Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020
TRƯNG NỮ VƯƠNG - Ngân Giang
Thù hận đôi lần chau khóe hạnh
Một trời loáng thoáng bóng sao rơi
Dồn sương vó ngựa xa non thẳm
Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi
Ngang dọc non sông đường kiếm mã
Huy hoàng cung điện nếp cân đai
Bốn phương gió bão dồn chân ngựa
Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai
Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ
Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai
Hồn người chín suối cười an ủi
Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi
Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận
Non hồng quét sạch bụi trần ai
Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận
Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời...
Ải bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá,
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi
Ngân Giang 1939
Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020
XIN BAN BÌNH AN - Nhã Uyên
Thành phố ngày nào tấp nập ngược xuôi
Nay đã khác xa vì vắng bóng người
Chẳng một âm thanh câu chào tiếng gọi
Nắng xế chiều buông chợt vắng môi cười
Trong ánh mắt buồn trăm nỗi âu lo
Vẫn cố bền tâm cầu trời giúp cho
Cơn đau đã thấu trời xanh đất đỏ
Nóng sốt vật vờ rũ rượi tiếng ho
Xin ơn trên luôn che chở bao người
Mong mỏi ngày mai có phần sáng tươi
Cho cây xanh lá cho người sự sống
Thoát khỏi niềm đau tươi thắm nụ cười.
Nhã Uyên
Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020
TÔ CHÁO LÒNG - Vũ Hạnh
Nỗi buồn của cha tôi, đối với cuộc đời khá phiền rộn này, phần lớn phải quy vào lỗi của ông Đạo Trần.
Lúc
ấy, tôi chưa có dịp chào đời nên không rõ được cặn kẽ về mối tín ngưỡng
khá kỳ quặc ấy. Theo lời mẹ tôi kể lại thì khoảng ba bốn mươi năm về
trước, những người dân ở miền Nam ít nhiều đều biết Ông Đạo, bởi tín đồ
ông có đến hàng ngàn hàng vạn ở khắp thành thị, thôn quê. Ông đã cưới
vợ, có con, rồi mới nghĩ ra một cách tu hành mới mẻ nên vội bỏ nhà ra đi
tìm một khúc sông sẵn có nhiều người qua lại, cởi trần thả ngửa dưới
nước để mà hành đạo. Người vợ khốn khổ của ông, sau mấy mươi ngày tìm
kiếm, thấy được chồng mình đang nằm tênh hênh dưới nước, khóc lóc khuyên
ông về nhà. Tức thì ông chỉ thẳng một ngón tay quát lớn: “Về đi!” và bà
ngã lăn, hộc máu ở trên bờ sông mà chết. Người ta có thể giải thích cái
chết khá đột ngột ấy xảy ra do lòng phiền muộn lâu ngày, chợt nghe
tiếng quát dứt tình tàn nhẫn nên không nén được phẫn uất và sự xúc động
mạnh mẽ. Nhưng theo số người giải thích chuyện lạ thường, thì quả như
thế là ông đã đắc đạo rồi nên ngón tay ông mới có sức mạnh nhiệm màu là
vậy, không cần quan tâm rằng sự đắc đạo lại đánh đổi bằng cái chết của
người thân yêu.
Suốt
đời, ông Đạo không chịu mặc áo, cho nên mới có tên gọi là ông Đạo Trần.
Mỗi ngày ông Đạo chỉ ăn một bữa vào trưa, và ăn thuần một món xôi đậu
xanh. Ông còn chủ trương khi chết không nên bỏ vào quan tài chật chội,
nặng nề rất khó siêu thoát, chỉ nên bó xác bằng ba vạt tre và một chiếc
chiếu, để sự chôn cất cho được nhẹ nhàng. Tuy vậy tín đồ theo ông đều
được tổ chức như một triều đình mà ông là vị thiên tử, và mỗi khi có
cúng tế phải lạy ông Đạo trước cả trời phật, thánh thần. Một điều rắc
rối là ông sửa đổi rất nhiều ngôn ngữ nên khi nghe ông, hoặc các tín đồ
của ông nói chuyện, người ta đến phải ngẩn ngơ. Ông gọi cục đường là cục ngọt, mất công là mất cung, đi lạc là đi lợt, cái đầu là cái kiều...
Phải có một quyển tự điển vào loại bỏ túi mới ghi hết các danh từ của
ông Đạo Trần. Trong khi thiên hạ líu lo nói những tiếng Tây, tiếng Tàu,
thì các người lớn - người lớn
là tiếng ông Đạo gọi các tín đồ - trò chuyện với nhau và thấy thú vị
trong ngôn ngữ mới của mình. Cũng phải nhận rằng ngôn ngữ mới ấy chỉ là
vá chắp, pha trộn như xôi đậu xanh.
Cha tôi là một những người lớn
tin tưởng nhiệt thành ông Đạo. Theo lời mẹ tôi thì cha tôi giống y hệt
tính tình của ông nội tôi, bao giờ cũng thích vồ vập thiết tha những gì
mới lạ - đến đây, mẹ tôi thở dài - còn bác Tư tôi thì lại giống hệt tính
tình của bà nội tôi. Bà tôi không ưa những chuyện mơ hồ, xa xôi, cả đời
chỉ quan tâm đến cái gì gần gũi và cần thiết nhất. Nói cho rõ hơn, đó là
tiền bạc. Cha tôi từ khi biết được ông Đạo, chỉ nói chuyện về ông ta,
sửa đổi ngôn ngữ đến nỗi nhiều khi mẹ tôi nằm gần mà chẳng hiểu được ông
nói những gì. Ông cũng tỏ ra thèm xôi đậu xanh hơn trước, lại thích ở
trần, dù cái bụng ông nở nang hơn bộ ngực nhiều. Thói thường, khi ta yêu
mê thứ gì, trừ đàn bà ra, thì ta vẫn thích người khác cùng ta yêu mê
thứ ấy. Do đó, cha tôi tìm đủ mọi cách thuyết phục bác Tư của tôi trở
thành người lớn của ông Đạo Trần.
Nhưng
ông bác tôi là một khối sắt không có cách gì lay chuyển, ngoại trừ nam
châm, là tiền. Ông đã bỏ học rất sớm, dù ông bà tôi có thể nuôi ông đi
học cho đến mãn đời. Bác tôi cho rằng những người giàu sang xưa nay không
hề có bằng cấp lớn, như vậy chữ nghĩa rõ ràng là thứ cản trở cho sự
giàu sang. Ông bọc tiền lên Sài Gòn học đủ mọi nghề, từ nghề máy móc cho
đến những nghề thường được phụ nữ độc quyền như làm bánh trái, thêu
thùa. Khi ông trở về, chỉ một thời gian ba tháng là ông chiếm được ưu
thế ở trong gia đình. Áo quần của ông bà tôi được ông sửa chữa, may cắt,
bánh trái trong các kỵ giỗ đều do chính tay ông làm. Các thứ bánh ấy
thứ nào cũng khéo và ngon - được chế tạo trong buồng kín, cửa khóa cẩn
thận, sau khi mang vào đủ các dụng cụ, vật liệu cần thiết. Sự giấu nghề
ấy rất được bà tôi ca ngợi, xem đó là cái bằng chứng của một người con
hiếu thảo, giữ được nếp nhà. Chẳng lẽ mang tiền lên tận Sài Gòn học tập
mất bao công phu rồi để cho họ ngồi nhà cứ việc dòm vào ăn cắp tất cả bí
quyết hay sao? Mãi về sau này, có vợ, có con khôn lớn, bác Tư của tôi
đến ngày kỵ giỗ vẫn cùng gia đình làm bánh trong buồng, nhất định không
cho bà con, thân quyến ai được thấp thoáng lại gần. Tưởng đến công việc
chế bom khinh khí ngày nay ở một số nước văn minh thì sự bảo vệ bí mật
cũng đến mức ấy là cùng.
Ông
bà nội tôi có rất nhiều con, nhưng rốt cuộc lại chỉ nuôi được có bốn
người: ngoài bác Ba, bác Tư và cha tôi - thứ bảy - còn chú Chín tôi là
út. Ông tôi vốn rất hào phóng, thích sự nhậu nhẹt, ăn xài, đẻ ra bác Ba
của tôi rồi đến cha tôi cùng một cốt cách như thế, lấy làm hoang mang
hết cỡ. Trong một gia đình mà đến ba người cùng một chí hướng tiêu hoang
thì dù tài sản có lớn bao nhiêu cũng sớm đội nón ra đi. Bởi vậy ông
phải chọn mặt gởi vàng, và chia cho bác Tư tôi cái phần gia tài lớn
nhất.
Khi cha của tôi đang bận tâm gọi con kiến là con cánh, bề cao là bề kiêu, cách nấu xôi đậu và chết bó vạt tre, lại cứ mỗi lần tự động
nhảy mũi phải “dạ” một tiếng thật lớn - dù là đang nằm một mình hay ngồi
giữa chốn đông người - cho đúng nghi lễ của ông Đạo Trần, thì bác Tư
tôi đã dựng lên được một cái nhà máy xay lúa rất lớn giữa đồng. Nhờ có
hiểu qua chút ít máy móc, ông tự điều khiển nhà máy và đưa tất cả tám
đứa con ông vào việc quản trị cái cơ sở ấy. Người thì đứng làm xếp máy,
người quây bánh trớn - một thứ “vô lăng” để lấy đà cho máy chạy - người
thì cân gạo, thâu tiền, kẻ thì kiểm soát trấu cám v.v... còn ông thì
tổng chỉ huy. Riêng hai người con có vẻ lanh lợi hơn cả thì ông gởi lên
Sài Gòn học máy một thời gian ngắn, rồi cho vào làm không cần ăn lương ở
các nhà máy xay lúa cỡ lớn của các người Tàu để mà học thêm bí quyết
sửa đổi máy móc thế nào ăn gian gạo, tấm cho được nhiều hơn. Mấy tháng
đầu tiên gọi là tập sự ở nhà máy ông, các con không có lương tiền gì
ráo. Qua tháng thứ tư, tùy theo khả năng từng người, ông cho một số
lương bổng nhất định, nhưng không cấp phát hàng tháng mà ghi tất cả vào
sổ, đợi đến khi nào ra riêng thì giao tổng số lương ấy để làm vốn liếng
mở một nhà máy xay khác ở làng bên cạnh. Nếu xét còn thiếu số vốn thì
ông là bậc cha mẹ nên rất sẵn lòng cho vay, chỉ lấy tiền lời một cách
phải chăng, đủ cho đồng bạc của ông đưa ra khỏi thấy xót xa về nỗi thiệt
thòi. Thấy cái tương lai có vẻ hứa hẹn nên các con ông hết lòng làm
việc, và ông theo dõi từng người, tăng lương cho những đứa nào không
biết ăn nhậu, tiêu xài, đồng thời trao các phần thưởng đích đáng cho
những đứa nào nghĩ ra được cách ăn bớt khéo léo gạo, cám, tấm, trấu của
những người mang lúa tới để xay. Ngoài ra, ông thi hành kỷ luật rất
nghiêm khắc, sẵn sàng trừ lương bất cứ là đứa con nào ngủ trưa, đi trễ
hoặc có sơ suất ở trong công ăn việc làm. Khi các con đã trưởng thành và
bề thế ông càng ngày càng vững vàng hơn, ông nghiên cứu cách dựng vợ gả
chồng cho từng đứa một, nhắm vào các nhà thế lực quanh vùng đặng củng
cố thêm ưu thế của mình. Đứa thì rể ông Cai Tổng, đứa thì dâu ông Hương
Cả, ít nhiều gia thế bên chồng hoặc là bên vợ của các con ông phải có
một món địa vị nào đó, và phải khá giàu để khi cần mở mang thêm công
việc có thể chạy tiền một cách dễ dàng. Về các người làm, bác Tư trả
lương rất hạ nhưng lại giao việc quá nhiều nên chỉ một thời gian ngắn họ
đều rút dù hết cả. Bác liền thay đổi chính sách để dẫn dụ họ, bằng cách
mua các món rượu, thuốc trầu vào loại ngon nhất và để sẵn trong hộc bàn
giữa nhà tự do ai muốn dùng bao nhiêu cũng được. Thấy để thả lỏng như
thế, người ta nghĩ không tội gì mà chẳng ăn xài. Chỉ một thời gian họ
đâm ra nghiện, và nếu bỏ nhà bác tôi đi làm nơi khác thì không ở đâu có
rượu, có thuốc ngon lành như thế, nên ít ngày sau họ lại lần mò đến xin
bác tôi để mà làm lại, dù cho đồng lương có vẻ kém cỏi và công việc nặng
nề hơn.
Ở
vào cái thời mà dân miền Nam đi lại để chỉ biết dùng ngựa như là phương
tiện sang trọng thì nhà bác Tư của tôi có cả một bầy ngựa tốt để con
cái cỡi nhong nhong ngoài đường. Rồi thế hệ ngựa tàn đi, người ta bắt
đầu dùng món xe đạp cho văn minh hơn, thì con cái của bác tôi đã có mỗi
người một chiếc, bóp chuông kinh-coong, inh ỏi ngoài lộ. Sau đó, khi xe
máy dầu xuất hiện thì hai người con đầu lòng của bác đã có hai chiếc
mô-tô phả khói bình bịch để mà chạy rảo trong làng. Tuy nhiên đến nón xe
hơi thì ông kiêng kỵ, dù ông có thể mua sắm thong thả, vì ông cho rằng
“thứ ấy chỉ để đi chơi chứ không phải để ăn mần”.
Suốt
đời hai tiếng “ăn mần” ám ảnh bác tôi, “ăn mần” bất cứ cách nào cho đạt
tới sự giàu sang. Khốn nỗi không có tiêu chuẩn nhất định của mức giàu
sang phải là bao nhiêu thóc lúa, bạc tiền, nên bác tôi cứ luôn luôn thắc
thỏm về nỗi mình vẫn đang còn thiếu hụt, dù cái tủ sắt ông luôn luôn
đầy ngập những tiền.
Vào đầu năm ấy, thì ông Đạo Trần cho các người lớn
của ông được biết một lời tiên tri đối với vận mệnh của họ. Theo ông,
năm ấy trời đất sẽ gây nên trận cuồng phong bão lụt khủng khiếp khắp
miền, con người, con vật, cho đến cửa nhà, vườn tược cũng không thể nào
tồn tại. Đó là một sự trừng phạt lớn nhất giáng xuống cho “nhơn xanh”
này. Nhưng vì ông Đạo tự nhận là bậc ở trên trời đất nên ông thấu rõ
thiên cơ, và khuyên bảo các người lớn
của ông ở khắp mọi nơi trong suốt sáu tỉnh miền Nam hãy nên thu dọn cửa
nhà, chuẩn bị gạo, mắm, bạc tiền, kéo xuống ngọn núi ở vùng Bà Rịa để
mà lánh nạn một năm cho qua vận hạn khốn cùng.
Bác
Ba của tôi giữ chức Hương Cả trong làng, đứng đầu trong số mười hai
hương mục, kỳ hào, vốn là các thứ địa vị đã được người Pháp chế tạo để
mà duy trì trật tự ở các xã thôn tại miền Nam này. Về phần quyền lợi,
ông cũng hưởng được gián tiếp ít nhiều trong món công nho của xã và
hưởng một sự trọng vọng, nể nang của khắp dân làng, trừ dân làng ấy là
ông bác Tư giàu có của tôi. Ông Hương Cả Ba vẫn thường tự hào trong đời
không làm hại đến một ai, chỉ làm tổn thương rượu, thịt là loại vô giác
vô tri. Ở làng, bất cứ ai có kỵ giỗ hay tiệc tùng gì cũng rán mời mọc
cho được ông Hương Cả Ba, như mời một vị chủ tọa danh dự, để cho cuộc lễ
thêm phần long trọng. Chỉ có điểm khác là người chủ tọa danh dự ở đây
không chỉ can thiệp bằng phần tinh thần mà bằng đôi đũa hết sức linh
hoạt và một bao tử có cái dung tích rất là rộng rãi. Cứ tính đổ đồng mỗi
tháng bác Ba của tôi ăn uống ở ngoài phạm vi gia đình như thế trên hai
mươi ngày, đó là thành tích lớn nhất mà ông đạt được trong suốt thời
gian tại chức. Bác Ba rất mến cha tôi, và cũng ưa thích những gì mà cha
tôi thích. Riêng về món ông Đạo Trần, thì cái điều khoản ăn xôi đậu xanh
hơi làm cho ông ngần ngại. Tuy vậy, sự cản trở chính làm cho bác tôi
trở nên dè dặt trong nhiều vấn đề, là ở bà bác của tôi. Đối với những
chuyện thiêng liêng, bà tin dứt khoát chỉ có Trời, Phật, dù cho nói hay
nói giỏi bao nhiêu cũng là giả mạo đó thôi. Đối với nhũng chuyện thực tế
thì bà cho rằng chỉ có “Chú Tư mới thiệt là khôn quá cỡ”. Nhìn cái nhà
máy tấp nập người ra kẻ vào, thấy đàn con của bác Tư đi lại xăng xái, bà
không ngớt lời thán phục rồi từ thán phục nảy sinh một nỗi căm ghét hết
sức lạ lùng.
Khi
nghe gia đình cha tôi sắm sửa để đi lánh nạn thì bác Ba tôi sửng sốt
vội về thuật chuyện cho vợ mình biết, với một ngụ ý thúc giục hết sức
khẩn khoản. Nhưng bà nghe xong, vẫn cứ dửng dưng như không, rồi thả một
câu nguội ngắt: “Khéo nói cái chuyện điên khùng”. Bác tôi ngồi im, mặc
nhiên chia sẻ lời nhận xét đó.
Còn
bác Tư tôi đón nhận cái tin khủng khiếp bằng nụ cười lạt, rồi đảo cặp
mắt gói tròn cái nhà máy xay trong một cái nhìn âu yếm. Với ông, trời lở
đất long cũng chẳng có gì quan hệ: Chỉ có gạo, tấm, cám, trấu mới đáng
lưu tâm. Và ở trên hết, là tiền.
Một
buổi sáng nọ, cha mẹ của tôi gồng gánh lên đường. Trên cánh đồng trắng
sương mù loáng thoáng đây đó hình bóng lờ mờ của những người lớn
cùng một chuyến đi. Họ lặng lẽ bước với niềm tin tưởng sâu xa ở vận
mệnh mình. Qua khỏi cánh đồng mênh mông, đến một bến đò. Ở đây, người lớn
chen chúc chờ đợi thuê ghe đã mấy ngày rồi. Cha mẹ tôi phải nằm nhờ ở
mái hiên sau của một ngôi nhà đồng bào đã chật ních người. Nhớ đến ngôi
nhà lợp ngói năm gian bây giờ bỏ trống giữa vườn cây trái sum suê, mẹ
tôi không ngớt thở dài. Nhưng cha tôi vội an ủi, theo lời dạy của ông
Đạo: “Đừng có ham mê những thứ của cải trước mắt mà quên tai hại về sau
đang chực-chờ mình”. Mẹ tôi tạm giữ vẻ mặt nguôi khuây để cho cha tôi
yên lòng. Suốt đời, người đàn bà ấy chỉ có mỗi một nỗi buồn, mỗi một niềm
vui: làm cho chồng mình yên lòng, dù phải chịu đựng bất cứ là khổ nhọc
nào. Mãi bốn ngày sau, hai người mới quá giang được trên một chiếc ghe
chở khẳm, nặng nề qua những kinh rạch ngoằn ngoèo. Rồi lại đổ bến, băng
đồng, qua truông, qua những xóm làng xa lạ. Rải rác đây đó, họ lại gặp
gỡ những đoàn người lớn ở
nhiều ngả đường và cùng nhập bọn để đi. Càng thêm đông đảo, niềm tin ở
nơi lòng họ càng thấy vững mạnh, và uy thế của ông Đạo lại càng sáng tỏ
như ánh mặt trời tháng năm sáng chói trên đầu.
Cuộc
hành trình gian khổ nhưng đầy thiện tâm kéo dài gần một tháng trường
mới đến ngọn núi đã được ông Đạo độ trì. Một quang cảnh khá rộn rịp bày
ra trước mặt mọi người: hàng ngàn, hàng vạn “nhơn sanh”, già trẻ, lớn,
bé, lũ lượt nhốn nháo kéo đến cất lều, dựng chòi ở ven chân núi. Những
kẻ đến sau phải lên cao hơn, và cứ như thế những mái nhà nhỏ mọc lên như
một phép lạ bám các sườn cao, điểm những chấm vàng lỗ chỗ lên màu cây
xanh. Mỗi ngày một số con buôn chuyên chở bằng ghe hoặc bằng xe bò, xe
trâu, xe ngựa các loại gỗ nẹp, lá buông, lá dừa, cùng những cây trỉ, cây
tràm đến để cung cấp cho thị trường mới. Không ai phàn nàn về khoản giá
bán cắt cổ những vật liệu ấy, vì chẳng hy vọng tìm mua ở nơi nào khác.
Hơn nữa một đời mới có một lần như thế, miễn sao sinh mạng còn được vẹn
toàn sau buổi tai nạn là quí lắm rồi.
Cha
mẹ của tôi cũng có một cái chòi nhỏ dựng dưới gốc cây ở lưng chừng núi.
Xa hẳn bà con, làng xóm, hai người thấy thương nhau hơn trong cảnh lạc
loài. Mỗi ngày chia nhau lấy nước, kiếm củi, đi mua gạo mắm, lúi húi lo
chuyện cơm nước, sống một cuộc đời đơn giản, kỳ quặc mà họ không sao ngờ
được có thể xảy ra trong kiếp sống mình. Một đêm tối trời bỗng nghe
nhiều tiếng la ó nổi lên khắp núi. Tiếng kêu, tiếng khóc càng hiện rõ
hơn, tiếng chân tấp nập, hỗn loạn cùng với ánh lửa chập chờn làm cho
bóng đêm đầy vẻ kinh hoàng. Cha mẹ của tôi tỉnh giấc, choàng dậy ngơ
ngác nhìn nhau. Rồi một toán người cầm đuốc xông vào chĩa những mũi dao
nhọn hoắt vào ngực cha tôi, hỏi lớn:
- Tiền bạc để đâu? Đưa mau!
Một giọng nói khác:
- Cho nó một dao lòi phèo ra coi!
Cha
tôi cuống quýt giở cái vạt giường kê sát mặt đất lên cao, chỉ một chỗ
có dấu lấp và hai ba người mặt mày gớm ghiếc lấy lưỡi dao nhọn đào lên
vội vàng. Tiền bạc tư trang, gia sản của hai vợ chồng, đựng trong một
cái hũ nhỏ, lọt hết vào tay bạo cướp. Hầu hết người lớn
của ông Đạo Trần đều bị lột sạch mà không một ai dám chống cự lại. Khi
đám cướp đông đảo ấy đi khỏi, nhiều người vẫn còn ngơ ngác, tưởng mình
đang ở trong cảnh chiêm bao. Càng khuya, tiếng than, tiếng khóc vẫn còn
vang dội khắp núi, và quả núi biến thành khối thê thảm khổng lồ.
Nhưng giữa nỗi tuyệt vọng tràn trề ấy, mẹ tôi thầm thì bảo với cha tôi:
- Đừng có than thở. Tôi còn giấu riêng được chút ít đây.
Nhiều
năm sống cạnh người chồng chỉ thích tạo ra bất trắc, mẹ tôi không quên
cẩn thân dự liệu mọi điều tai hại có thể xẩy ra. Món tiền giấu riêng của
bà chẳng được là bao, nhưng đủ rau cháo cho hai vợ chồng lây lất chịu
đựng một năm tị nạn.
Ông Đạo Trần có tìm đến an ủi người lớn,
nhắc đi nhắc lại cho mọi người hiểu là không thể không mất mát ít nhiều tiền
của thay cho bổn mạng, bị sự thiệt thòi như thế tức là bản thân mình
được an toàn. Mọi người đều thấy ông nói có lý, nhưng không ngăn được lo
âu về những tháng ngày đói lạnh sắp đến.
Trong
hoàn cảnh ấy, cha tôi mới thấy mẹ tôi là người đàn bà hiếm có. Tình
thương của ông có vẻ dồi dào hơn trước nên giữa những ngày bữa đói bữa
no nằm trên sườn núi cheo leo, mẹ tôi bắt đầu thụ thai, và hình hài của
đứa con đầu lòng là tôi được cấu tạo trong điều kiện khá ngặt nghèo ấy.
Những ngày gió mưa kéo đến, cha mẹ tôi nếm những nỗi khổ nhọc nhất đời.
Về sau mẹ tôi hay nhắc nhở lại giai đoạn này cho tôi nghe, để gián tiếp
kêu gọi tôi giữ gìn một cái chữ hiếu đã bị thời cuộc đất nước làm cho
sứt mẻ.
Trong
khi thu hình chờ đợi mưa gió qua mau, những người lớn của ông Đạo không
quên cầu khẩn cho trời nổi cơn bão lụt cuồng phong quỷ khốc thần sầu.
Chẳng lẽ khổ công lánh nạn như thế mà không xảy ra một cái tai nạn nào
hết, thì coi sao được? Hơn nữa, cần phải trừng trị những bọn ở nhà,
không chịu ra đi nữa chớ! Nhưng trời năm ấy không có vẻ gì khó chịu hơn
các năm khác, và mùa mưa lụt trôi qua hết sức hiền lành. Trước khi người lớn
gầy nheo gầy nhóc chuẩn bị bỏ lều bỏ núi ra về, ông Đạo không quên giải
thích cho thấy sự thành công lớn trong chuyến lánh nạn vừa rồi. Chính
vì người lớn ông Đạo đã
lên núi cả, cho nên trời đất biết cơ mưu mình bại lộ, đành phải tìm cách
xử huề, không dám sinh sự lôi thôi, chỉ cần mưa gió lai rai chút ít như
là mọi năm. Thế là đoàn người chiến thắng ấy lại lếch thếch gánh gồng,
bồng bế, trở về quê cũ.
Trên
chuyến hồi hương khá gian nan ấy, cái bụng mẹ tôi đã già ngày tháng, và
năm ba lần tôi đã dọa dẫm đòi ra chào đời giữa quãng đồng không mông
quạnh, khiến mẹ tôi phải rụng rời tay chân ngồi liều xuống giữa bãi
sình, còn cha tôi thì cuống quít, mếu máo, hối hận về mối nhiệt tình quá
đáng của ông khi còn bám trên sườn núi cheo leo. Tuy vậy tôi là đứa con
biết điều, và cũng khôn ngoan, nên sau khi đã nhõng nhẽo chút đỉnh để
xác nhận sự quan trọng của mình, tôi nhẫn nại đợi đến khi về nhà yên ổn
mới chịu xuất đầu lộ diện. Để truy tặng sự biết điều của tôi, cha tôi
bèn đặt cho tôi cái tên hết sức phấn khởi là Lê Đại Khỏe. Lúc ấy, hai
người không biết nên cười hay là nên khóc. Nhà cửa vườn tược, gần một
năm trời bỏ phế đã bị phá phách tan nát, tiêu điều, y như một trận cuồng
phong đã thổi qua đây. Bù lại, sau gần chín năm cưới nhau, bây giờ họ
có đứa trai đầu lòng. Nhờ đó cha mẹ tôi không thắc mắc gì nhiều về ông
Đạo Trần. Nhưng tiếp những ngày sau đấy, nhiều luồng dư luận ở trong gia
đình, làng xóm, không ngớt diễu cợt, mỉa mai cha tôi về chuyện lánh nạn
vừa rồi, khiến ông bắt đầu tự ngờ vực mình rồi ngờ vực luôn ông Đạo.
Bác Ba tôi hỏi rất là tự nhiên: “Ở ngoải thế nào? Có thấy mưa gió gì
hông?” thế mà cha tôi đỏ nhừ cả mặt. Bác gái nói tiếp: “Ôi, hơi đâu mà
lo! Bọn mình ở đây thì có Trời Phật phù hộ, vợ chồng chú ấy ra ngoải thì
có ông Đạo chở che”. Nhưng bác Tư tôi thì cười rất là thỏa mãn, rồi nói
bô bô ở trong nhà máy: “Khéo dại mà nghe thằng cha Đạo Trần! Nó phỉnh
ra ngoài Bà-Rìa để tổ chức bọn ăn cướp đoạt tiền, rồi mua nhà lớn, nhà
nhỏ cho thuê ở trên Sề Gòn! Nó còn hùn vốn bán đồ cây, lá, xây cất nhà
cửa ở ngoài nữa đó, hốt không hết tiền. Chỉ có thằng chả là khôn!”.
Ông lại cười lên ha hả, nói tiếp:
- Hễ thằng nào khôn là sống, đó bây!
Bác
tôi gián tiếp tự nâng mình lên ngang hàng với ông Đạo Trần, dù sự bình
đẳng ấy được xác nhận âm thầm ở trên quan điểm trục lợi, nhưng bấy nhiêu
cũng đủ làm cha tôi cảm thấy xót xa. Tất cả những lời bàn tán như thế
khiến ông xa lần ông Đạo, nhưng ở ngoài mặt ông vẫn giữ nguyên tình cảm
tôn trọng như xưa. Tự ái con người xưa nay vẫn là một chất nhiên liệu
khá tốt góp phần đốt cho cháy sáng ngọn đèn tín ngưỡng.
Sau
khi sinh đẻ tôi xong, mẹ tôi đau yếu liên miên, cha tôi cũng bị bịnh
hoạn liên tiếp giày vò. Đó là dư âm của những tháng ngày đói khổ, ngủ
đất nằm mưa ở ngoài Bà-Rịa. Vốn liếng hết sạch, ruộng vườn hoang phế,
cha tôi thấy không còn đủ sức lực để khôi phục lại gia sản đã đổ nát
rồi. Sự giàu có càng ngày càng tăng của bác Tư tôi lại làm cha tôi chán
nản nhiều hơn, bởi lẽ những sự kém thua quá mức dễ làm tiêu mòn mọi ý
tranh đua. Bây giờ nhà máy của ông đã đẻ thêm bốn cái khác, dựng lên ở
chung quanh làng, thuộc về sở hữu của bốn người con lớn nhất. Các nhà
máy ấy cũng áp dụng một sách vở như của bác tôi trong sự bòn rút gạo,
trấu, nên cuối cùng những dân làng không biết nên tín nhiệm chỗ nào hơn,
đành tùy vị trí thuận tiện mà đem lúa đến thuê xay.
Mọi
sự quản trị trong nhà, sau khi bác Tư gái tôi qua đời được giao trọn
quyền cho người con dâu thứ năm. Người này thuộc loại đanh đá, keo kiệt
thượng hạng nên được bác tôi đặt hết lòng tin, xem như là kẻ duy nhất
trong nhà biết được chỗ ông cất giấu chìa khóa. Cô ta lo ngại ngày kia
phần lớn gia sản sẽ về tay người con út nên tìm mọi cách loại bỏ ảnh
hưởng vợ chồng người này ở trong gia đình. Mỗi khi cô dâu thứ tám này
nấu món canh, thế nào cô dâu thứ năm cũng lén bỏ vào một đôi vốc muối
cho mặn thắt họng khiến ông nhạc mình phải chửi tắt bếp mà vẫn chưa thấy
đã nư. Biết tính của ông thích ăn cơm nấu cho khô, cô năm lén đổ thêm
vài gáo nước sau khi cơm sôi để cơm nhão nhẹt, và cô Tám phải lãnh đủ
những câu trách mắng nặng nề về tài nội trợ bất trị của mình. Cuối cùng
bị quá nhiều sự bất công, cô Tám ẵm con về ở bên nhà cha mẹ. Cậu Tám nhớ
vợ, nhớ con, nhưng không được phép đi thăm, vì bác Tư tôi nghiêm cấm “
thăm viếng những đồ khốn nạn”, để lo công ăn việc làm đã được chỉ định
nghiêm ngặt hàng ngày.
Cha
tôi từ khi âm thầm tuyệt vọng về ông Đạo Trần, không muốn tìm đến bác
tôi, nhưng khi mẹ tôi bị bệnh thương hàn khá nặng mà trong nhà không còn
lấy một đồng, ông thật lấy làm khó nghĩ, những muốn đến mượn một ít để
chạy thuốc thang, rồi lại phân vân, dè dặt. Đến lúc mẹ tôi nằm vùi mê
sảng thì ông cầm lòng không đậu, vội ra quán bà Hai Lợi uống chịu một ly
rượu đế để lấy can đảm, rồi vào nhà bác Tư tôi vay năm đồng bạc.
Bác tôi nhìn mặt cha tôi, nói thõng một câu:
- Hổng có tiền mà nhậu nhẹt dữ ta!
Rồi ông cười lạt, gằn từng tiếng một:
- Chớ tiền ở đâu mà đem nuôi bọn miền ngoài, bây giờ đi mượn!
Tiếng
“bọn miền ngoài” mà bác Tư nói là ám chỉ những người dân miền Trung,
miền Bắc vào buôn bán ở trong này. Dù sống một thời mà thực dân Pháp tìm
đủ mọi cách khai thác tinh thần địa phương để gây chia rẽ ba miền, cha
tôi luôn luôn vẫn có thái độ niềm nở đối với những “người miền ngoài”.
Mỗi lần họ vào mua bán, làm nghề, họ đều ghé lại xin ở nhà tôi, và cha
tôi đón tiếp họ ân cần, đãi đằng cơm nước rất là chu đáo.
Cha tôi hỏi lại:
-
Anh nói bọn miền ngoài nào? Anh đây tui đây, ông bà cha mẹ mình ngày
xưa là ở miền nào? Chẳng là dân Bắc, dân Trung kéo vào đây sao? Lột da,
cắt thịt ra coi thì cũng là máu mủ đó, chớ ai vô nữa! Anh nói nghe kỳ
cục quá.
Bác tôi nổi giận:
- Tao kỳ cục như vậy đó. Nuôi bọn chúng nó thì đợi bọn chúng nó vô mà mượn tiền xài!
- Tui không giúp đỡ để đợi người ta trả lại.
- Thế rán mà chịu.
Hai anh em cùng làm thinh, nhìn nhau một cách hằn học. Rồi bác Tư tôi bỗng quay mặt sang chỗ khác, nói giọng cằn nhằn:
-
Hổm rày tao túng muốn chết đi đây. Mấy tiền cũng vét ráo trọi để dựng
nhà máy cho tụi nhỏ hết. Một đồng cũng không có đặng, nữa là năm đồng.
Cha
tôi lẳng lặng ra về, mặt đỏ bầm vì xấu hổ và tức giận. Ông thừa biết
bác Tư tôi có sẵn bạc vạn trong nhà, nhưng chỉ đưa tiền khi nào có thể
sinh lợi và có bảo đảm. Tình nghĩa, đối với ông Tư không phải là thứ mà
người ta có thể tin cậy, vì nó không có hình dáng, mặt mày nào hết.
Đôi
người trong làng biết rõ câu chuyện, cho cha tôi mượn món tiền nhỏ ấy.
Mẹ tôi nhờ vậy mà qua cơn bệnh ngặt nghèo. Kể ra cha tôi cũng đã nghĩ
đến người anh Hương Cả của mình, nhưng bác Ba tôi từ lâu đã nhường cái
quyền định đoạt tài chánh trong nhà cho bà bác gái keo kiệt, chỉ họa
hoằn lắm ông mới kiếm được một chút bổng lộc còm cõi nào đó để đi nhậu
nhẹt một mình. Còn bà nội tôi, ở với chú Chín của tôi, chỉ sống với
những hoa lợi rải rác trong vườn không được người con mà bà ca ngợi
thương yêu dành cho gia tài lớn nhất - là bác Tư tôi - giúp đỡ một đồng
mọn nào. Từ khi có nhiều tiền bạc, bác tôi quên phứt còn có những người
thân yêu ở chung quanh mình. Tiền bạc, trong khi đẻ ra ham muốn, lại
thường tỏ sự kỳ thị đặc biệt đối với những tình cảm khác.
Một
hôm, bác Ba Hương Cả của tôi đi ngang qua quán của bà Hai Lợi, nhìn
thấy bác Tư của tôi đang ăn món cháo lòng heo. Ông Hương Cả Ba xưa nay
vốn khoái cháo lòng, lại gặp phải hôm đói mẹp nên dù không sẵn tiền túi
thì ông cũng bước vào, hy vọng người em giàu có sẽ mời mọc mình. Ông đi
lụm thụm, rất chậm, sau khi tằng hắng lại ho, cốt cho ông Tư có đủ thì
giờ nhìn thấy được mình giữa những khoảng trống ngắn ngủi của sự ăn
uống. Lúc này ông Tư đã mập phục phịch, da dẻ hồng hào, lại thêm chút
rượu ngấm vào càng làm cho ông đỏ tím trong sự phè phỡn. Trước mặt của
ông, tô cháo màu đục lờ nhờ vẫn còn bốc khói thơm nồng mùi thịt và mùi
tiêu hành. Một đĩa lòng lớn với những lát gan nâu sậm, bao tử trắng
phau, thớ tim, thớ phổi tím rịm, ngon lành, trộn lẫn quấn quít lấy nhau.
Xị đế mới lưng một nửa còn phô chất nước trong veo, nồng đậm, bên cái
ly nhỏ nhắc lên hạ xuống không ngừng. Mỗi lần chiếc đũa ông Tư quờ quạng
trên cái đĩa thịt, gắp lên một lúc ba bốn miếng lòng, quẹt vào đĩa mắm
đỏ tươi chất ớt, đưa vội vào cái miệng lớn há hốc, ông Hương Cả Ba tưởng
mình cũng há miệng theo. Nước miếng bỗng ứa chảy xuống cuống họng khiến
ông nuốt ực, vừa hạ thấp cằm cho người trong quán khỏi nhìn thấy mình
thèm thuồng.
Tới
bàn ông Tư, ông tằng hắng thêm một tiếng, nhưng ông Tư vẫn cứ ngồm
ngoàm nhai một cách siêng năng, coi như ngoài rượu thịt ra, chẳng còn gì
đáng quan tâm. Ngượng nghịu, ông Ba đi thẳng vào phía trong quán rồi
lại chậm chạp đi ra. Sợ người em mình bận tâm suy nghĩ điều gì nên không
thấy mình, lân này ông Ba dừng hẳn lại trước ông Tư, nhìn vào bát cháo,
gắng gượng nói rất tự nhiên:
- Cháo lòng mụ Hai nấu ngon dữ ta!
Mấy
tiếng cuối cùng “nấu ngon dữ ta” được ông kéo chằng cho dài ngoẵng ra
để gợi chú ý. Ông Tư ngước mặt lên khỏi bát cháo nhìn người anh mình,
rồi lại cúi xuống để húp sồn sột. Đoạn, ông lấy đũa gắp về lòng khá lớn,
quẹt mạnh vào mắm rồi thộn vào miệng một cách hùng hổ như để gợi sự
thèm muốn nhiều hơn cho người anh ruột già cả. Ông Ba sượng sùng tái
người, lọ thọ đi ra khỏi quán, không dám nhìn quay trở lại, tưởng chừng
mọi người trong đó đều biết rõ được sự tình và tâm trạng mình. Ra đường
thấy nhẹ nhõm hơn, nhưng gặp các người đi lại ông vẫn cố tránh những lời
chào hỏi. Về nhà ông nằm vật xuống bộ ngựa, quay quắt trong sự trơ trẽn
vừa qua, vừa giận cho mình, vừa giận đứa em khốn nạn. Tuy vậy, ông
không dám nói cho vợ mình biết câu chuyện xảy ra, vì bà Hương Cả vẫn coi
ông Tư như một kẻ thù. Suốt ngày hôm đó, rồi tiếp luôn ngày hôm sau,
ông Ba không dám bước ra khỏi nhà.
Nhưng
chiều hôm sau, khi ông sửa soạn nhậu đế với trái ổi chua vừa hái ngoài
vườn thì thấy thằng Tiếp, cháu nội ông Tư, đi vào, tay xách một cái cà
mèng khá lớn. Thằng bé đặt cà mèng lên bàn, vòng tay thưa rất lễ phép:
- Nội cháu bảo đem cháo lòng qua cho để ông dùng.
Cặp mắt ông Ba sáng rỡ hẳn lên:
- Vậy hả? Nội mày tử tế quá há!
Ông
lật đật giở cái nắp cà mèng, kéo ra đầy đủ ba ngăn, một ngăn chứa những
miếng lòng khá ngon, một ngăn chứa cháo, một ngăn là đồ gia vị. Xem qua
đủ biết đây là cháo lòng đặc biệt thường phải trả giá gấp đôi, và đã
lâu lắm ông chưa qua quán mụ Hai xài sang như thế. “Thằng chả giàu có
nên cũng biết xài quá ta”, ông Ba vui vẻ nghĩ thế rồi hối hả bảo bà vợ
đem đồ sang sớt cho lẹ để ăn cho được nóng sốt, và để thằng bé khỏi chờ
đợi lâu. Đoạn ông ra vườn hái cho thằng bé hai trái lựu lớn mà ông tính
để chưng kiểng trên bàn thờ.
- Nè bà Hương, rửa sạch cà mèng đi nha! Mình ăn mà bắt người ta chùi rửa coi sao cho được.
Ông khám xét lại lần cuối để coi cà mèng đã thật sạch chưa, trước khi giao cho thằng nhỏ, rồi nói:
- Cháu về nói với nội cháu là ông cảm ơn nhiều nghen! Cảm ơn nhiều nghen!
Ông lại xoa đầu thằng bé: “Đi đường cẩn thận, kẻo đường có nhiều lỗ trâu té lọi cẳng đó”.
Thằng bé đã ra tới ngõ, ông còn nhìn theo:
- Tội nghiệp cái thằng, dễ thương hết cỡ.
Rồi quay sang bà Hương Cả:
-
Tôi với bà ăn món lòng đi, kẻo nguội. Đó, bà coi, thằng chả đâu phải
người tệ. Bà cứ bảo nó là hổng ra gì. Thì tại nó ham làm giàu quá đỗi
nên nó quên đi nhiều chuyện đó thôi, chớ nó cũng biết điều lắm. Thôi, ăn
đi, sẵn có đế rồi, nhậu đã! Đó, mỗi người có một tánh ý, hễ biết ăn ở
là hiểu được nhau ráo trọi.
Chưa
bao giờ ông Hương Cả Ba ăn được một bữa ngon lành như vậy trong cuộc
đời mình. Bữa ăn phục hồi danh dự, ve vuốt tự ái, hàn gắn bao nhiêu sụp
đổ thảm thương ở trong tình nghĩa gia đình, và cứu vãn lại biết mấy ý
nghĩa bi quan đổ xuống cuộc đời của một người già từ trước đến nay vẫn
sống dễ dãi, no lành. Mấy ngày sau đó, món cháo lòng khá đặc biệt vẫn
còn dư âm rạng rỡ nơi ông Hương Cả. Ông chịu khó đi tới các nhà bà con,
thân thuộc, kể chuyện “thằng Tư sai cháu đem cháo lòng qua cho tôi”,
không quên thêm cháo thêm lòng và nâng phẩm chất món ăn lên hàng “hết
sức đặc biệt” để sự hân hoan của ông cho được cân bằng. Chỉ có một tô
cháo lòng mà cái uy tín cơ hồ tàn mạt của bác Tư tôi có mòi khôi phục.
Với cái bề thế của chức Hương Cả, bác Ba của tôi có đủ các loại thính
giả ngoan ngoãn để nghe ông nói rõ về trường hợp của món cháo lòng đặc
biệt.
Mấy
ngày sau đó, sẵn có một món tiền túi, ông Ba bèn vào quán bà Hai Lợi để
ăn một tô cháo lòng, vừa để thưởng thức một cái uy tín đã được khôi
phục. Ông ăn uống xong với cái tư thái ung dung, đường bệ của ông Hương
Cả nhiều năm tại chức, rồi khi mãn cuộc, đứng dậy móc tiền ra trả một
cách khoan thai. Nhưng khi bà Hai đếm tiền, ông thấy nơi vẻ mặt bà có
một chút gì ấp úng. Ông hỏi:
- Sao đó? Hổm rày tăng giá rồi sao?
Bà Hai tỏ vẻ ngần ngại, rồi nói nho nhỏ:
- Dạ đây mới có một tô. Còn tô đặc biệt ông bảo thằng nhỏ đến mua hôm kia, chưa trả.
Ông
Hương Cả Ba thiếu một chút nữa là sụm xuống đất. Úy cha mẹ ôi, thằng Tư
chết dịch nó chơi xỏ mình. Ý nó muốn bảo mình có muốn ăn thì mua mà ăn,
mà không chịu mua thì nó cho người mua giúp. Bây giờ đã lỡ xực rồi, thì
lo mà trả. Chẳng lẽ lại làm tùm lum lên giữa hàng xóm hay sao? Ông cố
trấn tĩnh, sượng sùng nói với bà Hai:
- Quên khuấy đi mất, để vài bữa nữa rồi trả cho nghen.
Không
đợi nghe cái tiếng “dạ” yếu ớt của người đàn bà, ông đi thẳng một mạch,
xấu hổ, loạng choạng, cảm thấy tối tăm mặt mũi. Nằm vùi liên tiếp mấy
ngày, ông Ba tưởng mình có thể đau ốm và chết luôn được. Sự sụp đổ bây
giờ còn thảm thương hơn lúc trước, tương tự như một cơn bệnh ngặt nghèo
vừa được bình phục một cách may mắn bỗng bị chúi xuống đau lại một cách
ngặt nghèo hơn nữa. Nhưng mang một ý nghĩa nào đi nữa thì tô cháo lòng
- dù thuộc vào loại đặc biệt - vẫn không thể giết được người, nhất là
người đó đã làm Hương Cả gần ba mươi năm. Bác Ba của tôi lại đứng vững
được, tuy có chán nản cuộc đời hơn trước rất nhiều. Ban đầu, ông định
giấu kín câu chuyện xảy ra và âm thầm trả món nợ cháo lòng cho bà Hai
Lợi. Nhưng rồi không thể chịu đựng một sự thiệt thòi tình cảm lớn lao
như thế, ông bèn mô tả sự việc cho một đôi người thân thuộc được biết để
hạ thấp bớt uy tín mà ông xây dựng nên cho một đứa em khốn nạn, vừa
giải tỏa bớt uất ức nơi lòng.
Hai
người đầu tiên biết được việc này là bà tôi và cha tôi. Mỗi người tùy
theo bản chất và điều kiện mình mà có phản ứng khác nhau. Thói thường,
tình yêu bất lực dễ biến ra thành thù hận, bà tôi từ mối tình yêu sâu
đậm đối với đồng tiền bây giờ cảm thấy sợ nó một cách xót xa. Bà không
oán trách bác Tư của tôi về sự keo kiết - ai giàu mà chẳng keo kiết, nếu
không keo kiết làm sao mà giàu! - nhưng cứ phàn nàn về nỗi tại sao bác Ba
của tôi không sẵn tiền mua cháo lòng. Theo bà, cái nguy là ở chỗ đó. Ai
cũng có tiền thì còn việc gì mà lôi thôi nữa? Ngày đêm bà khuyên chú
Chín của tôi nên suy nghĩ đến đồng tiền. Theo bà, nếu không có cách làm
giàu bằng việc mua bán, kinh doanh thì còn một cách rất là mầu nhiệm, ấy
là hà tiện. “Buôn Ngô, buôn Tàu cũng không giàu bằng hà tiện”, ông bà
vẫn chẳng dạy bảo như thế hay sao? Chú Chín của tôi tuy còn nhỏ tuổi
nhưng xem có vẻ thấm thía những bài học ấy. Cả ngày thấy ông lò dò lượm
đồ ve chai trong nhà cất vào trong một chỗ và cứ lôi cái ống tiền để
dành ra moi từng đồng, đếm đi đếm lại, thấy mà phát rầu.
Cha
tôi đã có nỗi buồn sẵn về cuộc đời và về bác Tư, nên chuyện tô cháo
lòng heo trở thành giọt nước quyết định để cho ly nước đổ tràn. Từ đó
ông không chịu sống trong sự cơ cực và đem số ruộng sẵn có lần hồi bán
đi để mà ăn xài. Ông bảo mẹ tôi: “Để ruộng đất lại làm gì? Đời nào thời
đời ấy lo, chẳng có chết ai mà sợ. Càng có nhiều của thì con nó càng hư
hỏng, tham lam”. Người bạn nhậu nhẹt thân tín của ông là bác Ba tôi. Cha
tôi sẵn sàng đãi ông Hương Cả ruột thịt những tô cháo lòng đặc biệt, dù
ăn tại chỗ, hay là mua xách về nhà.
Chén
rượu nồng đặc, sóng sánh đưa lên tận môi, ông đưa bàn tay vuốt lên vuốt
xuống cánh tay người anh già nua của mình, rồi lè nhè nói:
- Nhậu đi anh Ba, nhậu đi. Anh muốn dùng thêm món gì thì anh cứ gọi. Có thằng em lo liệu mà. Đừng ngại, uống đi, ăn đi.
Những
lúc có bác Tư tôi trong quán thì sự mời mọc giữa cha tôi và bác Ba càng
thêm nồng nhiệt. Hai người ăn uống no say rồi giắt tay nhau chệnh
choạng đi ra ngoài đường, đôi lúc té vật vào trong hàng rào, loay hoay
cả buổi mà vẫn không đứng dậy được. Bác Hương Cả Ba cảm thấy được sự an
ủi, và nỗi buồn phiền về tô cháo lòng ngày nào cũng được nguôi khuây.
Cha tôi hoàn toàn bằng lòng về sự xài phí của mình mà trong thâm tâm ông
coi như sự trả thù về những khổ cực mình đã trải qua sau một năm trời
bám lấy ngọn núi Bà-Rịa và những tàn nhẫn, thiệt thòi trong tình nghĩa
gia đình. Bây giờ những người ở ngoài miền Trung vào bán thuốc dạo được
ông tiếp đãi ân cần hơn trước. Ông bắt họ phải ăn cơm nhà ông, “đi đâu
rồi cũng về đây nghỉ ngơi, đừng ngại gì hết, mình là đồng bào, là anh em
cả, khi nào rồi tui ra ngoải, tôi cũng ăn uống tự nhiên ở nhà anh em đó
mà!”. Vốn đã hào phóng, bây giờ ông càng hào phóng hơn xưa. Ông chỉ lỡ
để thất lạc cái bản chất ông trong thời gian ngắn đi theo ông Đạo, do đó
bây giờ ông cố đuổi bắt lại nó một cách hăm hở. Nhà ông bây giờ gần như
cái trạm thường trực dành cho các người miền ngoài tá túc để rồi tỏa đi
các nơi mua bán. Tối lại chủ khách khề khà ăn nhậu nói đủ các chuyện
thiên hạ, nắng mưa. Mẹ tôi tất nhiên không thích kiểu xài phí rộng rãi
đó nhưng bà chiều lòng cha tôi. Khi ông bán đến đám ruộng cuối cùng để
mà ăn nhậu, bà vẫn không than thở một lời nào, chỉ ồn tồn nói:
- Rồi lũ con mình nó sống làm sao?
- Ôi! Hơi đâu mà lo. Con thì nó có lộc con. Cứ để cho tôi ăn xài. Lỡ chết, thì đem bó vạt.
Tất
cả những gì sót lại của ông Đạo Trần, ở nơi cha tôi, chỉ còn mấy tiếng
“bó vạt” được dùng như một kiểu nói liều lĩnh ở một con người tuyệt
vọng. Bởi lẽ cha tôi cũng thừa biết rằng, khi ông chết đi, chẳng ai nỡ
đem chôn xác của ông với mấy thanh tre và một chiếc chiếu.
Cuộc
đời say sưa, hoang phí như thế kéo dài được trên bốn năm thì cha tôi
chết. Ông đã giã từ cõi đời đúng vào cái lúc ruộng đất đã bán sạch rồi
và không còn món tiền nào trong nhà gọi là dành dụm. Mẹ tôi cố gắng vay
mượn làm một đám tang tươm tất. Tôi còn nhớ ngày tôi theo một người anh
họ xuống mời bác Tư của tôi dự lễ làm tuần cha tôi thì ông chỉ đáp một
câu lạnh lùng:
- Cha bây chết rồi thì bọn bây với tao đây chẳng có bà con gì nữa.
Ông
đã gạt phắt mẹ con chúng tôi ra khỏi cái vòng liên hệ gia đình với ông.
Hay nói đúng hơn, ông đã tự loại mình ông ra khỏi sợi dây máu huyết với
bọn chúng tôi.
Mẹ
tôi tìm người bà con ở trên Sài Gòn gởi tôi lên đây ăn học. Tôi chỉ học
được ít năm ở ban Trung học rồi kiếm việc làm tại hãng la ve. Tôi biết
uống rượu từ khi còn nhỏ, những lúc cha tôi dắt tôi lè kè đi theo vào
quán, nên từ khi nhận việc làm ở hãng, tôi thường có dịp uống rượu mà
khỏi trả tiền. Tôi cố gắng gởi mỗi tháng một ít tiền về nuôi mẹ, nuôi
em, và định dành dụm một cái vốn nhỏ để mà cưới vợ. Nhưng trong khi chờ
gặp một phụ nữ chịu làm vợ tôi, thì tôi đã uống sạch cái vốn nhỏ ấy. Vợ
và rượu trong cuộc đời tôi trở thành hai cái sự kiện xung khắc khó lòng
mà gặp gỡ nhau.
Thời
gian ở Sài Gòn, tôi nghe tin chú Chín tôi dạy ở Biên Hòa. Cái tin ông
đi dạy học làm tôi hết sức ngạc nhiên. Sức học của ông tưởng chừng không
được một nhắm, vậy mà dạy dỗ ai đây? Bà tôi không cho chú Chín học
nhiều, vì bà cũng đồng ý với bác Tư là học thông thái thì chẳng bao giờ
giàu được. Phải giàu, dù bằng cách gì, đó là ý tưởng chính cốt của bà.
Ít nhất cũng khỏi khổ sở vì tô cháo lòng mà mình không sẵn tiền mua.
Tôi
được biết chú Chín tôi đã chọn con đường hà tiện để đi cho tới “lý
tưởng” có tiền. Năm đầu khi lên Sài Gòn, ông xin giúp việc thơ kí cho
người cháu họ có hãng nước mắm ở tại Chánh Hưng. Tiền lương hàng tháng
ông không dám lãnh, sợ sẵn có tiền trong túi rồi tiêu mòn đi. Ông bảo
chủ hãng ghi sổ để cuối năm nhận một lần.
- Vậy tiền đâu mà chú Chín tiêu phí những món lặt vặt cần thiết?
-
Tao có cách rồi. Cứ mỗi chủ nhật công nhân dán nhãn các tĩn nước mắm họ
nghỉ, thì tao lãnh công việc ấy tao làm. Làm suốt một ngày chủ nhật
cũng được gần bốn năm chục đó chớ. Vừa có tiền thêm, mà khỏi sinh sự ăn
xài. Chừng đó đủ tao hớt tóc, mua xà bông giặt, mua thuốc rê hút, thỉnh
thoảng cũng uống cà phê một cái “xay chừng”(1) với người thiên hạ. Mà xài không hết đó mày.
Sau
đúng một năm, lãnh trọn gần ba chục ngàn tiền lương, chú Chín bỏ hãng
nước mắm, xuống tận Biên Hòa thuê một miếng đất bỏ hoang - đã thành một
chỗ đổ rác công cộng - ở cạnh một cái đình lớn. Chú dựng một cái nhà lá
tươm tất, rào miếng đất lại, trồng trọt trên miếng đất vườn khá mầu mỡ
ấy. Chú trồng mía, chuối và một số loại rau cải. Rồi đem số tiền còn lại
thuê ít bàn ghế, thương lượng với xã cho mượn cái đình để mở một trường
tiểu học. Ban đầu học sinh đến chỉ leo ngoeo đôi đứa nhưng rồi càng
ngày kéo đến càng đông. Người ta tín nhiệm ông giáo Chín này không phải ở
nơi sức học và khoa sư phạm, nhưng ở kiểu cách làm việc có vẻ chu đáo,
cần cù của ông. Suốt hai tháng đầu, chỉ có năm người học trò, ông Chín
vẫn dạy một cách tận tụy và giảng hò hét như tuồng đứng trước cả ngàn
đứa trẻ. Ai đi qua đó cũng dừng lại nghe những lời giáo huấn rặt mùi đạo
đức bằng một giọng nói rõ ràng, nghiêm nghị và ai cũng lấy làm phục ông
thầy. Học trò đông dần, càng lúc càng đông, cứ mỗi hai tiếng đồng hồ
lại có một lớp thay đổi, từ sáng đến chiều ông giáo liên tục dạy dỗ và
thâu tiền học. Cứ mỗi một giờ ông giáo cho học trò nghỉ mười phút, nhưng
trên thực tế có thể đến mười lăm phút hay là hơn nữa, để ông vạch rào,
chạy tạt về nhà uống một ngụm nước hay hút một điếu thuốc rê. Ông không
quên gọi theo chừng năm, sáu đứa lớn, vừa trai vừa gái - cho nó vui vẻ
với nhau - và đứa thì thầy nhờ quét cái nhà, đứa thì xách nước, vò sơ
cái áo, bắc giúp nồi cơm. Thầy ngồi trên ghế, sai chúng chạy tới chạy
lui tưới xượi và bọn học trò xưa nay đều thích làm vui lòng thầy. Khi
chuối ở vườn đã chín, và mía đã lớn, thầy cũng không ăn, mà cũng không
cho học trò. Thầy ra chợ mua thêm ít kẹo bánh cùng một chục thứ gói xanh
đỏ chua chua ngọt ngọt thường để đánh lừa tì vị con nít rồi thầy mở
ngay một gian hàng quà ở tại nhà mình, vào mỗi giờ chơi. Sau mỗi một giờ
bán chữ thầy bán đồ ăn độ vài chục phút, vừa bắt học trò làm đủ mọi
việc trong nhà. Cứ nhìn quang cảnh ông thầy tẩn mẩn bán từng trái chuối -
nhờ trời, chuối của vườn ông khá lớn bởi rác trước kia ở đó khá nhiều -
tính từng cắc bạc, người ta dễ có cảm tưởng kỳ quặc đối với vai trò
giáo dục ở thời buổi này. Tất cả tờ bạc của ông giáo Chín đều được sắp
xếp cẩn thận theo đúng bề mặt, bề trái và được mười đồng lẻ thì ông ra
chợ đổi lấy tờ chục và được mười tờ chục lẻ thì đổi tờ trăm để cho gọn
gàng, và khỏi thấy dễ mà tiêu xài mất.
Khi
tôi xuống thăm chú tôi lần đầu vào một sáng sớm chủ nhật tôi thấy chú
tôi loay hoay tính chuyện đi chợ để về làm cơm mà thết đãi tôi. Tôi nói:
- Cưới vợ đi chú, cho nó bớt khổ.
- Chèn ơi! Mày tưởng cưới vợ không tốn kém sao? Để lo làm ăn thư thả rồi kiếm một mụ nào giàu, lấy vốn khuếch trương chứ mậy.
- Thế chú cưới vợ hay cưới tiền?
- Tao cưới cả hai. Việc gì mà phải phân biệt, có vợ mà còn có tiền, có phải sướng không?
Chú
tôi quan niệm cuộc đời đơn giản như vậy. Ông nhìn mọi việc xuyên qua
một khía cạnh tiền, và lấy nó làm tiêu chuẩn cho mọi suy luận, hoạt
động. Bữa cơm trưa ấy ông mua vỏn vẹn ở chợ một con cá trê giá năm đồng
bạc. Năm đồng là cái mức độ cao nhất được ông đề ra cho sự ăn uống của
mình.
- Vậy chiều nay chú ăn gì?
- Ối, còn mắm trong nhà, còn rau ngoài vườn, thiếu gì.
- Chẳng có thịt cá gì sao?
-
Tại mày xuống chơi chớ không thì tao đi câu, bắt ếch, ăn đủ cả tuần.
Thỉnh thoảng tao cũng nhậu nhẹt lai rai một mình. Thịt cóc, thịt rắn,
quanh đây bụi nào chẳng có.
Giọng
nói chú tôi vui vẻ, tự nhiên, khiến tôi nghĩ đến bà nội của tôi đã qua
đời rồi. Dẫu bà đã chết nhưng cái hình ảnh trung thực của bà vẫn còn nơi
người con út. Nghĩ đến mấy tiếng “tại mày xuống chơi” tôi thấy khó chịu
trong lòng. Hôm đó tôi về hơi sớm, vì thấy sự thăm viếng của người cháu
chỉ làm ông chú duy nhất của mình mất phần cá, ếch nhiều ngày.
Sau
đó hàng tháng tôi gửi thư xuống thăm ông nhưng không nhận được một thư
trả lời nào cả. Ba bốn tháng sau, tôi mới nhận được một lá, nhờ một
người quen đưa tận tới hãng La ve, để khỏi tốn mấy đồng tem. Bức thư như
sau:
“Cháu Khỏe ơi!
Chú
nhận được thơ cháu ngày 9 tháng 8 năm 1955. Nay nhân có người quen đi
lên Sài Gòn chú gởi ít lời thăm cháu. Chú đã mua được một chiếc xe đạp
khá tốt. Tuần sau, nhất định chú lên thăm cháu kẻo lâu ngày nhớ lắm lắm
đó.
Biên Hòa ngày 7 tháng 12 năm 1955
Chú Chín của cháu
Lê Văn Xường”
Trời
ơi! Chẳng nhẽ chú tôi lại định đi xe đạp từ Biên Hòa lên hay sao? Nhớ
đến thân hình gầy nhom và cao lòng khòng như con cò ma của chú mà tôi lo
ngại. Tôi bỗng hối hận về bức thư gửi ân cần của mình vừa qua, trong đó
một hai tôi bảo chú Chín của tôi phải lên một bữa để mà nhậu nhẹt lớn
chuyện một phen cho bớt nhớ nhung. Nhưng một tuần qua, chẳng thấy bóng
dáng chú Chín. Rồi một tuần nữa và hai tuần nữa trôi qua. Chẳng lẽ chú
tôi đã đi xe đạp và bị tai nạn dọc đường? Chủ nhật sau đó, tôi xuống
Biên Hòa rất sớm. Tới nơi, thấy chú ăn mặc chỉnh tề đang đứng chờ xe bên
đường, bên cạnh có chiếc xe đạp còn mới sơn màu xanh đậm, chạy những
chỉ vàng. Tôi trách:
-
Chờ chú cả trên tháng nay rồi đó, chủ nhật không dám bỏ đi đâu hết, cứ
sợ chú lên. Sao mà hôm nay mới đi? Thiếu một chút nữa thì đi lật hết.
- Nói vậy chớ dễ gì đón được xe...
Thì
ra chú tôi đã đón xe lên thăm tôi từ cuối tháng trước nhưng ông sợ lên
Sài Gòn đi lại tốn kém nên mang cái xe đạp mới đi theo. Để bảo vệ màu
sơn mới, ông chịu khó đi xe lô, dù có đắt hơn vài đồng, nhưng chỉ bằng
lòng đi cái xe nào không có xe đạp nào hết đèo ở đàng sau. “Có cái xe
khác nó cọ xe mình hư sơn ráo trọi, còn gì”. Trên một tháng rồi, ông đón
mệt mỏi không gặp một cái xe lô như ý, và cứ mỗi sáng chủ nhật lại ra
chờ đợi vài tiếng đồng hồ mới dắt xe đạp vào nhà, cởi áo, thay quần, vác
cần đi câu.
Buổi
sáng hôm đó, khi chú tôi đi ra chợ mua đồ “đãi” cháu (ông không thể nhờ
cậy ai, vì sợ người ta mua đắt) tôi có gởi ông tờ giấy mười đồng nhờ
mua gói Bastos đỏ, là loại thuốc điếu phổ biến trong giới bình dân. Khi
về, ông mua vỏn vẹn một con cá lóc năm đồng, đưa gói thuốc lá cho tôi
với số năm đồng tiền thừa, rồi nói:
- Úy cha mẹ ôi! Con mẹ bán thuốc đưa tao gói thuốc rồi thối lại tao năm đồng(1) làm tao đứng sững. Tao tưởng nó đắt hơn vậy chớ mầy. Năm đồng mà cái gói thuốc ngó ngộ dữ ta. Hút được chớ đó!
Tội nghiệp, bao nhiêu năm nay ông ta chỉ hút thuốc rê nên không biết rõ
thời giá về thuốc. Tôi xé bao thuốc, mời ông, và tôi thấy ông trịnh
trọng cầm lấy điếu thuốc rẻ nhất trong loại thuốc lá, ngắm nghía, săm
soi rồi kéo từng hơi rất dài, chậm chạp, như để thưởng thức tất cả hứng
thú mà ông chưa từng quen hưởng lâu nay. Người ta cứ bảo người dân miền
Nam ăn xài rộng rãi, điều ấy quả là có đúng thật, nếu họ chỉ gặp những
người như là cha tôi. Nhưng những con người như chú Chín tôi sẵn sàng có
đấy để mà sửa đổi ít nhiều về nhận xét trên.
- Chú à, tiền bạc chú đã có nhiều, tội gì mà chẳng ăn xài.
-
Để dành làm ăn chứ mậy. Chú dạy ở đây tròm trèm mỗi tháng cũng chín
mười ghim. Cái trường ngó bộ xấu mã, vậy chớ khỏi tốn kém chi ráo. Đổ
đồng mỗi năm để dành có tới ba trăm ngàn, dạy chừng ba năm kiếm ba trăm
ngàn chi đó rồi bán miếng vườn, nhà cửa, sang lại cái trường có tới một
trăm ngàn nữa chẳng chơi. Lúc đó bọc sẵn ba bốn trăm ngàn, kiếm chuyện
kinh doanh. Khi nào cần thêm vốn liếng, rồi hãy tính chuyện lấy vợ.
Nhưng
mới hai năm, chú Chín của tôi đã bị nám phổi rồi ho nặng. Bỏ đồng tiền
ra uống thuốc, chú đau khổ lắm. Khi đã quá nặng mới lo chạy chữa, cơn
bệnh nhất định không lùi. Chú tôi qua đời vào một buổi chiều chủ nhật.
Cho đến phút cuối, ông cũng chọn lấy một ngày không có việc làm để mà từ
giã cõi đời. Và đến phút cuối, cũng chẳng ai biết tiền bạc ông cất ở
đâu. Có lẽ như thế ông mới hoàn toàn yên lòng để mà nhắm mắt.
Tôi
xin nghỉ mấy ngày phép để về dưới quê báo tin cho gia đình biết, dù tôi
cũng bị chất rượu hành hạ lá gan nằm liệt từ mấy tháng rồi. Khi rời
khỏi con đường nhựa tẽ con đường đất vào làng tôi mới sực nhớ là gia
đình tôi cũng chẳng còn ai để mà đón tiếp cái tin buồn này. Bà nội của
tôi chết từ lâu rồi. Bác Hương Cả Ba của tôi từ giã cõi đời đã bảy tám
năm. Ngày ông tắt thở, người Pháp nghĩ đến công lao của ông Hương Cả tận
tụy tại chức suốt ba mươi bảy năm liền, loay hoay không biết tặng
thưởng cho ông những gì để tỏ chút tình mẫu quốc đối với con dân gương
mẫu của nước thuộc địa. Cuối cùng ông được nhà nước thực dân phong lên
chức Đại Hương Cả, và khi đưa linh cửu ông ra đồng, một tiểu đội lính
bồng súng được sai phái đến đi theo cho đến lỗ huyệt, rồi chĩa họng súng
lên trời bắn tiếp lẹt xẹt ít loạt gọi là một thứ nghi lễ tôn nghiêm.
Xong rồi, bà con thì đi về nhà, bác tôi thì về chín suối, còn tiểu đội
lính thì đi về đồn.
Bác
gái của tôi từ lâu thấy chồng của mình chỉ có thể làm hương cả chứ
không có thể làm giàu, nên tìm cách gả ba người con gái khá đẹp cho ba
thanh niên giàu nhất trong vùng. Người rể đầu tiên, con một người góp
tiền chỗ, cờ bạc rượu chè, ho lao rồi chết và người vợ cũng lây bệnh
chết theo. Người rể thứ hai con ông Cai Tổng, có đi Tây học ít năm, về
nhà của cha mẹ vợ ít khi chào hỏi một ai, và mỗi bữa ăn thường đứng một
chân, còn bàn chân kia mang giày vớ đặt lên ghế. Anh ta bảo rằng khi ở
bên Tây anh ta ăn đứng như vậy quen rồi. Sau khi lấy tiếp một người vợ
hai, rồi đến vợ ba, vợ tư - hẳn là lấy quen như thế bên Tây - gia tài
khánh tận, người con bác tôi phải sống nghèo nàn, cô độc, như kẻ góa
bụa. Người rể thứ ba là một công tử, con của một Hương chủ rất giàu. Khi
cuộc chiến tranh việt Pháp bùng nổ, anh chàng nhất định không đứng về
bên nào hết, và một hôm nọ đang đi thăm ruộng giữa đồng, bị một viên đạn
bắn chết mà không biết rõ xuất phát từ đâu. Mấy người cảm tình với Việt
Minh bảo là đạn ấy của Pháp. Mấy người cảm tình với Pháp bảo là đạn của
Việt Minh. Chỉ có viên đạn biết rõ, lại chẳng nói năng lời nào. Người
vợ anh ta bị người anh chồng đoạt hết của cải, phải cố bám víu vào mấy
vạt ruộng còn lại để sống những chuỗi ngày tàn. Bà Bác của tôi chứng
kiến đầy đủ tất cả các sự kiện trên rồi mới âm thầm tắt thở.
Bây
giờ chỉ còn sót lại mỗi bác Tư tôi. Trong tám người con, bảy người đã
có nhà máy xay riêng và không người nào lưu ý đến cha mình nữa. Còn
người con út thì vợ đã bỏ về nhà cha mẹ, và không được phép đi thăm nên
sau mấy năm thương nhớ, anh ta lâm bệnh, từ trần. Lúc gần tắt thở, miệng
anh vẫn cứ thều thào kêu gọi tên con. Người nhà chạy gọi vợ con anh đến
để anh nhắm mắt cho được yên lòng, nhưng mới đi ra tới ngõ thì anh đã
chết. Tuy vậy, gia đình bên vợ của anh vẫn nhất quyết không chịu cho con
gái về phục tang chồng, bởi mối căm hờn ngày nào vẫn chưa nguôi ngoai.
Bác Tư của tôi già yếu bệnh hoạn, không trông coi nỗi nhà máy và tự nó
sụp đổ lấy. Ông sống cô độc một mình trong ngôi nhà rộng, tự giặt giũ
lấy quần áo, không thuê mướn được ai nữa. Nhiều khi ông nhắn bà con lối
xóm gọi giúp cho ông đứa con, hay đứa cháu nào, nhưng sau nhiều ngày chờ
đợi ông không thấy đứa nào đến. Chúng nó mắc lo làm giàu, và sự săn
đuổi đồng tiền bận rộn, hấp dẫn hơn là chăm nom cho một người cha, người
ông bệnh hoạn.
Bác
tôi chỉ còn thương tiếc, không phải bà vợ của ông, mà người con dâu thứ
năm, qua đời vì chứng sản hậu sau kỳ chửa đẻ, đã mười năm rồi. Người
con dâu ấy, khi còn ở trên đời này đã đem tâm lực ra để gìn giữ tiền bạc
cho ông, và ông tin rằng nếu cô còn sống thì sẽ là nguồn an ủi của ông
trong lúc xế chiều. Ông lập bàn thờ con dâu ngay trong nhà mình, và đến
ngày kỵ lọ mọ nấu nướng, tự tay khệ nệ bưng lên để cúng con dâu, rồi lại
lọm khọm bưng xuống ngồi ăn và khóc một mình. Đã hết dựa cậy vào những
người sống, ông cố bấu víu vào một hình ảnh đã khuất xa rồi. Những người
quanh xóm cũng ít lui tới, suốt ngày ông cứ lẩn quẩn trong nhà, sờ
soạng như một bóng ma. Người ta bảo nhau: “Ổng chưa có chết được đâu.
Còn sống dai mà. Trời còn bắt sống để mà coi cho mãn nhãn cuộc đời”.
Thỉnh
thoảng có người lối xóm đem bán cho ông một ít tép bò để đổi cây trái
trong vườn mà họ biết rằng ông không thể nào kiểm soát được họ hái nhiều
hay ít. Ông lại lui hui đem tép trộn với cơm nguội, muối sống, cho vào
cối giã để làm mắm ruốc, thức ăn gần như độc nhất của ông về già. Cặp
mắt gần như mù lòa, ông phải sờ soạng tìm chiếc ghế gỗ, lê đến ngồi bên
cái cối, hai tay mệt nhọc nhắc cái chày lên, giã xuống chệnh choạng, vừa
thở hào hển. Nhiều lúc ông dừng chày lại ôm ngực rên lên hù hụ. Và
thường ông ngồi nguyên đấy tiểu tiện, đại tiện ra quần, rồi thả rơi
chày, ngủ thiếp ở bên cối tép.
Khi
tôi đi sâu vào xóm, qua nhà bác Tư, tôi lại chợt nhớ câu nói lạt lẽo
ngày nào khi ông từ chối không đến dự lễ làm tuần cha tôi. Tôi lặng lẽ
đi qua ngõ và tẽ sang một lối khác. Trời đã chiều rồi, tiếng hát ru con à
ơi ở đâu vẳng lại một cách buồn thảm. Những lá xoài khô, lá cây vú sữa
vàng sẫm rụng xuống đầy trên lối đi. Có lẽ chỉ còn mẹ tôi, em tôi, cảm
thấy vui mừng vì cuộc trở về khá bất ngờ này.
Qua
một ngõ tối vì những lá cành che rậm, tôi bỗng nghe những tiếng giã
thình thịch trong cối của nhà ai đó. Tôi nghĩ đến những nhịp chày chệnh
choạng của người bác già, nghĩ đến nỗi buồn mênh mông ở trong kiếp sống
của nhiều con người loay hoay suốt đời giữa các vòng trói u tối, thê
thảm của những ước muốn tầm thường. Tôi bước chậm lại nghe đôi chân mình
chuyển dịch một cách khó nhọc. Nhớ đến chứng bệnh đau gan đang ở thời
kỳ trầm trọng, tôi muốn lê bước đi ra khỏi xóm, không ghé lại nhà.
1/1967
VH.
Nguồn : https://www.trieuxuan.info
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)