CHƯƠNG 35
Georges Shelby chỉ viết vài dòng vắn tắt để báo cho mẹ biết ngày về. Cậu
không còn lòng dạ nào để tả lại cái chết mà cậu chứng kiến. Cậu đã cố
gắng nhiều lần song những kỷ niệm ấy khiến cậu nghẹn ngào, không cầm nổi
bút. Cậu đã xé đi viết lại không biết bao nhiêu lá thư, lau khô nước
mắt và bỏ ra khỏi phòng để tìm lại chút bình tĩnh cho tâm hồn.
Được thư cậu, cả nhà xôn xao vui mừng nghĩ đến ngày về của cậu chủ.
Bà Shelby ngồi trong phòng khách. Một ngọn lửa ấm áp xóa tan cái lạnh của buổi chiều cuối thu. Trên bàn ăn, lấp lánh những dĩa muỗng ly tách quý giá.
Chính tay bác Chloé bày dọn những thứ này.Bác bận một cái áo mới bằng vải chúc bâu với một cái tạp dề đẹp đẽ màu trắng và một cái khăn cột tóc xinh xắn. Khuôn mặt đen bóng phảng phất vẻ sung sướng... Bác nán lại bên bàn ăn, kéo cái khăn, sửa cái tách, sắp dọn thật tỉ mỉ để có cớ nói chuyện thêm chút nữa với bà chủ.
- Ồ! Chắc chắn là cậu sẽ rất hài lòng! Kìa! Tôi đã dọn chén dĩa muỗng nĩa cho cậu ở chỗ cậu thích, bên cạnh lò sưởi. Cậu Georges lúc nào cũng thích ngồi ở một chỗ ấm áp. A! Tại sao Sally không chịu dọn bộ tách trà đẹp nhất? Bộ tách cô gì mua biếu bà vào dịp lễ Noel ấy?... Tôi sẽ đi lấy. Bà chủ có nhận được tin gì của cậu Georges không?
Bác hỏi thêm với giọng lo lắng.
- Có, Chloé à! Mà chỉ vài hàng ngắn báo cho tôi hay là nó sẽ trở về ngày hôm nay. Không có thêm một chữ nào nữa cả, tôi rất nóng lòng...
- Và không có cả một câu nào về ông chồng già đáng thương của tôi nữa sao?
Chloé vừa hỏi vừa xoay xoay tách trà.
- Không, không chữ nào cả Chloé; nó viết là nó sẽ cho biết lúc về đến nhà.
- Đúng là tính cậu Georges... Cậu rất thích kể lại bằng chính miệng mình. Cậu lúc nào cũng vậy. Về phần tôi, tôi không hiểu tại sao người da trắng lại thích viết dài dòng... như họ vẫn thường làm... Viết vậy chắc khó lắm!
Bà Shelby mỉm cười. Chloé tiếp :
- Tôi dám chắc là ông chồng già đáng thương của tôi sẽ không nhận ra con... Cả đứa bé nhất. Chúa ơi! Lúc này nó thật mau lớn! Nó cũng thật hiền và khá đẹp! Tụi nó đang ở trong lều để canh chừng bánh. Tôi sẽ nướng một cái bánh thật hợp với ý thích của ông ấy, nó sẽ giống như cái bánh của buổi sáng hôm mà... ông ấy ra đi! Chúa ơi! Buổi sáng hôm ấy, tôi thật là...
Bà Shelby thở dài. Bà thấy như có một sức nặng đè lên trái tim... Bà thấy đầu óc như quay cuồng từ lúc nhận được lá thư của cậu con trai... Bà linh cảm có một sự khác thường trong sự yên lặng ấy. Chloé lo lắng hỏi :
- Thưa bà, bà có giữ số tiền giấy ấy chứ?
- Có đây, Chloé.
- Tôi sẽ đưa trọn số tiền cho Tom, số tiền của ông chủ hiệu bánh trả công cho tôi. Thưa bà, ông Jones muốn giữ tôi lại, nhưng tôi cảm ơn và... từ chối. Tom về rồi, tôi không cần phải đi làm nữa, tôi phải trở về hầu bà. A! Cái ông Jones cũng tốt lắm, thưa bà...
Chloé đã van nài bà chủ giữ dùm bác số tiền công và giao lại cho chồng, như là những chứng tích của tài năng bác. Bà Shelby vui lòng làm theo lời yêu cầu của Chloé.
- Ông sẽ không nhận ra Polly, ông chồng già của tôi... Ồ! Ông sẽ không nhận ra nó!... Ồ! Vậy mà đã năm năm kể từ ngày ông ấy ra đi! Mới ngày nào đây!... Nó ngày ấy chỉ là một đứa bé... đứng còn chưa vững nữa là. Thưa bà, tôi còn nhớ, ông lo sợ biết bao nhiêu lúc nó chập chững tập đi... Tội nghiệp, ông chồng già thân yêu của tôi!
Chợt, người ta nghe tiếng bánh xe dừng lại ở cửa. Chloé lao về phía cửa sổ, reo to :
- Cậu Georges!
Bà Shelby chạy ra khung cửa ở tiền đình dang tay ôm lấy cậu con trai vào lòng mình, trong lúc đó bác Tom gái đứng yên, nhưng ánh mắt bác còn nôn nả hơn cả trăm lời han hỏi, chúng rực sáng như có thể xuyên thủng bóng đêm. Georges xúc động kêu lên :
- Bác Chloé đáng thương ơi!
Rồi cậu tiến lại bên bác, nắm tay bác; nghẹn ngào :
- Bác Chloé ơi! Tôi sẵn lòng đánh đổi cả gia sản để đem bác Tom về nhưng muộn quá: bác ấy đã rời bỏ chúng ta, ra đi vĩnh viễn...
Bà Shelby kêu lên một tiếng đau đớn, còn người vợ khốn khổ thì không, bác im lặng. Rồi mọi người cùng vào phòng ăn. Những tờ giấy bạc của Chloé còn nằm trên mặt bàn. Bác thu nhặt hết lên tay, run rẩy đưa cho bà chủ :
- Bây giờ chồng tôi không còn để nghe nói về số tiền này, để thấy số tiền này. Bà chủ ơi! Tôi vẫn thường thấp thỏm ngày đêm cho số phận ông... tôi sợ ông bị bán và bị giết ở những nơi xa xăm nào đó. Giờ thì đã là sự thật rồi... ông ấy chết thật rồi...
Chloé quay ngoắt lại, rời khỏi phòng.
Bà chủ chạy theo, bà nắm tay người đàn bà đáng thương, dắt lại ngồi trên ghế và bà cũng ngồi cạnh bác. Giọng bà chua xót :
- Tội nghiệp Chloé! Nhưng nếu thím biết tôi cũng đau khổ không biết bao nhiêu...
Chloé gục vào vai bà chủ, òa lên khóc. Giây sau bác nói :
- Xin bà tha lỗi cho tôi, bà bỏ qua cử chỉ vừa rồi... Chỉ tại tôi quá khổ, lòng tôi tan nát vì cái chết của Tom...
- Chloé, tôi hiểu lắm - Bà chủ nói, mặt ràn rụa nước mắt - Tôi không biết làm sao an ủi thím, chỉ có Chúa, Ngài biết cách...
Một khắc im lặng tiếp theo rồi tất cả đều bật lên thành tiếng thổn thức không ngăn giữ nữa.
Cuối cùng, Georges đến bên Chloé, giọng trầm buồn, cậu kể lại cho người đàn bà biết những lời trăn trối cuối cùng của chồng mình, những lời nhắn nhủ tràn yêu thương, can đảm và vẻ mặt thanh thoát chứng tỏ bác yên lòng rời cuộc sống.
*
Một tháng sau, tất cả đám nô lệ của ông bà Shelby được cậu tiểu chủ cho gọi lại, tụ họp trong phòng khách để nhận chỉ thị của mình.
Họ hết sức kinh ngạc khi thấy cậu xuất hiện với một xấp giấy tờ dày cộm và cho họ hay đó là những văn kiện cam kết giải phóng tất cả, không sót một người nào.
Georges lần lượt đọc từng tên một và đưa cho mỗi người.
Hành động cao quý của người chủ trẻ làm xúc động bọn nô lệ và họ không khỏi bàng hoàng, sửng sốt. Nhiều người không sao cầm nước mắt.
Tuy vậy, có nhiều người trong bọn van nài cậu đừng đuổi họ đi, họ vây quanh cậu, có người nài nỉ cậu rút lại văn kiện vừa trao cho họ, vì họ cho là họ cảm thấy không cần thiết phải đòi hỏi chi hơn, họ không muốn rời trang trại, cũng như ông bà chủ và cả cậu nữa. Họ yêu cầu được ở lại.
Georges cất tiếng sau khi ra hiệu cho mọi người im lặng :
- Các bạn tốt của tôi! Tôi không buộc các bạn phải ra đi, nếu bạn không muốn. Trang trại hiện đang cần nhiều bàn tay của mọi người, nhưng từ đây các bạn được tự do. Tôi sẽ trả lương cho các bạn khi làm việc. Có như thế, nếu do một rủi ro bất ngờ xảy đến, tôi chết hay bị phá sản, các bạn có quyền ra đi, không ai bắt bán các bạn hay giữ các bạn lại. Rồi đây, tôi sẽ dạy các bạn, - có lẽ mất một khoảng thời gian khá lâu - trong việc sử dụng quyền hạn của một người tự do. Tôi hy vọng các bạn sẽ tỏ ra hiểu biết và sẵn sàng học hỏi. Thiên Chúa đã cho tôi niềm tin là ngài ở cạnh tôi, giúp tôi hoàn thành sứ mạng giáo dục và hướng dẫn các bạn. Nào, giờ đây, các bạn hãy ngẩng mặt lên trời, tạ ơn Chúa đã thương mà ban cho các bạn TỰ DO!
Một bô lão da đen kỳ cựu nhất trại, mái tóc bạc phơ và đôi mắt lòa, đứng thẳng người, giơ cao hai cánh tay lên không trung, nói to :
- Tạ ơn Chúa!
Mọi người cùng quỳ gối.
Bản Thánh ca Te Deum vang lên, chưa bao giờ nghe trang nghiêm và cảm động bằng lúc ấy, dù bản hát không có tiếng nhạc đệm theo, không có chuông và không nổ rền tiếng đại bác, nhưng nó dường như vang tận trời cao vì xuất phát từ những trái tim của bọn người vừa được ban bố tự do.
Georges đợi cho tiếng hát im rồi mới nói :
- Còn một điều nữa, tôi muốn cho các bạn hay. Các bạn còn nhớ đến bác Tom không?
Bằng giọng cảm động, nhiệt thành, cậu chủ trẻ kể lại cái chết của Tom, kể lại lời nhắn nhủ của Tom với họ, sau cùng cậu nói :
- Hỡi các bạn! Chính bên mộ bác Tom, tôi đã hứa với sự chứng kiến của Thiên Chúa là tôi quyết định giải phóng tất cả nô lệ dưới quyền tôi, không sót một ai. Sẽ không có một ai vì tôi mà phải dứt bỏ gia đình hay bị đưa vào chỗ chết, như bác ấy, ở một chốn xa xôi. Các bạn ơi! Kể từ đây, mỗi lần các bạn cảm thấy sung sướng vì được tự do các bạn chớ quên rằng có một người thánh thiện, tâm hồn cao quý, chính nhờ bác ấy mà các bạn được kết quả này. Và đừng quên nghĩ đến vợ con bác Tom, hãy thương yêu, giúp đỡ họ. Hãy nghĩ đến sự tự do mỗi khi thấy căn lều của bác ấy, căn lều đó sẽ nhắc nhở các bạn cái gương sáng của bác Tom để lại. Hãy noi gương bác, tỏ ra trung tín, lương thiện, ngoan đạo.
Làm sao người ta quên được bác Tom?
MINH QUÂN - MỸ LAN
Sàigòn, 29.5.1973
Sàigòn, 29.5.1973