Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

TRƯA NÀO, THỜI NÀO


Cùng với những cơn mưa tháng bảy, nước trở lớn. Con suối làng tôi bình thường chỉ sâu đến ngực, sau vài trận mưa rả rích đột ngột dâng cao đến ngập kín những mảnh vườn nhỏ chung quanh. Nước mênh mông trắng xóa. Đứng trên mô đất cao, bọn nhỏ chúng tôi thích thú thả câu. Trên giòng nước lấp loáng đó, gỗ mục trên miền cao lũ lượt đổ về. Tôi chỉ thấy ngọn trâm giữa giòng, những chiếc lá bám đầy bùn đất, cùng các ngọn tre rũ rượi.

Theo mùa nước lớn, các chú chim bói cá từ đâu bay về thật nhiều. Chúng thật quyến rũ tôi. Với bộ lông xanh mướt, đôi mắt nhanh nhẹn láo liên chờ mồi, khi có động tĩnh dưới nước, chú ta cắm vụt xuống, lúc lượn lên đã có một con cá lòng tong trắng bạc. Tội cho cá, dãy dụa một chút đã nằm gọn trong bao tử chàng bói cá. Một lần Cúc, cô bạn nhỏ cùng lớp ba với tôi, nói chim bói cá ác quá, thấy ghét. Trông đẹp đẽ như vậy mà ác quá, thấy ghét. Trông đẹp đẽ như vậy mà ác nhơn thất đức. Có hôm, Cúc thấy chú bói cá tha con cá bay đi, Cúc hỏi nó bay đi đâu. Tôi nói nó mang về cho con nó. Ở đâu vậy? Nó làm tổ ở mấy bụi lau, gốc tre. Cúc chắt lưỡi, coi vậy mà thương con quá hén! Thấy thương ghê. Đó, tuổi nhỏ là thế đó. Chúng tôi sống hồn nhiên, bình dị như thế. Với lòng rộn rã tình thương.

Có những năm tựu trường sớm, vào mùa nước lớn quả là một điều thú vị. Trường tôi học ở làng bên, cách một giòng suối và một rừng cao su. Đi học sớm, từng bọn năm sáu đứa. Qua những ruộng môn, ao rau muống với khúc bánh mì trên tay. Vừa đi vừa thò tay vào các giọt sương đọng trên lá môn. Đến cây cầu nhỏ, đi hàng một qua suối. Khi nước lớn, tôi được thêm tiền đi đò. Một đồng cho hai ngày đi về. Ngồi trên thuyền cả chục đứa, thò tay xuống nước đùa giỡn các ngọn lá. Thích thú vì tưởng tượng đang đi trên các cành cây, ruộng đất thường ngày. Qua đoạn đường nước, đến rừng cao su. Chúng tôi chạy băng băng trong đó, len lỏi theo từng gốc cây, chân trần đạp lá. Chạy và gọi nhau vang vang một buổi sáng. Đến trường lại thổ hồng hộc. Rồi chơi giỡn. Học. Buổi sáng mát rượi như ngọn lá lấp lánh ngoài trời.

Tựu trường được gần tháng thì Trung Thu lò dò đến. Chúng tôi thi nhau làm đèn, môn thủ công tháng tám. Trúc thì đã có mọc khắp nơi, sẵn mủ cao su dán là tuyệt. Đèn ngôi sao, đèn kéo quân, đèn cánh bướm. Sáng mười bốn, chúng tôi đem tới trường chấm điểm. Cả bọn tung tăng với chiếc đèn, đi giữa một vùng cây lá, không sách vở bên mình. Thật là sung sướng. Đứa nào được chấm giải nhất, ôi thôi là vui. Được bánh trung thu, sách vở, lại còn có con số 10 dễ yêu trong sổ. Sau đó lớp ăn liên hoan, ca hát. Con Phụng hát hay ghê. Nhất là khi Phụng, Cúc, Bạch hát "Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già, ôm một mối mơ...".

Đêm trăng rước đèn đi khắp làng. Hầu hết, nhà nào cũng có một bàn thờ ngoài sân, khói hương nghi ngút. Tôi rủ mấy đứa bạn thân đi rước đèn. Đến nhà đứa nào cũng được ăn bánh dẻo, ăn chè. Chúng tôi nắm tay nhau, cầm đèn đi chơi. "Tết trung thu rước đèn đi chơi, em xách đèn đi khắp xóm làng"... Trăng đi theo chúng tôi, như một người bạn chân tình.

Trăng là người bạn thân của trẻ thơ, có lẽ. Vì tôi thấy trăng đi theo tôi khắp làng. Đi đâu, cũng thấy bóng trăng cười với mình. Tôi say mê ngắm vầng sáng vằng vặc đó.

Những đêm trăng như thế, người lớn không được rước đèn như bọn tôi. Họ phải giã gạo. Hay  trải chiếu ngoài sân ngồi nói chuyện, uống trà. Chuyện nổ dòn như bắp rang, chuyện mùa màng thóc lúa. Còn mấy người phải giã gạo xem chừng cũng vui ghê lắm. Đó là mấy cô cậu còn trẻ. Họ giã thật ròn rã, chày tư, tiếng giã tiếng đệm tạo thành một chuỗi âm thanh rộn rã. Các chị mắt sáng, cười luôn miệng. Các anh cười mỉm chi, nhìn liếc các chị. Thỉnh thoảng họ ngừng giã, mời nhau ly nước, nhìn nhau, cười vu vơ. Những tiếng động thật dễ yêu dưới trăng vàng. Lũ trẻ chúng tôi khi rước đèn chán chê rồi thì treo đèn lên các nhánh cây, bày trò chơi. Chơi chén chậu, ve ve, cút bắt, giấu khăn, chơi thiên đàng. Cười vang rân. Chạy huỳnh huỵch. Tôi ưa chơi trò thiên đàng, khi mấy trò rượt bắt làm hơi mệt. Chơi trò này, nắm áo nhau đi thong thả, vừa hát.

Đêm thật thần tiên, tưởng như không bao giờ dứt. Càng về khuya, trăng càng sáng rỡ. Hương của các loài hoa đêm tỏa nồng, theo gió cùng trăng, tất cả phối hợp thật dịu dàng. Vì thế, đêm đẹp, đêm thơm như một giòng sữa...

Tôi nô đùa đến khuya, và ngủ dưới trăng, trong tiếng chày nhịp nhàng.

Vườn nhà Cúc có một cái ao nhỏ trước nhà. Ao nuôi cá, dưới bóng mát đủ các loại cây. Có một miếng ván bắc ra gần giữa ao, dùng để đứng thảy thức ăn cho cá. Chúng tôi hay lấy trứng kiến đến thả xuống ao, để nhìn các chú cá béo tròn tranh nhau ăn. Năm học lớp Nhất, gần Tết có đến nhà Cúc câu cá. Dịp đó cả nhà đi vắng chỉ có hai chị em Cúc trông nhà. Chúng tôi tổ chức một bữa ăn tự tay làm lấy ngoài  vườn.

Hôm đó tôi đến sớm, chực chờ ngoài ngõ. Khi mà Cúc vừa ra, tôi chạy vào ngay. Đem theo một lon trứng kiến, hai cần câu tôi và Cúc ra ao. Chúng tôi móc mồi, thả câu xuống. Hai đứa ngồi trên mảnh ván, thi nhau câu xem đứa nào được nhiều. Dưới bóng mát dìu dịu, loáng thoáng những vạt nắng. Vườn cải bên kia nở vàng, cây cao nghệu, quyến rũ những chú bướm chập chờn. Tôi hỏi Cúc vu vơ vài chuyện.

Khi giật một chú cá khá to, chẳng biết loay hoay thế nào Cúc làm rớt chiếc guốc gỗ xuống ao. Nó chìm lỉm, đợi lúc lâu mới nổi lên, dạt ra giữa giòng. Tôi dùng cần câu móc vào. Khổ nỗi đầu cần câu yếu xìu mà guốc lại nặng, nên nó cứ bập bềnh mãi. Móc được vào rồi, kéo lên cần lại cong vòng không lên nổi. Tôi run run đùa vào mà mấy chú cá quấy động làm chiếc guốc chực ra xa. Tôi còn vụng về hơn, lỡ đãng đến lọt tõm xuống ao. Nước bắn tung tóe. May là chỗ đó cạn, dù bơi chưa thạo tôi vẫn trồi lên được, níu vào mảnh ván. Trèo lên với một bụng nước ao. Cúc lúc đầu sợ hãi, sau đó nhìn tôi cười. Mình mẩy tôi ướt nhẹp, phải chạy về thay. Trèo rào, len lỏi sau nhà kẻo mẹ thấy.

Khi quay lại, Cúc đang cắt rau. Cúc hái xà lách bỏ vào rổ, rau xanh tươi mơn mởn. Cúc nhìn tôi cười lém lỉnh. Tôi thấy một chú bướm vàng, cánh điểm lấm tấm trắng thật đẹp, đang vờn trên hoa cải. Rón rén lại, chú ta say mê hút, tôi quơ tay và tóm được. May thật, nếu không tóm được có phải... quê không. Chú ta dãy dụa trong tay, bụi phấn bay lên sặc sụa. Bình thường tôi không ưa loại này vì người lớn dọa bắt bướm sẽ bị ho. Bây giờ thì khác Cúc cũng như mấy đứa con gái khác, chắc thích bướm đẹp lắm. Tôi đưa tặng Cúc. Cúc sáng mắt mừng rỡ. Tôi hỏi đẹp không.

Cánh bướm lần đầu tiên tôi bắt, cho một cô bé, cánh bướm chở mùa thu vàng rực rỡ một thời.

Cứ thế thời thơ ấu dịu dàng trôi qua lúc nào chẳng hay.

Khi đã lớn, anh bỏ làng mà đi. Về thăm chỉ một lần, cách đây vài năm.

Cũng vào mùa nước lớn, anh trở về. Khi không còn áo trắng, quần cụt ôm cặp chạy băng trong rừng cao su. Mà rừng cao su cũng chẳng còn, chỉ còn là một bãi hoang cằn cỗi. Con dốc cao nắng chang chang. Bởi vì không còn hàng cây hai bên. Vài tiếng chim lạc lõng, tiếng chim sẻ lạc bầy. Cánh đồng bên dưới, con suối cận kề. Ruộng lúa xác xơ, con suối gần như không còn bao nhiêu nước. Và bên cạnh, những cọng cỏ bám bùn đất vươn dài ra. Những phiến đá xanh đã mất, một màu vàng úa muộn phiền. Quá khứ bằn bặt đâu đâu, không âm vang. Một thời đã qua, chìm lắng.

Về, để nhìn thấy bạn bè cũ đã đi ra. Tiếng trâu bò lưa thưa về gõ nhịp rời rạc. Có một kẻ điên nhìn anh lơ láo, xong, la hét gần khóc. Rồi mệt, nằm lăn ra đất ngủ, cánh tay vung lên theo giấc mơ. Tiếng xe đạp những người đi cạo mủ buồn buồn vọng lại. Đi, anh ngơ ngẩn giữa một vùng đất thân  yêu đã quên mặt căn nhà, cây cột, cây ổi sau vườn, lũ gà vịt tíu tít. Đều đã trôi qua, không hằn lại một dấu vết nơi đây. Anh tưởng tượng lần về như một nhân vật trong "Hoa vông vang" của Đỗ Tốn được lang thang trong vườn rộng thò chân xuống ao, nhìn đàn ngỗng kêu quang quác. Để nhớ một thời thơ ấu, trong khu vườn.

Cái ao nhà Cúc cạn khô, cỏ mọc lây lất. Anh đứng nhìn, không tưởng tượng cầu ván ngày nào, vườn cải hoa vàng. Nơi của một thời, "trưa nào thời nào vàng bướm bên ao..."

Những cây ổi khô cằn, ra trái nhỏ cứng ngắc. Vài trái chín hoang, không ai hái. Lũ trẻ không còn đi lùng trong vườn, để những trái ổi chín một mình. Anh hái một trái ổi, ăn và quay về. Nghe chát chát trong miệng. Thời thơ ấu chìm khuất lấp, xa xôi. Đâu còn đêm trăng với tiếng trẻ nô đùa, tiếng chày giã gạo. Trai gái nhìn nhau len lén, tình yêu nở ra dưới trăng.

Anh về với hình ảnh những mùa trăng thơ ấu nguyên vẹn trong đầu.

Đêm tháng tám, đứng trên một cao ốc. Trăng sáng nhưng xa lạ yếu ớt dưới ánh sáng nhiều ngọn đèn. Anh nhìn trăng, thấy tội nghiệp như một món đồ cũ. Lũ trẻ chẳng có đứa nào rước đèn, chúng lủi thủi trong nhà. Có bao kẻ ngắm trăng, nuối tiếc một thuở nào đó?

Trong một lá thư mới nhất, Ngọc Hiền đã kể cho anh nghe thơ ấu của nàng. Thơ ấu của ai cũng đều đẹp. Nói chung quá khứ đều đẹp, vì lẽ dễ hiểu là chúng đã qua. Chúng ta tự mâu thuẫn, ta ghét bỏ hiện tại thế mà khi hiện tại trở thành quá khứ, ta nhớ lại với niềm nhớ tiếc rất đỗi êm đềm. Hiền kể lại thuở nhỏ với chuỗi ngày thần tiên. Nàng kể một ngày về thăm. "Về đây với gió hiu hắt lạnh lùng, ôi lãng du quay về điêu tàn..."

Hiền viết, nàng mong mỏi một ngày nào đó, chúng tôi sẽ gặp lại nhau nơi miền quê thân yêu cũ. Ôi có ai mà chẳng ngóng trông. Ngày mà chúng ta thấy lại, tìm và bắt gặp ấu thời của mình. Đến đầy đủ, dịu dàng với bọn trẻ bây giờ.

Anh nghe như tiếng chày giã gạo vọng lại. Tiếng cười trong trẻo của các thiếu nữ. Chày tư nhịp rộn rã dưới trăng như một bài tình ca...


DUY NGUYÊN    

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 69, tuần lễ từ 21-9 đến 28-9-1972)