Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

CHƯƠNG 35_TÚP LỀU CỦA CHÚ TOM


CHƯƠNG 35


Georges Shelby chỉ viết vài dòng vắn tắt để báo cho mẹ biết ngày về. Cậu không còn lòng dạ nào để tả lại cái chết mà cậu chứng kiến. Cậu đã cố gắng nhiều lần song những kỷ niệm ấy khiến cậu nghẹn ngào, không cầm nổi bút. Cậu đã xé đi viết lại không biết bao nhiêu lá thư, lau khô nước mắt và bỏ ra khỏi phòng để tìm lại chút bình tĩnh cho tâm hồn.

Được thư cậu, cả nhà xôn xao vui mừng nghĩ đến ngày về của cậu chủ.

Bà Shelby ngồi trong phòng khách. Một ngọn lửa ấm áp xóa tan cái lạnh của buổi chiều cuối thu. Trên bàn ăn, lấp lánh những dĩa muỗng ly tách quý giá.

Chính tay bác Chloé bày dọn những thứ này.Bác bận một cái áo mới bằng vải chúc bâu với một cái tạp dề đẹp đẽ màu trắng và một cái khăn cột tóc xinh xắn. Khuôn mặt đen bóng phảng phất vẻ sung sướng... Bác nán lại bên bàn ăn, kéo cái khăn, sửa cái tách, sắp dọn thật tỉ mỉ để có cớ nói chuyện thêm chút nữa với bà chủ.

- Ồ! Chắc chắn là cậu sẽ rất hài lòng! Kìa! Tôi đã dọn chén dĩa muỗng nĩa cho cậu ở chỗ cậu thích, bên cạnh lò sưởi. Cậu Georges lúc nào cũng thích ngồi ở một chỗ ấm áp. A! Tại sao Sally không chịu dọn bộ tách trà đẹp nhất? Bộ tách cô gì mua biếu bà vào dịp lễ Noel ấy?... Tôi sẽ đi lấy. Bà chủ có nhận được tin gì của cậu Georges không?

Bác hỏi thêm với giọng lo lắng.

- Có, Chloé à! Mà chỉ vài hàng ngắn báo cho tôi hay là nó sẽ trở về ngày hôm nay. Không có thêm một chữ nào nữa cả, tôi rất nóng lòng...

- Và không có cả một câu nào về ông chồng già đáng thương của tôi nữa sao?

Chloé vừa hỏi vừa xoay xoay tách trà.

- Không, không chữ nào cả Chloé; nó viết là nó sẽ cho biết lúc về đến nhà.

- Đúng là tính cậu Georges... Cậu rất thích kể lại bằng chính miệng mình. Cậu lúc nào cũng vậy. Về phần tôi, tôi không hiểu tại sao người da trắng lại thích viết dài dòng... như họ vẫn thường làm... Viết vậy chắc khó lắm!

Bà Shelby mỉm cười. Chloé tiếp :

- Tôi dám chắc là ông chồng già đáng thương của tôi sẽ không nhận ra con... Cả đứa bé nhất. Chúa ơi! Lúc này nó thật mau lớn! Nó cũng thật hiền và khá đẹp! Tụi nó đang ở trong lều để canh chừng bánh. Tôi sẽ nướng một cái bánh thật hợp với ý thích của ông ấy, nó sẽ giống như cái bánh của buổi sáng hôm mà... ông ấy ra đi! Chúa ơi! Buổi sáng hôm ấy, tôi thật là...

Bà Shelby thở dài. Bà thấy như có một sức nặng đè lên trái tim... Bà thấy đầu óc như quay cuồng từ lúc nhận được lá thư của cậu con trai... Bà linh cảm có một sự khác thường trong sự yên lặng ấy. Chloé lo lắng hỏi :

- Thưa bà, bà có giữ số tiền giấy ấy chứ?

- Có đây, Chloé.

- Tôi sẽ đưa trọn số tiền cho Tom, số tiền của ông chủ hiệu bánh trả công cho tôi. Thưa bà, ông Jones muốn giữ tôi lại, nhưng tôi cảm ơn và... từ chối. Tom về rồi, tôi không cần phải đi làm nữa, tôi phải trở về hầu bà. A! Cái ông Jones cũng tốt lắm, thưa bà...

Chloé đã van nài bà chủ giữ dùm bác số tiền công và giao lại cho chồng, như là những chứng tích của tài năng bác. Bà Shelby vui lòng làm theo lời yêu cầu của Chloé.

- Ông sẽ không nhận ra Polly, ông chồng già của tôi... Ồ! Ông sẽ không nhận ra nó!... Ồ! Vậy mà đã năm năm kể từ ngày ông ấy ra đi! Mới ngày nào đây!... Nó ngày ấy chỉ là một đứa bé... đứng còn chưa vững nữa là. Thưa bà, tôi còn nhớ, ông lo sợ biết bao nhiêu lúc nó chập chững tập đi... Tội nghiệp, ông chồng già thân yêu của tôi!

Chợt, người ta nghe tiếng bánh xe dừng lại ở cửa. Chloé lao về phía cửa sổ, reo to :

- Cậu Georges!

Bà Shelby chạy ra khung cửa ở tiền đình dang tay ôm lấy cậu con trai vào lòng mình, trong lúc đó bác Tom gái đứng yên, nhưng ánh mắt bác còn nôn nả hơn cả trăm lời han hỏi, chúng rực sáng như có thể xuyên thủng bóng đêm. Georges xúc động kêu lên :

- Bác Chloé đáng thương ơi!

Rồi cậu tiến lại bên bác, nắm tay bác; nghẹn ngào :

- Bác Chloé ơi! Tôi sẵn lòng đánh đổi cả gia sản để đem bác Tom về nhưng muộn quá: bác ấy đã rời bỏ chúng ta, ra đi vĩnh viễn...

Bà Shelby kêu lên một tiếng đau đớn, còn người vợ khốn khổ thì không, bác im lặng. Rồi mọi người cùng vào phòng ăn. Những tờ giấy bạc của Chloé còn nằm trên mặt bàn. Bác thu nhặt hết lên tay, run rẩy đưa cho bà chủ :

- Bây giờ chồng tôi không còn để nghe nói về số tiền này, để thấy số tiền này. Bà chủ ơi! Tôi vẫn thường thấp thỏm ngày đêm cho số phận ông... tôi sợ ông bị bán và bị giết ở những nơi xa xăm nào đó. Giờ thì đã là sự thật rồi... ông ấy chết thật rồi...

Chloé quay ngoắt lại, rời khỏi phòng.

Bà chủ chạy theo, bà nắm tay người đàn bà đáng thương, dắt lại ngồi trên ghế và bà cũng ngồi cạnh bác. Giọng bà chua xót :

- Tội nghiệp Chloé! Nhưng nếu thím biết tôi cũng đau khổ không biết bao nhiêu...

Chloé gục vào vai bà chủ, òa lên khóc. Giây sau bác nói :

- Xin bà tha lỗi cho tôi, bà bỏ qua cử chỉ vừa rồi... Chỉ tại tôi quá khổ, lòng tôi tan nát vì cái chết của Tom...

- Chloé, tôi hiểu lắm - Bà chủ nói, mặt ràn rụa nước mắt - Tôi không biết làm sao an ủi thím, chỉ có Chúa, Ngài biết cách...

Một khắc im lặng tiếp theo rồi tất cả đều bật lên thành tiếng thổn thức không ngăn giữ nữa.

Cuối cùng, Georges đến bên Chloé, giọng trầm buồn, cậu kể lại cho người đàn bà biết những lời trăn trối cuối cùng của chồng mình, những lời nhắn nhủ tràn yêu thương, can đảm và vẻ mặt thanh thoát chứng tỏ bác yên lòng rời cuộc sống.

*

Một tháng sau, tất cả đám nô lệ của ông bà Shelby được cậu tiểu chủ cho gọi lại, tụ họp trong phòng khách để nhận chỉ thị của mình.

Họ hết sức kinh ngạc khi thấy cậu xuất hiện với một xấp giấy tờ dày cộm và cho họ hay đó là những văn kiện cam kết giải phóng tất cả, không sót một người nào.

Georges lần lượt đọc từng tên một và đưa cho mỗi người.

Hành động cao quý của người chủ trẻ làm xúc động bọn nô lệ và họ không khỏi bàng hoàng, sửng sốt. Nhiều người không sao cầm nước mắt.

Tuy vậy, có nhiều người trong bọn van nài cậu đừng đuổi họ đi, họ vây quanh cậu, có người nài nỉ cậu rút lại văn kiện vừa trao cho họ, vì họ cho là họ cảm thấy không cần thiết phải đòi hỏi chi hơn, họ không muốn rời trang trại, cũng như ông bà chủ và cả cậu nữa. Họ yêu cầu được ở lại.

Georges cất tiếng sau khi ra hiệu cho mọi người im lặng :

- Các bạn tốt của tôi! Tôi không buộc các bạn phải ra đi, nếu bạn không muốn. Trang trại hiện đang cần nhiều bàn tay của mọi người, nhưng từ đây các bạn được tự do. Tôi sẽ trả lương cho các bạn khi làm việc. Có như thế, nếu do một rủi ro bất ngờ xảy đến, tôi chết hay bị phá sản, các bạn có quyền ra đi, không ai bắt bán các bạn hay giữ các bạn lại. Rồi đây, tôi sẽ dạy các bạn, - có lẽ mất một khoảng thời gian khá lâu - trong việc sử dụng quyền hạn của một người tự do. Tôi hy vọng các bạn sẽ tỏ ra hiểu biết và sẵn sàng học hỏi. Thiên Chúa đã cho tôi niềm tin là ngài ở cạnh tôi, giúp tôi hoàn thành sứ mạng giáo dục và hướng dẫn các bạn. Nào, giờ đây, các bạn hãy ngẩng mặt lên trời, tạ ơn Chúa đã thương mà ban cho các bạn TỰ DO!

Một bô lão da đen kỳ cựu nhất trại, mái tóc bạc phơ và đôi mắt lòa, đứng thẳng người, giơ cao hai cánh tay lên không trung, nói to :

- Tạ ơn Chúa!

Mọi người cùng quỳ gối.

Bản Thánh ca Te Deum vang lên, chưa bao giờ nghe trang nghiêm và cảm động bằng lúc ấy, dù bản hát không có tiếng nhạc đệm theo, không có chuông và không nổ rền tiếng đại bác, nhưng nó dường như vang tận trời cao vì xuất phát từ những trái tim của bọn người vừa được ban bố tự do.

Georges đợi cho tiếng hát im rồi mới nói :

- Còn một điều nữa, tôi muốn cho các bạn hay. Các bạn còn nhớ đến bác Tom không?

Bằng giọng cảm động, nhiệt thành, cậu chủ trẻ kể lại cái chết của Tom, kể lại lời nhắn nhủ của Tom với họ, sau cùng cậu nói :

- Hỡi các bạn! Chính bên mộ bác Tom, tôi đã hứa với sự chứng kiến của Thiên Chúa là tôi quyết định giải phóng tất cả nô lệ dưới quyền tôi, không sót một ai. Sẽ không có một ai vì tôi mà phải dứt bỏ gia đình hay bị đưa vào chỗ chết, như bác ấy, ở một chốn xa xôi. Các bạn ơi! Kể từ đây, mỗi lần các bạn cảm thấy sung sướng vì được tự do các bạn chớ quên rằng có một người thánh thiện, tâm hồn cao quý, chính nhờ bác ấy mà các bạn được kết quả này. Và đừng quên nghĩ đến vợ con bác Tom, hãy thương yêu, giúp đỡ họ. Hãy nghĩ đến sự tự do mỗi khi thấy căn lều của bác ấy, căn lều đó sẽ nhắc nhở các bạn cái gương sáng của bác Tom để lại. Hãy noi gương bác, tỏ ra trung tín, lương thiện, ngoan đạo.

Làm sao người ta quên được bác Tom? 


MINH QUÂN - MỸ LAN       
Sàigòn,  29.5.1973            

CHƯƠNG 34_TÚP LỀU CỦA CHÚ TOM


CHƯƠNG 34


Georges và Elisa được sống trong tự do. Georges giúp việc cho một người thợ máy, tiền lương anh dư dả trong việc trang trải những chi tiêu trong gia đình, và vợ chồng anh có thêm một bé gái.

Henri là một đứa bé trai dễ thương. Nó rất chăm học và ngoan ngoãn.

Căn nhà nho nhỏ xinh xắn của vợ chồng Elisa ở ngoại ô thành phố Montréal.

Lúc này vào buổi tối. Ngọn lửa lập lòe trong lò sưởi. Tấm khăn bàn màu trắng như tuyết, trong một góc phòng, ta thấy một cái bàn khác trải tấm khăn màu xanh lá cây được dùng làm bàn học, trên đó những cây bút và tập vở để bên những chồng sách. Elisa đang sửa soạn dọn lên bàn ăn bữa trà giấc xế.

Cái góc nhỏ này là phòng làm việc của Georges. Vốn nhiệt tâm, cầu tiến, anh đã xoi thủng tấm màn bí mật của chữ đọc và viết giữa những nỗi mệt nhọc và chán chường của thuở ấu thơ, giờ đây nó vẫn còn thúc đẩy anh luôn học hỏi thêm cũng như siêng năng làm việc.

- Nào! Anh Georges - Elisa kêu - suốt ngày anh đã làm việc rồi, giờ dẹp sách vở đi! Nói chuyện với em trong lúc em sửa soạn bữa trà... tốt lắm!

Và cô bé Elisa như muốn giúp mẹ, chạy về phía người cha, cố gắng giành lấy cuốn sách khỏi tay anh và leo ngồi lên đầu gối anh.

- Con bé ghê thật!

Georges nói, và anh nhượng bộ. Đó là cách xử sự tốt đẹp nhất của người đàn ông trong trường hợp này.

- Như vậy có khỏe hơn không.Elisa vừa nói vừa sắp mấy miếng bánh chiên dòn. Nàng không còn vẻ trẻ trung ngày nào nữa, lúc này trông nàng mập ra. Dáng điệu nàng chững chạc hơn. Nàng có vẻ hài lòng, sung sướng hơn bất cứ một người đàn bà nào ở hoàn cảnh nàng.

- Henri con, hôm nay con đã làm bài tính cộng này như thế nào?

Georges vừa hỏi vừa đặt tay lên đầu đứa con trai.

- Con làm một mình đó ba, hoàn toàn một mình, con không có nhờ ai giúp cả.

Henri đã hết để tóc dài, nhưng nơi nó, vẫn còn đôi mắt to, hai hàng lông mi dài và vầng trán thông minh, hãnh diện, ở đấy ta thấy có chút tự hào trong khi trả lời cha nó. Georges nói :

- Tốt lắm, con trai của ba, hãy luôn làm việc. Con được sung sướng hơn ba hồi ba ở tuổi con.

*

Vài năm sau, Georges, vợ anh và hai con đáp tàu về Phi châu.

Về phần cô Ophélia, cô dẫn Topsy theo cô về Vermont. Thật là một sự ngạc nhiên lớn dành cho mọi người ở Nouvells Angleterre, cả với gia đình cô cũng như bạn láng giềng. Lúc đầu họ nghĩ rằng đây là một sự mua việc phiền phức, thêm người vô ích vào số người đã đầy đủ trong nhà họ. Nhưng những cố gắng của cô Ophélia để hoàn tất bổn phận giáo dục Topsy đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Topsy cũng thu phục được một cách nhanh chóng những cảm tình tốt và lòng ưu ái của cả gia đình và những kẻ láng giềng tốt bụng.

Đến tuổi dậy thì, Topsy xin được rửa tội và trở thành một nữ tu của viện Công giáo ở thành phố nàng trú. Nàng tỏ ra thật thông minh, đầy nhiệt huyết, và có lòng ước muốn vô cùng được làm một cái gì tốt lành, khiến người ta đồng ý gởi nàng, với tư cách là một nữ tu truyền giáo, sang một nơi nào đó bên Phi châu. Khối óc đầy linh động, sáng kiến ngày nào đã khiến nàng là một đứa trẻ thật ngổ ngược và náo động, giờ đây, nàng dùng nó một cách thật hữu dụng và cao cả hơn trong việc giáo dục những đứa trẻ của xứ sở nàng.
____________________________________________________________________________ 
Xem tiếp  CHƯƠNG 35

 

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

CHƯƠNG 33_TÚP LỀU CỦA CHÚ TOM


CHƯƠNG 33


Hai hôm sau, một chàng trai ngồi trên chiếc xe nhỏ đi vào trại, băng qua con đường có hai hàng cây sứ Trung Hoa mọc hai bên. Chàng vất sợi cương trên lưng ngựa, nhảy xuống, hấp tấp hỏi thăm ông chủ trại.

Đó là Georges Shelby, và ta biết rõ lý do nào đưa chàng trai trẻ ấy đến đây.

Lá thư của cô Ophélia gởi bà Shelby đã bị bỏ quên ở nhà bưu diện đến gần hai tháng. Bao nhiêu việc xảy ra trong thời gian ấy, Tom bị bán và đưa đi, lên mạn trên của bờ sông Rouge.

Tin này làm đau lòng bà Shelby vô cùng song lúc ấy bà không thể làm chi được cả vì suốt ngày đêm bà phải thức canh trên đầu giường của chồng, đang trong cơn bệnh ngặt nghèo, nguy hiểm. Georges Shelby bấy giờ đã trưởng thành, cậu giúp mẹ coi sóc quản trị tất cả mọi việc trong trại.

Cô Ophélia đã cẩn thận cho họ địa chỉ của kẻ đứng ra lo việc buôn bán đám nô lệ của Saint Clare.

Bà Shelby viết thư đến đấy hỏi thăm tin tức, vì tình cảnh gia đình lúc ấy không cho phép bà làm gì hơn.

Cái chết của ông Shelby khiến mẹ con bà thêm bận rộn. Ông không còn nữa, bà phải đảm nhận mọi trọng trách trong gia đình. Với một quyết định dứt khoát, bà hết lòng gỡ rối tình trạng của trại. Trước hết, hai mẹ con lo thanh toán nợ nần, bán và mua những thứ cần thiết. Bà Shelby muốn được nhẹ nhõm, không còn phải mang nợ ai, dù có ra sao đi nữa.

Chính ở vào giai đoạn này, bà Shelby nhận được thư phúc đáp: gã lái buôn nô lệ cho bà hay là Tom được mang ra bán đấu giá, gã đã đạt được cái giá mà ông Saint Clare mua lúc trước, ngoài những điều này, gã không còn biết gì hơn.

Cả Georges lẫn bà Shelby đều không hài lòng về lá thư trả lời ấy.

Sáu tháng sau, để giải quyết dứt khoát chuyện này, Georges phải xuống mạn dưới con sông Ohio, cậu quyết định ghé Nouvelles Orléans, hỏi thăm tin tức về người nô lệ đáng thương này.

Sau nhiều lần dò hỏi, lùng kiếm mất thì giờ và gian nan, Georges được một người đàn ông ở Nouvelles Orléans cho cậu hay tất cả những chi tiết cần thiết, rõ ràng về Tom. Lần này cậu vượt sông Rouge, túi đầy tiền với ý định chuộc lại người đầy tớ già trung hậu.

Legree đang ở trong phòng khách. Gã tiếp đón người khách trẻ tuổi với vẻ lịch sự khá đặc biệt.

Khách vào đề ngay :

- Tôi nghe nói, ông đá mua ở Nouvelles Orléans một người nô lệ tên Tom. Ông ấy lúc trước thuộc về cha tôi, tôi đến đây để thảo luận việc chuộc lại ông ta.

Vầng trán của Legree tối sầm lại tức thì, cơn giận dữ bộc phát dữ dội. Gã hầm hầm mặt :

- Vâng, đúng vậy, tôi có mua một gã nô lệ tên Tom. Tôi đã mua nhầm một con quỷ sống! Một tên súc sinh! Một tên đầu óc bướng bỉnh lúc nào cũng muốn nổi loạn! Nó đã xúi giục đám nô lệ của tôi trốn đi... Tôi chắc là nó hiện đang hấp hối, nhưng không hiểu liệu nó chết nổi hay không đây?

Georges kêu lên nóng nảy :

- Ông ta đang ở đâu? Ông ta đang ở đâu? Tôi muốn gặp ông ta!

- Tom nằm ở nhà kho.

Một gã nô lệ nhỏ thó giữ ngựa cho Georges lên tiếng mách làm Legree phật ý, chửi rủa và đá hắn một cú. Georges không nói thêm lời nào, lao về phía nhà kho...

Tom nằm liệt một chỗ từ hai ngày nay, sau buổi tối kinh hoàng ấy. Bác không còn đau đớn chi cả... tất cả gân cốt, thịt, xương da, tất cả những nơi gây cho bác cảm giác đau đớn, giờ đây như tê liệt, gãy vụn, bẹp nát, mềm nhũn. Bác nằm sóng sượt, mê man, chết ngất. Song vốn có một sức khỏe dồi dào, nên cái chết không đến ngay với bác mau chóng dễ dàng như bác hằng mơ ước. Cơn hấp hối kéo dài...

Thỉnh thoảng, giữa đêm khuya, trong giờ nghỉ việc, những người nô lệ đến bên bác giây lát, để săn sóc và an ủi với tất cả lòng chân thành con người đã từng một thời thương yêu giúp đỡ họ.

Thật cảm động! Những kẻ này không có gì để cho nhiều - chỉ một tách nước lã như phúc âm! - nhưng đã cho với tất cả tấm lòng mình.

Thoạt bước vào cái kho hàng cũ kỹ, Georges cảm thấy đầu mình như quay cuồng, mắt cậu hoa lên.

- Bác Tom, có thể nào? Có thể như thế này ư? Người bạn già đáng thương của tôi?

Cậu quỳ xuống đất, cạnh Tom. Tiếng nói như có một cái gì khẩn thiết có năng lực đánh thức bác Tom. Bác lắc đầu, thì thầm :

- Chúa hãy cho con được hưởng một cái chết nhẹ nhàng tựa lông chim!

Georges nghiêng người bên trên bác nô lệ đáng thương, để rơi những giọt nước mắt nóng hổi lên cái thân hình đẫm máu.

- Bác Tom thân yêu của tôi! Hãy tỉnh dậy xem! Hãy nói lên một câu! Hãy nhìn tôi đây! Tôi là Georges, tôi là cậu bé của bác đây... Bác có nhận ra tôi không?

- Cậu Georges!

Tom mấp máy đôi môi kêu lên, đôi mát mở to và tiếng nói tắt nghẹn, bác lại rơi vào cơn hôn mê như cũ.

Rồi dần dần những ý nghĩ xa xưa trở về trong thần trí bác. Ánh mắt ngây dại như chợt bừng tỉnh sáng lên. Khuôn mặt bác tươi hẳn, đôi bàn tay chắp lại, và những giòng lệ chảy dài trên hai má :

- Tạ ơn Chúa! Đây là tất cả... Phải! Đây là tất cả những gì con mong ước. Cậu ấy không quên con! Điều này sưởi ấm lòng con. Điều này là nguồn an ủi lớn lao đối với con. Chúa ơi! Giờ là lúc con đã yên lòng mà nhắm mắt không nuối tiếc.

Cậu tiểu chủ kêu to hoảng hốt :

- Không! Bác không thể chết được! Đừng nói vậy. Tôi đến đây để chuộc bác về mà! Bác Tom ơi! Georges của bác đây này!

- Cậu ơi! Muộn quá rối! Thiên Chúa đã gọi tôi, ngài muốn đem tôi về với ngài. Cậu Georges...

Georges khóc nức, gào lên :

- Đừng chết! Bác Tom ơi! Bác chết thì tôi phải làm sao? Nghĩ đến những khổ nhục đọa đày bác hứng chịu, tôi đau xót không nguôi. Tom ơi... Bác nỡ nào bắt tôi thấy bác thở hơi cuối cùng ở chỗ ghê tởm này, hở bác? Tom thân yêu của tôi ơi, tôi không chịu nổi đâu...

- Cậu chủ, đừng khóc nữa! Trước đây thì tôi khổ thật, nhưng hết rồi... - Tôi đã thắng tội ác, đến được bậc thềm của Vinh quang. Có Chúa giúp tôi, cậu chủ ơi!

Cậu con trai ngây người vì kính nể, sững sờ trước những lời đứt khúc nhưng trang nghiêm, tin tưởng của bác Tom. Cậu xúc động, nghẹn ngào không thốt ra lời. Tom nắm tay cậu, siết chặt trong tay bác :

- Cậu chớ kể lại tình cảnh tôi cho Chloé biết. Tội nghiệp vợ tôi, bà ấy đã phải chịu đựng sự thử thách quá nặng nề. Hãy nói lại với Chloé là cậu thấy tôi ra đi trong vinh quang, tôi không thể về với bà ấy được. Cậu hãy nói với bà ấy là Thiên Chúa lúc nào cũng ở bên tôi, khắp nơi, mãi mãi. Ngài đã ban cho tôi cái chết êm dịu và nhẹ nhàng. Ôi! Những đứa con đáng thương của tôi! Và đứa bé nhất!... Con bé gái... cậu ơi! Trái tim già yếu khốn khổ của tôi như muốn vỡ vụn ra mỗi khi nghĩ đến chúng! Cậu hãy nói với chúng là tất cả hãy noi gương tôi! Hãy chuyển những cảm tình chân thành nhất của tôi về cho ông chủ và bà chủ độ lượng, cùng cho tất cả những người ở đấy! Chắc cậu chưa biết điều này, cậu Georges, hình như tôi yêu thương tất cả, tất cả mọi người, khắp nơi... Thương yêu, trên cõi đời này chỉ có thứ đó mới đáng kể! Ồ, câu Georges! Điều này chứng tỏ ta là kẻ có đạo!

Giữa lúc ấy, Legree lấp ló nơi cánh cửa của cái kho hàng cũ kỹ; gã nhìn vào bên trong với vẻ khó chịu, hờ hững, rồi gã bỏ đi.

Georges kêu lên vẻ bất mãn :

- Tên khôn kiếp! Tôi cầu mong một ngày kia bọn quỷ sứ sẽ bắt gã chịu đủ hết khổ hình cho xứng với cái tội ác tày trời này!

Tom nắm chặt bàn tay của chàng trai trẻ, ngắt lời :

- Ồ, đừng cầu xin như vậy... không nên, đấy là một con người khốn khổ đáng thương, và thật hãi hùng khi nghĩ đến những gì dành cho ông ta! Chỉ cần ông ta chịu hối lỗi, Thiên Chúa sẽ tha thứ, nhưng tôi e sợ là ông ta không chịu hối...

Georges nói :

- Và phần tôi, tôi mong mỏi vô cùng, ngày sau tôi sẽ không gặp gã trên nước trời!

Tom cố gắng hết tàn lực, nói :

- Cậu Georges, cậu đã làm tôi buồn lòng! Đừng có những ý tưởng đen tối ấy... Cậu ơi! Không ai có thể chia lìa ta ra khỏi tình yêu của Chúa.

Tom hoàn toàn kiệt lực. Nỗi vui mừng tột độ nhờ gặp lại cậu chủ giúp Tom tình táo vài phút. Rồi ánh sáng vụt tắt. Hơi thở gấp rút, đứt quãng, lồng ngực bác phập phồng một cách khó nhọc. Tom khép mắt, xuôi tay, ngừng thở hẳn. Nhưng khuôn mặt bác rạng rỡ khác thường. Phải chăng Đấng tối cao đã đón lấy linh hồn con người thánh thiện? Nụ cười trên môi, bác đi vào giấc ngủ nghìn đời.

Cậu trai khóc lặng.

*

Một chốc sau cậu kính cẩn đưa tay vuốt đôi mắt khép kín vĩnh viễn, và đến lúc đứng dậy, cậu còn thấy vang bên trong tai cái ý tưởng ám ảnh do trăn trối của Tom :

- Sống đúng như lời Chúa dạy là cả một vấn đề!

Georges quay người lại, Legree đang đứng sau lưng cậu, vẻ mặt cau có.

Dư âm những lời khuyên của Tom đã làm dịu phần nào cơn giận hừng hực như ngọn lửa trong chàng thanh niên. Tuy nhiên sự hiện diện của Legree không khỏi khiến cậu khó chịu. Cậu không muốn nhìn mặt gã, nói chuyện với gã càng ít càng tốt.

Cậu nhìn chăm chăm gã chủ trại bằng ánh mắt đen thẳm và sắc bén, và đưa tay chỉ xác chết, giọng nghiêm trang :

- Ông đã tận dụng hết cả những gì có nơi người này. Cái xác còn lại này đáng giá bao nhiêu? Tôi muốn đem đi và mai táng nó trong danh dự...

- Tôi không bán những tên da đen đã chết - Legree nói với vẻ tự đắc - Cậu có quyền tự do chôn cất nó ở đâu và lúc nào tùy ý.

Georges nói như ra lệnh với mấy tên da đen có mặt ở đấy, đang bùi ngùi nhìn xác chết, giọng đầy uy quyền :

- Các bạn hãy giúp tôi khiêng bác Tom đem ra xe tôi, sau đó cho tôi mượn cái xẻng.

Một tên trong bọn chạy đi kiếm xẻng. Hai tên còn lại cùng với Georges khiêng cái xác ra xe.

Georges không trao đổi với Legree một lời nói, cả một ánh nhìn. Legree cũng mặc cậu điều động công việc ấy không nói một tiếng. Gã huýt gió với vẻ dửng dưng ngoài mặt và đi theo đến tận cửa xe.

Georges dời lui băng ghế để có chỗ trống trải tấm áo choàng của mình trên xe và đặt xác chết nằm trên đó. Rồi, cậu quay người lại, nhìn chăm chăm Legree và nói với gã, bằng vẻ bình thản gượng ép :

- Tôi vẫn chưa cho ông biết ý kiến của tôi về hành động độc ác này, vì không phải nơi và không phải lúc. Nhưng, thưa ông, dòng máu vô tội này sẽ được trả thù. Tôi sẽ loan báo tội ác sát nhân của ông. Tôi sẽ đi tìm gặp quan tòa, tôi sẽ tố cáo ông! Cứ tin đi!

Legree vừa trả lời vừa bẻ các ngón tay khinh khỉnh :

- Cứ việc! Tôi muốn xem cậu xoay xở như thế nào! Nhân chứng đâu? Bằng cớ đâu? Cứ việc tố cáo đi! Tôi thách cậu à!

Georges cảm thấy tức tối vì sự bất lực của chính mình! Không có bóng dáng một người da trắng nào nơi trang trại này, vả lại, đối với các tòa án miền Nam thì nhân chứng da màu không có giá trị chi cả! Legree, kẻ sát nhân khinh khỉnh tiếp :

- Làm vậy chỉ tổ khiến tên da đen đã chết thêm tủi.

Những lời nói này như một tia lửa quăng vào thùng thuốc nổ: nhẫn nhục không phải là đức tính chính của chàng trai trẻ xứ Kentucky. Georges quay hẳn người về phía gã, và với một cú đấm kinh hồn, ngay giữa mặt, cậu làm gã té nhào. Rồi một chân đạp trên người gã, cơn giận bừng bừng, vẻ thách thức trong đáy mắt, dáng điệu oai nghi của cậu làm gã hoảng hồn.

Có những kẻ đầu hàng ngay khi vừa thất bại, đối với hạng người đó, chỉ cần cho chúng đo ván, chúng sẽ kính nể ta ngay. Legree thuộc vào hạng ấy. Gã đứng dậy, phủi bụi bặm bám vào quần áo và đưa mắt nhìn theo chiếc xe đang từ từ xa dần...

Gã có vẻ kính nể Georges, đứng lặng nhìn theo cho đến khi chiếc xe khuất dạng.

Ở phía bên kia bờ rào của trang trại, Georges để ý đến một cồn cát nhỏ, cao ráo, nằm dưới bóng mát của mấy tàng cây. Cậu ngừng xe, tự tay đào một lỗ huyệt.

Khi tất cả đã sẵn sàng, những tên nô lệ hỏi :

- Thưa câu chủ, có lấy lại chiếc áo choàng không?

- Không, không, chôn luôn đi! Tội nghiệp bác Tom, đó là tất cả những gì tôi có thể biếu bác vào lúc này, nhưng còn hơn là không!

Tom được đặt vào trong lòng huyệt, dám nô lệ lặng lẽ lấp đất lại; họ hoàn tất một nấm mộ khiêm nhường, phủ lên trên một mớ cỏ xanh.

- Bây giờ, các bạn hãy trở về trại đi.

Georges vừa nói vừa nhét vài đồng bạc cắc vào tay chúng, song cả bọn đều không chịu dịch chân. Một tên nói :

- Xin cậu chủ hãy mua chúng tôi!

- Chúng tôi sẽ phục vụ cậu chủ với tất cả lòng trung thành.

Tên khác tiếp.

- Đời sống ở đây thật cực nhọc... Xin cậu chủ hãy mua chúng tôi!

- Tôi không thể mua các bạn - Georges cảm động nói - Tôi không thể...

Và cậu cố gắng khuyên họ trở về.

Những tên nô lệ đáng thương thất vọng, lẳng lặng rút lui.

Georges quỳ gối bên nấm mộ của người bạn già :

- Lạy Chúa, đấng tối cao, lạy Chúa, đấng hằng sống! Xin ngài hãy chứng giám: kể từ giờ phút này con sẽ cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được để giải phóng đất nước con khỏi những nỗi bất hạnh của chế độ nô lệ xấu xa...

Không có cả bia đá được dựng lên ở nơi an nghỉ của người bạn chúng ta...

Nhưng cần chi? Chúa biết bác nằm đâu và ngài sẽ không bao giờ quên bác.

*

Từ dạo ấy Legree uống nhiều rượu hơn lúc nào cả. Ban ngày, đầu óc gã luôn nóng bỏng, gã càng chửi rủa thô tục hơn xưa.

Ban đêm, gã nằm mơ, giấc mơ của gã càng làm gã kinh hoàng.

Đêm hôm sau khi Tom được mai táng, gã ra phố để nhậu nhẹt. Gã uống rượu quá chén. Gã trở về thật trễ và mệt mỏi.

Sự mệt mỏi khiến Legree quên khóa cửa và chắn phía bên trong một cái ghế như thường lệ. Gã đặt một ngọn đèn chong ngay đầu giường và khẩu súng bên cạnh. Gã quan sát kỹ cái then cài và chốt khóa cửa sổ, rồi gã nghĩ thầm là không còn gì phải sợ nữa, kể cả thiên thần hay ác quỷ.

Gã nằm lăn ra, ngủ say sưa. Không lâu, hiện ra giữa giấc ngủ gã một cái bóng, trong kinh hoàng gã nhận ra đó là tấm vải liệm mẹ gã nhưng chính Cassy đang mặc nó, bà giơ nó ra cho Legree xem... Gã nghe thấy nhiều tiếng động hỗn tạp, tiếng kêu la, rên rỉ, và giữa tất cả những thứ đó, gã cảm thấy gã vẫn ngủ, gã cố gắng hết sức để tỉnh dậy trở lại.

Gã tỉnh giấc nửa chừng... Gã chắc có ai đột nhập vào phòng gã. Gã chợt thấy cánh cửa mở rộng... nhưng gã không thể động đậy được cả chân lẫn tay nên đành phải cố nằm nghiêng người lại... Cánh cửa mở rộng; gã thấy một bàn tay dụi tắt ngọn đèn.

Mặt trăng bị che khuất bởi những đám mây và sương mù song gã vẫn thấy được cái bóng trắng đang di động... Gã nghe thấy tiếng lạo xạo nho nhỏ do sự va chạm quần áo của bóng ma... Bóng ma đến đứng sừng sững bên giường gã. Một bàn tay mạnh bạo dập lên bàn tay gã đến ba lần và một giọng nói thật nhỏ nhưng với vẻ dữ dội, lập lại ba lần :

- Đến đây! Đến đây! Đến đây!...

Gã toát mồ hôi vì sợ hãi. Legree nhảy khỏi giường, gã lao mình về phía cửa; thì lạ thay, cánh cửa đã được đóng và cài then chắc chắn. Legree ngã ra bất tỉnh.

Kể từ đó, Legree trở nên một bợm nhậu bạt mạng hơn bao giờ, gã không còn uống rượu như trước với sự thận trọng vừa phải. Gã uống như điên như cuồng...

Không bao lâu sau, lời đồn đại vang dội đi khắp nơi là Legree bị ám ảnh mãi đã phải tự tử chết. Gã đã không chịu đưng nổi những hậu quả đáng sợ do tội ác gã gây ra. Thật vậy, không một ai có thể chịu đựng nổi những bất hạnh trong cơn hấp hối của gã: gã la hét, lăn lộn, gã chửi rủa...

Bên giường chết của gã, sừng sững, tối sầm, một khuôn mặt to lớn của đàn bà, trang nghiêm ra lệnh :

- Đến đây! Đến đây! Đến đây! Mau!
_______________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 34
 

CHƯƠNG 32_TÚP LỀU CỦA CHÚ TOM


CHƯƠNG 32


Cuộc hành trình dù dài thế nào rồi cũng đến ngày chấm dứt, đêm dù tăm tối đến đâu cũng đến lúc nhường chỗ cho bình minh... Chúng ta đã theo dõi người bạn khiêm tốn của chúng ta suốt những thăng trầm, đọa đày trong kiếp nô lệ. Chúng ta từng băng ngang những cánh đồng đầy bông hoa của lòng khoan dung và từ ái. Chúng ta đã chứng kiến cảnh biệt ly làm nát lòng của người đàn ông khi phải xa lìa tất cả những người thân. Chúng ta đã cùng với Tom lạc bước vào cái địa ngục trần gian này, nơi mà lũ buôn người coi sinh mạng của nô lệ không hơn súc vật. Sau hết, bên cạnh bác, chúng ta chứng kiến những tia sáng cuối cùng của nỗi hy vọng mong manh và tắt lịm. Chúng ta đã thấy giữa tăm tối ghê sợ nhất, bất chợt lóe lên tia sáng của những vì sao rực rỡ.

Và, giờ đây là lúc bình minh ló dạng! Chúng ta cảm thấy mát rượi nhờ cơn gió nhẹ, huyền diệu từ cõi khác thổi sang; là lúc những cánh cửa của ngày vĩnh cửu hé mở.

Cassy bỏ trốn là một kích thích đến cực điểm bản chất hung bạo của Legree. Và đúng như ta dự đoán, cơn giận dữ của gã trút cả lên đầu Tom, một con người vô tội, thánh thiện và không tự vệ.

Lúc Legree loan báo cùng bọn nô lệ cái tin Cassy bỏ trốn, nơi ánh mắt Tom, ta thấy lóe lên một tia sáng, và hai tay bác chắp lại, hướng lên trời. Không có gì lọt qua mắt Legree. Cơn giận dữ đối với tên nô lệ này từ bao lâu nay tích tụ trong gã chợt vỡ tung như đợt sóng cuồng nộ đập vào gành đá rắn. Tom! Chính tên này đã dám chống đối mệnh lệnh gã, dám chống lại gã ngay từ phút đầu lọt vào tay gã. Legree ngồi bật lên lẩm bẩm :

- Tên khốn kiếp! Nó hiện trong tay ta chứ! Bộ ta không thể làm chi nó nổi hay sao? Ta muốn biết rõ cái gì đã giúp nó dám chống lại ta! Quinbo! - Gã kêu to - Đi dẫn thằng Tom về đây, lẹ lên! Cái tên già bướng bỉnh là đầu mối của tất cả những xáo trộn tại đây... Ta phải lột tấm da già nua của nó để tìm coi đâu là bí mật!

Sambo và Quinbo, rất xung khắc nhau, chỉ thấy hợp nhau ở một điều: cùng thù ghét Tom, vì Legree đã loan báo cùng chúng lúc đầu là gã mua Tom để bác điều hành trại trong những lúc gã vắng mặt. Nỗi ganh ghét ban đầu càng được nảy nở thêm lên ở những kẻ thấp kém và hèn hạ này khi chúng thấy là tên nô lệ ấy không được chủ tin cậy như dự định. Vì thế, ta hiểu được vẻ háo hức nơi Quinbo khi hắn nghe lệnh chủ ban ra.

Nghe tin này, Tom cảm thấy đau nhói ở trái tim. Bác biết rõ bản tính hung bạo của tên Legree mà bác sắp phải đối mặt. Bác biết rõ gã dám làm tất cả, nhưng bác cũng biết là Chúa sẽ giúp sức bác, bác thà chết hơn là phản bội ngài chỉ vì bản chất yếu đuối và hèn hạ của con người.

Bác đặt lại cái giỏ xuống đất và ngước mắt nhìn trời cao :

- Lạy Chúa, con xin phó thác linh hồn con trong tay Chúa! Lạy Chúa tốt lành, chính Chúa đã chuộc lại con!

Và bác trao mình, không chút kháng cự vào đôi tay thô bạo của Quinbo. Tên da đen to lớn này kêu lên thích chí trong lúc lôi xệch Tom đi :

- A! Đây là lúc mày sắp được dứt nợ rồi đây! Ông chủ hận mày lắm rồi, hơn lúc nào cả! Mày sẽ bị thanh toán. Đó là cái chắc. A! Phục vụ chủ bằng cách giúp bọn da đen bỏ trốn! Tội nặng lắm... mày sẽ thấy!

Không có lời nói dọa dẫm thô bỉ nào lọt vào tai Tom. Bác như đang nghe giọng nói từ trên cao vẳng xuống :

- Các con đừng sợ những kẻ chỉ có thể giết hại thân xác các con và sau đó không thể làm gì hơn được nữa!

Nghe những lời này, xương và gân của bác nô lệ đáng thương như cứng cáp trở lại, như thể vừa được những ngón tay của Thiên Chúa chạm vào! Tâm hồn bác như sảng khoái gấp trăm gấp nghìn lần lúc nãy. Bác hiên ngang tiến bước.

Cây cối, bụi rậm, những căn lều của đám người nô lệ, tất cả những thứ này, từng chứng kiến cuộc sống lưu đày của bác, lướt ngang lờ mờ trước mắt bác, cảnh vật như lùi nhanh sau một chiếc xe chạy với tốc độ kinh hồn. Tim bác đập rộn rã... Bác như thoáng thấy từ xa nước Trời của bác... Bác cảm thấy giờ phút cuối cùng của bác đã điểm.

Legree tiến về phía bác, đưa bàn tay thô bạo chụp lấy cổ áo bác, hai hàm răng nghiến chặt trong nỗi giận dữ cực điểm :

- Ê này, Tom! Mày có biết là tao đã quyết định giết chết mày không?

- Rất có thể, thưa ông chủ.

Tom trả lời, vẻ bình thản hơn lúc nào hết.

- Đúng! Tao đã quyết định giết chết mày, - Legree lặp lại bằng cách nhấn mạnh từng chữ - nếu mày không chịu tiết lộ cho tao biết về...

Im lặng.

- Mày có nghe tao nói không?

Legree vừa nói vừa dậm mạnh chân, tiếng như tiếng gầm của con sư tử vồ hụt mồi.

- Thưa ông chủ, tôi không còn gì để nói với ông chủ nữa cả.

Tom tiếp lời với một giọng chậm rãi, cứng rắn và đầy thách thức.

- Mày dám nói với tao như thế à, thằng chó da đen có đạo? Mày không biết gì cả hay sao?

Im lặng.

- Nói đi! - Legree quát to, rền vang như tiếng sấm, và đấm Tom một cú đích đáng - Mày biết gì?

- Tôi biết, nhưng tôi không thể tiết lộ điều chi cả... cho dẫu có bị giết đi nữa.

Legree thở hổn hển. Cơn giận bốc lên mặt gã, gã chụp lấy cánh tay Tom, tiến đến sát bên, mặt đối mặt, gã nói với bác :

- Nghe kỹ đây! Bộ mày thấy có một lần tao chịu để mày yên, mày tưởng là tao không dám làm những gì tao nói sao? Nhưng lần này, tao đã dứt khoát. Tao thấy rõ rồi! Mày sẽ mãi mãi chống đối tao. Này, hoặc tao khuất phục được mày hoặc tao phải giết mày! Cái này hoặc cái kia! Tao sẽ đếm từng giọt máu chảy trên thân thể mày... và tao sẽ rút tỉa từng giọt một cho đến khi mày chết hẳn mới thôi.

Tom ngước mắt nhìn chủ trả lời :

- Thưa ông chủ, nếu ông lỡ bị nạn, bệnh hoạn, hấp hối mà tôi thấy có thể cứu được ông... Ờ! Tôi lúc ấy sẽ rất hãnh diện được đổ máu ra vì ông. Phải! Nếu tất cả khối máu chất chứa trong cái thân xác già nua khốn khổ này có thể cứu được linh hồn vô giá của ông, tôi sẽ rất vui lòng đổ ra cũng như Thiên Chúa đã đổ chính máu ngài ra vì tôi, để cứu rỗi tôi vậy! Ông chủ ơi! Đừng nhúng tay vào tội ác tày trời này. Ông chỉ có thể hành hạ thể xác tôi thôi! Cho dù ông chủ có quyền hạn đến đâu đi nữa, nỗi đau khổ của tôi rồi cũng sẽ qua đi! Trong khi, nếu ông không ăn năn hối lỗi, những tội ác của ông sẽ hành hạ ông mãi mãi!

Những lời nói của Tom, vang lên giữa cơn giận dữ của Legree, như một khúc nhạc trỗi nhẹ làm dịu lòng kẻ phiền muộn! Những lời lẽ tràn ngập yêu thương chấm dứt, theo sau là một khoảnh khắc im lặng, Legree đứng yên, sửng sốt, bàng hoàng, song chỉ một khoảnh khắc thôi.

Legree cảm thấy hơi do dự, chùn tay; nhưng sức cám dỗ của tội ác mạnh hơn thập bội và Legree, sôi sục vì giận dữ, đánh gục nạn nhân, bằng những đòn ác liệt không chút nương tay.

Tuy vậy, Tom không thốt ra những lời nào khác hơn là những tiếng cầu kinh và biểu lộ niềm tin!

Gã đánh Tom cho đến nỗi vốn ngu si và tàn bạo mà hai tên đày tớ thân tín của gã cũng phải động lòng. Sambo kêu lên :

- Thôi đủ rồi, thưa ông chủ!

- Nữa, đánh nữa, đánh đến chừng nào nó chịu nhượng bộ mới thôi. Hoặc ta sẽ làm cho nó trút ra đến giọt máu cuối cùng hoặc nó chịu thú nhận.

Legree rú to. Tom mở mắt và nhìn hắn :

- Thật đáng thương! Ông không thể làm gì hơn nữa.

Đoạn bác ngã ra, bất tỉnh. Legree vừa nói vừa đến gần nhìn bác :

- Tao chắc là nó chết rồi đó. Phải! Chết đi! Nào! Vậy là cái lỗ miệng mày sẽ câm mãi mãi. Tao thấy nhẹ nhõm như vừa thoát nợ, tao khỏe quá!

Tom chưa chết hoàn toàn. Những lời kinh sốt sắng, những câu nói lạ lùng của bác gây một niềm xúc động vô biên nơi hai tên da đen đáng thương mà Legree đã dùng bọn chúng như một công cụ để tra tấn bác.

Khi Legree bỏ đì, chúng nâng đầu bác dậy và cố gắng gọi cho bác tỉnh lại, thật là một đặc ân dành cho bác! Sambo nói :

- Chắc chắn là chúng ta vừa phạm xong một tội ác, nhưng tao hy vọng là lỗi nặng ở ông chủ hơn là ở chúng ta!

Chúng lau rửa vết thương cho bác và làm cho bác một cái giường bằng đầu gòn phế thải. Một tên trong bọn chạy về phòng, xin một ly rượu đem lại. Hắn đổ vài giọt vào miệng Tom :

- Tom! Chúng tôi đã ăn ở quá độc ác đối với anh!

Quinbo rền rĩ.

- Tôi thật tâm tha thứ cho các anh!

Tom trả lời yếu ớt.

- Ồ Tom! Hãy nói sơ sơ cho chúng tôi nghe về đấng Giêsu? Đấng Giêsu đã ở cùng anh suốt đêm qua, ngài là ai vậy?

Những lời nói này như làm tâm trí mê man của Tom tỉnh táo lại. Bác kể vắn tắt về đấng Giêsu. Bác nói về sự sống và cái chết của ngài, sự hiện diện của ngài ở khắp mọi nơi và quyền lực tối cao của ngài!

Hai tên da đen nghẹn ngào, xúc động, nước mắt trào ra... Hai tên đàn ông hung tợn nhất ở đây. Sambo nói :

- Tại sao chúng tôi không được biết ngài sớm hơn? Nhưng tôi tin. Tôi không thể không tin được. Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con!

Tom nói :

- Các ban thật đáng thương: Tôi còn muốn chịu khổ hơn nữa để có thể dẫn đưa các bạn về với Chúa! Chúa ơi! Xin Chúa hãy cứu lấy hai linh hồn này.

Thiên Chúa có nghe lời cầu khẩn của Tom chăng?
_______________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 33
 

Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

CHƯƠNG 31_TÚP LỀU CỦA CHÚ TOM


CHƯƠNG 31


Có mấy ai giữa chúng ta, trong khi thảm nhục đau đớn triền miên mà không ao ước thà được  chết đi hơn là ngoắc ngoải kéo dài cuộc sống? Kẻ tử vì đạo, đối mặt với cái chết đầy ghê rợn, tối tăm, nhờ tìm thấy ngay trong chính nỗi kinh hoàng của định mệnh mình một sự khích lệ và nâng đỡ, một niềm phấn khởi vô biên, một niềm tin nhiệt thành, giúp mình can đảm vượt qua thử thách, đọa đày: đó là phần thưởng dành cho đời sống vĩnh cửu mai sau.

Nhưng cái chết ước mong đâu đã đến ngay cho: phải kéo lê sự sống, phải mang ngày này qua ngày nọ trong tim nỗi nặng nhọc, nỗi cay đắng, nỗi uất ức và cảm thấy, sau mỗi lần bị tra tấn, những thớ thịt như dần dần rã rời, đường gân như chùng lại, phải chứng kiến máu trong người ứa ra chậm rãi, từng giọt từng giọt, những giọt máu quí giá. A! Đấy mới chính là nỗi thử thách kinh hoàng hơn cả mà Tom đang gánh chịu.

Lúc Tom đứng đối diện với kẻ ức hiếp bác, lúc bác nghe thấy những lời đe dọa của gã, lúc bác đang tin tưởng giờ chết của bác đã điểm, con tim bác rộn rã reo vui trong lồng ngực. Bác cảm thấy bác đủ sức chịu đựng những khổ hình và ngọn lửa thiêu đốt. Bác ngỡ như chịu được tất cả, với đôi mắt hướng về hình ảnh Chúa toàn năng.

Song khi gã ấy bỏ đi, khi mà nỗi phấn khởi đã lắng xuống ấy là lúc bác trở lại với những đớn đau thể xác, ấy là lúc bác cảm thấy tứ chi như mềm nhũn rã rời, ấy là lúc bác thấy mình bị bỏ rơi, hèn hạ, thấp kém và tuyệt vọng đến cực điểm.

Thời gian trôi qua, dài đăng đẵng.

Legree bắt bác làm việc trở lại dù bác chưa bình phục hẳn. Rồi là những hành động khủng bố, bạo tàn, bất công tái diễn.

Sự yên ổn trong tâm hồn, lòng tin ở Chúa, tất cả những gì từng nâng đỡ bác từ trước đến nay, giờ phải đối diện với nỗi nghi ngờ và tuyệt vọng càng lúc càng chồng chất. Lúc nào cũng như ẩn hiện trước mắt bác cái định mệnh đen tối, những linh hồn sa ngã bị đày đọa, sự chiến thắng của tội ác mà Thiên Chúa thì im lặng!

Bác nghĩ đến lá thư cô Ophélia đã viết về Kentucky, bác sốt sắng cầu xin Chúa gởi một người đến giải thoát bác, mỗi ngày bác đều hy vọng có kẻ nào đó đến chuộc lại bác, nhưng vẫn bặt tăm, khiến bác hầu như tuyệt vọng.

Nhiều tuần lễ kế tiếp trôi qua.

Một tối kia, bên vài que củi được đốt lên để nấu thức ăn cho bữa tối, bác ngồi bệch dưới đất, kiệt sức và không còn tin tưởng. Bác vứt các cành cây vào đống lửa để thêm ánh sáng và lấy trong túi ra cuốn Thánh Kinh, bác tìm đọc lại những đoạn đặc biệt vẫn thường làm tim bác rộn rã khi đọc đến, những lời nói của các vị bô lão, các tiên tri, các thi sĩ và những kẻ thông thái, vẫn luôn nâng đỡ chúng ta trên suốt đường đời... Những lời nói thần thánh ấy phải chăng đã hết hiệu lực, hay tại đôi mắt mờ mệt gần như mù lòa không đủ sức giúp bác thấy hiểu ý nghĩ chúng, không còn nâng đỡ bác?

Tom thở ra nặng nề... và bác nhét cuốn sách vào túi áo. Một tràng cười thô lỗ vang dội sát bên tai. Tom ngước mắt lên: bác nhận ra Legree.

- Ê, thằng già! Giờ chắc mày đã hiểu tôn giáo của mày không là cái gì cả? Tao hy vọng là cái đầu óc tối tăm của mày sắp ý thức được điều này!

Lời châm biếm này đối với Tom còn độc ác hơn cả những hành hạ thể xác mà bác từng hứng chịu.

Bác lặng thinh.

- Mày là một con thú! - Legree tiếp - Lúc tao mua mày, tao có những dự định tốt đẹp về mày. Nghe tao, ở đây mày sẽ được sung sướng nhiều hơn cả Sambo và Quinbo, mày sẽ có nhiều giờ rỗi rảnh, thay vì bị đánh đập đều đều mỗi ngày, mày sẽ đánh đập kẻ khác: mày sẽ được ung dung đi lại khắp nơi ; những chiều đông mày sẽ được nốc một ly rượu Punch hay whisky... Được như vậy không hơn như thế này à? Nghe tao đi, hãy ném cái gói giấy điên khùng ấy vào lửa và hãy theo giáo hội của tao!

Tom sốt sắng kêu lên:

- Xin Chúa thương xót con!

- Mày thấy rõ là Chúa của mày không mảy may thương xót mày. Mày thấy chứ, nào! Tốt hơn nên nghe tao... Tao đây cũng là một người sáng giá à, nghe!

- Không, thưa ông! - Tom nói - Không! Dầu Thiên Chúa có giúp tôi hay Ngài ruồng bỏ tôi đi nữa, tôi vẫn tin tưởng ở Ngài, tôi tin vào Ngài đến hơi thở cuối cùng.

Legree vừa quát vừa khinh bỉ nhổ một bãi nước bọt vào mặt bác và giơ chân đạp bác một cái:

- Thằng điên kia! Tao sẽ tẩy não mày, tao sẽ hoán cải được mày... mày sẽ thấy...

Và Legree bỏ đi, không phải hắn xót thương nên không tra khảo Tom mà vì hắn muốn đợi cho đến khi mùa màng hoàn tất.

*

Trong khi đó, Cassy đã âm thầm sắp đặt một kế hoạch trả thù Legree, lối trả thù khủng khiếp nhất, về tất cả những bạo tàn mà bà đã từng là kẻ chứng kiến hay là nạn nhân.

Một đêm kia, trong căn lều của Tom, mọi người đã ngủ say cả, Tom bất chợt giật mình dậy. Bác nhận ra khuôn mặt của Cassy lấp ló ở cái lỗ được dùng thay cho cửa sổ. Bà ra dấu trong im lặng gọi bác ra khỏi lều.

Đêm thật khuya. Trời có trăng. Chung quanh họ vắng vẻ và im lặng. Một tia sáng rọi trên mặt của Cassy. Tom thấy như có một ngọn lửa hừng hực cháy trong đôi mắt đen láy và man dại của bà: vẻ tuyệt vọng buồn thảm không còn nữa. Bà vừa đưa bàn tay bé nhỏ chụp cánh tay bác và kéo bác đi theo bà với một sức mạnh mà bác tưởng như mình bị lôi đi bởi một bàn tay thép.

- Lại đây, bác Tom! Đến đây, tôi có tin muốn báo cho bác.

Tom xúc động hỏi:

- Chuyện chi vậy, hở Cassy?

- Tom, bác có muốn được tự do không?

- Thưa bà, tôi rất mong muốn nếu đây là thánh ý Chúa.

- Bác có thể được tự do, ngay đêm nay! - Khuôn mặt Cassy lần nữa như sáng rực lên - đến đây!

Tom do dự. Bà hạ thấp giọng nói tiếp và nhìn thẳng vào đôi mắt bác:

- Đến đây đi! Gã đang mê man trong giấc ngủ... Tôi đã chuốc rượu gã khá nhiều khiến gã không còn hay biết chi nữa ; nếu tôi có đủ can đảm, tôi đã không cần nhờ đến bác. Đến đây! Cánh cửa phía sau đã được mở sẵn, có một cái rìu gần đấy, chính tôi đã để nó. Cánh cửa phòng gã cũng mở, tôi sẽ chỉ bác đường đi đến đó. Tôi muốn chính tay mình xử gã, nhưng không đủ can đảm. Nào, ta đến đấy thôi.

- Không thưa bà! Muôn ngàn lần tôi không đến.

Tom cứng rắn nói và bước lùi dần trong khi Cassy đang cố sức níu kéo bác tiến tới.

- Này, bộ bác không nghĩ đến những người bạn khốn khổ của chúng ta à? Chúng ta sẽ giải thoát cho họ. Chúng ta sẽ đi đến một nơi nào đó trên các cánh đồng. Chúng ta sẽ dựng một túp lều, chúng ta sẽ sống ở đấy trong sự tự do. Cho dẫu có phải chịu khổ cực đi nữa, đời sống ở đấy vẫn hơn ở đây.

Tom cương quyết từ chối:

- Không! Không! Sự tốt lành không bao giờ có thể tới từ tội ác ; tôi thà bị chặt mất cánh tay còn hơn phạm tội!

- Nếu vậy tôi sẽ gắng làm một mình.

Cassy vừa nói vừa bỏ đi. Tom sụp quì gối trước mặt bà:

- Bà Cassy ơi! Hãy vì cái chết của đấng cứu thế, vì tội lỗi của chúng ta, đừng nỡ bán linh hồn quí giá của cô cho quỉ! Làm vậy chỉ tổ phạm tội thôi! Thiên Chúa không dạy chúng ta trả thù. Ngài dạy chúng ta phải chịu đựng và chờ giờ Chúa đến!

Cassy nói:

- Chờ đợi! Bộ đã bấy lâu nay tôi không chờ đợi đến nỗi con tim trở nên tuyệt vọng và lý trí mờ mịt cả sao? Nó đã chẳng khiến chúng ta phải chồng chất nỗi khổ? Tôi, và những con người khốn khổ, cả bác nữa, nó đã không làm đổ từng giọt một, dòng máu của bác sao? Phải, tôi đã được chọn... Người ta đã chọn tôi để đứng ra báo thù! Giờ đến phiên gã đổ máu đây! Tôi mong mỏi thấy dòng máu từ trong tim gã trào ra, tận mắt...

Tom vừa nói vừa nắm chặt lấy hai bàn tay co quắp của bà lại:

- Đừng, đừng, đừng! Hỡi linh hồn đáng thương! Không nên làm vậy, không nên làm vậy! Thiên Chúa tốt lành đã đổ ra chính máu của ngài, ngài đã đổ ra vì chúng ta. Chúa ơi! Xin giúp chúng con noi gương Chúa và yêu mến kẻ thù của chúng con!

Cassy kêu lên với ánh mắt sáng rực:

- Yêu thương những kẻ thù như thế được à? Tôi không thể chấp nhận được!

- Không, thưa bà, điều này không thể tự nhiên mà làm được, phải nhờ ở ý chí mình. Như thế, mới là chiến thắng! Khi mà chúng ta có thể yêu thương và cầu nguyện, ở mọi nơi và bất chấp tất cả, trận chiến coi như đã chấm dứt và chiến thắng đã đến! Vinh danh Thiên Chúa!

Ánh mắt long lanh, giọng run run, Tom ngước mắt nhìn trời. Cassy không thốt nên lời, những giọt nước mắt ứa ra từ đôi mắt đang nhắm kín. Tom đứng lặng nhìn bà một lúc lâu, rồi bằng một giọng do dự, bác nói:

- Nếu bà thấy có thể trốn khỏi nơi đây, nếu bà thấy có thể làm được, tôi khuyên bà nên ra đi, nghĩa là nếu bà thấy có thể trốn được với đôi bàn tay không nhuộm máu... đừng làm trái lại!

- Bác muốn thử thời vận với tôi không hở bác Tom?

- Không, chưa đến lúc tôi ra đi... Chúa đã giao tôi công việc phải hoàn tất bên cạnh những kẻ đáng thương này. Tôi sẽ ở với họ, cùng với họ, tôi vác thập tự giá của tôi đến cùng! Còn đối với bà, bà không cần phải làm như vậy. Bà quá yếu đuối, bà không chịu đựng nổi. Tốt hơn bà nên ra đi... nếu có thể. Gắng sức lên! Và tôi sẽ hết lòng cầu nguyện cho bà!

- Bác Tom ơi, tôi sẽ cố gắng!

- Amen! - Tom nói - Cầu xin Chúa giúp cô!

_________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 32

CHƯƠNG 30_TÚP LỀU CỦA CHÚ TOM


CHƯƠNG 30


Giờ đây, ta hãy tạm quên bác Tom cùng với bọn côn đồ trong chốc lát để trở lại với Georges và vợ anh ta, những kẻ chúng ta đã không nói đến từ giữa cuộc chạy trốn.

Lúc chúng ta rời bỏ Tom Loker là lúc gã thở dài trở mình trên tấm nệm trắng phau nơi nhà một tín đồ phái Quaker, dưới sự chăm sóc trìu mến của bà lão Dorcas.

Đó là một người đàn bà cao lớn, hiền hậu và nhẫn nại. Một cái mũ bằng lụa che mất hết phân nửa mái tóc quăn và trắng như cước, xõa trên vầng trán cao sáng sủa; hai mắt bà xanh trong như chất chứa những tư tưởng tốt lành; một tấm khăn bằng nhiễu trắng tinh vắt chéo trên ngực bà; bộ đồ lụa màu nâu bóng láng, va chạm vào nhau kêu sột soạt theo mỗi bước chân khi bà di chuyển trong phòng.

- Trời đất quỷ thần ơi! Chịu sao cho nổi? Mẹ kiếp!...

Tom Loker vừa thét lên vừa giơ tay đấm thùm thụp vào những tấm chăn đắp.

- Loker! Tôi van anh, đừng làm thế nữa.

Bà Dorcas nói trong lúc hai tay xếp ngay ngắn những tấm chăn lại.

- Này, bà lão, tôi sẽ không làm vậy nữa nếu tôi có thể chịu đựng, nhưng trời quá nóng nực đến nỗi tôi không nằm yên được!

Dorcas giở tấm đắp chân, kéo tấm chăn ngay ngắn lại và quấn các thứ ấy quanh người Tom khiến hắn như một con nhộng. Và trong lúc làm những cử chỉ săn sóc này, bà ôn tồn nói :

- Này anh bạn, tôi mong anh đừng nên chửi thề và tỏ vẻ giận dữ như lúc nãy nữa. Hãy chịu khó để ý chút đỉnh đến hạnh kiểm anh... nói năng nên dè dặt...

- Á à! Hạnh kiểm tôi, đó chắc là việc sau chót hết trong các việc mà tôi bận tâm đến.

Tom Loker như lên cơn, đạp tung những tấm chăn đắp và biến cái giường ở vào một tình trạng bừa bãi kinh hồn. Bà già kiên nhẫn không quở mắng gì, chỉ sắp lại chúng. Một lát sau, Tom Loker dịu xuống, hắn bất chợt lên tiếng, sau một hồi im lặng :

- Người đàn ông và người đàn bà ấy còn ở đây không?

Bà Dorcas trả lời :

- Còn.

- Tốt hơn, nên bảo họ sang bên kia hồ; càng sớm càng tốt.

- Hình như họ cũng nghĩ vậy.

Bà Dorcas lừng khừng trả lời, bình thản tiếp tục đan. Loker thêm :

- Ê này, ở Sandusky có những tên đồng bọn chúng tôi canh chừng kỹ mỗi chuyến tàu. Cái gì đã khiến tôi tiết lộ bí mật này? Phải chăng vì muốn họ trốn thoát... hay là chỉ vì muốn trả thù Marks, thứ đồ bạn bè hèn hạ.

- Loker ơi!...

- Này, bà lão, khi mà cái chai bị dồn nén quá mức, nó ắt sẽ nổ tan... Bà hiểu chưa? Nghe tôi đây: chuyện vợ chồng hai người nô lệ đi trốn đó mà, về phần người đàn bà, hãy nói với bà nên hóa trang khác đi... Hình dáng của bà ấy đã bị biết rõ ở Sandusky.

Dorcas tiếp lời với vẻ thản nhiên cố hữu :

- Chúng tôi sẽ lo lắng về điều này.

Tom Loker cảm thấy yên lòng, nằm dưỡng bệnh đến hơn ba tuần lễ ở đấy. Hắn mắc một chứng cảm sốt, thêm vào các vết thương khó chịu lúc đầu của hắn. Rồi đến một lúc, hắn rời chiếc giường với vẻ hơi buồn bã, nhưng hiểu biết hơn. Kể từ đó, thay vì lao mình vào những cuộc săn người, hắn đến trú ngụ nơi một vùng đất mới khai hoang, sung sướng dùng tài năng của mình vào việc săn bắn gấu, chó sói và các thú dữ khác của rừng rậm. Hắn nổi danh chút ít nhờ những thành quả sau này.

Hắn luôn luôn tỏ vẻ kính nể, mỗi khi nói đến giáo phái Quaker :

- Các tín đồ ấy? Ồ, những người can đảm, những người đầy lòng vị tha; họ muốn biến tôi thành tín đồ của họ đó nghe, nhưng họ... không thành công. Dễ gì...

Hắn ngưng lại cười vui vẻ, rồi nói tiếp :

- Tuy nhiên, này anh bạn, anh nên biết rõ là họ rất thạo việc săn sóc một người bệnh, ồ! Rất chu đáo, và không ai có thể làm bánh, nấu nướng thức ăn ngon hơn họ đâu nghe!

*

Những kẻ đào tẩu của chúng ta biết là đang bị rình rập ở Sandusky. Họ chia thành hai nhóm: Jim và bà mẹ già ra đi tiên phong, vài đêm sau, mới đến phiên Georges, Elisa và đứa con được đưa đến Sandusky, và trú ngụ tạm trong một mái nhà hiếu khách, trước khi đáp tàu sang bên kia hồ.

Rồi đêm đen sẽ đi qua, ánh nắng ban ngày biểu hiện cho sự tự do xuất hiện rực rỡ trước mặt họ chăng? Nhưng thứ tự dành cho Georges Harris là gì?

Đối với mọi người thì tự do là chủ quyền của bất cứ quốc gia nào muốn tỏ ra xứng đáng là một quốc gia; đối với Georges Harris, đó là quyền của người đàn ông muốn tỏ ra xứng đáng là một người đàn ông, chứ không là một con vật! Là quyền được gọi theo tiếng gọi từ tim mình, một người đàn bà là vợ mình, quyền được che chở nàng tránh khỏi mọi ức hiếp phi lý, quyền được che chở và nuôi nấng những đứa con của mình, quyền được làm sở hữu chủ một căn nhà, theo một tôn giáo; quyền thực hiện những ý thích chính đáng của mình mà không phải lệ thuộc vào bất cứ sự chèn ép của một ai.

Đây là tất cả những ý nghĩ đang sôi sục trong đầu Georges. Anh chống cằm, mắt chăm chăm nhìn người vợ đang cố gắng che giấu dưới bộ y phục đàn ông cái hình đáng thon đẹp của nàng. Họ tin tưởng là dưới lớp hóa trang này, họ có thể thoát hiểm dễ dàng hơn.

- Sao anh buồn bã vậy? - Elisa vừa hỏi vừa quỳ xuống đặt tay mình vào tay chồng - Người ta nói chúng mình chỉ còn hai mươi bốn tiếng đồng hồ nửa là đến Canada. Một ngày và một đêm lênh đênh trên hồ và rồi thì... rồi thì..

- Đúng vậy - Gorges vừa nói vừa kéo nàng vào lòng - anh cũng đang nghĩ thế! Giờ phút cuối đã điểm! Sắp đạt được sự tự do, thấy nó ở ngang tầm tay, rồi nó có thể vuột mất! Ồ, nếu bị như thế chắc anh không thể sống nổi nữa, em ơi!

- Anh đừng lo lắng thái quá. - Ta đã vượt qua nhiều nguy hiểm. Thiên Chúa tốt lành đã cho phép chúng mình được giải phóng. Em có cảm tưởng ngài luôn luôn ở với chúng ta đó Georges!

- Anh muốn tin tưởng như em, Elisa - Georges vừa nói vừa bật đứng dậy - Phải, anh rất muốn tin tưởng như em... Thôi, lên đường! - Anh đứng dang ra xa cách nàng một sải tay, tiếp - Ồ, trông em xinh tươi quá: mái tóc uốn quăn cắt ngắn trông thật hợp. Kìa, cái mũ đẹp thật, nhưng có hơi xiên về một phía. Không sao. Anh chưa bao giờ thấy em đẹp như thế này. Mà này, xe đến rồi kìa... Anh không hiểu bà Smyth đã lo hóa trang cho Henri xong chưa?

Cánh cửa xịch mở, một người đàn bà đáng kính, đứng tuổi, bước vào dắt theo Henri được hóa trang thành một cô bé gái.

Elisa vừa nói vừa bước vòng quanh đứa bé :

- Con tôi trông xinh gái tệ! Chúng ta gọi nó là Henriette. Tên ấy nghe được chứ?

Đứa bé e dè đứng im. Nó lặng nhìn mẹ nó trong bộ y phục khác lạ. Thỉnh thoảng nó bật ra một tiếng thở dài nặng nề, nó nhìn mẹ qua những lọn tóc dài lõa xõa trước trán.

- Henri, con có nhận ra mẹ không?

Nàng vừa nói vừa đưa hai tay về phía nó.

Đứa rụt rè níu chặt gấu áo của người đàn bà đi với nó. Bà Smyth lên tiếng :

- Chị có nghe nói ở dưới bến bọn chúng đã thông báo cho tất cả các thuyền trưởng được lệnh chận bắt một người đàn ông, một đàn bà và một đứa bé trai.

Georges nói :

- Thật vậy ư? Nếu vậy em sẽ đánh lạc hướng họ... nếu họ hỏi em.
 
Chiếc xe dừng lại trước cửa nhà, và cả gia đình dễ thương đã cho bọn người đào tẩu tá túc quây quần quanh họ trao cho họ những lời chúc tốt lành trước khi từ giã.

Bọn họ đã hóa trang theo lời khuyên của Tom Loker. Bà Smyth, người đàn bà Canada đáng kính, trong dịp sang đây, đã bằng lòng trở về xứ với tư cách là một bà dì của bé Henri; trong suốt hai ngày sau cùng này, chỉ một mình bà chăm sóc cậu bé thôi; một lô bánh ngọt và kẹo đường đã thắt chặt mối dây thân hữu giữa một già, một trẻ.

Chiếc xe dừng lại trên bến. Cả bọn họ bước lên tấm ván bắc lên tàu. Elisa, với dáng điệu quý phái, nắm lấy cánh tay bà Smyth. Georges theo sau với mớ hành lý.

Trong khi Georges đứng ở văn phòng thuyền trưởng, trả tiền cho chuyến đi của cả bọn họ, anh nghe thấy mẩu đối thoại của hai gã đàn ông đứng sát bên anh :

- Tôi đã quan sát kỹ tất cả những kẻ lên tàu - Một tên nói - tôi dám chắc là không có họ.

Gã tuyên bố câu ấy là một viên kế toán của bến, kẻ đang cùng gã nói chuyện là Marks, (tên đã bỏ rơi Loker khi Loker bị thương) hắn lì lợm quyết đeo đuôi con mồi đến tận Sandusky.

- Thật khó mà phân biệt một con mụ đàn bà nô lệ lai xinh đẹp với một người đàn bà da trắng. Còn thằng đàn ông thì dễ, da nó đen ngăm ngăm, trên một bàn tay có vết phỏng.

Bàn tay Georges đưa ra để nhận vé tàu và món tiền thối lại hơi run một chút; nhưng anh bình tĩnh quay người lại, ném một cái nhìn bình thản và lạnh lùng về phía tên đàn ông vừa nói, rồi anh đi đến cạnh Elisa, đang đứng chờ anh ở đằng kia boong tầu.

Bà Smyth và cậu bé Henri đã lui vào trong căn phòng dành riêng cho các bà, ở đấy, màu da ngâm ngăm đẹp đẽ của thằng bé thu hút nhiều cái vuốt ve và cảm tình của đám nữ hành khách.

Hồi chuông rung lên báo hiệu giờ tàu tách bến. Georges có vẻ hài lòng lúc thấy Marks rời tàu. Anh thở phào nhẹ nhõm khi những vòng quay đầu tiên của cái bánh xe bên thân tàu chuyển động để đưa xa thêm sự ngăn cách giữa đôi bên.

Hôm ấy là một ngày đẹp trời. Những đợt sóng trong xanh của một hồ Erié nhấp nhô, lóng lánh, rực rỡ với những tia nắng vàng. Một cơn gió nhẹ thổi từ bờ, và chiếc tàu phăng phăng lướt sóng.

Ôi! Làm sao diễn tả được nỗi hạnh phúc đang tràn ngập tận đáy con tim của người đàn ông này!...

Ai mà có thể ngờ được là những ý tưởng nóng bỏng đang nung nấu tâm hồn của Georges, khi thấy anh vẫn với thái độ bình thản, đi dạo mát bên cạnh người bạn đồng hành rụt rè trên boong tàu?

Hạnh phúc đến với anh như có vẻ dịu dàng và quá đẹp đến nỗi anh không dám tin là nó sắp nằm trong tầm tay anh. Anh vẫn còn cảm thấy chút ít lo lắng, anh vẫn e sợ bị vuột nó vào phút chót.

Nhưng chiếc tàu vẫn bình yên lướt sóng.

Thời gian dần trôi. Cuối cùng, cái bờ của xứ thuộc địa Anh xuất hiện trong tầm mắt, mỗi lúc mỗi gần... Cái bờ mà nơi ấy reo vang hai tiếng huyền bí: Tự Do, và là nơi bám víu duy nhất dành cho những người nô lệ da đen tuyệt vọng, nơi họ coi là đất hứa.

Họ tiến dần vào bến của cái thành phố nhỏ Ambersberg của xứ Canada. Georges nắm chặt lấy cánh tay vợ... Hơi thở anh trở nên ngắn và dồn dập... Một đám sương mù như tan loãng dần trước mắt anh, anh im lặng cầm chắc bàn tay bé nhỏ đang run rẩy trong tay anh. Hồi chuông vang lên, chiếc tàu dừng lại. Georges như không ý thức được những gì anh đang làm. Anh thu xếp hành trang, rời boong tàu. Rồi họ đứng yên chờ đến lúc mọi người đã bỏ đi hết, bồng trên tay đứa con, hai vợ chồng đồng quỳ gối trên bến và hướng tâm hồn họ lên cùng Chúa.Làm sao mà diễn tả nổi vẻ sung sướng của cái ngày đầu tiên được hưởng tự do?

Ôi! Tự do! Cao cả và quý giá, biết ngần nào! Được đi, đứng, nói năng, thở, thương yêu... tất cả đều không bị kiểm soát và cấm đoán. Thật tuyệt vời, hình ảnh của những con người, lần đầu tiên, kể từ lúc được sinh ra, đang quỳ gối lãnh nhận quyền tự do, được luật pháp bảo đảm, thi hành tất cả những quyền mà Chúa đã ban cho một con người!... Họ đã phải trả giá cho sự tự do của họ quá đắt: giờ đây họ không có trong tay một tấc đất, một mái nhà, và cả một đồng xu dính túi. Họ chỉ có những gì mà một con chim trên không trung có, một bông hoa ngoài đồng có. Nhưng đã làm sao? Họ đâu ao ước gì hơn? Họ đã được tự do, đã đổi nó bằng máu và nước mắt, bằng vô vàn nguy hiểm mới đạt được kết quả ngày nay.

Họ vững tin vào Thiên Chúa quyền năng và sẽ tự lực cánh sinh trong những ngày sắp tới.

Nhìn nhau, họ mỉm cười qua màn lệ, lòng phơi phới, nhẹ lâng...
______________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 31
 

Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

CHƯƠNG 29_TÚP LỀU CỦA CHÚ TOM


CHƯƠNG 29


Phòng khách của Simon Legree là gian nhà dài và rộng, ở một góc là một lò sưởi to lớn, đồ sộ; ngày xưa, bốn vách tường được dán một lớp giấy hoa đắt tiền và đẹp đẽ. Thứ giấy này, giờ đây, mục nát, rách tơi tả, phai màu, biến bức tường thành lởm chởm đầy những miếng vá. Một thứ mùi ẩm mốc, ngai ngái, hôi hám làm người ta khó chịu, muốn nôn, thoát ra từ sự hoang tàn, ẩm ướt, đổ nát; cái thứ mùi ta thường bắt gặp ở những tòa nhà cũ kỹ bỏ trống lâu năm. Trên vách, lấm chấm những dấu vết của bia và rượu nho.

Nhiều nơi khác dính đầy vệt phấn. Trong lò lửa lập lòe ngọn than hồng. Trời vào mùa này không lạnh lắm, nhưng ở trong căn phòng rộng rãi ấy, vào mỗi chiều tối, thường mang vẻ ẩm ướt lạnh lẽo, hơn nữa Legree cần có lửa để đốt điếu xì gà và đun nóng rượu Punch của gã. Ánh sáng đỏ rực của đống than nóng bỏng cho phép ta thấy được những vật dụng trong phòng: yên ngựa, bàn chải, dây cương, roi; những chiếc áo choàng và đủ thứ đồ đạc, quần áo, vất ngổn ngang bừa bãi đây đó.

Những con chó khổng lồ mà ta đã nói hồi đầu, nằm yên ở những chỗ ưa thích.

Legree đang tự tay sửa soạn cho mình một món giải khát gồm nước pha rượu và chanh. Gã chế nước từ cái ấm cũ kỹ, sứt mẻ vào trong tách, miệng làu bàu :

- Tên Sambo khốn nạn là đầu mối gây nên cuộc cãi vã vừa rồi giữa ta với tên nô lệ mới đến! Giờ đây Tom trở nên vô dụng trong suốt tuần lễ tới, khi mà mùa màng cần được gặt gấp.

Ngay lúc ấy, cánh cửa xịch mở, Sambo bước vào. Hắn cúi đầu chào gã và đưa cho gã một gói giấy nhỏ.

- Gì vậy hở thằng chó?

- Một miếng bùa ngãi, thưa ông chủ!

- Cái gì?

- Một vật mà những tên da đen đến xin ở tụi phù thủy, giữ nó sẽ tránh được sự đau đớn khi bị đánh đập, thằng Tom đeo nó quanh cổ bằng một sợi dây đen.

Legree vốn đầu óc đặc sệt mê tín như phần đông bọn đàn ông hung bạo và vô tín ngưỡng. Gã cầm lấy gói giấy và chậm rãi mở ra.

Gã thấy một đồng đô-la và một cuộn tóc dài vàng óng, mớ tóc vàng như sống động, quấn quít quanh những ngón tay của Legree.

- Đồ khốn!

Gã thét to kinh hãi, dậm hai chân trên mặt đất bành bạch và rũ rũ những sợi tóc khỏi những ngón tay, như thể vừa bốc nhằm tổ kiến :

- Những thứ này ở đâu vậy? Đem chúng đi ngay! Bỏ vào lửa đi! Bỏ vào lửa!

Nhưng rồi gã ném nguyên lọn tóc vào lò sưởi, hét dựng :

- Tại sao mầy dám đem đến cho tao những thứ thổ tả đó?

Sambo đứng yên, miệng há to, lặng im sửng sốt.

- Đừng bao giờ đem đến cho tao cái thứ quỷ này nữa!

Gã vừa la tiếp vừa đưa nắm tay ra dọa Sambo, trong khi tên này nhanh chân lỉnh mất dạng; gã liền ném tiếp đồng đô-la qua cửa sổ.

Sambo cảm thấy nhẹ nhõm sau khi ra khỏi phòng và đến lúc tên này bỏ đi xa, Legree mới thấy xấu hổ về cơn sợ hãi quá trớn của gã lúc nãy. Gã ngồi xuống ghế với dáng điệu của một con chó săn trong cơn giận dữ, rồi bắt đầu nốc rượu, không nói một tiếng nào nữa.

Legree mắc chứng bệnh gì vậy? Và trong cái lọn tóc vàng óng vô hại đó có gì ghê gớm đến nỗi khiến một tên đã quá quen thuộc với những hình thức tàn bạo như gã mà lại khiếp sợ đến thế?

Để trả lời câu hỏi này, ta phải trở lại những ngày thơ ấu của gã.

*

Dù giờ đây gã là một con người thật cứng rắn, thật bạo ngược, thật tàn nhẫn, song trước kia gã cũng như mọi người có một thời nằm trong lòng mẹ...

Người ta đã từng lẩm bẩm cầu kinh và hát Thánh ca ở đầu giường gã; vầng trán chai đá, sừng sỏ của gã cũng từng được thấm nước Thánh lúc rửa tội. Trong thời thơ ấu của gã, cứ mỗi sáng chúa nhựt, khi hồi chuông vừa ngân nga, một người đàn bà với mái tóc vàng óng dẫn gã đến giáo đường để xem lễ và cầu nguyện.

Ở thật cách xa đây, trong xứ Nouvelles Angleterre, bà mẹ ấy đã nuôi nấng đứa con trai duy nhất của bà bằng tình thương đậm đà, với những cử chỉ săn sóc trìu mến.

Song mang giòng máu của người đàn ông có trái tim cứng rắn, lòng yêu thương của bà mẹ phúc hậu này không đủ sức cầm giữ gã, gã đã bước theo dấu vết của người cha. Bản tính thích huyên náo, phóng đãng, hung bạo, gã xem thường những lời khuyên nhủ, bất chấp những câu trách mắng của bà. Gã đã rời bỏ bà mẹ, dầu lúc ấy còn quá trẻ, đi tìm kho tàng ngoài biển khơi.

Gã có trở về nhà lại một lần. Bà mẹ tràn đầy tình cảm lúc nào cũng muốn có một người để thương yêu, săn sóc đã níu chặt lấy gã và cố gắng khuyên răn, nài nỉ, cứu gã ra khỏi cái đời sống đầy tội lỗi ấy, nhưng không được bao lâu.

Đối với Legree, đấy là những chuỗi ngày đầy ân sủng!

Các thiên thần đầy tốt lành đã gọi gã trở về lại với họ. Gã hầu như muốn đến với họ, ơn cứu rỗi sắp vào tay gã.

Nhưng gã cưỡng lại như có một sự tranh đấu trong gã. Tội ác đã thắng, và gã tận dụng tất cả sức lực, bản chất hung dữ của gã để trấn áp những cắn rứt của lương tâm.

Gã uống rượu, gã chửi thề không ngớt, gã càng ngày càng trở nên táng tận lương tâm.

Một đêm kia, như một tia sáng cuối cùng lóe lên giữa nỗi tuyệt vọng, bà mẹ sụp quỳ dưới chân gã: nhưng gã đá bà té văng ra, gã để bà nằm bất tỉnh trên nền đất rồi bỏ lên tàu.

Lần cuối cùng mà Legree nghe nói về mẹ gã, đó là vào một đêm chè chén say sưa, gã ngồi giữa đám bạn trụy lạc của gã, có kẻ dúi vào tay gã một lá thư.

Gã mở ra: một lọn tóc dài rơi trên tay gã, nó quấn quít quanh những ngón tay gã y như lọn tóc trong mình tên nô lệ da đen.

(Lá thư viết là mẹ gã sắp chết, trước khi chết, bà đã tha thứ và chúc lành cho gã).

Tội ác với bản chất tối tăm và xấu xa như có quyền lực bí mật khiến kẻ có tội phải kinh hoàng và sợ hãi cho dù đang cầm trong tay mình một món đồ vật đẹp đẽ và cao quý nhất. Người mẹ đáng thương thật phúc hậu, với những câu kinh cuối cùng, với tình yêu cao cả đã tha thứ gã, nhưng đối với con tim của tên quỷ sứ lại biến thành một phán quyết kết tội và đày đọa gã. Thái độ này của bà khiến gã liên tưởng đến giờ phán xét hãi hùng và nghiêm minh của Thiên Chúa! Legree nổi lửa đốt lá thư, đốt luôn lọn tóc.

Khi gã thấy chúng uốn éo và thành tro trong ngọn lửa, gã rùng mình liên tưởng đến ngọn lửa trong hỏa ngục. Vì vậy, gã muốn say sưa, để tâm trí được giải khuây và khỏi bị ám ảnh bởi cái kỷ niệm phiền phức này.

Tuy nhiên đôi khi giữa canh khuya, lúc mà sự im lăng trang nghiêm của đêm dài ép buộc lý trí của kẻ ác trở về với chính hắn, gã như thấy ẩn hiện hình ảnh người mẹ, mặt mày tái mét đứng sừng sững ngay đầu giường gã, rồi quanh những ngón tay gã thấy như có nhũng sợi tóc quấn quít, thế là mồ hôi lạnh toát ra trên khuôn mặt gã, gã bật dậy phóng ra khỏi phòng, đầy kinh hãi.

*

Những giọt mồ hôi đọng lại trên trán Legree, cơn khiếp hãi khiến con tim gã đập thình thịch. Gã có cảm tưởng như thấy một bóng trắng ẩn hiện và di động trước mặt gã trong phòng, gã rùng mình khi chợt nghĩ có thể đấy là hình bóng của mẹ mình.

Gã tự trấn an :

- Nào! Đấy chỉ là ảo ảnh thôi, lúc này, nên để tên ấy yên. Mình có sợ mấy thứ mắc dịch này không? Mình có cảm tưởng như bị bùa phép mê hoặc... Dám lắm! Từ hôm ấy trở đi, mình hay bị rùng mình và đổ mồ hôi... Không hiểu làm sao mà tên ấy có cái lọn tóc này? Không có lẽ là lọn tóc của...? Ồ! Không! Mình đã đốt thành tro rồi mà? Chắc chắn là mình đã đốt rồi mà... thật là kinh dị nếu những sợi tóc có thể tự chúng rời khỏi đầu của người chết! Nào! Ta phải kêu Sambo và Quinbo đến để nghe chúng ca hát và nhìn chúng múa những điệu vũ điên cuồng của nòi giống chúng... May ra chúng có thể giúp ta quên được những ý tưởng khủng khiếp này.

Gã đội mũ lên, bước ra hành lang và rung một hồi chuông để gọi hai tên da đen thân tín.

Khi gặp chuyện buồn phiền, Legree vẫn thường dễ dãi cho phép hai tên hèn hạ này vào trong phòng khách và sau khi đã đốt nóng bụng chúng bằng vài ly Whisky, gã bắt chúng múa, hát, hay đánh lộn, vật lộn, tùy theo ý thích nhất thời của gã.

Lúc ấy cỡ một hai giờ sáng. Cassy, sau khi đã chăm sóc bác Tom đáng thương, trên đường về lều, nghe những tiếng la hét, những tiếng hú, những tiếng nện chân thình thịch cúa đám chủ tớ, hòa lẫn với tiếng sủa của bầy chó. Tất cả tạo thành một thứ âm thanh man rợ quái dị của cuộc lễ ở Âm ty.

Bà đến gần và nhìn vào.

Legree và hai tên giám thị, trong tình trạng say sưa dữ dội, ca hát, gào hú, xô đẩy bàn ghế và hết tên này đến tên khác làm những cử chỉ thật quái đản, lố lăng.

Cassy tựa cánh tay bé nhỏ trên thành cửa sổ... Ta có thể đọc được trong ánh mắt bà những nét lo lắng, giận dữ và khinh bỉ, bà tự hỏi :

- Cứu mọi người ở đây thoát khỏi tay bọn khốn khiếp này phải chăng là một tội?

Legree, mê mệt vì say sưa, nằm dài ra ngủ ngay tại phòng khách.

Lúc thức dậy, gã muốn đến gặp riêng Tom mà không ai có mặt cả. Gã muốn, nếu không thành công trong việc khuyến dụ được Tom bằng những lời đe dọa, gã sẽ hoãn trả thù và đợi dịp khác.

Những tia nắng rực rỡ của buổi bình minh chiếu rọi vào nơi trú ngụ khiêm tốn của tên nô lệ. Những tia nắng dịu dàng này, với vẻ rạng rỡ của một ngày sắp bắt đầu như đem xuống cho bác Tom ý nghĩ bác là hậu duệ của David, là sao hôm rực rỡ. Những lời cảnh cáo và khuyên nhủ của Cassy không làm mềm lòng bác. Trái lại, tâm hồn bác như vươn lên cao theo tiếng gọi phát xuất từ cõi thiêng liêng.

Bác nghĩ có lẽ cái ngày sắp đến đây là ngày cuối cùng của đời bác, tim bác như rộn rã đập trước niềm xúc động cao cả này, trước nỗi hạnh phúc hằng mong đợi này. Bác nghĩ là có thể tất cả những gì huyền nhiệm mà bác luôn mơ tưởng, cái ngai vàng rực rỡ sáng chói, bao quanh là những cầu vồng đủ màu sắc, đám thiên thần bé nhỏ vận toàn trắng với giọng nói dịu dàng như tiếng reo của suối, với vương miện, với vòng hoa, với những cây đàn thụ cầm bằng vàng, tất cả những thứ này cuối cùng sẽ xuất hiện dưới mắt bác trước khi ngày tàn.

Nhờ vậy, không chút lo sợ khi bác nghe thấy tiếng bước chân và giọng nói cùa tên đao phủ. Legree lên tiếng, trong lúc bàn chân không chút xót thương đá vào người bác.

- Ê, thằng kia! Mày thấy thế nào? Tao đã nói với mày là tao sẽ dạy cho mày biết một vài điều mới lạ. Mày thấy điều ấy chưa? Hở? Bài học này có làm mày thấm thía chưa? Mày còn tỏ ra cứng đầu nữa không? Mày có còn ý định hoán cải tội lỗi của chủ mày băng bài giảng nào nữa không?

Tom lặng im không trả lời.

- Nào! Đứng dậy coi, tên súc sinh!

Legree vừa ra lệnh vừa đá thêm cho bác một cú nữa.

Đứng dậy, đó là điều khó khăn đối với một kẻ mà thân xác đã mềm nhũn và rã rời như Tom. Tom cố gắng một cách khó nhọc. Legree bật lên một tràng cười thô bạo.

- Sáng nay sao mày có vẻ xìu quá vậy Tom? Hình như tối qua mày bị cảm lạnh hẳn?

Dầu vậy, Tom cũng gượng bò dậy rồi bác đứng thẳng người đối diện với ông chủ, vầng trán bình thản và sáng sủa.

- Quỷ thần ơil Mày còn đứng nổi à? Này! Tao thấy hình như trận đòn chưa thấm tháp chi đối với mày. Nào, Tom, bây giờ quỳ xuống và xin lỗi tao về thái độ hỗn láo vừa qua.

Tom vẫn đứng yên.

- Quỳ xuống, thằng chó!

Legree vừa quát vừa quất Tom một roi.

- Thưa ông Legree - Tom trả lời - tôi không thể làm vậy! Tôi chỉ làm những gì tôi xét thấy đúng; tôi sẽ làm như thế này mãi mãi. Tôi sẽ không bao giờ chịu làm điều chi xấu xa cả... cho dù hậu quả có như thế nào đi nữa!

- Á! Ấy là chỉ vì ông chưa biết rõ hậu quả đó thôi, ông chủ Tom! Ông tưởng trận đòn đó là ghê gớm lắm rồi đấy hả? Lầm! Chưa đâu! Chỉ mới là cảnh cáo thôi... Ông có nghĩ đến cảnh ông bị cột vào một gốc cây và người ta nổi lửa đốt xung quanh ông không? Chắc sẽ thú vị lắm, Tom hở?

- Thưa, tôi biết là ông chủ dám làm những chuyện tày trời, nhưng...

Bác đứng ngay người, chắp tay lại, tiếp :

- Nhưng, ông chủ chỉ có thể giết chết thể xác tôi là cùng, ông chủ không thể làm gì hơn và sau cái chết, tôi còn có cõi sống đời đời. 

Cõi sống đời đời! Chỉ cần bốn chữ này thôi cũng đủ khiến tên nô lệ đáng thương thêm sức lực, hy vọng... và khiến tên vô lương đau nhói ở tim như vừa bị vết chích của loài bò cạp. Legree nghiến chặt hai hàm răng, nhưng chính cơn giận dữ khiến gã như nghẹn lời; và Tom như một con người vừa thoát khỏi sự kềm kẹp, nói với giọng rõ ràng, trầm tĩnh :

- Thưa ông Legree, ông đã mua tôi, tôi sẽ là một tên nô lệ tốt và trung tín của ông. Tôi sẽ cố phục vụ ông với đôi cánh tay tôi, với tất cả đời sống tôi, với tất cả sức lực tôi. Nhưng còn linh hồn tôi, tôi không thể trao nó vào tay một người phàm tục, tôi giữ gìn nó để trao cho Thiên Chúa: những giới răn của Ngài, tôi đặt trên tất cả, trên cả sự sống, trên cả cái chết. Ông có thể tin chắc như vậy, thưa ông Legree, tôi không chút mảy may sợ chết. Tôi đang sẵn sàng chờ nó đến bất cứ lúc nào! Ông có thể đánh đập tôi, bỏ đói tôi, thiêu đốt tôi... những thứ này sẽ mau đưa tôi đi đến nơi tôi hằng mong ước được đến!

- Mày sẽ phải khuất phục trước tao!

Legree giận dữ quát.

- Ông sẽ phải thất bại, có kẻ giúp tôi chiến thắng!

- Tên quỷ sứ nào giúp mày vậy hả, Tom?

- Thiên Chúa, đấng tối cao.

- Đồ khốn nạn!

Chỉ với một cú đấm, Legree làm Tom ngã chúi.

- Liệu hồn mày - Gã nói với Tom - hiện thời tao tạm để mày yên bởi vì đang lúc được mùa và tao cần nhân công; nhưng tao sẽ không bao giờ quên những gì mày vừa nói. Tao sẽ ghi nhớ tất cả những thứ ấy như một món nợ, và mày sẽ trả tao bằng tấm da đen đúa già cả của mày! Hãy nhớ lấy đó, Tom!

Nói xong, gã bỏ đi ra.
____________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 30

 

CHƯƠNG 28_TÚP LỀU CỦA CHÚ TOM


CHƯƠNG 28


Chỉ một thời gian ngắn bác Tom hiểu được những gì đáng gờm đang chờ đón bác ở tại trang trại này. Tuy vậy, bác dốc lòng làm hết bổn phận. Vốn là một người lanh lợi, tháo vát, siêng năng, biết chịu đựng nên Tom tránh được nhiều phiền phức thông thường mà địa vị thấp hèn dành cho mình. Tom hứng chịu những nỗi bất công, những lời sỉ nhục nhưng bác vẫn kiên tâm, bình tĩnh, một đức tính của kẻ ngoan đạo có lòng tin tưởng nhiệt thành vào đấng tối cao, đến sự phán xét công minh một ngày sắp tới cũng như tin vào một may mắn sẽ đến với mình.


Legree đã quan sát kỹ người nô lệ đặc biệt này, gã muốn cất nhắc Tom lên hàng đầu các nô lệ khác. Tuy nhiên, Tom có một điểm làm gã ghét đắng ghét cay: đó là sự thánh thiện ở Tom. Do lòng đố kỵ tự nhiên của một kẻ xấu xa trước một người tốt, gã giận sôi mỗi khi thấy không một cử chỉ hung bạo tàn nhẫn nào của gã đối với bọn nô lệ mà không gây chú ý ở Tom, chú ý với sự bất mãn không ra lời nhưng ngấm ngầm, lặng lẽ.

Nếu sự bất mãn xảy ra giữa hai người bình đẳng thì người ta có thể dễ dãi bỏ qua, nhưng đây là thứ bất mãn của một nô lệ da đen đối với chủ nhân da trắng khiến cho tên chủ rất bận lòng. Hạng người như Simon Legree, làm sao dung được một kẻ dám tỏ ra có lòng tốt hơn gã, biết thương xót kẻ thế cô yếu đuối, những kẻ mà gã tận dụng và sẵn sàng hành hạ không chút nương tay? Vả chăng, trong đám nô lệ cùng khốn, bị dồn vào chỗ tàn tệ đến mức gần ngang súc vật mà lại có một kẻ nổi bật lên như ngọn đèn trong đêm tối mịt, như cánh sen đơn độc giữa bùn làm gã chịu không nổi.

Sức khỏe, khả năng, sự dẻo dai bền bỉ của Tom thì gã thích, còn tâm hồn cao quý, hay giúp đỡ kẻ yếu lại làm gã phật lòng. Tom phá hỏng dự tính của gã: lúc mua Tom gã đã tiên đoán là Tom sẽ được việc cho gã, gã sẽ dùng Tom như một thứ quản lý đắc lực điều hành mọi việc trong lúc gã vắng mặt tại trại. Muốn vậy, Tom phải hội đủ hai điều gã cần nữa: cứng rắn và tàn bạo. Gã ngỡ là sẽ thay đổi tâm tính con người đặc biệt này sau hai tuần lễ, gã tin là gã thừa sức để huấn luyện Tom như ý mình muốn. Nhưng gã đã lầm to...

Một buổi sáng trên đường ra đồng làm việc, Tom chợt để ý đến một nô lệ mới có dáng dấp và phong cách đặc biệt.

Đó là một thiếu phụ dong dỏng cao khoảng trên dưới bốn mươi, hai bàn tay và đôi chân đẹp lạ thường, ăn mặc sạch sẽ, dung mạo đoan trang. Khuôn mặt, của thiếu phụ là dạng khuôn mặt của những nhân vật trong các câu chuyện lãng mạn, đầy ngang trái và nước mắt.

Nàng từ đâu đến? Nàng là ai? Tại sao nên nỗi này? Tom rất quan tâm nhưng bác hoàn toàn mù tịt, vì đây là lần đầu bác trông thấy bà và tuy bước đi cạnh Tom, bà ta lặng lẽ, kiêu hãnh, khuôn mặt sáng rỡ dưới ánh nắng ban mai.

Tom từng sống giữa những gia đình sang trọng, bác linh cảm là thiếu phụ chắc thuộc vào lớp trên của xã hội, thế mà nguyên do nào khiến bà trở thành một nô lệ, rơi vào tay tên chủ da trắng tàn bạo như Legree thật là một điều đáng tiếc. Nàng im lặng đi cạnh Tom, không trao đổi cả một ánh mắt, một lời nói.

Tom hăng hái bắt đầu làm việc. Vì bọn phụ nữ ở một khoảng cách khá xa, nên thỉnh thoảng Tom lén nhìn, theo dõi họ. Bác nhận thấy thiếu phụ này làm việc rất giỏi, tỏ ra lanh lợi và khéo tay hơn nhiều người khác. Song bà ta làm với một vẻ khinh khỉnh, như thể bất cần công việc và hoàn cảnh hiện tại của mình.

Cạnh đó là Lucy, người đàn bà bệnh hoạn, yếu đuối bị mua cùng lượt với Tom. Thiếu phụ này nom thật thảm thương, run rẩy trong lúc làm việc như sắp ngã quỵ, người mà Tom đã thấy tỏ ra can đảm liều lĩnh khi từ chối làm vợ Sambo đêm đầu tiên họ về trại. Hình như bà ta đang đọc kinh.

Tom thương xót, lặng lẽ lại gần Lucy, lấy bông trong giỏ mình bỏ vào cho bà ta một ít. Người đàn bà đáng thương la lên :

- Không! Đừng giúp tôi, bác sẽ bị khổ lây...

Đúng lúc đó, Sambo lừng lững xuất hiện. Vốn căm thù thiếu phụ sẵn từ lâu, hắn giơ cao ngọn roi, cất giọng khàn khàn :

- Lucy! Tao biết mày làm biếng lắm, tao bắt được quả tang...

Hắn đá Lucy một cái mạnh (hắn mang đôi giày kệch cỡm bằng da bò), thiếu phụ ngã lăn ra, bất tỉnh. Còn Tom, hắn quất một roi vào giữa mặt. Tom lặng lẽ trở lại với công việc.Sambo gầm lên :

- Tao có cách làm mụ đàn bà này tỉnh dậy, tức thì à!

Hắn rút từ tay áo ra cây kim cúc (chắc là thường xuyên thủ sẵn bên mình) dáng bộ hung hăng, tiếp :

- Cái này còn hiệu nghiệm gấp mấy dầu nóng đó nghe!

Nói xong, hắn dùng kim đó ghim ngay đỉnh đầu Lucy, thật sâu, làm cho người đàn bà khốn khổ tỉnh lại, ngồi bật lên. Sambo quát :

- Đứng lên ngay! Làm việc đi! Đồ ăn hại! Nghe tao nói chứ? Hay là chờ tao ra tay lần nữa?

Như bị kích thích bởi một nguồn sinh lực mới, Lucy trở lại làm việc như người khỏe mạnh... làm việc với tất cả hàng hái của một kẻ tuyệt vọng.

Tom một lần nữa, tỏ ra coi thường nguy hiểm tiến lại vứt mớ gòn vừa hái vào giỏ Lucy. Cử chỉ của bác làm cho phụ nữ lạ mặt chú ý - thật ra bà ta chú ý từ đầu - ngẩng nhìn Tom bằng đôi mắt đen láy và lần này, chính bà đưa cho Tom một nắm gòn. Bà bảo Tom :

- Anh không biết rõ thân phận anh hay sao? Hay anh biết mà vẫn cố ý? Từ khi đến nơi này, lúc nào tôi cũng thấy anh ưa giúp đỡ kẻ khác. Tốt hơn, anh nên lo lắng cho bản thân anh.

Tên Sambo thấy bà giúp Tom liền xông đến, dứ dứ ngọn roi, đe dọa. Bà lại trở về công việc mình. Tom nhìn sững bà ta, vì bà làm việc một cách thành thạo quen thuộc. Trước khi trời tối, giỏ bà đã đầy ắp bông gòn mặc dù trong ngày bà nhiều lần giúp bác.

Mặt trời khuất bóng, bọn nô lệ mệt lử, giỏ gòn đội trên đầu, nối bước nhau trở về trại. Tại đây gòn sẽ được cân và cất vào kho.

Lúc này Legree đang nghe hai tên thân tín báo cáo hành động của bọn nhân công nô lệ trong ngày, Sambo nói :

- ... Tom sẽ gieo ảnh hưởng ở đây, thưa ông chủ. Tôi bắt được nó bỏ gòn vô giỏ con mụ Lucy. Rồi một ngày kia, nó sẽ chứng tỏ cho tụi da đen hiểu là chúng bị bóc lột. Ông chủ cần quan tâm đến điều này, đến thằng Tom.

- À, tên da đen khốn kiếp! Tao sẽ cho nó một bài học mới được. Tao có cách mà! Để nó cho tao, tao có cách!

- Còn mụ Lucy nữa, thưa ông. Nó là hạng phụ nữ nham hiểm, ghê gớm...

- Coi chừng! Sambo, tao tin là mày thù hận nó quá đáng vì lý do riêng...

- Kìa, thưa ông chủ, bộ ông không biết là nó cãi lời ông, không chịu làm vợ tôi sao chứ? Nó cãi lệnh ông... rõ ràng mà!

- Đòn vọt sẽ bắt nó nghe theo, nhưng hiện giờ mùa màng đang cần đến nhân công, nên tao nới tay đôi chút, hiểu ra chưa? Nó ốm yếu, mà thứ phụ nữ ốm yếu thì chỉ cần bắt chúng làm ngược với ý muốn là đủ giết chết chúng rồi.

Legree vừa nói vừa khạc đờm. Sambo nói :

- Con Lucy quỷ quyệt lắm, suốt ngày không làm việc, làm biếng quá, thưa ông! Chính thằng Tom làm thay mụ cả ngày.

- Nếu thật vậy thì... thì thằng Tom sẽ sung sướng được chính tay hắn đánh Lucy. Đây là một bài học thấm thía cho cả đôi bên.

Gã chủ cười, tiếng cười nham hiểm, khàn đục, hạ tiện. Trời phú cho gã có tiếng cười rất tương xứng với con người gã :

- Sự trừng phạt chính tay Tom sẽ hữu ích hơn là do tay tụi bay, một lũ vô dụng, hiểu chưa?

- Thưa, giỏ mụ đủ số cân, vì có thằng Tom với cô Cassy giúp, chắc chắn như vậy.

Sambo tâu thêm. Legree ngần ngừ một giây và hắn đi đến quyết định :

- Đừng lo, để tao cân gòn, chính tao cân!

Nói xong, hắn chửi lên một tràng, đủ ngôn từ thô lỗ và bước qua phòng cân bông.

Tại đây, chậm rãi từng người một, kiệt lực vì làm việc vất vả suốt ngày, bọn nô lệ bước đến, sợ hãi, lo âu đưa giỏ bông cho chủ chờ sẵn, để cân.

Legree cầm trên tay một tấm bảng ghi tên từng người một. Sau khi cân gã ghi thêm số gòn cân được. Giỏ bông của Tom đủ số cân nhưng bác lo lắng nhìn sang Lucy, người đàn bà bác đã hứa giúp.

Thiếu phụ này thất thểu bước lại đưa giỏ gòn cho Legree. Gã đặt lên cân và tuy đủ cân lượng nhưng gã vẫn hét toáng phủ đầu :

- Đồ nhác nhờn, lại không đủ ký. Đứng yên đó! Rồi tao sẽ trị tội mày...

Quay sang Tom, gã ra lệnh :

- Tên kia, đến đây!

Tom vâng lời, gã dặng hắng một cái :

- Tom! Mày thừa biết tao mua mày không phải để làm công việc nặng nhọc này chứ? Tao, chính tao đã cho mày biết ngay từ ngày đầu rồi: tao sẽ cho mày chỉ huy bọn nhân công. Và giờ đây, mày bắt đầu đảm nhiệm chức vụ mới. Nghe tao đây: Tóm cổ con Lucy, quất cho nó mươi roi, coi nào! Mày biết cách quất không? Chắc biết hả? Mày chứng kiến nhiều lần rồi mà?

- Xin lỗi ông chủ, tôi xin ông tha tôi công việc này. Tôi chưa từng làm thế, chưa bao giờ! Tôi không làm được, thật vậy, thưa ông, tôi không làm được...

- Mày sẽ học hỏi nơi tao nhiều điều mà mày chưa từng làm, chưa từng biết, từ đây cho tới ngày mày tắt hơi. Coi đây!

Gã chộp cây roi gân bò, quất mạnh, liên tục lên mặt bác. Một trận đòn làm tối tăm mặt mũi cả những kẻ đứng ngoài. Sau khi mỏi nhừ cánh tay, hắn ngừng lại, hỏi :

- Sao? Giờ mày còn giữ giọng lưỡi ban nãy rằng thì là không thể làm công việc tao sai không?

- Thưa ông, tôi sẽ làm tất cả mọi việc ông sai, không từ bất cứ việc gì dù nặng nhọc cực khổ đến bao nhiêu, bất kể ngày đêm giờ giấc, cho tới khi tôi tắt thở, đúng như vậy. Nhưng cái việc ông bảo vừa rồi thì không được, không bao giờ, vì tôi cho đó là việc trái, một điều quấy...

Tom chậm rãi nói, tay quẹt những giòng máu bò dài trên khuôn mặt. Gã mặt người lòng thú ấy sửng sốt lúng túng, đứng lặng mất vài giây rồi gã bật lên cười hô hố :

- À, tên da đen ngu ngốc kia! Điều tao bảo mày là điều quấy hở? Cha chả! Bộ đám súc vật như lũ bay mà cũng biết phải quấy sao? Bất ngờ quá há? Hay mày tự cho là ngang hàng với tao đây? Hay là mày cho mày là một nhà quý phái lạc bước sa cơ? Thưa ông Tom? Hừ! Lại lên mặt thầy đời, dạy chủ phân biệt phải trái nữa chứ! Mày dám nói quất mụ Lucy là điều quấy hử?

- Thưa ông, đúng vậy! Người đàn bà đó yếu đuối, bệnh hoạn, làm sao có thể nhẫn tâm dùng roi vọt đánh bà? Tôi không dám làm vậy đâu. Không thể được! Nếu ông chủ muốn giết tôi đi nữa, thì tôi cam chịu chết còn hơn là đánh đập bất cứ ai ở tại đây. Phải! Nếu muốn, ông cứ giết tôi. Ông có quyền...

Tom nói, dịu dàng chậm rãi mà quyết liệt lạ lùng, trong mỗi tiếng hàm chứa cả một ý chí sắt đá thần thánh, không lay chuyển được bằng sức mạnh phàm tục, bạo tàn.

Legree giận run, sùi cả bọt mép, mắt gã xám xịt thêm, quắc lên dữ tợn, bộ ria mép như dựng đứng. Tuy vậy, giống như con ác thú muốn vờn mồi trước khi xé xác, tiếp tục cười gằn chế giễu Tom bằng những lời cay độc :

- Tóm lại, mày là con chó sùng đạo ở giữa bọn người tội lỗi phải không? Một ông Thánh sống? Hay là nhà quý tộc? Ngài đến đây để hoán cải bọn phàm nhân? Nếu quả vậy, mày phải có quyền năng há? Này, nghe đây tên khốn: mày là con chiên ngoan đạo thì mày phải nhớ đến câu này trong Kinh thánh “Hỡi tôi tớ! Hãy vâng lời chủ mi!”. Tao đây, tao là chủ mày mà! Tao đã trả tới một ngàn hai trăm đô-la để mua mày, cả xác lẫn hồn mà. Chà, cái thân xác đen đúa, bẩn thỉu của mày có giá đó chứ? Mày thuộc về tao, biết chưa?

Gã kèm theo sau câu nói một cú đá dữ tợn, bằng chiếc giày bốt nặng nề.

- Trả lời tao ngay!

Tom ngã quỵ xuống vì những ngọn đòn ác liệt. Vì cái đau thấm thía của thể xác, bác gục xuống nền đất. Nhưng câu hỏi như một tia sáng quý báu rọi giữa cảnh thâm u tăm tối. Bác gượng đứng lên, thẳng người, đôi mắt ngước nhìn lên trời với vẻ nhiệt thành, tin tưởng và trong khi máu chan hòa cùng nước mắt chảy ròng ròng trên khuôn mặt, bác nói, từng tiếng một rõ ràng :

- Không, không! Làm sao ông mua được linh hồn tôi? Linh hồn tôi không thuộc quyền ông. Linh hồn tôi thuộc về Đấng tối cao, xứng đáng. Mặc! Mặc kệ hết! Ông cứ hành hạ thể xác tôi! Ông hãy hành hạ đi, nếu ông muốn thế. Ông chỉ có thể xác tôi thôi!

Legree hét lên, vẻ mặt cực kỳ hung tợn :

- Tao không mua nổi hả? Mày sẽ thấy! Sambo! Quinbo! Đến đây coi! Tụi bay dần thằng chó chết một trận nên thân cho tao, một trận đủ cho nó nằm liệt cỡ một tháng, coi nào!

Hai tên da đen to lớn vồ lấy Tom, khuôn mặt man rợ của chúng thoáng vẻ hài lòng. Đó là dịp để chúng được thi thố quyền hành, thứ quyền hành tối tăm, súc vật. Lucy rú lén một tiếng thất thanh.

Cả đám nô lệ như cùng bị dựng đứng thẳng lên do một cái lệnh vô hình. Hai tên Sambo, Quinbo lôi xệch bác Tom đi, không một sức kháng cự nào.

*

Đêm đã khá khuya, bốn bề như là dìm trong bóng tối. Tom nằm dài trong căn lều bỏ trống thuộc dãy nhà kho, giữa những dụng cụ tồi tàn, sứt mẻ, những mớ gòn bị hư và nhiều món đồ vật phế thải khác, miệng rên rỉ, mình mẩy giống tựa tấm giẻ lau nhúng vào suối máu.

Trong đêm vắng vẻ, tiếng muỗi vo vo, hàng vạn con vang đều đặn. Bác khát cháy cổ, thứ hình phạt khủng khiếp nhát đè nặng trên sức chịu đựng của con người đáng thương này. Bác thì thào :

- Lạy Chúa tôi! Chúa nhân từ hãy ghé mắt thương con, giúp con...

Đột nhiên, Tom nghe có tiếng chân gần phía mình nằm rồi một tia sáng lóe lên trước mắt, bác kêu :

- Hãy cho tôi xin hớp nước, vì tình yêu Chúa, xin cho tôi... ai đó?

Bà Cassy - chính bà ta - đặt cái đèn lồng xuống đất, lấy chai nước cầm theo mình, đỡ đầu Tom lên, cho uống. Trong cơn sốt hầm hập, Tom uống cạn cả cốc nước lớn một hơi. Bác thì thầm :

- Cảm ơn bà!

- Đừng gọi tôi bằng bà. Tôi cũng như bác, tôi là tên nô lệ đáng thương, cùng số phận như bác, còn đáng thương gấp trăm lần bác...

Giọng bà thương xót :

- Này, người đàn ông khốn khổ ơi! Chịu khó nằm lên đây, hãy nghe tôi!

Bà đi về phía cửa kéo lại một ổ rơm, trải lên đó những tấm khăn tẩm nước ướt.

Tom khó khăn lắm mới lết lên được ổ rơm, vì thương tích đầy mình, thân mình bác mềm nhũn và đẫm máu.

Thiếu phụ có vẻ thành thạo trong việc săn sóc các vết thương, bà khéo léo, nhẹ nhàng và lanh lẹ băng bó cho bác. Chỉ chốc sau, Tom cảm thấy dễ chịu đi nhiều.

Cassy đặt lên đầu Tom một kiện gòn nhỏ thay cái gối, đoạn dịu dàng nói :

- Tôi đã làm tất cả những gì có thể để giúp bác.

Tom mấp máy môi toan ngỏ lời cảm ơn nhưng bà ngăn lại :

- Đừng nói gì hết, bác Tom! Hãy ngủ đi, nếu có thể, cho khỏe lại.

Bà đặt chai nước cạnh Tom, soạn đủ vật dụng cần thiết về đêm cho người bệnh rồi nhẹ nhàng lùi ra.
______________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 29