Cha tôi qua đời chưa được
một năm thì mẹ tôi giữ vẹn chữ tòng. Chỉ còn mình tôi ở lại với cái gia tài khá
lớn. Mấy chú bác của tôi vốn là những người giàu có, tự cho đầy đủ kinh nghiệm
trong việc quản trị tiền của, nên sau một ngày bàn cãi sôi nổi bên cạnh quan
tài mẹ tôi, thỏa thuận chia xẻ cái gia tài kia ra làm nhiều phần không mấy đều
nhau để cùng gánh vác giúp tôi. Sau cùng, chỉ còn lại mỗi mình tôi. Ông nào
cũng thấy cáng đáng gia tài là việc nặng nhọc lắm rồi, nay phải nuôi thêm một
đứa cháu nữa là điều ngoài sức tưởng tượng. Có ông bảo rằng tôi là đứa trẻ học
hành thông minh, sau này chắc có sự nghiệp lớn lao, và sợ mình không đủ sức
nuôi dưỡng một hạng tài năng như thế nên dành cái hân hạnh ấy cho một ông khác.
Rốt cuộc, ông nào cũng đồng ý với nhau như vậy, cho nên vấn đề của tôi trở nên
hết sức khó xử.
Cuối cùng, cần phải ra về êm
xuôi, người ta quyết định gửi tôi qua phía bên ngoại cho được trọn tình, lấy cớ
là tôi giống mẹ như đúc. Và tôi được đưa cấp tốc lên nhà người cậu buôn bán ở
tận miền nguồn.
Ngày tôi mới đến, cậu mợ
tiếp tôi như tiếp đón một món hàng quá thời. Suốt trong bữa ăn đầu tiên, thỉnh
thoảng tôi gặp cậu tôi liếc về phía tôi một cách vội vàng. Sau đó, lúc ngồi xỉa
răng, ông gọi tôi lại mà bảo:
- Tao đã có dịp coi kỹ tướng
mày trong lúc ăn rồi. Mày có tương lai khá lắm.
Rồi ông trầm ngâm, chĩa cái
tăm lên gần mũi để ngửi xem chút đồ ăn khơi được trong các kẽ răng đã giam giữ
quá hạn chưa. Lát sau, ông tiếp:
- Nhưng tướng của mày chỉ
khá trong sự buôn bán chứ theo con đường chữ nghĩa thì không nước non gì đâu.
Kể thì như vậy cũng tiện, vì ở miền này không có trường học.
Rồi ông hạ giọng thân mật:
- Thôi, ở đây học tập buôn
bán với cậu, con à.
Từ đó, tôi thành một thứ hề
đồng lẽo đẽo theo sau cậu tôi, tập sự bán buôn. Tôi còn nhớ rõ một dịp cuối
năm, cả nhà đang lo chưng dọn để chờ Tết đến thì có tin từ phố Hội đưa lên giá
trà cao vọt bất ngờ. Cậu tôi là một tay buôn sành sỏi và ông hiểu kỹ lời ông bà
dạy “có gan làm giàu” nên không bỏ qua một cơ hội nào thuận tiện để thủ lợi.
Bởi thế, ông quyết đi vào các vùng có chè để đặt giá trước. Còn bốn ngày nữa là
Tết nên bà mợ tôi tỏ ý hết sức phân vân. Sau cùng, trước viễn ảnh một món lời
to sụ, bà ta không muốn ngăn cản đến lần thứ hai. Nhưng khi cậu tôi bước ra
khỏi cửa, bà còn một hai ba bốn dặn dò phải về trước chiều ba mươi để đưa ông
bà. Cậu tôi quả quyết sẽ về sớm hơn để tắm tất niên.
Cậu tôi dẫn tôi qua mạn sông Trầu, sang miền
sông Tranh rồi thẳng lên Râm, đây là đất nước đồng bào Thiểu số. Công việc bán
mua đổi chác có mòi chắc ăn nên ông tỏ ra hết sức vui vẻ. Trên con đường về,
ông cũng không quên nhân tiện ghé buôn Cà Đum để hỏi mật ong. Và ông lại nhớ
ghé buôn Cà Đoi để hỏi đổi nếp. Trời mưa, nước suối lên đầy, chúng tôi đi tới
Cà Đoi thì trời đã chiều. Theo sự dự tính thì phải đến từ nửa buổi. Chúng tôi
đành phải ngủ lại, để sáng ngày sau về sớm
Tôi nằm trên mặt nhà sàn,
bên cạnh bếp lửa, băn khoăn thao thức, trong khi cậu tôi ngáy như cưa gỗ. Gần
sáng, trong khi tôi bắt đầu thấy cần phải ngủ, thì ông cậu tôi thấy cần phải
dậy. Cậu tôi xăm xúi đi trước, còn tôi phập khà khập khiễng theo sau trên đường
đá dốc, chứa chan oán giận trong lòng. Khi trời sáng hẳn, chúng tôi đi khỏi
buôn đã khá xa và gặp một dòng suối nhỏ. Cậu tôi đứng yên trên bờ hồi lâu, lẩm
nhẩm tính toán có vẻ như đang thương lượng giá cả với mấy cục đá bên suối, rồi
bảo:
- Mình phải đi tắt mới về
kịp được. Hôm nay là ba mươi rồi, cứ theo đường cũ thì mất hai ngày ròng rã, vị
chi mồng một mới về tới nhà. Tao biết một con đường khác băng qua Cà Cuống, gần
lắm.
Rồi ông hăm hở đi trước, tôi
lại lếch thếch theo sau. Cứ thế chúng tôi qua đèo, xuống dốc, lên đường, liên
miên chẳng dứt. Những khi gặp dấu đàng mòn, cậu tôi nhìn ngang nhìn dọc tỏ vẻ
quan sát như người rất thông thạo, rồi dừng lại chờ cho tôi đến kịp cùng đi.
Nhưng khi dấu mòn đã hết
phải đi bương bả trong rừng thì cậu tôi cứ xăm xăm lướt tới, không hề nhớ rằng
tôi đang bê bết theo sau. Chúng tôi luồn lõi trong những lùm cây khuất bóng mặt
trời, băng đủ mọi chiều mà vẫn không thấy một lối đi sáng sủa. Người tôi mồ hôi
dầm dề, lớp này chưa ra khỏi lỗ chân lông có lẽ lớp khác đã túa ra rồi. Cậu tôi
cũng mệt chẳng kém, nhưng hễ khi nào quay lại chờ tôi thì ông đã có thì giờ lau
sạch mồ hôi trên mặt và đã có dịp thở mạnh vài phút trước rồi, nên trông diện
mạo cũng còn giữ vững nếp nhà. Tôi cứ định bụng mỗi khi đến kịp, sẽ bảo ông nên
đứng lại để ăn, bởi vì ruột đói cồn cào, nhưng chưa mở miệng đã thấy ông vội
quày quả bước đi. Ban đầu tôi muốn kêu lại nhưng sự nhọc mệt và cơn giận tức
bỗng dưng nổi lên khiến tôi im lặng. Tôi đâm hờn dỗi, tự nghĩ rằng mình sẽ đi,
đi mãi, không nói một câu, không kêu một tiếng, đi cho đến khi ngã chúi xuống
đường bất tỉnh, để xem ông cậu vô tình liệu tính thế nào. Do đó tôi chăm chú
bước những bước liều lĩnh, tuy mắt rưng rưng muốn khóc mà ruột càng ngày càng
đau thắt lại. Sau cùng, trong chuyến đi đua không định trước này, cậu tôi bỏ
cuộc. Lúc tôi đến kịp thì thấy ông ngồi rũ người bên một hố nước, thở hào thở
hển, hai tay bải hoải chìa đủ mười ngón để ôm lấy cặp đầu gối run run, mồ hôi
nhễ nhại khắp mình, lem luốc mặt mày. Nói không sợ tội, quả thực lúc ấy lòng
tôi thoáng một ý mừng, và dù đã bết-xà-lết tôi vẫn giả bộ đi luôn. Cậu tôi phì
phào kêu lên, gần như hụt hơi:
“Nghỉ đã! Biết đâu mà đi?”
Tôi quay trở lại chậm chạp,
cố giấu tình trạng rũ liệt của mình. Cậu tôi giở gói xôi ra, bẻ làm hai phần
không được đều nhau, đúng theo tỉ lệ tuổi tác mỗi người, rồi chia cho tôi một
cục. Trong suốt thời gian ngồi ăn, hai cậu cháu tôi có vẻ như chưa từng quen
biết nhau lần nào. Mỗi người yên lặng ăn rất siêng năng, cẩn thận, chỉ sợ bàn
tay run run sơ ý để xôi rơi vãi xuống đất. Tôi ăn rất nhanh nhưng cứ sợ xôi
chóng hết. Sau cùng, chúng tôi nhìn lớp lá chuối còn lại trên tay một cách tính
toán, tưởng chừng có thể nuốt luôn đi được, nếu không vì chút tự ái của những
con người văn minh giữ lại.
Khi đã uống xong một mớ nước
hố cho thật khẳm bụng, tôi mới bắt đầu lai tỉnh và nhìn rõ nơi chúng tôi lạc
vào. Cây rừng chằng chịt lau lách, dây leo giăng trải mịt mù, có lẽ chúng tôi
đã vào một nơi sâu nhất rừng già. Cậu tôi cũng đã khỏe lại, cho nên bây giờ ông
ta có đủ tinh thần để mà hốt hoảng một cách hoàn toàn. Ông ta nhớn nhác nhìn
quanh, nhìn quất rồi leo lên một tảng đá khá cao để định hướng đi. Ông kêu từ
trên cao vót:
“Trời đã xế rồi!”
Tiếng kêu như một lời than
tuyệt vọng khiến tôi cũng thấy bàng hoàng. Và ông vội vàng tuột xuống, tuột mau
đến nỗi lăn nhào người tới, rớt nằm chổng kềnh ở giữa bụi cây. Tôi cố nín cười
hết sức khó nhọc và dọn rất gấp bộ mặt chí hiếu chạy đến nâng cậu tôi dậy. Hai
cậu cháu tôi nhìn nhau một cách khó hiểu, không biết ai ngượng hơn ai, rồi cậu
tôi lại vội vã bước đi. Chúng tôi theo dòng nước chảy đổ xuống sườn dốc, không
mong lạc đến một chốn Thiên-thai mà chỉ mong gặp bất cứ một xóm thôn nào hẻo
lánh. Dần dần, dòng nước khuất sâu trong những lùm cây, chỉ còn nghe tiếng róc
rách, rồi tiếng rì rầm mơ hồ như muôn ngàn chuyện âm thầm bí mật ở trong lòng
đất. Thỉnh thoảng chúng tôi phải dừng bước lại, lắng nghe. Nhiều lúc, tiếng
nước yếu ớt chìm dần, hòa hợp với bao âm thanh vọng lại từ xa của chốn rừng sâu
như muôn dòng suối đổ dồn một lượt. Rồi gió chiều nổi lên, cây cối xạc xào rúng
lạnh. Cậu tôi leo đá, rẽ cây, lao mình nhào tới như phải đuổi theo kẻ thù trước
mặt, còn tôi hối hả, vội vàng như phải trốn thoát kẻ thù đang đuổi sau lưng.
Sau cùng, tiếng nước mất
hẳn. Chúng tôi dừng lại, tưởng như tim mình ngừng đập. Tôi cố lắng nghe, lắng
nghe, nhưng tiếng rừng trước hoàng hôn mỗi lúc dồn dập dâng lên cùng với sắc
tối tiết ra từ các khe sâu hốc thẳm, chập từng mảng đen trong các chòm lá âm u
dày đặc. Màu xanh xa xôi ngả sang sắc tím. Thỉnh thoảng, vượt khỏi lùm cây rậm
rạp, chúng tôi bắt chợt từ đỉnh cây xa một vệt ánh sáng tê tái của nắng chiều
nuối lại, y như hy vọng mong manh thoi thóp nơi lòng. Chúng tôi lại đi, âm thầm
đẩy những bước chân hồi hộp. Không ai dám mở lời nói tiếng nào, tưởng như lời
nói đã thành cấm kỵ. Những tiếng vượn hú kéo dài, rền rĩ, vọng lại từ xa chuyền
sang những tiếng hú khác gần hơn, gấp hơn, như lời kêu cứu hốt hoảng. Một con
chim lớn lướt qua, vỗ cánh xạc xào. Muôn ngàn côn trùng âm ỉ bắt đầu sống dậy
từ trong lòng đất. Hai cậu cháu tôi, không ai bảo ai, cũng chùn bước lại. Kẻ
thù bây giờ không chỉ trước mặt, sau lưng, mà đã bủa vây từ phía. Mỗi lần gặp
một cành gai bấu áo giật lại, tôi bỗng hoảng hốt như bị bàn tay núi rừng giữ
lấy. Qua mỗi bước chân khua động lá khô xào xạc, tôi có cảm tưởng như nghe văng
vẳng tiếng rít của loài rắn độc, tiếng gừ của giống hùm beo, sau mỗi lá cành
lay chuyển như có hình bóng chập chờn của bầy thú dữ rình mồi. Lo sợ, kinh
hoảng càng ngày càng tăng, đến độ thần trí hoang mang không biết mình đang suy
nghĩ những gì.
Cậu tôi không còn cái vẻ
nhớn nhác linh hoạt hoặc hoảng hốt vội vàng mà chỉ là một bóng dáng thiểu não,
đầu cúi gầm, chân quờ quạng, như đang bận tâm vì bao nhiêu nỗi lo lắng trong
lòng. Cứ mỗi bước chân tiến tới, tôi có cảm giác đi sâu vào chốn hiểm nghèo, xa
dần sự sống loài người. Và sự khiếp đảm nhường lần cho sự tuyệt vọng thảm
thiết. Theo bóng hoàng hôn rũ xuống, sự chết dường như lảng vảng khắp nơi.
Một lúc, tôi tưởng mình
không còn bước được nữa. Cậu tôi đã vượt qua khỏi một lùm gai rậm và khuất dạng
hẳn. Tôi muốn kêu lên nhưng cổ nghẹn lại, nước mắt chảy dài xuống má, vẽ râu
quanh miệng, biết rằng khóc lên thành tiếng sẽ làm tiêu tan chút ít cố gắng
cuối cùng. Tôi cố dõi theo lá cành lay động. Núi rừng giấu mất người cậu yêu
quý của tôi rồi! tôi sợ hãi, hốt hoảng tưởng như điên cuồng. Bỗng một tiếng kêu
thét ở phía trước:
- Đây rồi!
Tôi bương gai, nhào đến. Cậu
tôi đang đứng yên lặng giữa những lùm cây rậm. Tôi phập phồng hỏi:
- Có thấy nhà ai hở cậu?
Ông vẫn lặng thinh, cúi đầu
nhìn quanh chăm chú, lỗ mũi hô hấp một cách tích cực, dáng điệu thận trọng như
người phù thủy đang làm phép mầu. Tôi cũng đúng im, hồi hộp, chờ đón một hiện
tượng lạ. Sau phút âm thầm, cậu tôi ngẩng lên nhìn tôi, nói bằng một giọng vui
mừng, nét mặt tràn đầy tin tưởng:
- Tao nghe có mùi phân
người!
Một mùi phân người? tôi hỏi
vội vàng:
- Ở đâu?
Cậu tôi đảo người, ngửi
quanh một vòng:
- Nghe ở đâu đây, gần lắm.
- Hay là phân của thú rừng?
Ông ta xì một tiếng lớn, đáp
lại:
- Phân người khác hẳn với
phân loài thú, tao biết rõ mà!
Cậu tôi nói bằng một giọng
chắc chắn, có vẻ hết sức tự hào về kiến thức của mình. Tôi còn tỏ ý hoài nghi:
- Biết đâu là của người ta đi
lên đốn củi từ lúc sớm mai hay từ hôm qua, nay đã về rồi!
Ông ta gắt lên:
- Không, một mùi phân mới!
Mày chẳng biết… cứt gì cả!
Trong đời, tôi bị mắng mỏ
nhiều lần, lần nào cũng thấy oan uổng, trừ mỗi lần này.
Cậu tôi vẫn giữ vững niềm
tin tưởng trong khi lỗ mũi hoạt động không ngừng:
- Hãy gắng tìm xem. Mày vốn
thấp người, dễ ngửi thấy hơn tao nhiều. Có phân, thì thế nào cũng có người.
Chúng tôi quờ quạng vừa hít
vừa tìm trong các bụi cây chung quanh. Bóng chiều bắt đầu loạng choang nên mắt
và mũi của tôi phải mở rộng hết chu vi trong cuộc săn tìm. Một chốc, tôi bỗng
reo lên:
- Đây rồi!
Cậu tôi lách gai, nhào đến:
- Đâu? Ở đâu?
Giữa một vòm cây tương đối
khoảng khoát, trên một phiến đá bằng phẳng, một bãi phân người ngự trị uy nghi,
cuộn tròn lại thành những khúc chặt chịa. Cậu tôi cúi sát người xuống như muốn
khảo sát cho thật tường tận dấu vết hiển hiện của kẻ đồng loại trong chỗ xa xôi
và hẻo lánh này. Đến khi biết rằng không còn hồ nghi gì nữa, ông từ từ đứng
thẳng lên, thành khẩn, trang nghiêm, mắt vẫn không rời tảng đá. Tôi cũng đứng
không nhúc nhích, yên lặng chiêm ngưỡng cái vật mà cậu tôi đặt vào đấy tất cả
hy vọng cứu thoát. Không khí rừng già tự nhiên mất hẳn cái vẻ đe dọa rùng rợn
ban chiều và chúng tôi thấy dần dần vững tâm như bước vào miền quen thuộc. Bãi
phân bây giờ như đã mất hết những mùi hôi thối, mất hết vẻ ghê tởm của chất cặn
bã hằng ngày mà trở thành một chứng tích thiêng liêng của những sinh hoạt con
người. Cứ thế, chúng tôi yên lặng rất lâu, trong lòng rưng rưng một nỗi cảm
động khôn tả.
Sau cùng, cậu tôi ngẩng lên
nhìn tôi, nói bằng một giọng hết sức hiền từ:
“Con ạ, mình không đến nỗi
gì đâu. Đừng đi xa nữa mà lạc. Cứ chờ nơi đây rồi theo dấu đèn tìm nhà.”
Phút chốc, núi rừng tím đậm
đặc lại, khói đã mờ mịt dâng lên. Giữa cảnh đen thẳm mênh mông, xa xa dưới một
triền dốc, bỗng thấy le lói hiện lên một vệt lửa dài.
Không biết đã mất bao nhiêu
thì giờ qua những cây bụi um tùm, chằng chịt, chúng tôi dõi theo ánh lửa chập
chờn trước mặt, âm thầm xông tới, nghe
gai cào sướt da thịt, áo quần sột soạt như bị xé tung từng mảnh. Mỗi lúc ánh
lửa lớn dần, chúng tôi thấy rõ một đống củi rừng rực soi sáng nhóm người lố nhố
bên kia suối nước phản chiếu ánh lửa đỏ hồng. Đến gần, cảm thấy đuối sức không
dám liều lĩnh vượt qua dòng nước trong đêm, chúng tôi ngồi phệt bên bờ. Cậu tôi
cố gắng kêu lên:
- Bà con cho tôi hỏi nhờ một
chút!
Những tiếng rì rầm dừng lại,
đám người tản ra. Tôi kịp trông thấy một con trâu lớn, lông cạo nham nhở, loang
lổ những vệt đen trắng, nằm chổng bốn vó.
Vài người che tay lên mặt,
nhìn qua, hỏi lớn:
- Ai đó?
Cậu tôi gắng gượng đứng dậy,
nói sang:
- Chúng tôi lạc đường, nhờ
bà con cho nghỉ tạm đêm nay.
Một người trẻ tuổi có vẻ
linh hoạt, vớ lấy bó đuốc châm vào đống lửa cho cháy sáng lên rồi cầm thêm cây
lao nhọn, soi đường cho người đứng tuổi tay cắp dáo dài, từ từ lội qua. Hai
người rọi đuốc nhìn ngắm chúng tôi một lát. Bấy giờ tôi mới thấy rõ cái vẻ tang
thương hết mức của cậu cháu tôi, và trông rõ hơn sắc diện gân guốc của mấy
người vừa gặp.
Người đứng tuổi, sau khi
nhìn chăm chắm vào tôi, quay sang bảo người trẻ tuổi:
- “Đo mây lò ma do mân bo
muôn ỏ mơ chọ mơ” *.
Cậu tôi vốn từng quen thạo
những lối nói lái trong sự trao đổi bán buôn nên hiểu ngay là những kẻ “lái mo” *, vội vàng đáp lại:
- Đúng rồi! Chúng tôi là
những dân buôn ở chợ.
Và ông bắt đầu kể lể chuyến
đi khó nhọc vừa rồi, không quên khéo léo thêm rằng ông không đem theo tiền bạc.
Người trẻ tuổi đưa mắt về
phía người đứng tuổi và người này mỉm cưới, bí mật:
- Được, ta biết. Nếu quả dân
làng giả dạng mò lên tìm trâu thì ta đã lụi cho một lưỡi dáo này rồi. Thôi,
theo ta mà sang bên này.
Rồi họ thong thả lội về,
chúng tôi theo sau, biết rằng mình lạc vào một ổ cướp nhưng thấy vững dạ khác
thường. Đến nơi, người trẻ và người đứng tuổi xúm lại phụ lực với mấy người
kia. Không ai tỏ vẻ ngờ vực, bàn tán gì hết. Sự đột nhập của chúng tôi có nghĩa
như hạt cát nhỏ rơi xuống mặt bể bao la. Chúng tôi tự dọn lấy một chỗ nằm bên
lửa, và chỉ phút chốc cậu tôi đã chìm sâu trong giấc ngủ mệt mề. Tôi nằm dài
người trên lớp lá tươi, cơ thể rã rời, tê nhức. Dần dần được hơi lửa ấm, tôi
ngủ thiếp đi.
Khi tôi lơ mơ tỉnh dậy, đống
lửa đã tàn quá nửa. Có lẽ đêm đã về khuya nên sương xuống nhiều, lộp bộp rơi
trên lá cành. Thỉnh thoảng, thừa dịp ánh lửa nguội tàn, hơi núi lạnh lẽo len
vào rồi lại đột ngột bị một cành khô bùng cháy xua đi. Một mùi thơm tỏa khắp
nơi và tôi để ý thấy những lụi thịt rất dài nướng lèo xèo trên đống than hồng
bươi thành vạt rộng. Hai người đang chụm một cái nồi lớn khói tuôn nghi ngút,
còn những kẻ khác bó gối yên lặng chung quanh bếp lửa. sau một giấc ngủ, bây
giờ tôi mới có đủ tỉnh táo để nhìn rõ hơn. Họ gồm sáu người suýt soát lứa tuổi
như nhau, trừ người trẻ tuổi ban nãy là kẻ nhỏ nhất. Họ mặc đồ đen, ngắn cỡn,
tóc mọc khá dài, đôi người trên cằm râu đã lún phún. Người trẻ tuổi kia xem
chừng hơn tôi chỉ độ vài tuổi nhưng đôi má hóp nên trông già dặn hơn nhiều.
Tôi cố gắng nghe họ nói với
nhau những gì nhưng họ như không còn gì để nói cho nhau nghe nữa. Nhớ lại bãi
phân lúc chiều, tôi lẩn thẩn tự hỏi trong những người này ai là tác giả. Tự
nhiên tôi thấy mến họ, thương họ một cách lạ lùng. Những khuôn mặt khắc khổ,
gân guốc kia không có chút gì gọi là dữ dằn độc ác như tôi đã từng quan niệm kẻ
cướp theo lối miệng người mô tả. Tôi chỉ thấy đó là biểu hiện của một sức sống
mạnh mẽ khác thường, vì chính họ đã đem lại cho chúng tôi niềm hy vọng và bây
giờ đây một sự chở che giữa chốn rừng già hiểm ác hoang vu. Trong cảnh yên lặng
nặng nề, một người vụt nói:
- Bây giờ có lẽ đã Giao-thừa
rồi!
Giọng nói như niềm luyến
tiếc xa xôi, vọng lên cô độc giữa đêm khuya vắng. Không một người nào hưởng
ứng. Cái Tết ngoài kia, sau lớp núi rừng dày đặc, đã thành viễn anh mơ hồ, có
lẽ chỉ nên hoài niệm trong lòng hơn là nói lên bằng miệng. Khung cảnh trở lại
im lìm. Chỉ có tiếng nước reo sôi sùng sục trong nồi, tiếng củi nổ dòn lách
tách. Không biết bao lâu tôi đã thiếp dần trở lại thì nghe tiếng người gọi dậy.
Cậu tôi đã thức giấc từ bao giờ cùng với mọi người ngồi vây quanh nồi thịt lớn,
trước mặt đầy những lá rừng chồng chất ngang dọc những lụi thịt nướng đen ngòm.
Người trẻ tuổi quay về phía tôi, bảo rất ôn tồn:
- Xuống suối rửa mặt cho
tỉnh người đi rồi đón năm mới.
Khi tôi chen vào tìm một chỗ
ngồi trong đám người kia, tôi mới nhận thấy rằng cậu cháu tôi không khác xa họ
bao nhiêu. Núi rừng đã giúp hóa trang suốt ngày hôm nay để cho chúng tôi dự
cuộc tiệc này bằng một bộ mặt và những quần áo hợp với hầu hết quan khách.
Người đứng tuổi ban nãy có
vẻ là đầu bọn, bợ ra từ trong bụi rậm một cái hũ lớn bịt kín, vừa nghiêng về
phía cậu tôi, vừa nói:
- Đã mấy năm rồi mới lại ăn
Tết với người phường chợ. May cho các người, chiều nay bọn ta mới bắt con trâu
về kịp. Thôi thì cứ việc ăn no, uống say, rồi mai dậy sớm bọn ta chỉ đường mà
về kẻo người ở nhà nóng ruột đợi chờ. Nhớ đừng bép xép nói đi nói lại điều gì ở
đây với lũ tuần vệ dưới làng mà có ngày phải oan mạng. Thôi, ăn đi! Uống đi! Ở
đâu cũng là Tết cả.
Anh ta chia cho mỗi người
một chiếc gáo dừa:
- Ăn uống cũng trong cái
này, bà con. Chén này cũng chẳng phải tồi tàn đâu. Rượu có thuốc độc thì nó sôi
lên đấy nhé.
Không ai mời mọc ai nữa, bắt
đầu xáp trận. Cậu tôi hình như cho rằng thịt trâu là món bổ dưỡng nên gắp hăng
hái lạ thường. Về tửu lượng, ông cũng nhân dịp tỏ cho mọi người thấy rằng ông
có bản lĩnh cao cường không kém một ai, kể cả đầu nậu bọn cướp. Sau cùng, mọi
người ngật ngà, ngật ngưỡng, đảo những chiếc đầu bù xù thành những vòng tròn
loạn xạ rồi ngã lăn ra trên đất. Cậu tôi cố giữ phần thắng về mình, gắng vẽ thêm
một vòng tròn cuối cùng mới chịu chấm dứt một cách oanh liệt, đầu úp trên hai
cánh tay xếp chéo, một chân duỗi thẳng, gác lên mình một tên cướp.
Tôi không uống được rượu
nhưng nhìn mọi người nằm lăn ra ngủ một cách ngon lành, say sưa, trong lòng
bỗng thấy thèm thèm. Và nghe điệu ngáy càng ngày càng cao biến thành một thứ
giọng đe dọa, tôi đâm sợ hãi không sao ngủ được. Tôi mò dậy, nghiêng hũ rượu,
cầm chiếc gáo dừa vét lấy những giọt cuối cùng, rồi cố thu hết can đảm, nhắm
mắt nín thở, trút ộc vào miệng. Cổ họng tôi như bị xé toạc ra, dòng rượu càng
vào sâu trong gan ruột nung đốt rần rật khắp cả cơ thể. Đầu tôi hoa lên, tôi
phải chống cả hai tay xuống đất để tự bảo mình không phải là kẻ nhượng bộ dễ
dàng. Cuối cùng, thấy rằng khó lòng đương đầu với một địch thủ quá mạnh, tôi
phải đảo một vòng tròn, nhưng mới vẽ được nửa vòng thì đã theo gót cậu tôi, ngã
gục trên bãi chiến trường.
Tôi nhớ hình như tôi có giật
mình thức dậy một lần nào đó, và thấy lờ mờ gã trẻ tuổi ngồi ủ rũ bên cạnh một
đống lửa tàn. Gã thẫn thờ nhìn vọng vào trong đêm dày, rồi gã thở dài, lấy
chiếc que nhỏ bươi bươi trong mớ than hồng. Sau cùng gã cứ ngồi im như thế rất
lâu, chong một sự sống cô độc giữa chốn rừng đêm u uất, cho đến khi tôi ríu
mắt, chìm trong giấc ngủ nặng nề.
*
Lúc chúng tôi thức dậy, mặt
trời đã xuyên vòm lá, điểm từng chấm vàng lỗ chỗ trên đất bừa bãi lá héo, củi
tàn, xương trâu và thân người. Nghe khua động, người đầu nậu, người trẻ tuổi và
một vài người nữa cũng tỉnh giấc. Người đầu nậu gấp cánh tay chống xuống đất để
kê đầu lên rồi ngoảnh về những người kia, nói bằng một giọng ngái ngủ:
- Lấy thịt cho cha con ông
ấy ăn no để lên đường. Ở đây ngày Tết, nhưng hết gạo rồi. Cũng chẳng có một
chiếc bánh. Nhưng về ngoài chợ, các người chẳng thiếu thức gì,
Anh ta nheo một mắt lại, nói
tiếp:
- Người nào chịu dẫn họ ra
đầu rừng bây giờ?
Gã trẻ tuổi đứng dậy, gật
đầu ra dáng tình nguyện rồi đi lại một bụi rậm lôi ra chiếc rựa cán dài.
Người đầu nậu quay về phía
cậu tôi nghiêm nghị bảo lớn:
- Này, ông lái, kiểm xem
tiền bạc trước khi lên đường kẻo có mất mát đồng nào, lại nghĩ lầm rằng ta đã
đòi tiền rượu thịt.
Cậu tôi ấp úng, luống cuống
trả lời rằng ông chỉ đem theo số tiền rất nhỏ nhưng đã đặt cọc hết rồi. Nghe
thế, anh ta nhếch mép, gần như mỉm cười:
- Tiền nhiều tiền ít ta
không cần biết làm gì.Hồi hôm nhìn qua dáng dấp của anh, ta cũng biết là hạng
có máu mặt. Nhưng anh đã đến nhờ vả bọn ta, thì bọn ta phải che chở cho anh.
Không mất đồng nào chứ? Lần sau thì nhớ cẩn thận, lỡ gặp giữa đường vào dịp bọn
ta túng quẫn thế này thì chắc cha con nhà anh khó mà sống thoát.
Anh ta nói những câu này một
cách chậm rãi, giọng đặc sệt vì buồn ngủ. Sau cùng anh ta lim dim đôi mắt, nói
tiếp:
- Thực ra sống trong bọn
người tự hào lương thiện như cha con người mới thường xuyên bị mất cướp, còn
sống ở trong bọn cướp là chúng ta đây, mới thực an toàn.
Bỗng anh lồm cồm ngồi dậy,
chống thẳng hai tay lên đất, chồm người về trước, giương mắt đỏ ngầu nhìn cậu
cháu tôi một lát khá lâu, mỗi lúc vẻ mặt lại càng lộ vẻ căm giận khác thường.
Tôi cúi mặt xuống, cảm thấy những miếng thịt nguội thật là khó nuốt. Phải chăng
câu nói vừa mới thốt ra từ nơi của miệng của anh đã vụt khêu lên bao nỗi oán
hờn ấp ủ từ lâu ở trong gan ruột như rừng cỏ tranh héo khô bùng cháy khi gặp
một đốm lửa tàn? Lúc tôi lấm lét nhìn sang, anh ta vẫn còn chăm chắm ngồi nhìn
như thế. Có lẽ cái nhìn ấy không để thấy chúng tôi mà để soi mói tìm về một thế
giới nào trong hai cậu cháu chúng tôi. Bỗng anh chúm miệng, nhướn cổ khạc một
tiếng lớn, nhổ ra trước mặt. Giọng anh trở nên hằn học lởm chởm như bộ lông nhím
bắt gặp kẻ thù:
- Khốn nạn cho những lũ
người tự hào lương thiện xưa nay! Hừ! Lương thiện! Xé rách túi áo chúng nó ra
để xem tiền bạc lấy ra từ ngõ ngách nào? Hay là mồ hôi nước mắt của ai? Hay
toàn những lời gian ngoa, vu cáo để che đậy sự xấu xa, thối nát hơn là rác mục
trong đầu óc chúng? Đập cho vỡ sọ chúng ra, thử xem chứa đựng những gì, ngoài
những mưu mô độc ác để mà thủ lợi? Hừ! Lương thiện! Lương thiện! Nhai xương
chúng bay cho hả dạ này…
Anh đứng vùng dậy. Đang nhai,
tôi vội ngậm lại, nín thở. Cậu tôi rón rén rút lui đôi đũa từ một nồi thịt, tỏ
vẻ thành tâm, kính cẩn của kẻ phục tùng thiên mệnh.
Người đầu nậu khệnh khạng
lại một gốc cây, vớ lấy chiếc rựa. Cậu tôi buông đũa, co một gối lên, không
biết chuẩn bị chạy trốn hay là van lạy.
Tôi nhìn cậu tôi cầu cứu,
nhưng cậu tôi quay nhìn nơi khác rất nhanh. Tôi biết chuyến này nếu phải mở một
đường sống thì ông cậu của tôi sẽ lại sốt sắng đi trước và giao cho tôi nhiệm
vụ theo sau để mà cản hậu. Bất giác, tôi liếc nhìn vào nồi thịt, cảm thấy rõ
rệt trưa nay tôi sẽ nằm gọn trong đó, cùng chung số kiếp với trâu.
Nhưng người đầu nậu không đi
về phía chúng tôi. Anh ta tới một bụi cây, vung rựa chặt ngang chặt dọc như kẻ
điên cuồng. Cuối cùng, mệt lả, anh ta ném rựa xuống đất, hào hển đi lại chỗ cũ,
nằm xuống, nhắm đôi mắt lại. Lát sau, anh ta lại ngẩng đầu lên, lim dim quay mặt
về phía chúng tôi, ôn tồn:
- Thôi, đi về, nên nhớ những
lời ta dặn hồi hôm mà ăn nói cho cẩn thận, đừng để phiền nhiễu bọn ta. Chẳng
phải ta sợ đứa nào động chạm, nhưng ta không muốn cha con các người đổi ân làm
oán.
Rồi anh ta ngã đầu xuống,
nhắm mắt lại, hơi thở dần dần điều hòa trong một giấc ngủ bình yên.
Ăn xong, gã trẻ tuổi cầm rựa
đi trước, cậu cháu tôi lại lúc thúc theo sau. Suốt đoạn đường dài, anh ta lầm
lì cất bước, chúng tôi không ai nói gì, âm thầm luồn lõi trong những lối đi nhỏ
hẹp dọc theo triền núi xoai xoải. Nhiều lần tôi muốn gợi chuyện, hỏi thăm người
dẫn đường một vài câu để ghi lại ít kỷ niệm nhưng không biết nói thế nào, đành
phải làm thinh. Lâu lắm, chúng tôi mới đến ven rừng. Cảnh vật bắt đầu thay đổi,
quang đãng hơn nhiều. Người trẻ tuổi dừng lại cạnh một tảng đá và đưa tay chỉ
về phía trước mặt:
- Các người có thấy khe nước
kia không? Ở đằng xa kìa… Ấy đó, cứ theo bờ khe bên mặt mà đi thì sẽ gặp một
đồng ruộng dọc theo mấy dãy đồi rang. Băng hết đồng ruộng thì đổ ra một con
sông, tiết này lội được. Qua sông là miền Bình-Huề, ở đấy không thiếu người ở.
Anh lập lại lần thứ hai, rồi
lần thứ ba cho cậu tôi nhẩm theo, rồi bảo:
- Từ đây ra chợ Việt-An phải
một ngày đường ròng rã. Thôi, các người lo đi về cho kịp tối.
Cậu tôi cám ơn, nhưng gã
đứng im không đáp. Ông ta quày quả bước. Tôi cứ ngập ngừng không nỡ rời chân,
tự nhiên thấy nghẹn ngào. Giữa gã tuổi trẻ và tôi nẩy sinh một niềm quyến
luyến, chẳng rõ vì đâu. Nếu không biết thêm chút gì về gã, tôi sẽ xót xa chừng
nào, bởi vì mãi mãi từ đây cho đến trọn đời, chắc gì tôi còn được gặp lại gã
một lần thứ hai. Tôi ấp úng:
- Anh…
Gã nhíu mày, hỏi:
- Có gì?
Tôi cố gắng lắm mới thốt nên
lời:
- Chào anh… Tại… sao mà… anh
lên đây?
Gã cười:
- Tại đâm họng người ta,
biết chưa? Đâm họng là thế này này…
Gã khoa lưỡi rựa, dừng ngang
ở tầm cổ tôi, khiến tôi hốt hoảng lùi lại. Gã phá lên cười rồi lại nín lặng đột
ngột.
Tôi mất hết sự hào hứng để
hỏi thêm nữa nhưng còn đánh bạo một câu cuối cùng:
- Thế… anh có nhớ nhà không?
Gã trừng mắt lên, mím môi
lại, rồi bỗng chỉ về phía trước, quát lên:
- Đi đi! Ông già đang đợi
dưới kia!
Câu nói dõng dạc như một
lệnh truyền và gã bỗng nhiên có vẻ oai phong của một tướng lĩnh. Tôi không dám
chào, vội vàng cắm đầu rảo bước. Dưới kia, cậu tôi đứng chờ, dáng điệu nôn nả.
Đi được một quãng, tôi mới
quay đầu nhìn lại. Bây giờ gã trẻ tuổi ấy ngồi trên tảng đá, dựa đầu vào một
cánh tay chống lên trên gối, dáng điệu thẫn thờ. Đã khá xa rồi quay lại, tôi
còn thấy gã ngồi nguyên như thế. Tôi bỗng nhớ lại hình ảnh của gã mà tôi bắt
chợt giữa hai giấc ngủ, trong lúc đêm khuya, và lòng bâng khuâng tự hỏi không
biết người trai trẻ kia đang nghĩ ngợi gì?
VŨ HẠNH
---------------
* Câu này, nói lái lại từng
hai tiếng, thành ra “Đây mo là mo dân mo buôn mo ở mo chợ mo”. Bỏ tiếng mo, có
nghĩa : “Đây là dân buôn ở chợ”. Tiếng mo
hay bất cứ tiếng nào, có thể được dùng như một loại tiếng “chìa khóa” do một số
người ước định với nhau để ghép vào câu nói lái mỗi khi bàn riêng với nhau
những điều cần phải che giấu kẻ khác. Lối này ngày xưa phổ biến trong một số
tỉnh miền Trung giữa một số người buôn bán và trong nhiều hạng bất lương. Họ
nói lái quen và mau đến nỗi ở trong sinh hoạt thường ngày vẫn thích trao đổi ý
tưởng bằng cách nói lái. Tương tự như kiểu một số trí thức quen dùng ngoại ngữ
để nói chuyện riêng.
(Trích trong tập truyện ngắn VƯỢT THÁC, nhà xuất bản Cảo Thơm 1965)
(Trích trong tập truyện ngắn VƯỢT THÁC, nhà xuất bản Cảo Thơm 1965)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét