Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

NGƯỜI TIỀU PHU VÀ HỌC GIẢ


Tiều phu cùng học giả đi chung một chiếc thuyền ở giữa sông. Học giả tự nhận mình hiểu biết sâu rộng nên đề nghị chơi trò đoán chữ cho đỡ nhàm chán, đồng thời giao kèo, nếu mình thua sẽ mất cho tiều phu mười đồng. Ngược lại, tiều phu thua sẽ chỉ mất năm đồng thôi. Học giả coi như mình nhường tiều phu để thể hiện trí tuệ hơn người.

Đầu tiên, tiều phu ra câu đố: "Vật gì ở dưới sông nặng một ngàn cân, nhưng khi lên bờ chỉ còn có mười cân?". Học giả vắt óc suy nghĩ vẫn tìm không ra câu trả lời, đành đưa cho tiều phu mười đồng. Sau đó, ông hỏi tiều phu câu trả lời là gì.

"Tôi cũng không biết!", tiều phu đưa lại cho học giả năm đồng và nói thêm: "Thật ngại quá, tôi kiếm được năm đồng rồi." Học giả vô cùng sửng sốt.

(Sưu tầm từ Internet)

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

AI MỚI LÀ KẺ NGU?


Một ông thầy giáo mới dạy nhận ra rằng trong lớp có một cậu bé luôn luôn bị chửi là ngu. Trong giờ ra chơi ông hỏi nhóm bạn lý do.
- Thì nó là thằng ngu thật mà thầy. Nếu mà đưa cho nó đồng xu to 5 rúp và đồng xu nhỏ 10 rúp, thì nó sẽ chọn đồng 5 rúp, vì nó nghĩ đồng 5 rúp có kích thước to hơn thì là tốt hơn. Đây, thầy nhìn nhé.

Một bạn trong nhóm giơ 2 đồng xu và cho cậu kia chọn. Và cậu vẫn chọn đồng 5 rúp như trước. Thầy giáo ngạc nhiên hỏi:
- Sao em lại chọn 5 rúp mà không chọn 10 rúp?

- Thầy nhìn này, đồng 5 rúp to hơn mà.

Tan trường, thầy đến chỗ cậu bé hỏi lại:

- Chẳng nhẽ em không thể hiểu được đồng 5 rúp chỉ to hơn về mặt kích thước, nhưng đồng 10 rúp thì em có thể mua được nhiều thứ hơn?

- Nếu em lấy 10 rúp thì lần sau bọn nó sẽ không cho em nữa... Cậu bé trả lời.

(Sưu tầm từ Internet)
 

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

CÂY GIÁNG SINH TÌNH YÊU


Ba nhắc tôi:
 - Mặc nhiều áo vào con ạ! Trời lạnh lắm đó!
 - Dạ.
 Tôi “dạ” rồi lẳng lặng vào lấy thêm áo khoác. Hai cha con ra xe. Như một công việc quá quen thuộc hàng ngày, Ba đưa tôi đến trường. Trường học chỉ cách nhà tôi ba “block”, nhưng Ba vẫn đưa tôi đi, Ba không muốn tôi phải co ro trong tiết trời lạnh lẽo này nếu tôi đi bộ.
Đến trường, hai cha con nói “Bye” với nhau thật ngắn gọn. Ba lái xe đi. Mười tiếng đồng hồ nữa tôi mới gặp lại Ba. Bỗng nhiên hôm nay tôi dừng lại một chút ở cổng trường, ngoái nhìn theo Ba. Tôi không kịp thấy gì ngoài cái đuôi xe màu xám bạc. Rồi tôi liên tưởng đến màu trắng xám trên mái tóc của Ba. Một cách không cố ý, hai bàn tay của tôi nắm chặt lại. Tôi nghe tiếng thở dài của mình. Tôi bước theo đám học sinh, vào trường.
Giờ ăn trưa, trong khi các bạn xúm xít với nhau bàn chuyện lễ Giáng Sinh, tôi lặng lẽ đến ngồi ở một góc vắng. Tôi phải len lén chứ không thì chẳng yên thân với tụi nhóc. Thật ra thì khi tôi học hành, vui chơi cùng các bạn, tôi cũng là một cô học trò linh hoạt lắm. Nhưng khi ngồi yên tĩnh một mình, tôi như sống bằng một phần già dặn của chính tôi. Mấy đứa bạn thân không cần tinh ý gì cả cũng biết là tôi buồn vì không được sống gần mẹ. Nhưng tụi nó không muốn nói nhiều về điều đó nên thường để tôi một mình khi thấy tôi cần như thế. Dù sao, ở cái tuổi mười lăm như chúng tôi đây, cũng đã mang một chút gì “người lớn” trong cách suy nghĩ và xử sự.
Nhưng tôi còn có Ba. Ba cũng thương tôi lắm, chăm sóc tôi không thua một ông bố nào mà tôi biết. Ba đưa đón tôi đi học, giúp tôi làm bài, chở tôi đi chơi, đi mua sắm, thật như kiêm luôn cả phần việc của một người mẹ nữa. May là tôi cũng đã lớn, chứ không thì còn được Ba bồng bế, dỗ dành và ru ngủ nữa. Tôi cảm nhận được hết cái tình trìu mến của Ba. Tôi không đòi hỏi gì hơn. Nhưng tôi thấy rất rõ, giữa Ba và tôi vẫn có một khoảng cách. Vì tôi là con gái chăng? Không đúng. Mà có lẽ cái khoảng cách ấy chính là sự thiếu vắng của Mẹ.
Ở trường chúng tôi ăn cùng một thực đơn như nhau. Những thức ăn nhà trường cung cấp là quá đủ cho chúng tôi. Nhưng bạn tôi hầu như ai cũng có một chút gì mẹ chuẩn bị cho đem theo ăn thêm. Tôi thì không. Đó cũng là điểm khác biệt. Có khi tôi cũng được chia những thức ăn “phụ trội” đó. Tôi thưởng thức mà không suy nghĩ. Nhưng cũng có khi vì đó mà buồn.
Bữa ăn tối, thường thì hai cha con cùng nhau nấu nướng. Nhưng có những lúc tôi sắp thi, ba tôi lại giành nấu một mình. Có khi lười quá Ba lại lái xe ra ngoài để mua “cơm chỉ”. Mà ở đây lại là “cơm chỉ” của Mỹ. Mấy món ăn của tiệm “cơm chỉ” cũng ngon nhưng nhiều chất béo quá. Tôi là con gái nên sợ béo. Tôi không dám chê, nhưng hay len lén nhìn Ba. Tôi thấy Ba không lộ vẻ gì, nhưng khen thì Ba cũng không khen.
Đêm thì hai cha con hai phòng sát bên nhau nhưng tôi thường đi ngủ trước. Ba ngồi làm việc hay xem ti-vi một mình rồi Ba đi ngủ hồi nào tôi không hay. Và đó là xong một ngày của hai cha con. Cuộc sống có vẻ đơn điệu quá phải không?
***
Chiều nay tôi đi bộ về một mình vì Ba tôi làm thêm giờ. Tôi đi một đoạn ngắn với nhỏ Tina rồi chúng tôi chia tay ở trước nhà nó. Đi đến chỗ cây sồi to, tôi dừng lại và giật mình khi nhớ đến một chuyện đã khá lâu rồi, khi tôi mới bốn tuổi. Lúc đó Ba đi làm xa nên Mẹ là người đón tôi. Tôi được ngồi trong xe ấm áp nhưng tôi lại đưa mắt thèm thuồng nhìn các bạn đi bộ ngoài đường. Tôi buột miệng hỏi Mẹ:
- Mẹ ơi! Sao mẹ không cho con đi một mình như các bạn ấy?
Mẹ cười:
- Nhà các bạn ấy ở gần hơn nhà mình. Có bạn thì cha mẹ đi làm hết nên bạn đi một mình. Con sung sướng có mẹ đưa đón mà con không vui sao?
- Con… con cũng thích đi bộ một mình giống như các bạn.
Mẹ lắc đầu:
- Con xem bạn Dalena kìa! Nó phải đi một mình vì mẹ nó mất rồi!
Tôi im lặng. Bỗng tôi lẩm bẩm thật nhỏ tưởng mẹ không nghe:
- Bạn ấy vậy mà sướng!
Nhưng Chúa ơi! Mẹ lại nghe rất rõ. Mẹ lái xe tấp vội vàng vào ven đường, nơi có cây sồi to tướng này. Mẹ thắng xe “két” một cái nghe chói tai, rồi Mẹ đưa hai tay ôm lấy đầu. Mẹ khóc nức nghẹn không thành tiếng. Tôi hoảng sợ, bật khóc theo và xin lỗi mẹ rối rít. Sau này, tôi có dịp tâm sự cùng cô giáo dạy môn English, tôi được cô cho biết là có rất nhiều bạn nhỏ cùng suy nghĩ như tôi vì muốn chứng tỏ mình độc lập. Cô khuyên tôi đừng buồn. Nhưng tôi vẫn thỉnh thoảng nhớ lại chuyện ấy và có tâm trạng mình đã làm lỗi với mẹ.
Tôi rẽ vào cái ngõ cụt của nhà tôi. Hai cha con, hai chìa khóa riêng, tôi không phải lo. Tôi nhìn một lượt vòng quanh những nhà hàng xóm, cảm thấy không khí xung quanh có chút rộn ràng. Kìa! Đèn hoa và các vật trang trí trước những ngôi nhà đã đầy cả rồi!
Tôi mở khóa, bước vào nhà. Tôi đã quen với cái tĩnh mịch của căn nhà mình sống. Tôi quen dọn dẹp nhà cửa mỗi khi về đến, và nấu thức ăn cho hai cha con. Tôi dừng lại trước tủ lạnh, ngắm những tấm ảnh gia đình tôi đã đính thật nhiều trên cánh cửa bằng những miếng hình có nam châm đủ màu sắc lưu dấu những danh lam thắng cảnh. Như một thói quen không thể thiếu mỗi ngày, tôi mỉm cười chào những người trong hình: Ba, Mẹ và tôi.
***
Ba mang về một cây thông Giáng sinh. Đó là một cây thông giả. Nhà tôi đã bỏ hẳn lệ chưng cây thông thật từ khi tôi phát sinh chứng bệnh dị ứng với mùi nhựa thông. Cây thông giả của những năm trước, sau khi dùng đi dùng lại đã cũ nên Ba muốn mua cây mới. Khi Ba nhờ tôi phụ để lắp nó, tôi rất ngạc nhiên nhận ra đó là một cây thông có lá màu bạc. Toàn cây cũng là màu bạc. Tôi thắc mắc:
- Sao lại là màu bạc hở Ba?
- Đó là màu đặc biệt nhất đó con. Màu xanh thì mình đã biết từ bao lâu nay rồi!
- Nhưng con thấy cái cây thông màu bạc thì trông không vui.
- Ba sẽ trang trí những đốm tuyết trắng, rồi treo đèn kết hoa lên thì vui ngay.
- Con không thích. Thông là cây evergreen, làm sao mất màu xanh được? Con nghĩ nhà sản xuất cây này có tâm tính hơi khác thường, làm ra cái chuyện không đúng sự thật.
Ba nghe tôi chê thẳng thừng thì tỏ vẻ thất vọng. Nhưng Ba vẫn cố thuyết phục tôi:
- Con nhìn một lát sẽ thấy đẹp.
- Đẹp gì? Con nghĩ đó chỉ là tự ép buộc mình thôi. Con không quen nhìn màu bạc này trên một cái cây lẽ ra phải xanh.
- Con thật khó tính!
Nghe Ba nói hơi gắt, tôi bỗng khựng lại. Cảm giác khó chịu làm tôi bỏ đi vào bếp. Tôi nghĩ Ba không để ý đến con gái mình nghĩ gì, Ba “theo thời”, và chắc chắn là cái cây thông này phải mắc tiền hơn những cây thông “cổ điển” lâu nay.
Ba thấy tôi giận, nên đi vào gợi chuyện:
- Sao? Tối nay con gái cho Ba ăn món gì?
Tôi đáp nhẹ:
- Như mọi ngày thôi Ba!
- Vậy tốt rồi! Ba chỉ mong một ngày như mọi ngày.
Tôi kịp nghe tiếng Ba thở dài thật nhỏ. Tôi thấy hơi hối hận vì mình đã hờn mát với Ba. Tôi đang suy nghĩ một câu nói đùa để chọc Ba cười, thì có tiếng chuông điện thoại reo. Ba đi bắt máy. Tôi nghe loáng thoáng nhưng đoán được ngay điện thoại từ đâu. Ba nghe điện thoại xong, đến gần bên tôi, và không đợi tôi hỏi, Ba nói:
- Cô y tá nói Mẹ không còn đập phá, nhưng đã hai ngày nay bỏ ăn, không nói gì, chỉ ngồi ủ rủ trong một góc.
***
Mấy hôm nay buổi chiều tôi phải đi bộ về nhà một mình, vì Ba sau khi tan sở đã ghé bệnh viện thăm Mẹ, thật tối Ba mới về. Tôi cũng chuẩn bị cơm chờ Ba về rồi hai cha con cùng ăn. Tôi không thể thăm Mẹ hàng ngày như Ba được, mà phải chờ đến cuối tuần, vì Ba muốn tôi có đủ thời gian để làm bài. Mà đã bao năm nay vẫn là như vậy rồi. Chỉ khi nào Mẹ có những biểu hiện khác thường thì Ba mới vào thăm mỗi ngày, ngoài ra hai cha con chỉ vào thăm Mẹ mỗi cuối tuần. Thời gian đầu, khi Mẹ phải ở lại bệnh viện như một bệnh nhân nội trú, Ba như phát điên lên. Mãi sau, Ba đành phải chấp nhận sự thật: Mẹ không thể chung sống với gia đình như những người phụ nữ bình thường được nữa. Căn bệnh tâm thần của Mẹ đã quá nặng! Đứa con gái cần có người mẹ để chia xẻ, hướng dẫn và giúp đỡ nhiều nhất, đã phải chấp nhận sống xa mẹ. Vâng, tôi cũng đã phải chấp nhận sự thật đó. Cho đến bây giờ, tôi nhìn lại vẫn cảm thấy tủi thân ghê gớm. Ba là đàn ông, có thương con đến mấy cũng khó có thể hiểu thấu và chia sớt cùng con.
Tối nay tôi đã tận dụng thời gian Ba chưa về để làm xong bài tập Toán. Tôi được rảnh rồi! Chỉ còn chờ Ba về là ăn cơm thôi, cũng hơi trễ một chút nhưng hai cha con còn có thời gian để xem một phim gì đó trên ti-vi. A! Tôi bỗng thấy mình có việc làm, khi nhìn qua phòng khách, cây Giáng sinh chưa được trang hoàng gì cả. Ba quá bận rộn mà! Tôi sẽ làm cho Ba có chút ngạc nhiên chứ? Con gái Ba sẽ được khen là giỏi. Tôi tủm tỉm cười và đi sang đó. Trong khi soạn những hộp đựng đồ trang trí cho cây thông, tôi liếc nhìn qua góc làm việc của Ba, bỗng thấy trên bàn chiếc máy computer chưa tắt. Ba hẳn đã ngủ gà ngủ gật ở đây đêm hôm qua ư? Ba lại mê viết lách chi đây? Ba thật là người tham công tiếc việc! Từ bao lâu nay Ba vẫn mê công việc như thế. Phải tắt máy giùm Ba thôi. Tôi chạm nhẹ nút “enter”. Màn hình hiện lên một trang đang viết dở. Không phải là những khung tài liệu “excel” như thường lệ, mà toàn những chữ, như một bài văn. Dòng chữ đầu tiên đập vào mắt tôi: “Anh rất ân hận…”
***
“Em! Anh rất ân hận vì đã không biết trân quý em. Mọi cái anh đều coi như chuyện đương nhiên là như vậy. Đến bây giờ, khi gặm nhấm nỗi nhớ ray rứt, đối diện với sự cô đơn, anh hiểu thế nào là sự thống khổ. Anh không dám để lộ cho con biết, dù với sự tinh tế của con, nó sẽ dễ dàng lắng nghe lời anh thố lộ.
Ngày trước, khi em mỗi tháng tay xách nách mang đi thăm nuôi anh, anh đã thương em biết bao! Mỗi lúc nhìn em quay lưng đi và chìm cái dáng gầy gò nhẫn nhục trong dòng người, anh ứa nước mắt tự nhủ “Nếu được trở về, tôi sẽ làm mọi cái để cho vợ tôi được hạnh phúc”.
Bao nhiêu gian nan rồi cũng vượt qua được một cách kỳ diệu. Sang bên này, mọi cái bỗng không được như mình nghĩ. Anh và em phải đi làm cật lực mới đủ sống. Mình đã không dám sinh con. Dù chưa đến nỗi như cảnh hai vợ chồng trong một câu chuyện mình đọc được trên báo: họ chỉ gặp nhau ở trạm xăng, khi người vợ làm ca đêm trở về và người chồng bắt đầu đi làm buổi sáng, nhưng anh và em cũng không có nhiều thời gian dành cho nhau. Khi anh chọn được một công việc vừa ý, hợp với khả năng của mình, anh đã đam mê công việc nhiều hơn là nghĩ đến em. Mỗi ngày mình trở về từ hãng, em lủi thủi làm bếp, và anh ngồi miệt mài với những giấy tờ của sở. Có hôm nghe tiếng em xuýt xoa vì bị dao cắt trúng tay, anh ngồi bên này hỏi vọng sang “Em có sao không?”, rồi nghe em trả lời “Không sao”, anh lại tiếp tục công việc của mình. Cho đến mấy ngày hôm sau, thấy em đi bác sĩ, anh mới biết là vết thương khá sâu trên ngón tay em bị làm độc. Ôi anh thật là hời hợt! Thế mà rồi đâu cũng vào đấy. Một lần đến chơi nhà bà con, em bưng tô phở nóng sôi bị vấp té. Anh thấy các bà các chị xúm lại giúp em, anh đã không theo em vào phòng để xem vết phỏng, và anh vẫn chén chú chén anh với mấy người đàn ông. Ngày qua ngày, anh càng tỏ ra là một người không quan tâm đến em khi anh quá ỷ lại vào những người xung quanh.
Những chuyện đó có người sẽ cho là rất nhỏ, nhưng trong nỗi ân hận của anh, chúng lại trở thành ray rứt vô cùng. Ôi, anh ước gì ngay bây giờ em đang có trước mặt anh để nghe anh xin lỗi. Anh đã phạm một tội lỗi mà chính anh không tha thứ cho mình, đó là anh đã quên mất căn bệnh của em. Ngày anh quen em, anh đã rất xót xa vì biết em mang một tâm bệnh. Phần vì em có mang một tính di truyền, trong dòng họ của em đã có người cậu bị bệnh tâm thần, phần vì em là một sinh viên rất đam mê học hành. Em đặt hết tâm trí vào việc học, em luôn muốn được đậu cao. Đậu cao! Hầu như cái thời của mình ai cũng mơ đậu cao. Nhưng em đã bị tác dụng của sự đam mê ấy làm mất quân bình. Cuối năm thứ nhất thi hỏng vài môn, em đã phát bệnh. Lúc đó em rất hiền, ngồi bên anh, em bảo em nghe có tiếng người nói thì thầm vào tai, có lúc như có một người khác đang “ở trong em”. Thế thôi! Người nhà đưa em đi chữa thuốc. Sau đó em yên ổn trở lại. Từ sau ngày cưới của mình, em đã như một người hoàn toàn khỏe mạnh…
Em! Một người nào đó đã nói: “Con người ta có thể dũng cảm đương đầu với những sự gian khó, nhưng lại không sống nổi với sự nhàm chán và cô đơn”. Có phải là trường hợp của em đó không? Em rất can trường nhưng em cũng rất yếu đuối. Em rất vững chãi nhưng em dễ ngã quỵ. Anh đã không nghĩ đến điều đó. Thời gian em mang thai, anh cũng không ngờ đến căn bệnh tiềm ẩn của em. Anh tưởng sống vui vẻ với nhau là đủ rồi, thật đơn giản. Ôi anh không thể tưởng tượng được, cái ngày đứa con gái xinh xắn của mình tròn năm tuổi là ngày bệnh của em tái phát. Em biết rõ như vậy nên em rất kềm chế mình. Những lúc em nổi cơn giận dữ thì anh lại không có bên cạnh. Anh ham mê công việc ở hãng và phó thác em cho người được Sở Xã hội gửi đến giúp. Em vì bệnh nên không thể tiếp tục đi làm, trong khi em là người dệt thật nhiều những ước mơ tốt đẹp về sự nghiệp. Điều này tác dụng y như việc trước kia em bị thi hỏng. Và bệnh của em ngày càng nặng thêm.
Mimi được năm tuổi thì mẹ lại phải xa con. Tình trạng của em quá tệ đến nỗi tất cả mọi người, từ bác sĩ đến người thân, đều khuyên anh đưa em vào ở trong bệnh viện để được điều trị thích hợp và cũng để giữ an toàn cho con. Anh không còn cách chọn lựa nào khác. Mỗi lần anh cùng Mimi vào thăm em, anh như thấy em đổi khác một chút. Em cũng trò chuyện, nói cười, nhưng đột nhiên em như chìm vào một cõi xa lạ nào chỉ có mình em biết. Và anh thường dắt con ra về trong một cảm giác hụt hẫng đau đớn. Có phải đó là sự trừng phạt Trời dành cho anh không hở em?
Mười năm qua anh sống trong một cảm giác vô cùng nuối tiếc những ngày chúng ta vui buồn có nhau. Anh cố gắng làm tất cả cho con của mình được sung sướng. Nhưng anh như người lính ra trận không có chiến hữu. Anh không thể tâm sự với em được nữa rồi! Những lúc vào thăm em, nói chuyện với em, anh chỉ là một người ngoại quốc. Có lúc em tỏ vẻ lắng nghe anh rồi bỗng cười phá lên và hỏi “anh nói cái gì?”… Em không còn có thời gian, không gian để chia xẻ cùng anh nữa.
Mấy hôm nay em đã trở bệnh thành một trạng thái khác, không còn khích động hung hăng. Anh vào thăm, thấy em ngồi im lìm trong góc phòng, hỏi gì cũng không nói. Bác sĩ cũng không hiểu em nghĩ gì. Nét mặt của em lạnh như một tảng băng. Là vì sao hở em? Anh muốn tảng băng đó phải được ấm lên. Làm thế nào đây? Anh tự hỏi và không có câu trả lời. Anh đã kiệt sức!”
***
Ba và tôi đã hoàn thành cây Giáng sinh kịp trước lễ. Không khí của đêm Chúa ra đời thật bình an tuy ngoài trời tuyết rơi nhiều. Xứ Lake Tahoe của tôi năm nay trời lạnh hơn mọi khi. Tôi chuẩn bị một vài món ăn cho tiệc “réveillon”, chữ này Ba bày tôi nói theo tiếng Pháp đó! Tôi biết làm các món ăn nhờ sưu tầm và học hỏi qua sách báo, internet và ti-vi, chứ tôi đâu được học ở mẹ như các bạn khác. Tôi bày tất cả thức ăn trên bàn, và ngồi chờ.
Ba về! Và có cả Mẹ nữa! Tôi đã hồi hộp chờ đợi giây phút này. Mẹ ngơ ngác nhìn quanh khắp nhà như đang đến một xứ lạ. Mẹ thờ thẫn nhìn tôi lúc này đang ôm lấy Mẹ. Tôi không cần biết Mẹ có nhận ra tôi là ai không nữa. Nhưng tôi biết rằng lòng tôi đang được ấm lên, rất ấm.
Ba đưa Mẹ vào phòng khách, dìu Mẹ ngồi xuống chiếc ghế tròn từ ngày nào vẫn là dành riêng cho Mẹ. Chiếc ghế này tôi cũng rất thích, vẫn thường thay Mẹ ngồi vào đó để cảm nhận cái sung sướng muốn cuộn mình ngủ vùi như một con mèo nhỏ. Mẹ tỏ vẻ hài lòng. Và Mẹ nhìn sang cây Giáng sinh. Đôi mắt của Mẹ bỗng sáng lên như có hồn. Mẹ lẩm bẩm:
- Cây thông! Cây thông… màu bạc! Ô, sao có cây thông màu bạc???
Ba bật khóc. Ba quỳ xuống bên cạnh Mẹ, nói với giọng xúc động:
- Phải, cây thông màu bạc. Em có nhớ gì không?
Mẹ lắc đầu. Ba nói trong sự nhẫn nại:
- Cây thông trên ngọn đồi gần Viện Pasteur Đà Lạt, em nhớ không? Năm đó, anh nghỉ phép về cưới em, mình được thêm mấy ngày để đi Đà Lạt. Mình đã tinh nghịch chạy lên ngọn đồi trước mặt Viện Pasteur để chặt cây thông con về làm cây Giáng sinh. Khi hai đứa khệ nệ mang đi, có người chạy theo cho biết là cảnh sát sẽ phạt những ai đốn chặt cây thông con, vì đó là điều cấm. Hai đứa hoảng hồn. Em nảy ra sáng kiến vào tiệm bán sơn mua một lon sơn. Hết sơn trắng để giả làm tuyết, mình đành mua lon sơn màu bạc, hai đứa thi nhau phết sơn lên cành cây. Thế là ra một cây thông màu bạc. Hì hục sơn xong, anh và em nhìn quanh thấy mọi người bu lại như coi hát xiệc. Trong số đó có một anh cảnh sát. Anh ấy lắc đầu, cười hai đứa mình già đầu mà dại như con nít. Thật không giống ai! Thế nhưng cây thông được bưng về tặng cho trường học vì mình đâu có nhà ở đó mà chưng. Thế rồi…
Ba đang nói huyên thuyên bỗng ngưng bặt, vì Mẹ đang cười thật giòn. Như có một phép lạ nào làm cho cả gương mặt của Mẹ sáng lên rạng rỡ. Mẹ thật đẹp như Mẹ trong những bức hình tôi ép vào sách để ngắm mỗi ngày. Ký ức của Mẹ có phần nào đã sống lại chăng? Tất cả những gì Ba vun đắp bấy lâu, bằng nỗi buồn phiền, thất vọng, nhớ nhung, ân hận, và tình yêu, đã được đền lại bằng phút giây này!
Giáng Sinh 2009
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

MÓN QUÀ CỦA BA VUA


Một đồng tám mươi bảy xu, đúng như vậy. Hàng ngày, cô cố gắng tiêu thật ít tiền khi đi chợ. Cô đi loanh quanh tìm mua thứ thịt và rau rẻ nhất cho bữa ăn hàng ngày, ngay cả lúc cảm thấy hết sức mệt mỏi cô vẫn cố tìm kiếm. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.

Della đếm lại số tiền ít ỏi một lần nữa. Không hề có sự nhằm lẫn, chỉ có một đồng tám mươi bảy xu ,và ngày mai sẽ là lễ giáng sinh.

Cô sẽ không thể làm gì hơn, chỉ còn cách ngồi xuống và khóc mà thôi. Ở đó, trong một căn phòng nhỏ, tồi tàn, cô đang nức nở.

Della sống trong căn phòng nhỏ nghèo nàn này với chồng của cô, James Dillingham Young, ở thành phố NEW YORK.

Họ có một phòng ngủ, một phòng tắm và một nhà bếp. James Dillingham Young may mắn hơn cô vì anh ấy có việc làm. Tuy vậy đó không phải là một công việc kiếm được nhiều tiền. Tiền thuê căn phòng này chiếm gần hết lương của anh ấy. Della đã cố gắng rất nhiều để tìm một công việc nhưng vận may đã không mỉm cười với cô. Tuy nhiên, cô rất hạnh phúc khi ôm 'Jim', James Dillingham Young, trong tay mỗi khi anh trở về.

Della đã ngừng khóc. Cô lau khô mặt rồi đứng nhìn một chú mèo xám trên bức tường đồng màu với nó bên cạnh con đường tối ngoài cửa sổ.

Ngày mai là Noel và cô chỉ còn một đồng tám mươi bảy xu để mua cho Jim, Jim của cô, một món quà. Cô muốn mua một món quà thật sự có ý nghĩa, một thứ có thể biểu hiện được tất cả tình yêu cô dành cho anh.

Della chợt xoay người chạy đến bên chiếc gương treo trên tường. Mắt cô sáng lên.

Cho đến bây giờ, gia đình James Dillingham Young chỉ có hai vật quí giá nhất. Một thứ là chiếc đồng hồ vàng của Jim. Chiếc đồng hồ này trước đây thuộc sở hữu của cha anh ta và trước nữa là ông nội anh ta. Thứ còn lại là mái tóc của Della.

Della thả nhanh mái tóc dài óng mượt xuống lưng. Thật tuyệt đẹp, không khác nào như một chiếc áo khoác đang choàng qua người cô. Della cuộn tóc lên lại. Cô đứng lặng đi rồi thút thít một lát.

Della buớc chậm rãi qua các cửa hàng dọc hai bên đường rồi dừng lại trước bảng hiệu 'Madame Eloise'. Tiếp cô là một phụ nữ mập mạp, bà ta chẳng có một chút vẻ 'Eloise' nào cả.

Della cất tiếng hỏi: 'bà mua tóc tôi không?'

'Tôi chuyên mua tóc mà', bà ta đáp và bảo: 'hãy bỏ nón ra cho tôi xem tóc của cô đi'

Suối tóc nâu đẹp tuyệt vời buông xuống.

'Hai mươi đồng' bà ta định giá, bàn tay nâng niu mái tóc óng ả.

'Hãy cắt nhanh đi! và đưa tiền cho tôi' Della nói.

Hai giờ tiếp theo trôi qua nhanh chóng. Cô tìm mua quà cho Jim trong các cửa hiệu trong niềm vui khôn tả. Cuối cùng cô cũng chọn được một thứ. Đó là môt sợi dây đồng hồ bằng vàng. Jim rất quí chiếc đồng hồ của mình nhưng rất tiếc là nó không có dây. Khi Della trông thấy sợi dây này cô biết rằng nó phải là của anh và cô phải mua nó.

Cô trả hai mươi mốt đồng để mua và vội vã trở về nhà với tám mươi bảy xu còn lại.

Đến nhà, Della ngắm mái tóc cực ngắn của mình trong gương và nghĩ thầm: 'mình có thể làm gì với nó đây?'. Nửa giờ tiếp theo cô nhanh chóng chuẩn bị mọi thứ. Xong Della lại ngắm nghía mình trong gương lần nữa. Tóc của cô bây giờ toàn những sợi quăn quăn khắp đầu. 'Chúa ơi, mình trông như một con bé nữ sinh ấy!'. Cô tự nhủ : 'Jim sẽ nói gì khi thấy mình như thế này?'

Bảy giờ tối, bữa ăn đuợc chuẩn bị gần xong. Della hồi hộp chờ đợi, hy vọng rằng mình vẫn còn xinh đẹp trong mắt Jim.

Thế rồi cửa mở, Jim bước vào. Anh ấy trông rất gầy và cần có một cái áo khoác mới. Jim nhìn chằm chằm vào Della. Cô không thể hiểu được anh đang nghĩ gì, cô sợ. Anh ta không giận dữ, cũng chẳng ngạc nhiên. Anh đứng đó, nhìn cô với ánh mắt kỳ lạ. Della chạy đến bên Jim òa khóc: 'Đừng nhìn em như thế, anh yêu. Em bán tóc chỉ để mua cho anh một món quà. Tóc sẽ dài ra mà. Em phải bán nó thôi, Jim à. Hãy nói 'giáng sinh vui vẻ', em có một món quà rất hay cho anh này!'

'Em đã cắt mất tóc rồi à?' Jim hỏi

'Đúng thế, em đã cắt và bán rồi, vì vậy mà anh không còn yêu em nữa ư? em vẫn là em mà!' Della nói.

Jim nhìn quanh rồi hỏi lại như một kẻ ngớ ngẩn: 'em nói là em đã bán tóc à?'

'Đúng, em đã nói vậy, vì em yêu anh! Chúng ta có thể ăn tối được chưa, Jim?'

Chợt Jim vòng tay ôm lấy Della và rút từ túi áo ra một vật gì đấy đặt lên bàn. Anh nói: 'anh yêu em, Della, dù cho tóc em ngắn hay dài. Hãy mở cái này ra em, sẽ hiểu tại sao khi nãy anh sững sờ đến vậy.'

Della xé bỏ lớp giấy bọc ngoài và kêu lên sung sướng, liền sau đó những giọt nước mắt hạnh phúc rơi xuống.Trong đó là một bộ kẹp tóc, những chiếc kẹp dành cho mái tóc óng ả của Della. Cô đã mơ ước có đuợc nó khi trông thấy lần đầu tiên qua cửa kính một gian hàng. Những cái kẹp rất đẹp và rất đắt tiền. Bây giờ chúng đã thuộc về cô nhưng tóc cô thì không còn đủ dài để kẹp nữa!

Della nâng niu món quà, mắt tràn đầy hạnh phúc. 'Tóc em sẽ chóng dài ra thôi Jim', nói xong cô chợt nhớ đến dây đồng hồ vàng định tặng cho Jim và chạy đi lấy.

'Đẹp không anh? em đã tìm kiếm khắp nơi đấy, giờ thì anh sẽ phải thích thú nhìn ngắm nó hàng trăm lần mỗi ngày thôi. Nhanh lên, đưa nó cho em, Jim, hãy nhìn nó với sợi dây mới này'

Nhưng Jim không làm theo lời Della. Anh ngồi xuống vòng tay ra sau đầu mỉm cười nói: 'Della, hãy cất những món quà này đi. Chúng thật đáng yêu. Em biết không, anh đã bán chiếc đồng hồ để mua kẹp cho em. Giờ thì chúng ta có thể bắt đầu bữa tối được rồi em yêu'

... đó là một câu chuyện cảm động về tình yêu của hai bạn trẻ đã hết lòng yêu nhau. Luôn nghĩ về nhau.



 O. Henry                     
(American writer, William S. Porter)


 

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

CON BÚP BÊ VÀ BÔNG HỒNG BẠCH




Tôi vội vã chạy tới một cửa hàng bách hóa để quơ đại vài món quà Giáng Sinh vào giờ cửa tiệm sắp đóng. Nhìn đám người ùn lên phía trước, tôi vừa bực bội với sự trễ nải của mình vừa cố gắng xấn xổ vượt qua được đám đông chen chúc trong cái gian hàng đồ chơi trẻ con này. Giá mà tôi lăn kềnh được ra đây, ngủ thiếp đi, tỉnh dậy để phát hiện ra rằng ngày Lễ Giáng Sinh đã qua rồi thì hay biết mấy!
 
Bỗng nhiên, tôi nhận ra tiếng của chính tôi đang lẩm bẩm đọc giá tiền những món đồ chơi bày trên kệ và tưởng tượng cảnh mấy đứa cháu được ôm những món đồ chơi đó trong lòng. Thuận chân, tôi tiến về khu bán búp bê. Phía xéo với tầm mắt, tôi thấy một em bé trai trạc 5 tuổi đang ôm một con búp bê xinh xắn. Đứa bé nâng niu món đồ chơi trong vòng tay, còn tay kia thì cứ vuốt mãi lên mái tóc mềm như tơ của con búp bê. Tôi không thể dời mắt khỏi quang cảnh đó mà cứ chăm chú nhìn cậu bé, trong lòng thắc mắc không biết cậu ta giữ con búp bê đó cho ai vậy. Rồi tôi thấy cậu ta quay qua phía một phụ nữ đứng bên cạnh mà hỏi:
 
– Cô có chắc là số tiền của cháu không đủ để mua con búp bê này không?
 
Người cô trả lời, giọng có vẻ sốt ruột:
 
– Cháu biết là cháu không đủ tiền mua nó mà.
 
Rồi cô ta dặn cháu đừng đi đâu cả, phải đứng tại đó chờ cô ta đi mua mấy món đồ, sẽ trở lại trong vòng vài phút. Nói xong, cô đi khuất khỏi tầm mắt chúng tôi.
 
Cậu bé vẫn đứng đó tay ôm con búp bê. Ngập ngừng một chút, tôi cất tiếng hỏi cậu định mua con búp bê cho ai. Cậu bé trả lời:
 
– Đây là con búp bê mà em cháu thích được tặng vào dịp Giáng Sinh này lắm. Em cháu biết chắc là Santa Claus sẽ mang tới cho em.
 
Tôi bảo cậu bé:
 
– Có lẽ Santa Claus sẽ mang tới cho em cháu thật đấy.
 
Cậu bé lắc đầu:
 
– Không, Santa sẽ không thể tới được nơi mà em cháu hiện nay đang ở. Cháu phải đưa con búp bê cho mẹ cháu để mẹ mang tới cho em.
 
Tôi hỏi:
 
– Vậy em cháu ở đâu?
 
Cậu bé nhìn tôi bằng cặp mắt thê thảm nhất, trả lời:
 
– Em cháu đã về với Chúa. Bố cháu nói rằng mẹ cháu cũng sắp phải đi với em rồi.
 
Tim tôi thót lại. Cậu bé nói tiếp:
 
– Cháu dặn bố cháu nói với mẹ là mẹ đừng đi vội. Cháu dặn bố cháu nói với mẹ là hãy chờ cháu từ tiệm trở về.
 
Rồi cậu bé hỏi tôi có muốn coi hình của cậu ta không. Tôi nói rằng tôi rất muốn. Cậu ta lôi ra mấy tấm hình mà cậu mới chụp ở ngoài cửa tiệm, nói:
 
– Cháu muốn mẹ cháu đem theo mấy tấm hình này để mẹ không bao giờ quên cháu. Cháu yêu mẹ cháu lắm. Cháu ước gì mẹ cháu sẽ không phải rời bỏ cháu. Nhưng bố cháu nói rằng mẹ cháu cần phải đi với em cháu.
 
Tới đây, cậu bé lặng lẽ cúi gục đầu xuống. Trong khi cậu ấy không nhìn thấy, tôi thò tay vào ví lôi ra một nắm tiền giấy cuộn trong lòng bàn tay rồi đề nghị:
 
– Này, hay là chúng mình đếm lại tiền của cháu một lần nữa coi sao?
Cậu bé có vẻ phấn khởi:
 
– Dạ, cháu biết chắc là phải đủ mà.
 
Thế là tôi nhẹ nhàng tuồn nắm tiền trong lòng bàn tay tôi nhập vào với tiền của cậu bé và bắt đầu đếm. Dĩ nhiên là bây giờ thì số tiền dư sức để mua con búp bê. Cậu bé nhìn lên cao, cất tiếng nhẹ nhàng:
 
– Xin cảm ơn Chúa đã cho con đủ tiền mua búp bê.
 
Rồi cậu nói với tôi:
 
– Cháu vừa mới cầu xin Chúa cho cháu đủ tiền mua con búp bê này để mẹ cháu có thể đem theo cho em cháu. Chúa đã nghe thấy lời cầu xin của cháu. Cháu đã muốn xin đủ tiền để mua được hoa hồng bạch cho mẹ cháu nữa mà cháu lại không hỏi. Vậy mà Chúa lại cũng cho cháu đủ tiền để mua được cả búp bê cho em cháu và hoa hồng cho mẹ cháu nè. Mẹ cháu thích hoa hồng bạch lắm, cô à.
 
Người cô của cậu ta đã trở lại. Tôi cũng đẩy xe đồ của tôi đi luôn. Đầu óc tôi cứ bận bịu với hình ảnh cậu bé trong khi tôi tiếp tục mua sắm, nhưng tinh thần tôi bây giờ không giống như trước khi tôi gặp cậu ta. Tôi bỗng nhớ tới một câu chuyện đăng trên báo mấy ngày trước đây, câu chuyện về một người say rượu lái xe, tông vào xe kia làm cho một cô bé chết ngay và mẹ cô ta bị thương nặng. Gia đình người bị nạn đang bối rối trước quyết định có nên tháo bộ máy trợ sinh ra khỏi cơ thể bà ta chăng. Nhưng dĩ nhiên là cậu bé này chẳng liên quan gì đến câu chuyện đó cả, tôi tự nhủ thế.
 
Hai ngày sau tôi đọc báo thì biết được rằng gia đình người đàn bà trong tai nạn xe hơi đã quyết định tháo máy trợ sinh và bà ta đã chết. Tôi vẫn chưa quên câu chuyện cậu bé và cứ thắc mắc không biết hai chuyện có liên quan gì đến nhau không.
 
Chiều hôm đó, không nhịn được nữa, tôi đi mua mấy bông hoa hồng trắng và đến nơi quàn xác người đàn bà.
 
Thì ô kìa, nằm lặng lẽ trong bộ áo cuối cùng của cuộc đời, người đàn bà trẻ ôm trong tay một bông hồng bạch cạnh con búp bê xinh xắn và trên ngực là tấm hình cậu bé chụp trước cửa tiệm bách hóa.
 
Tôi ra về với đôi mắt đẫm lệ, cuộc đời tôi thay đổi từ lúc đó. Tình yêu mà cậu bé thơ ngây dành cho em nhỏ và mẹ cậu ta mới thiêng liêng sâu sắc làm sao! Một tình yêu bao la như thế, đằm thắm như thế, mà chỉ trong thoáng chốc, một người say rượu, lái xe trong tình trạng tâm trí không sáng suốt, đã xé tan nát trái tim cậu bé ra thành từng mảnh.






I hurried into the local department store to grab some last minute Christmas gifts. I looked at all the people and grumbled to myself. I would be in here forever and I had so much to do. Christmas was beginning to become such a drag. I kinda wished that I could just sleep through it. But I hurried the best I could through all the people to the toy department. Once again, I kind of mumbled to myself at the prices of all these toys and wondered if the grand kids would even play with them.

I found myself in the doll aisle. Out of the corner of my eye I saw a little boy about five-years-old, holding a lovely doll. He kept touching her hair and held her so gently. I could not seem to help myself. I just kept looking over at the little boy and wondered who the doll was for. I watched him turn to a woman, and he called his aunt by name. He asked, "Are you sure I don't have enough money?"

She replied a bit impatiently, "You know that you don't have enough money for it!" The aunt told the little boy not to go anywhere because she had to go get some other things and would be back in a few minutes. She then left the aisle.

The boy continued to hold the doll. After a bit, I asked the boy who the doll was for. He said, "It is the doll my sister wanted so badly for Christmas. She just knew that Santa would bring it."

I told him that maybe Santa was still going to bring it. He said, "No ... Santa can't go where my sister is. I have to give the doll to my Mommy to take to her."

I asked him where his sister was. He looked at me with the saddest eyes and said, "She has gone to be with Jesus. My Daddy says that Mommy is going to have to go be with her."

My heart nearly stopped beating. Then the boy looked at me again and said, "I told my Daddy to tell Mommy not to go yet. I told him to tell her to wait until I got back from the store."

He then asked if I wanted to see his picture. I told him I would love to. He pulled out some pictures he'd had taken at the front of the store. He said, "I want my Mommy to take this with her so she doesn't ever forget me. I love my Mommy so very much and I wish she did not have to leave me. But Daddy says she will need to be with my sister."

I saw that the little boy had lowered his head and had grown so very quiet. While he was not looking I reached into my purse and pulled out a hand full of bills. I asked the little boy, "Shall we count that money one more time?"

He grew excited and said , "Yes! I just know it has to be enough!" So I slipped my money in with his and we began to count it. And of course , there was plenty for the doll. He softly said, "Thank you, Jesus, for giving me enough money."

The boy then told me, "I just asked Jesus to give me enough money to buy this doll so Mommy can take it with her to give to my sister. He heard my prayer! I wanted to ask Him for enough to buy my Mommy a white rose, too, but I didn't think I should ask for too much. But He still gave me enough to buy the doll and a rose for my Mommy. She loves white roses so very very much."





A few minutes later, the aunt came back and I wheeled my cart away. I could not keep from thinking about the little boy as I finished my shopping in a totally different spirit than when I had started. And I kept remembering a story I had seen in the newspaper several days earlier about a drunk driver hitting a car, killing a little girl, and laving the mother in serious condition. The family was deciding on whether to remove the life support system. Now surely, this little boy did not belong with that story.

Two days later, I read in the paper that the family had disconnected the life support and the young woman had died. I could not forget the little boy and just kept wondering if the two were somehow connected. Later that day, I could not help myself and I went out and bought some white roses and took them to the funeral home where the young woman was. And there she was ... holding a lovely white rose, the beautiful doll, and the picture of the little boy in the store.






I left there in tears ... my life had changed forever. The love that little boy had for his little sister and his mother was overwhelming. In a split second, a drunk driver had ripped the life of that little boy to pieces.


Written by V.A.Bailey
Người dịch: Vy Khanh (ĐPK)
_https://phuongkhanhdo.wordpress.com/2013/11/13/con-bup-be-va-bong-hong-bach


Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

EM BÉ BÁN DIÊM


(Phỏng theo truyện cổ tích Andersen)

Trong chiều cuối đông giá buốt
Màn tuyết xám thẫn thờ rơi
Người người qua đường hấp tấp
Không nói với nhau một lời.

****

Tuyết rơi dày trên đường phố
Người trong áo ấm co ro
Vẫn còn run lên vì rét...
Băng giá phủ mái nhà thờ.

*****

Từng hồi chuông ngân nga đổ
Như thúc dục bước chân đời
Hãy mau về nhà sum họp.
Mừng Chúa Giáng sinh đi thôi!

*****

Một cô bé so vai mỏng
Trong manh áo rách xác xơ
Thân gầy rẩy run không ngớt
Trước từng cơn gió tình cờ.

*****

Trên tay những hộp diêm nhỏ,
Em mời những khách qua đường.
Không ai đoái hoài đến cả.
Không ai rủ chút lòng thương.

*****

Không ai biết em đói lạnh
Không ai biết em bơ vơ
Không ai biết em sợ hãi...
ngọn roi ác độc đang chờ.

*****

Mái nhà em là địa ngục
Hắt hủi em đến tận cùng
Không chút tình thương máu mủ,
Không lời thăm hỏi quan tâm.

*****

Dòng người dần thưa thớt hẳn
Phố phường giờ đã vắng tanh
Lửa hồng trong từng ô cửa
Chỉ em bơ vơ một mình...

*****
Một mình trong cơn đói lạnh
Một mình với những bao diêm
Trong tay em trăm đốm lửa
Mà sao giá rét triền miên?

*****
Tay em giờ như tê cóng
Môi em dường đã khát khô
Đôi chân không còn bước nổi
Trong cơn đói lạnh vật vờ.

*****
Em lê người vào ngách hẹp
Tìm nơi khuất gió trú chân
Như con chim non trốn tuyết
Qua cơn rét mướt châu thân.

*****

Khát thèm một tia lửa ấm
Từng que diêm em đã nhen.
Gợi mảng đời xưa hạnh phúc
Bừng lên trong đôi mắt hiền...

*****

Kìa! mẹ dang vòng tay ấm
Lời ru dìu giấc ngủ ngoan
Kìa!...bà cười rung tóc trắng
Dìu em chập chững đến trường...

*****

Kìa! cây thông xanh hạnh phúc
Lung linh đón Giáng sinh về...
Bỗng như tan trong mộng ảo
Chỉ còn gió rít não nề...

*****

Tim em nhói lên... thảng thốt
Ngày xưa đó... của em đâu?
Run rẩy từng que diêm đốt
Như níu giây phút nguyện cầu

*****

Nguyện cầu cho em đủ ấm
Cầu qua cơn đói đảo điên
Cầu cho không còn roi vọt
Cầu xin một lời hỏi han.

*****

Để em không còn lầm lũi
Trên đời, một trẻ lang thang
Không một vòng tay che chở
Như lửa que diêm... chóng tàn!

*****

Lửa tàn... que diêm tắt ngấm
Chút hơi ấm nhỏ tan theo
Bóng đêm dâng tràn giá lạnh
Phủ vây cô bé đói nghèo.

*****

Xa đời nhắm nghiền đôi mắt
Hồn em tan trong gió đông
Tan trong cõi đời khinh bạc
Hỏi em còn thấy lạnh không?

*****

Bình minh nắng tràn muôn hướng
Người người hớn hở cười vui
Chẳng có một ai hay biết.
Bé thơ nằm chết bên đường.


*****

Chuông nhà thờ ngân nga đổ
Như lời thăm hỏi muộn màng
Chúa nhân từ hay vô cảm?
Quay lưng với trẻ lang thang....


                               (12/12/2016)
                           THÁI QUANG TU 

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

XA XỨ


Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.

Thư đầu viết: "ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình... "

Cuối năm viết: "mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm... "

Mùa đông sau viết: "em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội... Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không... "

(Truyện sưu tầm từ internet)
 

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

CHƯƠNG 33_CHUYỆN BÉ PHƯỢNG


33

Sáng hôm sau, trong lúc mọi người sửa soạn đi ăn sáng ở phòng dưới thì bà Juliette bước vào. Bà nói:

– Chị Thu, chị Quỳnh sửa soạn quần áo. Hai chị bị đuổi rồi!

Mọi người sững sờ như vừa nghe một tiếng sét đánh bên tai. Hương hấp tấp định hỏi thì bà Juliette đã ra khỏi phòng. Thu la lên:

– Trong phòng này có kẻ phản bội.

Hương nhìn ngay vào mặt chị Giang làm chị ta hốt hoảng kêu lên:

– Không! Không bao giờ cả! Tôi xin thề rằng tôi không có ý ấy.

Hương nhún vai ngồi xuống dựa lưng vào thành giường. Chị Thúy ngừng tay chải đầu ngồi xuống ghế. Hồng rón rén cúi xuống trải lại nệm giường. Chị Quỳnh đứng yên một chỗ tay mân mê vạt áo. Bầu không khí trở nên nặng nề một cách ghê gớm. Điều ấy làm mặt Giang  xám ngoẹt lại. Nàng chồm lại phía Hương, lắc mạnh tay chị ta rồi nói:

– Chị Hương!… Chị Hương!… Chị nói đi. Không phải tôi đấy chứ!

Hương gạt tay không đáp, rồi quay ngoắt người nhìn ra cửa sổ. Giang điên cuồng xô lại phía Thu níu lấy áo nàng hớt hải:

– Chị Thu! Chị Thu! Tại sao chị không nói! Chị vẫn biết rằng không phải tôi mà.

Thu thở dài đứng dậy đổi chỗ. Cử chỉ của Giang càng trở nên như điên cuồng. Nàng đập tay xuống mặt bàn hét thất thanh:

– Không! Không thể nào vô lý như vậy cả!… Ôi… Giê-su-ma lậy Chúa tôi…

Nói rồi nàng nằm vật xuống nệm giường khóc lên nức nở.

Bà Juliette lại xuất hiện một lần nữa. Giọng bà gay gắt hơn:

– Tất cả hãy ra ngoài và xếp hàng đi xuống phòng ăn. Các chị không thấy rằng đã muộn rồi hay sao.

Mọi người lặng lẽ đi ra ngoài. Giang thất thểu, lẽo đẽo đi sau. Ở cửa phòng ăn, tất cả mọi người đã tề tựu đông đủ. Trên hàng hiên, có đủ mặt bà phước Nhân, bà phước Hạnh, bà Cécile, bà Juliette, bà Madeleine, bà Hòa và những người giúp việc. Trước sân sỏi, những hàng ngũ trẻ con đã ngay ngắn đâu vào đấy. Mọi người hiểu ngay rằng sắp có chuyện nghiêm trọng xảy ra. Quả nhiên bà phước Nhân đứng ra hiểu dụ mọi người về sự chăm lo đến phần linh hồn và trao giồi đức tính để được toàn mình trước Chúa. Sau đó bà Célice đọc thông cáo đuổi hẳn hai chị Lê Kim Thu và Vương thị Quỳnh.

Hàng ngũ đang chỉnh tề bỗng trở nên rối loạn. Tất cả bọn trẻ đều nhớn nhác tìm chỗ đứng của hai chị ấy.
Con Dung giảng giải:

– Tao biết ngay là hai chị ấy sẽ bị đuổi. Chính hôm nọ các chị ấy cầm dao kéo dọa đâm chết chị Giang, chúng mày còn nhớ không.

Ở trên máy phóng thanh bà phước Hòa chợt lớn tiếng:

– Mọi việc đã xong rồi. Hàng đầu hãy bước lên trên trước. Hãy thứ tự đi vào phòng ăn.

Nhưng chợt hàng ngũ của các chị lớn tản ra bất ngờ. Họ lùi hẳn ra ngoài vạch trắng của nền xi măng. Trên hàng hiên, các bà phước xôn xao lố nhố. Bà Hòa hét lên:

– Các chị lớn làm gì thế kia! Hãy xếp vào hàng ngũ.

Nhưng không ai nghe lời bà cả. Bọn trẻ con thấy thế bắt chước túa ra chung quanh. Phượng chạy tọt đi tìm chị Quỳnh. Hai chị em ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Lúc đó bà phước Nhân giận dữ bước ra. Khuôn mặt của bà đỏ ửng như gấc chín. Hai làn môi tuy mím chặt mà nom vẫn còn run rẩy. Cặp mắt kính xô trễ xuống tận sống mũi. Bà nặng nề bước xuống những thềm đá. Giọng bà hét lên thất thanh:

– Xếp hàng vào! Mẹ bảo tất cả xếp hàng vào!

Mọi người đang ồn ào vụt im bặt, nhưng không một ai đứng vào hàng ngũ trở lại. Bà Nhân giận dữ:

– Tại làm sao không vào ăn sáng. Có phải các chị định làm reo đấy không. Mẹ nói cho các chị biết, hai mươi mấy năm trời ở đây, Mẹ không bao giờ tha thứ cho cái thói bè lũ, đảng phái như thế bao giờ đấy.

Ngừng một lát, bà quát:

– Tất cả đi vào phòng ăn.

Bọn trẻ con nhìn các chị lớn dò xét. Nhưng mọi người thì lại cúi gầm đầu xuống như không nghe thấy gì.

Bỗng Hương cất tiếng:

– Thưa mẹ, chúng con xin mẹ rút lại thông cáo vừa rồi.

Bà phước Nhân sấn lại phía nàng. Hai bàn tay bà nắm chặt vào nhau, bà giận dữ:

– Thế nào? Có phải chị muốn mặc cả với Ban Giám đốc đấy có phải không? Kỷ luật đã ấn định rằng kẻ nào có công thì được thưởng, có tội thì phải trừng phạt. Quyền thưởng hay phạt là do mẹ bề trên định đoạt. Không một đứa mồ côi nào được xen vào đó cả.

Hương nhếch mép quay đi. Cử chỉ ấy càng làm cho bà Nhân điên cuồng. Bà ta tiến đến một chậu cảnh và rút lên một cành tre. Bà chỉ vào chị Giang đứng ở gần bà nhất:

– Thế nào? Chị Giang? Chị không a dua với bọn họ đấy chứ?

Giang nhỏ nhẹ:

– Thưa Mẹ… con không biết phải làm thế nào cho hợp lẽ cả…

Bà Nhân nói:

– Vậy Mẹ bảo rằng con hãy đi vào phòng ăn ! Con có nghe lời không ?

Giang rên rỉ:

– Thưa Mẹ, không thể chỉ giản dị có như thế….

Bà Nhân trợn mắt:

– Không chỉ như thế thì còn cái gì nữa ! Đừng có nghe lời xúi giục.

– Thưa Mẹ, xin Mẹ hiểu cho, chúng con không muốn trái lời Mẹ, nhưng chúng con cũng không thể ăn gì được nếu hai bạn của chúng con phải ra đi.

Mặt bà Nhân như đỏ thêm lên, hai con mắt như muốn lồi hẳn ra. Bà nói như quát :

– Hãy đừng xâm phạm đến uy quyền và danh dự của các Soeur. Đó là tai họa lớn đối với Viện của chúng ta. Một lần nữa, Mẹ nhân danh bề trên ra lệnh cho con đi vào phòng!

Giang cương quyết:

– Thưa Mẹ, không thể được…

Bà Nhân gầm lên:

– Đồ vô ơn, bạc nghĩa!

Giang òa lên khóc. Hai tay nàng bủn rủn, chân nàng đứng không vững nên lảo đảo chực khuỵu xuống. Nhưng Hương đã tiến lại dìu nàng lên. Hương gọi:

– Chị Giang! Chị Giang!…

Ngập ngừng một lát Hương lấy vạt áo dài của mình lau lên mặt bạn và ấp úng nói:

– Chị tha lỗi cho chúng em, chị Giang nhé…

Trong lúc ấy bà Nhân với tất cả vẻ bạc nhược nặng nề tiến lại phía bọn trẻ con. Bà ta gí cành tre vào giữa trán con Dung và nói:

– Dung! Con nghe lời mẹ hay nghe lời ai.

Dung đáp nhanh nhẩu:

– Thưa mẹ, con nghe lời Mẹ.

-Vậy hãy bước vào phòng.

Dung lấm lét nhìn mọi người. Nhưng không có ai nhìn nó cả. Nó ngập ngừng nửa muốn cất bước, nửa muốn dừng lại thì bà Nhân quát:

– Đi vào!

Lần này Dung quả quyết tiến nhanh về phía ngưỡng cửa. Sau đó đến con Bích, con Hằng và vấp lại ở con Phượng. Bà Nhân hét:

– Phượng! Hãy đi vào !

Nhưng Phượng không đáp, chỉ đứng cúi gầm. Bà Nhân thở mệt nhọc một lát lại cất tiếng:

– Ta nói cho mà biết, ta không chịu thua những đứa mới nứt mắt ra đâu. Hãy bỏ tánh a dua mà đi vào thì ta tha thứ cho.

Nhưng Phượng vẫn đứng im không nói. Bà Nhân giơ tay vụt vào mông nó một roi thật mạnh rồi tiếp:

– Đồ ăn xin! Hãy ngửng đầu lên!

Phượng òa khóc và vùng lên chạy. Mọi người nhốn nháo nhìn theo. Trong khi ấy bà Nhân hét thất thanh:

– Đứng lại! Đứng lại!

Nhưng giọng của bà đã lạc đi và cả thân hình bà như một con quay hết đà đã đổ khuỵu xuống.


THƯ GỬI CHO BÀ FÉLICITÉ

      Thưa ma soeur,

Sáng hôm qua hồi 9 giờ 15 phút, Mẹ giám đốc bề trên đã từ trần tại phòng thuốc Cô Nhi Viện. Bác sĩ nói rằng Mẹ đã chết vì bệnh đau tim. Nhưng chúng con thì quả quyết rằng Mẹ đã chết do bàn tay của chúng con nhúng vào. Ôi những bàn tay nhơ nhuốc, những bàn tay ô uế và tội lỗi. Thật là kinh khủng và hãi hùng. Nếu chúng con biết rằng hậu quả có thể xẩy đến tai hại như thế thì không bao giờ chúng con dám hành động một điều gì cả, cho dù chúng con có phải tủi nhục và khốn khổ đến đâu. Đêm ngày chúng con vẫn thường cầu nguyện cùng Chúa và tự hỏi chúng con sẽ làm gì cho đúng ý Chúa. Những lời cầu xin của những kẻ tội lỗi không bao giờ thấu tới Đức tối cao. Chúng con sẽ bị hôn mê và hành động theo lời quỉ dữ. Chúng con đã dứt đứt sợi dây liên lạc giữa chúng con và Mẹ bề trên hằng kính, hằng trọng. Công ơn Mẹ bề trên đối với chúng con dầy như trời biển. Chúng con đã nghe nhiều lời Mẹ giảng. Mẹ hằng nói: Con hãy trung kiên với những điều con học được. Bởi vì nhân danh Chúa, Mẹ đã dậy dỗ các con từ thuở thơ ấu về con đường cứu rỗi nhờ lòng tin Đức Kytô: “Ta nài xin các con hãy rao giảng đạo lý, hãy nhắc đi nhắc lại nhiều lần lúc thuận cũng như lúc nghịch, hãy cố gắng nhẫn nhục, can đảm và hy sinh trong việc ấy. Bởi vì sẽ có ngày chân lý bị rời bỏ, lòng tin bị mờ ám, tình yêu thương bị chà đạp, trách nhiệm bị quên lãng và điều tốt bị lợi dụng để phục vụ cho điều xấu”.

Ôi, thưa ma soeur, bằng tình vị tha, bằng cả sự thương yêu chúng con dù vụng nhưng thật lòng, thế mà Mẹ bề trên đã được chúng con đền đáp bằng hành động bồng bột, xốc nổi ấy. Trí chúng con bảo rằng đúng, nhưng lòng chúng con bảo rằng sai. Như thế chúng con bơ vơ như một bầy chiên lạc đàn trong bão tố, chúng con không biết phải đi hướng nào, nói lời nào, nghĩ điều nào và thực hành việc nào cho hợp lý.

Soeur Hạnh đã sửa soạn ra đi, bà Cécile trở về Tu Viện, bà Juliette, bà Hòa, bà Tâm cũng như tất cả mọi người còn lại đều đã nhìn chúng con bằng con mắt khinh bỉ, những con mắt như muốn tố cáo rằng chính chúng con đã là những kẻ có bàn tay bóp chết sức sống của Mẹ bề trên. Lạy Chúa, người đã giam kẻ tội lỗi vào một nơi chốn tối tăm của sự hối tiếc và lòng ân hận. Chúng con nghĩ rằng đó là một hình phạt khủng khiếp và ghê gớm nhất trong tất cả mọi hình phạt mà Chúa đã giáng xuống.

Đáng lẽ sau lễ an tang Mẹ bề trên, con và chị Kim Thu sẽ bỏ ra ngoài để thực hiện nốt ý muốn cuối cùng của Mẹ bề trên trước khi Mẹ nhắm mắt. Nhưng khung cảnh ở đây thật là buồn thảm và tiêu điều. Các Soeur khác không một ai truyền lệnh nào tới chúng con cả. Chúng con ai nấy đều cảm thấy bơ vơ và lạc lõng giữa con đường tối tăm thê thảm.

Bởi vậy chúng con xin ma soeur hãy nhân danh những sự cứu rỗi, vẫn thường là con đường của Chúa đã vạch ra, mà trở lại Viện Cô Nhi hướng dẫn, dìu dắt và bảo ban chúng con, cho chúng con biết sẽ phải làm gì cho hợp với ý muốn của Chúa. Chúng con vẫn hằng mong, ở đây, mọi vết nhơ tội lỗi được xóa bỏ, mọi sự phân tán được hợp nhất, chân lý đang bị mờ ám sẽ được sáng tỏ và mọi người thực sự thương yêu nhau như lời Mẹ bề trên vẫn hằng giảng trong sách Thánh.

Chúng con xin ma soeur hãy nhân danh những sự tốt đẹp ấy mà chấp thuận lời thỉnh cầu của chúng con. Riêng đối với hai kẻ đã gây ra tội lỗi, con và chị Kim Thu, chúng con hoàn toàn xin tuân theo quyết định sau này của ma soeur.

Vì ma soeur là kẻ đã thực sự nhìn vào cuộc sống khốn khổ của chúng con, thực sự thông cảm nỗi niềm
chua xót của những đứa mồ côi.

Con tin rằng ma soeur không thể bỏ rơi chúng con trên con đường khổ nhọc được…

QUỲNH

HẾT


NHẬT – TIẾN     
1963