Ngôi nhà cũ kỹ nằm giữa mảnh đất rộng trồng nhiều cây. Mái ngói đỏ xanh rêu lâu ngày thành đen, tường sơn mầu vàng nhạt, cửa xanh. Từ nhà bên này nhìn sang, tôi trông ngôi nhà có vẻ ngoan ngoãn, hiền lành. Ở khu này nhà nào cũng có vườn trồng cây chung quanh, nhà nọ cách nhà kia bằng một hàng rào hoa dâm bụt đỏ, lá mướt xanh ngăn ngắt. Nhà bên đó có một cây Ngọc Lan cao tít tắp và cành lá xum xuê mọc gần bằng hàng rào phía sau nhà. Bây giờ có lẽ đang mùa nên hoa Ngọc Lan nở trắng ở những đầu cành. Đi ở đầu đường lớn để rẽ vào con đường nhỏ này, người ta đã có thể nhận được mùi hương nhẹ nhàng của loại hoa ấy. Từ một tuần nay, từ lúc hoa bắt đầu tỏa hương, chiều nào tôi cũng vừa cặm cụi giải toán vừa hít thở no đầy cái không khí dịu dàng đó.
Ở cạnh bàn bên kia, Bảo đang giải một bài toán, chắc là vật lý. Chồng sách dầy xếp bên cạnh hắn làm tôi ngán và sợ. Còn vài tuần nữa đã đến ngày thi, cũng may là chúng tôi đã thanh toán gần như hoàn toàn chương trình học. Tôi gấp cuốn sử địa lại, vươn mình, kéo ghế đứng dậy. Bảo đưa mắt lên dò hỏi. Tôi nói:
- Tớ ra sân đi vài vòng cho khỏe.
Bảo lại chúi mũi xuống chồng giấy nháp, chiếc kính cận trên mũi hắn lại có dịp trễ xuống một tí. Gần thi nên tên nào cũng học mòn người, học đến dài người mỏng như sợi dây ni lông.
Tôi vòng ra sau nhà, đi gần hàng rào và thuận mắt nhìn sang ngôi nhà có cây Ngọc Lan thật lớn ấy. Hôm nay cửa sổ phía bên trái căn nhà mở rộng, chắc có người vừa đến ở đó. Lâu rồi, ngôi nhà nằm giữa khu vườn bên ấy đã thành cảnh tượng cho tôi nhìn ngắm dù chả có gì đặc biệt. Tôi đang nhón cao người để nhìn cho rõ vì hàng rào hơi cao thì một giọng nói ở đâu rất gần vang tới:
- Ê, nhìn chi nhà người ta hả?
Tôi giật mình nhìn quanh. Cành ngọc lan rung động. Thì ra một cô bé nhỏ đang ngồi trên một nhánh ba của cây hai chân đong đưa vung vẩy. Cô nhỏ mặc bộ đồ màu xanh cùng màu với lá tôi không để ý nên không thấy. Cánh môi hồng cong lên, khuôn mặt "kên kên", cô nhỏ hỏi lại lần nữa:
- Anh nhìn cái chi nhà người ta vậy?
- Ủa, bộ nhà bên ấy cấm nhìn à?
- Không cấm, nhưng không thích cho nhìn.
Cô nhỏ trả lời ngang như cua. Tôi đấu dịu:
- Tại nhà cô có cây ngọc lan nhiều hoa, thơm quá.
- Anh muốn lấy hoa đó không?
- Lấy làm chi?
- Để trong túi cho thơm.
Trời đất! Bộ tôi là con gái sao mà làm chuyện để hoa trong túi, trong cặp như các cô.
- Thế à, thế thì thôi.
Cô nhỏ nói với vẻ thất vọng rồi cầm cuốn truyện mỏng lên đọc tiếp, chẳng còn để ý đến tôi nữa. Trông cô nhỏ dễ thương ghê nhưng hơi tinh nghịch, đôi mắt đen linh động quá chừng. Đây là lần đầu tôi gặp cô nhỏ, chắc cô là cháu của bà cụ mà tôi thường thấy bên đó. Cô nhỏ có vẻ say mê cuốn truyện. Tôi nhìn cái bìa, cuốn 15 truyện biển, truyện phiêu lưu chi đó. Tôi gọi:
- Cô nhỏ, cô nhỏ ơi.
Cô nhỏ nhăn mũi lại, mắt không rời trang sách:
- Khoan, người ta đang coi mà.
Tôi trở lại bàn học, tiếp tục bài học bỏ dở và hỏi Bảo:
- Nhà bên cạnh có cô nhỏ dễ thương lắm Bảo ạ.
Bảo cũng ngớ ngẩn:
- Tớ không biết. Có bao giờ tớ để ý đến nhà hàng xóm đâu.
Hôm sau tôi lại đến Bảo để cùng ôn bài vì nhà hắn yên tĩnh hơn nhà tôi nhiều. Tôi quên bẵng cô nhỏ cho đến khi gặp cô cũng dáng điệu đong đưa ấy, ngồi nhai quả ổi trên cành cây hôm trước. Tôi cười:
- Chào cô nhỏ.
Cô nhỏ cũng có vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi:
- Ủa, nhà anh bên này hả?
- Không, tôi đến học thi với tên bạn.
- Thi Tú Tài hả?
- Ừ, còn cô nhỏ năm nay có thi gì không?
- Người ta mới học lớp 10 mà thi nỗi gì! Nè, sắp thi rồi cứ đứng nói chuyện, đi học bài đi.
- Tôi học xong rồi.
- Anh học ban B phải không?
- Đúng thế, còn cô nhỏ chắc học C chứ gì?
- Sao anh đoán hay vậy?
- Vì mắt cô mơ quá, học ban B ông thầy toán cú lủng đầu.
Cô bé bĩu môi hất mạnh mái tóc:
- Thầy bói đoán sai bét.
- Giỏi thế cơ à?
- Giỏi lâu rồi.
- Có lần nào bị thầy toán la chưa?
Đến đây cô nhỏ ngập ngừng rồi cười ngượng ngùng:
- Có.
Cô nhỏ giấu nụ cười sau mái tóc rũ trông xinh như búp bê. Cái vẻ "kên kên" biến đâu mất, không ngờ cô nhỏ mau mắc cỡ đến thế. Tôi chợt nhớ ra một điều, vội vàng hỏi:
- À, cô nhỏ tên gì vậy?
- Hỏi chi?
- Để biết, chứ mỗi lúc mỗi kêu cô nhỏ, cô lớn hoài, kỳ cục!
- Anh phải nói tên anh trước.
- Tôi là Thúy, Đỗ Khanh Thúy.
Cành cây rung mạnh và cô nhỏ vội níu hai tay vào thân câu. Cô ôm ngực, mặt còn tái nhưng miệng cười dòn:
- Tên anh làm thiếu chút xíu là tôi té lộn xuống đất.
- Bộ tên xấu lắm sao mà cười?
- Không, dễ thương chớ, nhưng hơi có vẻ... thục nữ yểu điệu. Anh có em gái không?
- Có, mà cô nhỏ ơi đừng có lảng chuyện. Hãy cho biết tên cô đi.
- Tên tôi hả, tôi nói ra cấm anh cười à.
- Đồng ý.
- Thu, Nguyễn Thị Cỏ Thu.
- Trời đất, Cỏ Thu?
- Làm gì kêu dữ vậy, thay vì Thu Thảo thì ba đặt Cỏ Thu bộ không được hay sao?
- Được chứ, tôi thích tên Cỏ Thu, nó lạ và mơ mơ làm sao.
- Tên của người ta mà đòi thích!
Nói tới đây, Cỏ Thu tụt xuống đất bảo tôi:
- Để Thu vô không thôi bà ngoại la nghe, anh Thúy.
Tình cờ như vậy tôi có một cô bạn nhỏ với cái tên thật lạ. Cỏ về mùa thu thường được mưa tuôn xuống thân mỗi ngày, tươi còn hơn hoa. Cô nhỏ Cỏ Thu cũng vậy, tôi thích nhìn Cỏ Thu cười. Cô nhỏ hay hái hoa Ngọc Lan đầy túi cho tôi, và tôi mang về "tặng" lại nhỏ em. Nhỏ Hương thích lắm, tôi hay làm oai với nó:
- Công ta đi xin gãy lưỡi cho mi đó.
Nhỏ Hương đoán mò một câu làm tôi giật mình:
- Chắc là hoa ở nhà chị nào chứ gì? Ông anh ơi, khai thật với em đi.
- Vừa thôi nghe nhỏ.
Đều đặn như thế, mỗi tuần vài lần, buổi trưa và hàng rào đã ngẫu nhiên trở thành thời gian và nơi chốn cho những cuộc "hẹn hò" (tôi ghép đại cái tên rùng rợn này cho có vẻ thân mật). Một hôm chẳng biết Cỏ Thu tức giận điều gì hoặc là muốn trêu chọc tôi, Cỏ Thu leo lên cây ổi phía cuối vườn nói vọng lại:
- Bữa nay Thu thích ngồi ở đây hơn.
Cái miệng cười cười dễ ghét. Hôm sau tôi ngồi lì tại bàn. Hình như Cỏ Thu tìm tôi thì phải, cành cây Ngọc Lan rung động luôn. Rồi có tiếng sột soạt ở hàng rào, chắc là cô nhỏ đứng ở đó nhìn sang. Tôi không nỡ thấy cô nhỏ buồn nên bước ra nhưng mặt vẫn làm vẻ lãnh đạm. Cỏ Thu gọi nhỏ bên hàng rào:
- Anh Thúy...
- ...
- Anh Thúy ơi, anh giận Thu hả? Xin lỗi anh nghe.
- Sao Cỏ Thu cứ chơi ác vậy?
- Thôi mà anh, cứ đưa tay Thu cho cái này nè.
Tôi lách bàn tay trái qua những kẽ lá nhỏ để sang bên kia. Có vật gì tròn tròn, mát lạnh đặt vào tay tôi, tôi rút tay về thì ra một quả ổi to. Tôi bật cười. Đôi mắt Cỏ Thu thấp thoáng sau màn lá, cô nhỏ nói:
- Thu đền cho anh Thúy đó nghe.
Cỏ Thu về đây ở chơi với bà ngoại hai tháng hè. Nhà cô nhỏ hình như ở một khúc quanh đầy bóng mát lá me trên con đường tôi đến trường. Bà ngoại thương Thu lắm, Cỏ Thu bảo vậy, bà hay mua quà cho cô nhỏ mỗi lần đi chợ. Thế là quen Thu, tự dưng tôi phải "thưởng thức" những món lặt vặt con gái: chè, bắp, cóc dầm, me... Bảo xúi tôi mang về cho nhỏ Hương, nhỏ lại có dịp "tra khảo" tôi:
- Anh Thúy dạo này tiến bộ ghê, tặng quà nhau loạn xạ nhỉ.
Một tuần, hai tuần trôi nhanh. Ngày thi đến gần làm tôi lo lắng tuy bài vở đã xong tất cả. Cỏ Thu vẫn cười tươi như bông Ngọc Lan ướt sương sớm, vẫn tìm đủ mọi phương cách trêu chọc tôi. Cô nhỏ hứa hẹn nếu tôi thi đỗ sẽ có quà tặng. Quà của Cỏ Thu chắc lại toàn bánh với kẹo không chứ gì. Ôi cô nhỏ vô tư và ngoan rất mực của tôi ạ. Từng món ăn chuyển qua hàng rào "nuôi dưỡng" nhau, cảm dộng lắm chứ.
Ba ngày thi liên tiếp khiến tôi mệt mỏi nhiều. Đầu óc căng thẳng như sợi dây đàn. Thi xong tôi quăng bài vở, bút, sách tập bừa bãi, mặc tất cả, tôi lăn ra giường ngủ mê mệt một ngày rồi hôm sau đến nhà Bảo gặp Cỏ Thu ngay. Cô nhỏ mừng rỡ:
- A, anh Thúy! Mấy hôm nay sao Thu không thấy anh đến chơi?
- Mấy ngày tôi bận thi, Cỏ Thu quên rồi sao?
- Ừ nhỉ. Anh làm bài được không?
- Cũng khá.
- Có hy vọng rớt chứ gì!
Câu nói của Cỏ Thu làm tôi giật mình. Tuy chẳng tin dị đoan nhưng tiếng rớt vẫn làm tôi sợ. Cô nhỏ lại bắt đầu trêu tức tôi. Tuy biết thế nhưng tôi cảm thấy hơi giận.
- Cỏ Thu trù tôi thi rớt hả? Ác vừa vừa chứ.
Cô nhỏ chẳng trả lời, hai chân đong đưa trên cành cây và miệng hát khe khẽ: Ta trượt tú tài, ta hụt tình yêu... thi hỏng mất rồi, ta đợi ngày đi... Đau lòng ta muốn khóc... đau lòng ta muốn... khóc... Cỏ Thu hát xong, le lưỡi lêu lêu mắc cỡ với tôi. Tôi nhìn dáng điệu Cỏ Thu lí lắc nên hết cả giận, nói bình thản:
- Rớt thì thôi, lo chi.
- Oai nhỉ.
- Chứ sao không!
- Bị má la. Bị Thu cười.
- Không sao.
- Bị đi quân trường mang súng đi một hai ngoài bãi tập. Mang ba lô nữa, thân anh mà vác ba lô lên vai thì chắc xương gẫy rắc rắc như cành cây khô.
- Tôi chẳng sợ, người ta làm được thì mình cũng làm được.
Thấy trêu mãi chả làm tôi nổi cáu, Cỏ Thu xoay sang chuyện khác, cô nhỏ đổi "chiến thuật" đấy:
- Lần này khỏi cho anh hoa để anh đem về khoe với nhỏ Hương nữa đi.
- Càng tốt, đỡ vướng túi. À, Hương nó lớn hơn Cỏ Thu một tuổi cơ đấy, ai cho gọi mà cứ nhỏ này nhỏ kia.
Cô nhỏ khẽ hạ đôi mi mắt, cái miệng xinh xinh bắt đầu phụng phịu. Ai biểu cô nhỏ chọc người ta, người ta chọc lại rồi hờn giận. Cỏ Thu ngồi im, tóc rũ che một phần khuôn mặt. Tôi dọa:
- Coi chừng con sâu trên vai áo kìa.
Cỏ Thu hoảng hốt phủi vai áo nhưng khi biết không có gì cô nhỏ nghinh mặt lên hỏi tôi:
- Sâu đâu, anh chỉ nói ẩu.
- Tại Thu chưa gặp đó thôi. Cây Ngọc Lan nhà tôi (?) thường có sâu bướm xanh lè ghê lắm.
- Đó là anh dữ quá nên sâu đến phá anh chơi, chứ cây này không có chi hết bởi vì Thu thì...
Nói tới đây cô nhỏ "hớ" lên một tiếng rồi im bặt. Tôi nói:
- Bởi vì Thu thì dữ tới mức "xup-per" nên họ hàng sâu ngán quá dọn đi hết chứ gì.
Cỏ Thu đang loay hoay tìm cách trả đũa thì tôi hỏi thêm một câu:
- Thu mà trợn mắt thì tới tôi cũng té xỉu, kể gì bọn sâu.
- Bộ Thu ác lắm sao mà anh nói vậy, anh Thúy?
- Không ác mà hỏi người ta có hy vọng rớt không.
- Vậy đừng thèm chơi với người ác nữa. Anh tìm người khác mà chơi. Thu giận anh.
Cỏ Thu tụt xuống khỏi cây Ngọc Lan và chạy vào nhà. Đến bực cửa, Cỏ Thu ngần ngừ một lúc rồi quay lại bảo tôi:
- Anh bảo Thu trù anh thi rớt, vậy khi nào anh đậu thì cho Thu biết với.
- Nhưng Thu giận anh thì cách nào anh cho Thu biết được?
- Vậy mới hay.
Nói xong cô nhỏ chạy bay vào nhà. Tôi đứng ngẩn mặt làm một tên vô duyên nhất đời. Tưởng là làm cô nhỏ tức bực một chút thôi, ai ngờ cô nhỏ dễ giận đến thế. Trong lúc bối rối, tôi đã xưng anh với Cỏ Thu mà tôi không biết. Tiếng anh lần đầu tiên xưng với Cỏ Thu không ngượng ngập, vấp váp. Nhưng cô nhỏ giận tôi thật rồi. Cây Ngọc Lan vẫn hằng ngày tỏa hương thơm nhưng chẳng còn bóng Cỏ Thu nhỏ, mắt sáng môi tươi ngồi trên cây đọc sách hoặc ngồi nói chuyện cùng anh Thúy nữa. Tên ngu ngốc Đỗ Khanh Thúy là tôi, ngày nào cũng đợi chờ bên này hàng rào, và ngày nào cũng thất vọng.
Ngày đi xem kết quả, tôi đỗ, Bảo đỗ. Hai đứa hét om tại nơi xem bảng. Lại đỗ Bình mới oai chứ. Về nhà, mẹ tôi hứa hôm sau sẽ cuốn chả giò đãi cả. Ba tôi móc túi: thưởng thằng Thúy ba ngàn. Mấy đứa em nhẩy rầm rầm tưởng sập căn nhà đòi tôi "khao quân". Tôi thì lòng chỉ bừng bừng muốn báo Cỏ Thu biết tôi đỗ. Nhưng báo bằng cách nào? Cô nhỏ vẫn tránh tôi bằng cách ở lì trong nhà khi biết tôi thấp thoáng đứng đợi bên cạnh rào. Tôi và Bảo suy tính mọi kế nhưng chẳng ra hồn nào cả. Giá hỏi nhỏ Hương thì chắc sẽ xong nhưng mang ra nhờ chuyện này để nhỏ ấy cười cho ê mặt ư. Ngẩn ngơ hết một ngày. Buổi tối tôi đang ngồi chơi cờ tướng với Bảo thì nhỏ Hương cầm một gói đậu đỏ bánh lọt đi vào. Nhỏ mời:
- Có ông nào ăn không ạ?
- Lại ăn quà rồi. Tôi nói – Ai thèm!
- Đừng chê anh Thúy ơi, nhờ mấy tháng mẹ bắt anh ăn chè đậu xanh hoài nên anh mới đỗ đó.
Tôi chợt reo lên: Phải! Phải! Và xóa vội bàn cờ, lôi Bảo ra xe chạy biến. Nhưng trước khi đi tôi còn kịp nói với nhỏ Hương một câu:
- Nè tối nay anh ngủ lại nhà tên Bảo nghe, thưa lại với ba mẹ như thế.
Tôi chở Bảo đi tìm hàng nào bán đậu đỏ còn sống. Buổi tối khuya nên phần nhiều hàng đã đóng cửa. Tìm một lát mới có một nhà bán đậu đỏ. Tôi hỏi mua, cô bé bán hàng hỏi: anh mua bao nhiêu? Tội nghiệp thân tôi, có bao giờ tôi phải đi mua bán những thứ này đâu mà biết được. Tôi cầu cứu Bảo, hắn còn ngớ ngẩn hơn tôi. Cô bé đứng che miệng cười sau quầy hàng. Tôi nói đại, một ký. Cầm gói đậu trên tay tôi hơi ngần ngại, chi mà nhiều thế này, nhưng đổi lại ít hơn thì chắc cô bé cười cho xấu hổ.
Quay về nhà Bảo, chúng tôi giấu kín gói đậu trong tủ sách. Hai đứa nằm chờ cả nhà đi ngủ hết mới rón rén bò dậy, mở tủ lấy gói đậu rồi mở cửa lớn ra ngoài sân. Đã khuya, đồng hồ chỉ 11 giờ. Nhà Cỏ Thu đã đóng cửa, tắt đèn. Vườn cây im lìm sững bóng. Đêm mát mà sao hai tay tôi ướt hết mồ hôi vì hồi hộp, lỡ bây giờ có ai ra thì thật chẳng biết nói sao. Bảo bưng đến một cái ghế đã để sẵn ngoài hiên. Tôi leo lên ghế nhìn sang nhà Cỏ Thu, hai tay run run mở dây cột gói đậu đỏ rồi lấy hết sức ném mạnh gói đậu vào khoảng sân tráng xi măng trước nhà cô nhỏ. Tiếng đậu rơi rào rào lăn trên nền xi măng cứng. Như hai tên ăn trộm, tôi và Bảo nhón gót chạy nhanh vào nhà.
Tiếng cười hai đứa được giấu kín dưới gối và bóng đêm. Ngày mai tha hồ cho cô nhỏ quét sân cong xương sống luôn. Cái tên Cỏ Thu thì hiền mà sao cô nhỏ ác quá (chỉ nghĩ thôi, chả dám nói ra lần nữa!). Tôi chỉ lo cô nhỏ nổi chứng giận luôn thì khổ. Ôi cô bạn nhỏ của tôi sao cứ thích "hành hạ" người ta mãi.
Buổi sáng tôi dậy thật sớm. Trời chưa sáng hẳn nhưng đèn đường đã tắt. Tiếng chim ríu rít chuyền cành bay trong những tàn lá mỏng. Bên nhà Cỏ Thu có tiếng quét sân rào rạo. Tôi rẽ lá nhìn qua, gói đậu hôm qua tung tóe trên sân, vương vãi xuống cả những đám đất ướt có cỏ mọc. Rồi thấy cô nhỏ đang quét vun những hạt đậu về một góc. Bà ngoại cô nhỏ đứng trên thềm nhà bỗng dưng cất tiếng vu vơ:
- Cha đời quân nào phí của quá. Đậu ăn không có, có đậu đem bỏ. Thu à, con có biết ai quăng thứ này vô nhà mình và quăng làm gì không con?
Cỏ Thu nhìn bà cười ý nhị, chắc cô nhỏ đã hiểu. Và khi biết tôi lấp ló bên kia hàng dâm bụt, cô nhỏ khẽ quay sang mỉm cười, nụ cười buổi sáng thật êm dịu.
Nhưng mà, than ơi, đôi mắt Cỏ Thu lườm tôi dài mấy cây số!
(Trích tạp chí Tuổi Ngọc số 119, từ 15-10 đến 1-11-1973)
Ba ngày thi liên tiếp khiến tôi mệt mỏi nhiều. Đầu óc căng thẳng như sợi dây đàn. Thi xong tôi quăng bài vở, bút, sách tập bừa bãi, mặc tất cả, tôi lăn ra giường ngủ mê mệt một ngày rồi hôm sau đến nhà Bảo gặp Cỏ Thu ngay. Cô nhỏ mừng rỡ:
- A, anh Thúy! Mấy hôm nay sao Thu không thấy anh đến chơi?
- Mấy ngày tôi bận thi, Cỏ Thu quên rồi sao?
- Ừ nhỉ. Anh làm bài được không?
- Cũng khá.
- Có hy vọng rớt chứ gì!
Câu nói của Cỏ Thu làm tôi giật mình. Tuy chẳng tin dị đoan nhưng tiếng rớt vẫn làm tôi sợ. Cô nhỏ lại bắt đầu trêu tức tôi. Tuy biết thế nhưng tôi cảm thấy hơi giận.
- Cỏ Thu trù tôi thi rớt hả? Ác vừa vừa chứ.
Cô nhỏ chẳng trả lời, hai chân đong đưa trên cành cây và miệng hát khe khẽ: Ta trượt tú tài, ta hụt tình yêu... thi hỏng mất rồi, ta đợi ngày đi... Đau lòng ta muốn khóc... đau lòng ta muốn... khóc... Cỏ Thu hát xong, le lưỡi lêu lêu mắc cỡ với tôi. Tôi nhìn dáng điệu Cỏ Thu lí lắc nên hết cả giận, nói bình thản:
- Rớt thì thôi, lo chi.
- Oai nhỉ.
- Chứ sao không!
- Bị má la. Bị Thu cười.
- Không sao.
- Bị đi quân trường mang súng đi một hai ngoài bãi tập. Mang ba lô nữa, thân anh mà vác ba lô lên vai thì chắc xương gẫy rắc rắc như cành cây khô.
- Tôi chẳng sợ, người ta làm được thì mình cũng làm được.
Thấy trêu mãi chả làm tôi nổi cáu, Cỏ Thu xoay sang chuyện khác, cô nhỏ đổi "chiến thuật" đấy:
- Lần này khỏi cho anh hoa để anh đem về khoe với nhỏ Hương nữa đi.
- Càng tốt, đỡ vướng túi. À, Hương nó lớn hơn Cỏ Thu một tuổi cơ đấy, ai cho gọi mà cứ nhỏ này nhỏ kia.
Cô nhỏ khẽ hạ đôi mi mắt, cái miệng xinh xinh bắt đầu phụng phịu. Ai biểu cô nhỏ chọc người ta, người ta chọc lại rồi hờn giận. Cỏ Thu ngồi im, tóc rũ che một phần khuôn mặt. Tôi dọa:
- Coi chừng con sâu trên vai áo kìa.
Cỏ Thu hoảng hốt phủi vai áo nhưng khi biết không có gì cô nhỏ nghinh mặt lên hỏi tôi:
- Sâu đâu, anh chỉ nói ẩu.
- Tại Thu chưa gặp đó thôi. Cây Ngọc Lan nhà tôi (?) thường có sâu bướm xanh lè ghê lắm.
- Đó là anh dữ quá nên sâu đến phá anh chơi, chứ cây này không có chi hết bởi vì Thu thì...
Nói tới đây cô nhỏ "hớ" lên một tiếng rồi im bặt. Tôi nói:
- Bởi vì Thu thì dữ tới mức "xup-per" nên họ hàng sâu ngán quá dọn đi hết chứ gì.
Cỏ Thu đang loay hoay tìm cách trả đũa thì tôi hỏi thêm một câu:
- Thu mà trợn mắt thì tới tôi cũng té xỉu, kể gì bọn sâu.
- Bộ Thu ác lắm sao mà anh nói vậy, anh Thúy?
- Không ác mà hỏi người ta có hy vọng rớt không.
- Vậy đừng thèm chơi với người ác nữa. Anh tìm người khác mà chơi. Thu giận anh.
Cỏ Thu tụt xuống khỏi cây Ngọc Lan và chạy vào nhà. Đến bực cửa, Cỏ Thu ngần ngừ một lúc rồi quay lại bảo tôi:
- Anh bảo Thu trù anh thi rớt, vậy khi nào anh đậu thì cho Thu biết với.
- Nhưng Thu giận anh thì cách nào anh cho Thu biết được?
- Vậy mới hay.
Nói xong cô nhỏ chạy bay vào nhà. Tôi đứng ngẩn mặt làm một tên vô duyên nhất đời. Tưởng là làm cô nhỏ tức bực một chút thôi, ai ngờ cô nhỏ dễ giận đến thế. Trong lúc bối rối, tôi đã xưng anh với Cỏ Thu mà tôi không biết. Tiếng anh lần đầu tiên xưng với Cỏ Thu không ngượng ngập, vấp váp. Nhưng cô nhỏ giận tôi thật rồi. Cây Ngọc Lan vẫn hằng ngày tỏa hương thơm nhưng chẳng còn bóng Cỏ Thu nhỏ, mắt sáng môi tươi ngồi trên cây đọc sách hoặc ngồi nói chuyện cùng anh Thúy nữa. Tên ngu ngốc Đỗ Khanh Thúy là tôi, ngày nào cũng đợi chờ bên này hàng rào, và ngày nào cũng thất vọng.
Ngày đi xem kết quả, tôi đỗ, Bảo đỗ. Hai đứa hét om tại nơi xem bảng. Lại đỗ Bình mới oai chứ. Về nhà, mẹ tôi hứa hôm sau sẽ cuốn chả giò đãi cả. Ba tôi móc túi: thưởng thằng Thúy ba ngàn. Mấy đứa em nhẩy rầm rầm tưởng sập căn nhà đòi tôi "khao quân". Tôi thì lòng chỉ bừng bừng muốn báo Cỏ Thu biết tôi đỗ. Nhưng báo bằng cách nào? Cô nhỏ vẫn tránh tôi bằng cách ở lì trong nhà khi biết tôi thấp thoáng đứng đợi bên cạnh rào. Tôi và Bảo suy tính mọi kế nhưng chẳng ra hồn nào cả. Giá hỏi nhỏ Hương thì chắc sẽ xong nhưng mang ra nhờ chuyện này để nhỏ ấy cười cho ê mặt ư. Ngẩn ngơ hết một ngày. Buổi tối tôi đang ngồi chơi cờ tướng với Bảo thì nhỏ Hương cầm một gói đậu đỏ bánh lọt đi vào. Nhỏ mời:
- Có ông nào ăn không ạ?
- Lại ăn quà rồi. Tôi nói – Ai thèm!
- Đừng chê anh Thúy ơi, nhờ mấy tháng mẹ bắt anh ăn chè đậu xanh hoài nên anh mới đỗ đó.
Tôi chợt reo lên: Phải! Phải! Và xóa vội bàn cờ, lôi Bảo ra xe chạy biến. Nhưng trước khi đi tôi còn kịp nói với nhỏ Hương một câu:
- Nè tối nay anh ngủ lại nhà tên Bảo nghe, thưa lại với ba mẹ như thế.
Tôi chở Bảo đi tìm hàng nào bán đậu đỏ còn sống. Buổi tối khuya nên phần nhiều hàng đã đóng cửa. Tìm một lát mới có một nhà bán đậu đỏ. Tôi hỏi mua, cô bé bán hàng hỏi: anh mua bao nhiêu? Tội nghiệp thân tôi, có bao giờ tôi phải đi mua bán những thứ này đâu mà biết được. Tôi cầu cứu Bảo, hắn còn ngớ ngẩn hơn tôi. Cô bé đứng che miệng cười sau quầy hàng. Tôi nói đại, một ký. Cầm gói đậu trên tay tôi hơi ngần ngại, chi mà nhiều thế này, nhưng đổi lại ít hơn thì chắc cô bé cười cho xấu hổ.
Quay về nhà Bảo, chúng tôi giấu kín gói đậu trong tủ sách. Hai đứa nằm chờ cả nhà đi ngủ hết mới rón rén bò dậy, mở tủ lấy gói đậu rồi mở cửa lớn ra ngoài sân. Đã khuya, đồng hồ chỉ 11 giờ. Nhà Cỏ Thu đã đóng cửa, tắt đèn. Vườn cây im lìm sững bóng. Đêm mát mà sao hai tay tôi ướt hết mồ hôi vì hồi hộp, lỡ bây giờ có ai ra thì thật chẳng biết nói sao. Bảo bưng đến một cái ghế đã để sẵn ngoài hiên. Tôi leo lên ghế nhìn sang nhà Cỏ Thu, hai tay run run mở dây cột gói đậu đỏ rồi lấy hết sức ném mạnh gói đậu vào khoảng sân tráng xi măng trước nhà cô nhỏ. Tiếng đậu rơi rào rào lăn trên nền xi măng cứng. Như hai tên ăn trộm, tôi và Bảo nhón gót chạy nhanh vào nhà.
Tiếng cười hai đứa được giấu kín dưới gối và bóng đêm. Ngày mai tha hồ cho cô nhỏ quét sân cong xương sống luôn. Cái tên Cỏ Thu thì hiền mà sao cô nhỏ ác quá (chỉ nghĩ thôi, chả dám nói ra lần nữa!). Tôi chỉ lo cô nhỏ nổi chứng giận luôn thì khổ. Ôi cô bạn nhỏ của tôi sao cứ thích "hành hạ" người ta mãi.
Buổi sáng tôi dậy thật sớm. Trời chưa sáng hẳn nhưng đèn đường đã tắt. Tiếng chim ríu rít chuyền cành bay trong những tàn lá mỏng. Bên nhà Cỏ Thu có tiếng quét sân rào rạo. Tôi rẽ lá nhìn qua, gói đậu hôm qua tung tóe trên sân, vương vãi xuống cả những đám đất ướt có cỏ mọc. Rồi thấy cô nhỏ đang quét vun những hạt đậu về một góc. Bà ngoại cô nhỏ đứng trên thềm nhà bỗng dưng cất tiếng vu vơ:
- Cha đời quân nào phí của quá. Đậu ăn không có, có đậu đem bỏ. Thu à, con có biết ai quăng thứ này vô nhà mình và quăng làm gì không con?
Cỏ Thu nhìn bà cười ý nhị, chắc cô nhỏ đã hiểu. Và khi biết tôi lấp ló bên kia hàng dâm bụt, cô nhỏ khẽ quay sang mỉm cười, nụ cười buổi sáng thật êm dịu.
Nhưng mà, than ơi, đôi mắt Cỏ Thu lườm tôi dài mấy cây số!
KIỀU GIANG
(Trích tạp chí Tuổi Ngọc số 119, từ 15-10 đến 1-11-1973)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét