Thứ Năm, 6 tháng 6, 2019

NGƯỜI VỀ PHỐ BIỂN - Duy Nguyên


Lâu quá anh chưa trở về phố biển. Dễ cũng có đến mấy năm đã qua, từ một ngày niên thiếu thúc hối rời bỏ. Từ đó, cũng có rất nhiều lúc tình cờ nhớ lại những tháng ngày xanh ngát, khi nghe ai đó nhắc nhở về biển.

Từ đó: biết mấy mùa bằng lăng tím ngát đến và đi, xong trở lại ; bao lần cây cối thay lá lớn lên đơm hoa kết trái. Hằng hà sa số đợt sóng kéo tràn bào mòn biết bao đá tròn quanh bờ bãi. Sóng cũng làm thay đổi bãi quanh co và bằng phẳng. Chắc chắn là bãi biển từ ngôi nhà nhìn xuống phải có nhiều thay đổi. Dù biển vẫn xanh, sóng vẫn trắng dạt dào như từ bao giờ.

Anh lẩm cẩm nghĩ vẩn vơ chắc là đã không biết bao lần nước biển bốc hơi đọng thành mưa, rơi xuống, và tiếp tục chu kỳ. Không biết những sợi tóc mọc dài được bao nhiêu rồi nhỉ? Em nhỏ thay đổi bao nhiêu mái tóc, tóc ngắn tóc dài, kiểu này kiểu nọ, thắt nơ cột bính?

Kể từ khi rời phố biển đến vùng rừng núi rồi đồng bằng, cũng có vùng biển lạ xa ; và nơi chốn đó gợi anh nhớ những ngày tung tăng, những đêm sóng gào cuồng nộ lang thang ra hứng gió quất lạnh cóng.

Đúng rồi, anh nhớ lắm đôi mắt tròn xoe như hạt nhãn em nhỏ. Anh tham ăn, nhớ trái mận có màu da hồng hào căng mịn. Những ngày hè nghịch ngợm và lãng mạn.

Thành phố anh ở bây giờ cách phố biển hơn trăm cây số, khoảng hai giờ xe chạy và chưa được nửa giờ đường bay. Tóm lại, không xa lắm. Nhưng đối với một tên lừng khừng thì cũng không ít có khi hay làm mất dịp ra biển. Anh hứa thầm hoài và cứ lỡ hẹn riết. Lâu lâu có ngày lễ vào thứ bảy hoặc thứ hai thật tiện lợi anh lại chẳng chịu đi. Cứ nghĩ bãi biển lúc nhúc toàn là người, thấy nản. Thành phố anh ở bây giờ rất nhiều nắng nhưng chẳng có lấy một bờ biển hay dòng sông nước trong mát. Kỳ này lại có lễ vào thứ hai, anh vẫn chứng nào tật nấy. Lữ khữ lừ khừ chẳng chịu tính toán, hoạch định chương trình gì ráo. Sáng chủ nhật nằm ngủ một giấc no mắt đến trưa. Thứ hai, ngày coi bộ đẹp. Nắng rực rỡ. Gặp nhau ở quán nước, một tên đề nghị đi tắm biển. Anh mừng rỡ lẫn ngạc nhiên hỏi dồn. Đó là tại vì ngày nay là một ngày rỗng trống, anh đoán thế. Tên đề nghị bảo khởi hành ngay bây giờ, chiều về.

Thế là không sửa soạn, chẳng có hành lý gì cả. Tất cả chất nhau lên chiếc xe hơi nhỏ mui trần. Trời nắng chang chang. Chuyến đi bất ngờ mang đến anh cảm giác thích thú lạ kỳ. Nằm thoải mái đầu dựa vào nệm xe, khói thuốc thở bay tản mác ra sau, anh không còn nghe nắng nóng bức. Chỉ có gió mát gì đâu. Anh cảm thấy mình là người sung sướng quá rồi.

Quả thực là anh rạo rực khi nghe thoảng mùi gió biển mằn mặn. Hình như cái cảm giác rạo rực giống như anh đọc được trong sách, đó là cảm giác thổn thức bối rối rung động gì đó của các cô mới lớn khi gặp "hoàng tử của lòng". Tuồng như anh của một mùa vụng dại, bỗng dưng bắt gặp ngày hôm nay khi về thăm thành phố biển nhiều ghi dấu.

Những loại cây xanh ngắt thấp lè tè mọc đầy dẫy trên vùng rừng sác, nước mặn trông cũng dễ thương. Anh nghe rõ ràng hương vị lạ ngây ngất của biển quen thuộc thời nào. Xe qua cây cầu có cái tên khá hay: Cỏ May. Bây giờ thì biển đang ở gần anh lắm vậy. Điều này làm anh nôn quá đi, tựa như đứa bé chờ cha mẹ về chợ. Anh huýt sáo ồn ào khiến tên bạn ngạc nhiên. Gì mà vui vậy bạn?

Anh mỉm cười. Anh nhớ ra rồi, cái động lực tuy mơ hồ nhưng bền bỉ thúc đẩy anh về thăm phố biển. Biển nhỏ chính là lý do hết sức chính đáng thôi thúc anh. Biển nhỏ: tóc dài cười tươi trẻ thơ, vóc dáng cử chỉ của một tâm hồn mềm mại rất dễ yêu. Anh hồi đó nhảy hàng rào qua ăn mận chấm muối ớt để rồi hít hà vì cay. Anh hồi đó cùng Biển nhỏ mò mẫm tìm những con ốc đủ màu.

Anh nhắm hờ mắt, vui thích tưởng tượng Biển nhỏ bây giờ. Trí tưởng tượng của anh không được dồi dào lắm nhưng anh cũng đủ biết Biển nhỏ không còn bé như hồi đó. Quên, không được gọi là Biển nhỏ nữa mà cũng chẳng được kêu là Biển nhớ. Hai tên đặt đó xưa rồi, quê rồi. Chỉ đúng một lúc nào đó mà thôi. Thế thì gọi là gì nhỉ? Để gặp nhỏ đã, anh sẽ có một tên khác đặt cho Biển. Thí dụ như Biển yêu, Biển thương... chẳng hạn. Đó chỉ là trí tưởng của anh và anh mong ước vậy.

Chắc Biển sẽ khoe với anh: Em không còn nhỏ nữa đâu. Em lớn rồi nè! Ừ. Thì lớn ghê lắm Thế thì không được gọi Biển nhỏ nữa nghe. Phải có tên gì khác gọi cho khỏi lộn với biển thật chứ và anh sẽ nói nhỏ: Biển lớn và đẹp thêm ra!

Như vậy chắc chắn là Biển quay lưng, bĩu môi (nhưng hẳn là trong bụng sung sướng lắm). Anh cũng giả vờ trêu, anh nói biển thật lớn rộng và đẹp hơn chứ bộ, cứ tưởng bở!

Lạy trời cho có điều đó xảy ra.

Có rất nhiều thay đổi dưới mắt anh trong trí nhớ về phố biển. Ngay cả ngọn núi là vật anh tưởng rất ít có thay đổi, giờ lạ hẳn, không kể cây cối thay đổi theo bốn mùa là lẽ đương nhiên. Anh muốn nói đến đài ra đa ngạo nghễ trên đỉnh, nhà cửa dần dần cất nhiều trên sườn núi, con đường quanh co vòng núi. Nhất là dưới chân núi thoai thoải thật nhiều biệt thự. Hồi anh còn ở đây, có vài căn nhà xoàng xoàng.

Nhất là các con đường, đường ở khu chợ, đường dọc ở bãi Trước đầy những quán ăn khách sạn đèn màu chữ màu lòe loẹt. Tiếng nhạc ồn ào thịnh hành, anh cứ tưởng đây là thành phố nào đó ở nước ngoài.

Thường những thay đổi làm người về e ngại. Anh cũng vậy. Anh hồi hộp ngồi xe chạy một vòng phố.

Dĩ nhiên là thành phố tân tiến văn minh hơn. Nhan nhản dọc hè phố áo màu sặc sỡ hở hang làm anh chán hết sức. Phải chi phố hiền hòa áo màu nhu tha thướt chắc hay lắm. Phải chi đừng có các cửa tiệm thời thượng đó, phố đỡ chướng mắt hơn. Anh phì cười. Các cửa tiệm đó không là của anh nên anh nghĩ vậy. Giả thử nó là của anh thì biết đâu nó còn ghê gớm hơn. Nhưng dĩ nhiên anh chưa bao giờ giàu đến vậy để có thể thay đổi bộ mặt phố.

Rồi anh lại vui vẻ như thường lúc nhìn màu biển xanh lấp lóa dưới nắng. Những ngọn lá vẫn xanh mướt trên các hàng cây khiến anh yêu đời như chưa từng yêu đến thế. Anh yêu biển quá sức (có thể biển viết hoa).

Xe vòng ra bãi Sau. Đáng lẽ anh phải bảo tên bạn lái đường vỏng chân núi nhìn xuống biển qua bãi Ô Quắn. Nhưng anh lại ngại bị hạch hỏi lôi thôi. Dù biết tính từng tên bạn một anh vẫn e dè. À, anh khám phá ra rằng anh vẫn còn khờ như ngày ở đây. Bởi vì đi con đường núi sẽ ngang qua nhà Biển nhỏ, dù anh rất muốn.

Tắm biển bao giờ cũng thú. Anh tiếc một điều là quá đông người, nước ngọt, phao, ghế đều quá đắt so với ngày trước. Thấy nhiều người tắm quá anh đâm ra chán dù biển còn rất quyến rũ. Anh mong nghe tiếng sóng vỗ giữa âm thanh lộn xộn của ngàn tiếng cười nói. Điều ao ước nhỏ nhoi mà cũng thật khó. Mấy tên bạn ngồi trên đá lấy ống dòm xem bọn con gái chí chóe tắm đùa. Một thằng nói ra đây rửa mắt thú hơn tắm. Anh xuống tắm, với anh biển hấp dẫn quá. Nước mặn chát trên môi và mắt anh cay sè.

Nhìn bầy con gái ríu rít chuyền banh anh vui lây. Trái bóng nhanh nhẹn nhảy từ từng bàn tay rám nắng chắc nịch. Da dẻ coi bộ đỏ rần rần. Vài cô tinh nghịch ôm chặt trái bóng chạy ào xuống nước trong khi các cô kia đuổi theo reo hò. Trời ơi, chắc là diễm phúc lắm nếu anh được làm trái bóng đó. Lúc này dường như con gái chịu khó tắm biển, không còn e lệ rụt rè như xưa. Các cô trông mạnh khỏe rắn chắc, da nâu hồng. Anh chợt phân vân tự hỏi trong bầy con gái dài suốt bãi biển có Biển nhỏ không?

Anh có ý tưởng kỳ cục là muốn Biển nhỏ vẫn ngây khờ, nghĩa là không có mặt trong đám con gái dạn dĩ kia. Mặt khác anh lại muốn thấy Biển lớn hẳn ra, thấy lại ngỡ ngàng và vui mừng. Anh thì vui là cái chắc rồi, anh vui dễ sợ nếu trường hợp đó xảy ra.

Nhưng còn Biển nhỏ? Anh nhớ ra rằng Biển đã lớn lên. Và biết đâu đã có rất nhiều thay đổi. Nhiều lắm.

Dù không hy vọng gì lắm anh vẫn đi dạo một vòng. Quá nhiều quán ăn giống nhau khó mà nhớ bảng hiệu, vị trí. Anh cũng mong gặp lại thằng bạn cũ nào cũng được, bạn vàng hay bạn trời đánh. Để có dịp nhắc lại về phố biển hồi đó. Mặc kẻ đối diện có chú ý hay không anh cũng cứ thao thao nói. Trong câu chuyện anh sẽ dò hỏi về Biển để bớt thắc mắc như bây giờ.

Đi hết một vòng mỏi nhừ anh buồn bã quay về chẳng gặp một bộ mặt nào quen thuộc. Chán thật!

Cả bọn kéo vào một hốc đá lôi đồ nguội ra ăn. Tắm khoảng hai giờ da đứa nào cũng đỏ au, tóc rít chịt. Một đứa lôi chai Dubonnet đưa lên cao trong tia mắt hấp háy vây quanh. Chà, trời này uống một hớp rượu... hết sẩy! Tuyệt vời không chê vào đâu được. Chuyền tay qua được vài lần đã hết sạch. Anh là tên cuối cùng của vòng cuối, dốc ngược chai còn sót vài giọt rượu thòm thèm.

Dù vậy anh vẫn cảm thấy ngây ngây dễ chịu. Thân thể khô ran và nóng bừng kích thích muốn chạy nhảy rất nhiều. Anh bực mình hết sức vì tên nào cũng như muốn ngủ (!). Phải thúc hối lâu lắm tất cả mới uể oải lên xe rời bãi. Trực chỉ bãi Dâu, bạn ta! Đi đường biển lý thú hơn. Con đường quen thuộc mà anh lỡ dại quên mất tên. Lần này anh làm tài xế.

Dĩ nhiên là anh chẳng say đến nỗi không thể lái được. Trái lại, anh bình tĩnh nhiều là khác. Cũng bởi đã nôn nao lắm rồi.

Dọc đường anh không ngớt nghĩ về Biển nhỏ. Anh cười thú vị khi nhớ cây mận ra trái da ửng đỏ quá mức hấp dẫn. Trưa hè nồng nàn, mận ngọt lịm cùng muối ớt cay xót lưỡi, , mắt to đen của Biển, môi hồng chúm chím và tóc thả dài như suối rừng. Còn gì thú vị bằng nhỉ?

Hình như bây giờ là mùa mận. Có lẽ đúng vậy, từ lâu anh quên mất về thời tiết mùa màng cây trái sau mấy năm không lấy làm êm đềm lắm. Anh bật cười thích thú, mấy tên trên xe nhìn anh và cũng cười theo. Ừ, bây giờ chắc có nhiều mận chín. Cây mận nhà Biển hẳn cao lớn sum sê treo những quả mận căng tròn quyến rũ như trái cấm. Mặc kệ, trái cấm là trái ngon. Anh lại là thằng con trai khoái ăn trái cấm hơn hết.

Con đường có nhiều thay đổi. Phía trái là bờ biển chẳng có gì lạ. Có thay đổi chút chút mà anh không thấy! Làm sao thấy được sự đổi khác của màu nước biển mênh mông, của cát vàng, của các hòn đá có bị bào mòn đi một ít. Phía phải ngày nay quá nhiều biệt thự, nhà mát. Cái nào cũng thật sang trọng và mang những cái tên hết sức kêu mà cũng hết sức tầm thường. Các khung cửa mở ra biển xanh. Phải chi có một ít cây cối thì hay hơn. Trông chúng tuồng như nóng bức quá. Anh lại bắt quàng ý tưởng về cây lá nhà Biển, về hàng rào tơ hồng óng ánh.

Tơ hồng. Loại dây leo có cái tên hay ghê. Sợi tơ hồng nối từ tay anh sang tay Biển khi hai đứa đứng hai bên hàng rào nói chuyện.

Một khoảng bãi cát ngắn tương đối bằng phẳng anh thấy hai cô nhỏ chạy lăng quăng. Tóc bay dạt phía sau, chân trần ướt cả hai ống quần trông thật vui. Anh chạy chậm, bóp kèn tin tin và đưa tay vẫy vẫy, cười.

Đến trước nhà Biển anh dừng xe lại Con đường nhỏ xe đậu sát vách đá thấp. Anh mừng vì còn nhận ra những nét quen thuộc cũ dù ngôi nhà đã được sửa chữa xây cất lại xinh hơn. Nhà Biển bây giờ có vẻ ấm cúng. Với hai ngọn đèn lồng ở cổng nom sang trọng hẳn. Tuy nhiên chính từ cái vẻ sang trọng đó làm tăng thêm sự cách biệt đối với những nhà lân cận. Anh còn có cảm tưởng càng tách biệt xa lạ hơn với người khách lạ, anh em.

Ngôi nhà một người quen lúc trước anh ở, bán cho người khác. Họ sửa lại quá lộng lẫy. Chán hết sức con đường này vì anh chẳng tìm được ở đó sự thân mật nào...

Cây mận nhà Biển còn và anh rất sung sướng thấy có nhiều trái. Tiếc là cái hàng rào tơ hồng mất tiêu. Thay vào đó  hàng rào xây gạch cẩn thận. Tất nhiên là không ai bỏ công ra trồng một loại dây leo nào khác. Các dây tơ vàng óng đứt đoạn từ hồi nào.

Mặc mấy tên bạn ngạc nhiên, anh xuống xe, lấy ống dòm nhìn qua đám lá để thấy rõ hơn. À, dường như cửa đóng. Khung cửa kính có tấm màn màu xanh che kín im lìm. Anh chạy lên đứng ngoài cánh cổng. Nhà đi vắng hết, có lẽ vậy, cánh cổng khóa lại bằng ống khóa to tướng bên ngoài. Anh bấm chuông, quả thật, không có ai chạy ra.

Anh đứng nhìn hồi lâu chờ với niềm hy vọng mong manh. Biết đâu có ai ở nhà và kẻ đó... lãng tai. Có thể đang bận làm gì đó. Màu lá mận xanh quyến rũ quá và trái mận căng tròn. Anh thấy rõ các nhánh cây khi trước đã trèo lên, đã bị kiến cắn dữ quá nhảy xuống nền đất kia.

Bây giờ ngôi nhà vắng ngắt. Rõ chán, ngày chúa nhật gì đâu!

Anh thất vọng chạy xuống. Anh bỗng khựng lại. Biết đâu ngôi nhà đó không còn là của gia đình Biển. Biết đâu được, nhỉ! Biển có thể đã rời vùng biển này đi đến vùng đồng bằng cao nguyên nào đó xa lắc lơ. Đi đến vùng núi cao đồi xanh ở cạnh suối rừng róc rách. Đi đến dòng sông mênh mang nào qua các cánh đồng lúa và cái tên Biển chỉ là một ghi nhớ, một nơi chốn ghé qua của cái gia đình viễn du đó. Không rõ. Hay Biển vẫn còn ở phố biển mà trú ngụ nơi khác anh khó gặp lại ngoài đường phố, trong thành phố có quá nhiều du khách.

Và anh buồn quá sức, làm như ý nghĩ trên là sự thật rồi vậy.

Lại một màn tắm ở bãi Dâu. Sau đoạn đường cả bọn đã tỉnh táo ào ào xuống tắm. Anh chán nản hết sức không ngờ chuyến đi buồn đến vậy. Có lúc muốn nhảy ào xuống biển sâu cho rồi. Quên mất, bãi Dâu có mấy hố sâu bất chợt nước ngầm chảy xiết. Vô phước cho người yêu đời và may mắn cho kẻ chán đời khi gặp các hố sâu. Anh đang buồn. Buồn gần như đồng nghĩa với chán đời, biên giới hai trạng thái đó quá gần, quá mong manh.

Vào quan nước ven bờ, tình cờ bài Biển nhớ. Bài hát làm anh rũ rượi chẳng muốn cựa quậy chi nữa. Có lẽ phải học thêm nhạc lý vững vàng để đặt duy nhất bài hát anh hứa với Biển nhỏ. Anh nhận ra mình vẫn còn khờ khạo yếu đuối không ngờ. Điều đó làm anh sung sướng khi biết anh còn trái tim xúc cảm giữa đời sống cằn cỗi này. Đồng thời điều đó khiến anh khổ không ít.

Anh đứng ngơ ngáo giữa rừng người cười cợt. Chân bước trên cát mềm, thỉnh thoảng vẫn dẫm phải vài viên đá sỏi đau buốt lòng bàn chân. Trông cát ẩm êm như thế mà cũng có chút lừa lọc nhỏ. Một tên thuê xuồng bằng cao su xốp rủ anh đi với hắn. Hai đứa chèo ra tít ngoài xa. Gác tay chèo, nằm ngửa mặt nhìn vào trong thành phố. Từ đây anh thấy rõ ràng thành phố có nhiều thay đổi. Chẳng hạn như các khách sạn, nhà hàng cao sừng sững, cây xanh chết bớt đi. Bãi Dâu, địa danh làm anh ngậm ngùi nhớ đến chuyện bể dâu. Sau nhiều năm biển xanh hóa thành ruộng dâu hay thành cái gì đó khó có thể ngờ trước. Sau mấy năm trở về, tên khách lạ quá lạ lùng trước sự thay đổi lớn lao đó. Giá mà lần này anh về một bờ bãi biến thành đất liền, một hòn đảo lặn xuống, mất tăm, vui lạ!

Tên bạn vỗ tay xuống nước lõm bõm đánh nhịp, hát. Xuồng càng lúc được đưa xa bờ hơn, giữa nước xanh rộng bát ngát. Tên bạn chợt ngồi dậy chỉ anh thấy chiếc xuồng gần đó, hai đứa con gái chèo nhịp nhàng. Hắn nheo mắt cười, lại đó nghe? Hai đứa ra sức chèo đến xuồng kia. Hai đứa con gái một mặc áo tắm vàng, một hồng. Nắng chói mắt không nhìn rõ mặt, qua dáng gọn ghẽ chắc cũng khá xinh. Đến gần anh chợt kêu lên mừng rỡ:

"Biển!"

Đứa con gái mặc áo tắm vàng quay nhìn trước. Anh định nói nhưng ngừng lại vì ngờ ngợ trí nhớ anh. Đứa con gái nói dạn dĩ hồn nhiên:

"Ông lộn rồi. Tôi không phải là Biển. Chị tôi đó."

Anh thở ra. Đúng rồi. Anh còn nhớ Biển nhỏ kỹ lắm chứ. Chắc cô gái này tên Núi tên Suối hay Đồi gì đó. Hồi đó cô gái còn nhỏ anh chẳng thể nào nhớ tên được. Anh phải nói dài giòng đại khái rằng thì là lâu quá mới về đây. Lâu quá không gặp Biển nên mới có sự lầm lẫn trên. Anh tả oán quá chừng làm như việc gọi lầm là cái tội lớn lắm. Anh hỏi:

"Biển đi đâu thế?"

"Không biết. Tôi đi bơi từ sáng. Ông có qua nhà?"

"Tôi có đi ngang thấy đóng cửa. vẫn còn ở địa chỉ cũ hở cô?"

"Còn."

Cô gái nhảy ùm xuống bơi một quãng xong trèo lên lắc lắc đầu cho nước văng ra. Nắng nóng quá, ông ạ. Cô gái lớn thế kia, thì Biển sẽ lớn thế nào? Anh chưa tưởng tượng được, khó quá. Anh nói với giọng tiếc nuối:

"Nhà lạ quá nhận không ra. May có cây mận tôi mới nhớ, tại hồi đó hay qua ăn mận."

"Ông đi lâu lắm rồi?"

"Lâu. Từ lúc cây mận mới ra trái. Hồi đó tôi ở nhà bên cạnh nhảy hàng rào qua chơi với chị của cô. Cô biết lúc đó đối với tôi cô ra sao không?"

"Không. Tôi chẳng thấy ông lần nào."

"Cô nhỏ xíu đến tôi chẳng nhớ gì về cô."

Anh mỉm cười. Định nói tôi còn chẳng nhớ tên cô nữa là. Cô gái hao hao giống Biển tuy đôi mắt không được xinh bằng. Không hiền như Biển trong ý nghĩ anh, có vẻ khôn lanh hơn nhiều. Chắc cũng hay đi chơi lắm đây. Cứ nhìn màu da nâu hồng bắt nắng là đủ biết. Cô gái dáng đại diện cho các cô choai choai, bạo dạn quá đáng.

"Biển lúc này thế nào?"

"Chỉ cũng vậy. Đâu có gì lạ."

Cách trả lời của cô gái không giúp anh biết gì về Biển bây giờ. Chả lẽ anh hỏi rằng Biển ốm hay mập, có cao được mấy tấc, rằng Biển có nhắc nhở gì anh, mắt có còn to không, đang để kiểu tóc nào... vân vân và vân vân. Cô em quên mất đã thật lâu anh không biết tí gì về Biển. Kể ra anh cũng vô tình quá, chẳng nhớ được địa chỉ để gửi một vài lá thư. Cũng có những lúc anh rất nhớ rất buồn muốn tìm một niềm an ủi. Niềm an ủi kiểu như: Một tâm hồn cô đơn qua mấy mùa xuân, tha thiết mong cánh nhạn bốn phương để xoa dịu nỗi khổ thời chinh chiến... nhan nhản trên các nhật báo. Tiếc cái là anh không ưa trò viết thư mà chưa biết tí gì về người đó. Mới đây có cô nhỏ nào tình cờ biết địa chỉ viết cho anh một cái thư, với lời lẽ mềm mại bạn nhỏ và ông. Trò này coi bộ khá hơn ít ra hai kẻ lạ xa đủ gặp vài điểm hợp ý qua vài bài trên báo. Tuy nhiên nếu biết mặt nhau vẫn hơn và càng tuyệt vời nếu cô nhỏ Nhà Bè dễ thương trong tính tình cử chỉ như Biển. Mà bây giờ Biển lớn có còn được như của năm học trò "đệ lục... nồi" và "đệ ngủ... gục" (lời Biển nhỏ).

"Biển có hay đi bơi không?"

Anh thò tay xuống nước biển xanh nghịch ngợm. Cô em Biển nheo mắt cười.

"Thường lắm! Tuần nào cũng đi vài lần là ít. Chị ấy bơi cừ ghê."

"Mong dịp nào tôi gặp Biển ngoài bãi."

Có gặp chưa chắc đã nhận ra. Anh bùi ngùi với ý nghĩ ấy. Và như thế anh tưởng tượng Biển chắc cũng như cô em. Da rám nắng hồng hào, thân thể rắn chắc khỏe mạnh. Sao Biển không lang thang dưới bãi tìm ốc hay ngồi trên đá thò chân nghịch sóng biển như xưa?

Chợt nhớ gì đó cô em Biển quay sang hỏi bạn:

"Anh Ni có nói đi đâu hôm nay không?"

"Không. Thì vẫn đi vòng vòng rồi tắm biển. Có lẽ họ đi Long Hải."

Cô gái quay sang anh.

"Chị Biển đi chơi. Anh chị tuần nào cũng đưa nhau đi khắp các phố."

"Anh nào?"

"Fiancé của chỉ đó. Ông không biết hả?"

Anh choáng váng như say sóng. Anh không khỏi liên tưởng Biển cùng cái thằng phải gió chở nhau trên chiếc gắn máy. Như bao cặp trẻ tuổi trong mùa hè nồng nàn. Anh, kẻ đứng bên lề tuổi trẻ còn đầy nhưng đã lỗi thời. Mùa hè của anh và Biển khi trước như xảy ra vào thời tiền chiến, còn lãng mạn khù khờ hơn cái phim Un' été 42. Biển hồi đó tách rời mọi đứa con gái khác tựa hồ một tinh cầu thiên đường cách loài người. Biết bao lần nước dâng rút, cơ man các con ốc chết phơi vỏ tuần tự đến đời ốc mượn hồn, tinh cầu thiên đường bị đồng hóa như mọi hành tinh khác tầm thường.

Biển nhỏ dễ thương đeo xâu vỏ ốc chạy nhảy tung tăng. Biển nhỏ trong sáng như nắng sớm mai. Như thế anh rất yêu Biển nhỏ.

"Tối ông đến chơi, chị có nhà."

Anh im lặng. Cô gái tiếp:

"Ông tên gì để tôi về nói trước chị Biển đợi."

"Nói tôi là Mây Bay"

"Mây Bay?"

Gật đầu anh chỉ cụm mây trắng phiêu bồng cuối mặt biển. Hai đứa con gái nhìn nhau cười khúc khích. Tên bạn cũng cười. À, cả ba hẳn cho là anh điên hoặc đang pha trò, mà trò vui rất tồi đối với anh bởi chỉ một mình anh hiểu. Anh nói ngậm ngùi:

"Chiều nay tôi đi rồi."

"Gấp vậy? Ông mới đến hồi sáng mà? Ở lại chơi mai về sớm."

Tên bạn cũng bảo:

"Ở lại đi. Chiều về mệt lắm."

"Thôi. Buồn chết người."

Và anh vội quơ tay chèo.

"Cho tôi gởi lời thăm Biển nhỏ"

"Biển nhỏ?"

"Vâng. Cô cứ nói thế, chị cô sẽ hiểu. Chào cô."

"Chào ông. Vui vẻ nghe ông!"

Một chút hạnh phúc nhỏ nhoi bị tước đoạt tàn nhẫn. Chút mơ mộng héo queo như tàu lá chết.

Đời sống càng lúc càng trở nên quá vội vã bon chen không để dành cho ai ít tươi mát dịu dàng như ngày xưa. Tiên chắp cánh bay xa không để lại rơi rớt chút gì dễ thương như giọt sương sớm, xảy đến cho bất cứ ai. Đời sống trở thành cái chong chóng quay vù vù và bọn anh là mẩu giấy nhỏ bay lạc tả tơi. Ngày xưa có anh và Biển nhỏ giữa thiên đường với trời xanh, biển cả. Ngày xưa: Biển có đôi mắt rất đẹp. Như những vì sao anh thấy, hằng đêm, nhấp nháy.

Anh đứng lơ ngơ trên cát, giữa đám người ồn ào, nhìn về hướng nhà Biển nhỏ. Bỗng dưng anh ao ước kỳ cục: Phải chi Biển đừng lớn làm quái gì. Tất nhiên điều trên không thể nào xảy ra. Anh váng vất nhìn hàng mận rơi tỏm xuống biển đen sì. Giữa nền trời bàng bạc mây, gió cuốn vô số lá xanh bay để gốc cây trơ trụi chết dần mòn. Anh và Biển, hai kẻ lạ xa tình cờ gặp quen, xa không còn trong nhau chút gì để nhớ. Có thể sau này cũng trong tình cờ gặp lại, nhận biết và Biển rất có thể làm như không hề quen anh. Kỷ niệm chỉ là bọt biển dù nhiều cách mấy vẫn dần dần vỡ tan.

Bây giờ phố biển với anh hoàn toàn xa lạ. Rời phố biển về chỉ còn ghi lại trên lớp da mùa hè rám nắng, vỡ ra.

Anh về và nghĩ sẽ không ra thành phố này. Để anh còn giữ hình ảnh Biển nhỏ ngày đó trong tâm hồn như chút an ủi nơi đời sống quá buồn bã. Còn nhớ một cô nhỏ mơ mộng. Để anh còn nhớ Biển nhỏ dạt dào không cần biết Biển nhỏ có nhớ Mây bay? Và anh rất hãnh diện vui vẻ kể rằng: Hồi đó, anh có quen một cô nhỏ tên là Biển...

Mặc dù chung quanh rất nhiều người, thành phố rộn rịp ; với anh phố biển buồn hiu.


DUY NGUYÊN    

(Trích tuần báo Tuổi Ngọc số 103)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét