dựng sự nghiệp hay đơn giản hơn, vất vả đem cái hình hài trả nợ áo cơm, ta bỗng sực nhớ đến một thứ gì thật là quyến rũ nhưng mà tốn kém, vui vẻ nhưng dễ lâm ly, cần thiết nhưng khó vội vàng, cái thứ ấy, tức là ái tình! Trên con đường đã gồ ghề giữa vùng tăm tối, lọc cọc bánh xe sinh kế ta đi, ái tình chấp chới ẩn hiện như con đom đóm nhiệm màu, nhiều khi xe ta đổ dốc quá mau, lạc lối mất con đom đóm! Và lúc vầng trán nhăn nheo, mái tóc điểm bạc, hai gối chống đỡ nhọc nhằn thân xác, chừng nghe bộ thận gầy mòn bởi niềm bải hoải sau lưng, ta bèn cất giọng khàn khàn nghiêm khắc chỉ trích những trò luyến ái, đem những gân cổ gần như tê liệt kêu gọi đề phòng, đề phòng! Ái tình thật là hiểm nguy, chí nguy! Cần phải bài trừ, tiết chế! Các nhà đạo đức thường có một điểm gặp nhau là họ đều già, đều mắc phải bệnh phong thấp, hay cùng một chứng đau lưng! Như thế, tôi không hiểu nổi thầy tôi ở vào thời ấy cũng chẳng có gì là lạ. Tôi như con ốc đang nằm trong vỏ nghe tiếng khua động rạt rào và một hơi mát nhột nhạt bên ngoài, nhưng biết sao được chiều dài sức rộng của cơn gió lớn? Suốt cả câu chuyện của thầy, bây giờ tôi không còn nhớ gì hết, ngoại trừ một câu. Số là đang cơn hăng hái thầy tôi bỗng nhiên dừng lại, nheo mặt, uốn môi, nhìn người đối diện một cách quan trọng rồi mới mở lời một cách bí mật:

- Nữ đại bất giá như tư diêm phạm thủ!

Đợi kẻ đối diện có đủ thì giờ ngơ ngác, thầy tôi ôn tồn giải thích:

- Đại phàm những con gái lớn chưa chồng là như cái con tư diêm chạm phải tay vào!

Người kia vẫn giương vẻ mặt ngờ nghệch có vẻ không hiểu cho lắm nhưng không dám hỏi, ý chừng cho rằng "không biết mà nói không biết thì thực không biết gì hết" nên phải lấy sự làm thinh để tạo một cái giá trị trí thức. Riêng về phần tôi thì cứ băn khoăn tự vấn không hiểu tư diêm là cái con gì, nó là thế nào, sinh trưởng ở đâu, nhưng vì sợ thầy nên cũng không dám nghi ngờ gì hết về cái trình độ của thầy.

Sau đó hình như thầy tôi còn nói khá nhiều nhưng chẳng chịu giải thích thêm về con tư diêm và chẳng cho biết tại sao chạm phải tay vào thì nó giống như những cô gái lớn chưa chồng. Cả cái quãng đời học hỏi với thầy, tôi chỉ thu thập được bấy nhiêu đó, thu thập ở ngoài giờ học và ngoài chương trình!

*

Con tư diêm ấy đi vào đời tôi như thế, mỗi ngày càng lớn theo với tuổi tôi và càng biến hóa ra muôn hình thể dị thường. Sự gắn bó buổi đầu chỉ do một ý tò mò của tuổi thơ ngây khuyến khích nhưng về sau này tôi nhận thấy mình tha thiết với nó vì một lẽ khác : hình như nó đã trót lỡ gây ra nơi tôi một cái ấn tượng kỳ quặc và đã chạm vào tấm lòng tự ái muốn được hiểu biết của tôi từ buổi trẻ thơ, cho nên nó thật khó lòng xa tôi, một khi chưa có hình thể và sự xuất xứ rõ ràng.

Kể ra tôi cũng đã bỏ công truy tầm nguồn gốc của nó, nhưng không sao biết rõ được. Hoặc vì những người làm ra tự điển chưa gặp gỡ nó bao giờ, hoặc là những vị thâm nho mà tôi tiếp xúc cũng chưa hiểu nó ra sao, hoặc đó chỉ là một loại danh ngôn, danh lý của ông thầy xưa bày đặt, nhưng tôi chắc chắn là ai cũng có một con tư diêm ở trong đầu óc. Nhiều khi tôi đâm hoài nghi cho trí nhớ mình, tưởng mình nhớ lộn tên gọi, nó là tư du, hay con ti diên, hay một tiếng gì na ná như thế. Tôi đã lục lọi phí công qua nhiều tự điển, cuối cùng, nghe đôi kẻ tả tư diêm là một con vật không sừng, ở giữa loại cừu loại dê, sinh trưởng tận vùng Nam hải Bắc sơn gì đó? Nhưng mà núi Bắc bể Nam là cái chốn nào. Nghe cũng mơ hồ như cái quê hương của chàng Từ Hải ngày xưa. Nhưng đến một lúc tôi mới thấy mình làm một việc buồn cười. Dù gọi bằng cái tên gì đi nữa, thì con tư diêm vẫn sẵn một cái hình thể nào đó ở trong tâm tưởng của tôi và hình thể ấy chắc rằng không còn đúng với danh từ y thực ở trong sách vở. Con tư diêm của tôi cũng đã khác hẳn với con vật ấy ở trong đôi môi bí mật của ông thầy dạy chữ Hán vào buổi trưa nào. Nơi ông, tư diêm có thể chỉ là so sánh hời hợt hay là nhận xét hồ đồ. Nhiều khi tôi đã quên bẵng nó đi, không nhớ đến con tư diêm danh từ một chút nào hết nhưng bỗng một lúc nào đó, nhìn vào sinh hoạt của mình, tôi bỗng ngạc nhiên nhận thấy thấp thoáng hình ảnh của con tư diêm biến thể đồng hóa vào trong sự sống. Nó chính là một cái gì, người ta cần phải tìm hiểu, cần phải khám phá, nó thật gần gũi, quen thuộc, nhưng rất huyền ảo, mơ hồ. Nó thành một mối khát khao bất tận, một sự thèm thuồng không sao toại nguyện, một thứ cám dỗ huyền bí nhiều khi sáng sủa, rõ ràng, nhiều khi tối tăm, xa lạ. Trong những tháng năm theo học ở các lớp trên tôi cũng chập chờn thấy nó ẩn hiện ở trước sách vở. Tôi đâm chán nản bài học nhà trường, chán những thầy dạy quen nói thuộc lòng những sách xưa cũ, bất bình với cả tiếng trống đều đặn mỗi ngày điều khiển chúng tôi ra vào ngăn nắp, không, không, đó không phải tư diêm, đó là con gà, con chó, hay là con rắn, con rồng. Tôi bỏ trường học, bỏ thầy, bỏ bạn, chui vào thư viện nhiều năm để tìm cho ra con vật kỳ quái nhưng vẫn không sao tìm thấy. Nghĩ rằng con đường tìm về hang sâu trú ẩn của nó xa xôi vời vợi mà tôi chỉ là một kẻ lên đường thiếu hẳn ngựa ký, ngựa kỳ, tôi quay tìm con tư diêm trong những ngả khác. Nhưng trong luyến ái, trong văn chương, trong sinh kế hằng ngày, tôi không bắt gặp con vật đã thành hoang đường, tôi chỉ gặp lại con gà, con chó ngày xưa lẩn quẩn bên chồng sách cũ.

*

Nói cho đúng hơn, trong sự tìm kiếm con vật hoang đường vô nghĩa tôi đã thật sự gặp khỉ và gặp thằn lằn.

Năm ấy, tôi đến Cẩm Khê vào một mùa mưa, gõ cửa một trường trung học. Ông hiệu trưởng là người lớn tuổi, có một dáng điệu yên lặng như cảnh núi rừng bao bọc quanh trường, tiếp tôi bằng sự thân mật hết sức điều độ:

- Anh thích dạy về môn gì?

Tôi đáp:

- Thưa ông, văn chương...

Ông hơi gục gặc cái đầu, đủ tỏ một ý tiếc rẻ rất có giới hạn, rồi bảo:

- Văn chương đã có người rồi. Tất cả môn khác cũng vậy, chỉ trừ mỗi môn vạn vật ở lớp dưới cùng đang còn thiếu người. Giáo sư lớp ấy vừa bị bệnh nặng, phải nghỉ. Anh đã dạy vạn vật chưa?

- Chưa dạy lần nào.

Ông nhìn vào tôi dò xét, rồi chậm rãi hỏi:

- Có nhận được không?

- Tôi nhận.

Khi ra khỏi phòng, tôi hơi ngạc nhiên về câu trả lời của mình. "Tôi nhận"... tôi nhận... là vì lẽ gì? Hồi ấy, không phải là vì lý do túng thiếu nên phải nhận liều. Không phải là vì muốn tỏ rằng mình có một khả năng tạp loại. Để có một sự hô ứng ngon lành với câu trả lời "chưa dạy lần nào" vừa thốt ra chăng? Hay bị khiêu khích bởi chính câu hỏi của ông hiệu trưởng nên quyết không muốn đầu hàng? Những ý nghĩ trên đây chắc đã chia phần trách nhiệm nhưng có một duyên cớ khác, là... con tư diêm. Nhiều năm chạy đuổi bắt nó nhưng không được gặp, tôi vẫn hy vọng có ngày sẽ gặp gỡ nó ở một nơi nào. Núi rừng vắng vẻ có thể là nơi đi lại của giống tư diêm, và ở trong môn vạn vật lẽ nào lại chẳng thấp thoáng bóng hình của nó?

Tôi còn nhớ rõ, bài dạy đầu tiên của tôi nói về loài khỉ. Loài khỉ thật quá tầm thường, chẳng có gì là đáng kể. Tôi xem rất kỹ quyển sách giáo khoa, nhớ rõ mắt tai mũi miệng của khỉ và lông và răng của khỉ đều được nghiên cứu cẩn thận bằng các tài liệu chép trên giấy trắng mực đen. Tôi cũng biết thêm các giống bà con với khỉ, nào hầu, nào vượn, nào hắc tinh tinh và đại tinh tinh. Những giống khỉ đột, những loài bú-dù... tôi đều biết cả, rõ ràng là một nhà giáo thuộc bài, có thể tự hào là người biết khỉ, hiểu khỉ hơn bất cứ ai không hiểu gì hết. Tôi đã giảng dạy đầy đủ và rất bằng lòng về mình cho đến phút cuối. Nhưng đến phút cuối, một trò giơ tay xin hỏi. Tôi cho đứng dậy.

- Thưa thầy... con khỉ có đuôi không ạ?

Con khỉ có đuôi hay không, rõ ràng là một câu hỏi hết sức bất ngờ. Bài học nói đủ về khỉ, kể cả ruột gan, dòng họ, nhưng không nói về cái đuôi. Tôi liếc lại sách vội vàng, sách không nói đến cái đuôi của khỉ (sau này tôi đã lục lọi nhiều sách giáo khoa khác nữa xuất bản ở vào thời ấy, vẫn không có một quyển nào chịu nhắc nhở đến cái đuôi). Vậy thì thế nào?

Tôi loay hoay tìm ở trong ký ức. Tôi đã thấy khỉ nhiều lần, nhiều lắm, nhưng chỉ nhớ khỉ là khỉ mà thôi, còn về cái đuôi thì tôi chẳng dám quả quyết là nó có mặt ở sau mông khỉ hay không. Chẳng lẽ danh dự dạy dỗ của mình trong buổi ban đầu đành phải tan tành vì một cái đuôi vô nghĩa này sao? Tôi đã bỏ mất nhiều năm đuổi bắt tư diêm, làm sao có thể nhớ được một cái bộ phận tầm thường như vậy ở gần hậu môn một giống tầm thường? Cuối cùng, không thể kéo dài quá lâu một sự tìm kiếm tuyệt vọng chỉ làm lộ liễu thêm sự dốt nát của mình, tôi đành mỉm cười gượng gạo, trả lời theo một phương sách nước đôi:

- ... À... ừ... khỉ vẫn có đuôi... nhưng mà... ngắn thôi.

Rồi tôi vội vàng nói sang chuyện khác để tránh cái đuôi tai hại. Tôi vẫn nghĩ rằng, theo lối nói ấy, thì dù có đuôi hay là không đuôi cũng chẳng nguy hại bao nhiêu cho cái uy tín của mình. Nhưng cách sau đấy mấy ngày, thực tế đã khéo cải chính một cách cụ thể : một đoàn binh sĩ từ núi kéo xuống đi qua trước nhà tôi trọ và ở trên vai một người tôi kịp nhìn thấy một con khỉ nhỏ với cái đuôi dài vắt ngang qua cổ anh ta. Khỉ đã có đuôi, y như con bò có sừng, con ong có cánh, sự hiển nhiên ấy không phải dễ gì thừa nhận ngay được ở trong thế giới hoang đường của giống tư diêm. Tôi lại đến lớp, lúng túng khá lâu mới nở nụ cười cố làm ra vẻ tự nhiên cải chính những điều tôi đã lầm lẫn với đám học trò chất phác.

Sau này tôi được biết khỉ gồm loại đuôi dài và loại không đuôi. Cái kiến thức ấy, hầu như ai cũng rõ, trừ những lớp người mơ hồ theo kiểu của tôi. Giá như khi học trò hỏi, tôi biết nói cách nước đôi như thế thì tôi dễ thành một người u mê thông thái chừng nào! Và kể từ đấy, ở trong thế giới hoang đường của giống tư diêm không có loài khỉ ngắn đuôi.

Bài dạy sau đó học về thằn lằn, tôi đã đề phòng rất kỹ và sẵn sàng nói về đuôi thằn lằn rất lâu, nếu có một ai đề cập đến nó. Xong bài, lại một em bé giơ tay:

- Thưa thầy...

- Lại hỏi về cái đuôi à?

- Thưa không... Thưa thầy, thằn lằn mỗi lần đẻ mấy trứng ạ?

Thằn lằn đẻ trứng, sách vở đã dạy như vậy, nhưng đẻ mỗi lần bao nhiêu thật chưa nghe nói bao giờ! Tôi liếc lại sách, sách vẫn nghiêm nghị tảng lờ điểm ấy. (Những sách giáo khoa sau này tìm đến cũng không có một quyển nào nói tới cái điểm mà học trò tôi muốn biết. Nhờ thế tôi mới dần dà tìm thấy ở trong sách vở có sự vô tình gần như tàn nhẫn đối với khá nhiều sự việc ở đời). Trong lúc tôi đang bối rối thì nghe những tiếng xì xầm dưới lớp: "hai trứng" "hai trứng" khiến tôi rất mực hoang mang. Cuối cùng, hiểu mình không thể tìm tòi ở chỗ nào nữa, tôi phải vừa nói vừa cười:

- Cái đó còn tùy đấy các em ạ. Hễ con nào mạnh thì đẻ được nhiều. Đến con người ta mà có khi đẻ sinh đôi, sinh ba nữa đó.

Hơn một tuần sau, khi người chủ trọ giở nhà lợp lại, tôi mới có dịp nhận thấy ở trên đầu một số cột, từng cặp trứng trắng xinh xinh nằm sát bên nhau. Tôi chợt hiểu rằng những học trò nhỏ biết nhiều hơn tôi về môn vạn vật. Tháng ngày chúng sống ở nơi ruộng đồng, rừng núi, quan sát cuộc đời một cách trực tiếp, thành thật, không có bận tâm theo đuổi một con tư diêm nào cả nên chúng ghi nhận sự vật một cách chắc chắn. Những bài dạy tiếp sau đấy càng làm cho tôi thấy rõ tôi đã lạc loài vào một thế giới hoang đường. Nếu tôi chỉ bằng lòng ở cái kiến thức sách vở và không cho phép học trò hỏi han gì hết, thì chắc tôi vẫn có đủ quyền uy của một ông thầy học rộng hiểu nhiều. Khốn nỗi, từ xưa tôi vẫn đi tìm kiếm con tư diêm để ra khỏi vòng dốt nát vô cùng vô tận của mình, làm sao tôi lại có thể đồng lõa với sách vở được? Ban đầu, suýt nghĩ đã tìm được nó, tìm được nó rồi. Nó chính là môn vạn vật mà tôi giảng dạy phiêu lưu hằng ngày cũng như cái môn văn chương mà tôi giảng dạy trước kia, những cõi hoang đường, xa lạ tuy rất quen thuộc, gần gũi. Phải chăng đó là một loại tư diêm, người ta nhắc đến thường xuyên nhưng không có một ý niệm thật rõ là gì? Phải chăng đó là những thứ kiến thức nói rất dài dòng để không cho ai ý hội về một điểm nào xác thực, càng ngày càng làm cho sự hiểu biết con người cách xa với những sự đời trước mắt?

Không, không, cái con tư diêm của tôi không phải như vậy. Nó không chỉ là một thứ hoang đường, hấp dẫn tưởng tượng, nhưng còn là một cái gì có thật, làm cho chúng ta thắc mắc, băn khoăn. Những giờ vạn vật đã cho tôi thấy ở trên đời vẫn có hai loại tư diêm: một thứ tư diêm lẩn quất trong các sách vở, trong những mộng ảo, trong cõi phù phiếm, nuôi sống bằng những cỏ hoa tưởng tượng và uống nước suối thần tiên chảy về từ một ngọn đồi vô tư mọc trên cánh đồng đau khổ của nhiều con người ; một thứ tư diêm ở giữa cuộc đời, bàng bạc khắp trên sinh hoạt, mang cả màu đen và trắng trên cái thân hình gồ ghề nhưng mà vĩ đại chừng nào! Loại tư diêm này lớn lên bằng giọt mồ hôi, bằng cả nước mắt và bằng máu nữa, của những tiếng nói âu lo và những tiếng cười hy vọng, vỗ cánh phi thường quạt trên lịch sử những cơn gió lớn và bám móng vuốt sâu xa vào trong thịt da cũng như tâm não con người. Như thế, loại tư diêm ấy ở trong đời sống của học trò tôi, tức là con khỉ có đuôi và con thằn lằn đẻ ra hai trứng.

Từ đấy, tôi quyết bỏ con quái vật ngày xưa để về với một sự sống có một hình thù rõ rệt. Trong mỗi giờ dạy, tôi bắt đầu biết mình phải làm gì. Ở vào những điều kiện ấy, tôi chỉ mượn các quyển sách giáo khoa để làm một thứ điểm tựa và giao cho học trò tôi chọn lấy bài học. Ngày mai học về loài cá thì họ phải tìm hiểu các giống cá trước khi đến trường, học về loài rắn thì họ phải nghiên cứu các giống rắn. Họ sẽ tìm hỏi bao nhiêu bí ẩn ở trong vạn vật trước mặt, theo những kinh nghiệm và những nhận xét của cha mẹ họ, của người xóm giềng, của kẻ quen thuộc. Tôi không tách rời họ nữa, tôi đề ra những tiêu chuẩn để họ nên theo trong khi quan sát và tổng kết lại những gì họ tìm tòi được vốn thật phong phú khác thường. Cố nhiên, trong sự tổng kết, tôi vẫn thỉnh thoảng bắt gặp những con tư diêm ngày trước thấp thoáng trong đó những thứ hoang đường, mơ hồ gán cho sự vật và tôi hăng hái rứt lông, nhổ cánh cho nó trở lại với cái hình hài dễ ngắm nhìn hơn.

Nhiều khi tôi cũng chán nản vì biết rằng mình không sao có đủ tài năng để vẽ một con tư diêm về loại thứ hai cho thật rõ ràng. Nhưng sự chán nản phục thiện vẫn có chút gì an ủi hơn sự chán chường tuyệt vọng theo đuổi tư diêm về loại ban đầu

Hoang đường và thực tế, băn khoăn siêu hình và âu lo hạ giới, cao đẹp phỉnh lừa và thô sơ liêm chính, đó là hai con tư diêm trong mỗi chúng ta, hai con tư diêm tháng ngày gây nên đau khổ, va chạm, nhưng cũng đồng thời làm cho sáng tỏ sự sống nhiệm mầu.


9-1963       
VŨ HẠNH    

(Trích từ tập truyện ngắn Chất Ngọc, Cảo Thơm xuất bản, 1964)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét