Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

ÁO SƯƠNG MÙ


Đêm trại có vẻ gì ấm áp dị thường. Một đống lửa to cháy sáng khoảng sân cỏ. Thỉnh thoảng dầu được đổ thêm vào, lửa bùng lên thật nóng. Vòng tròn rộng ra thêm. Bên ngoài sương mù khắp nơi. Sương muối la đà khắp các ngọn cỏ, ướt đẫm trên vai. Đống lửa trại làm cho không khí thân mật. Học trò bao quanh khu cửa hướng về sân khấu lộ thiên. Sân khấu chính là sân cỏ. Mấy cái micro dựng rải rác.

Buổi chiều lớp ăn Tất niên với tụi Mười hai A hai. Phe con gái trổ tài làm bếp, có một nồi cơm hơi khét. Bọn con trai là chúa lười biếng. Chỉ việc đưa mồm ra ăn mà còn bày đặt khen chê. Canh gì mà mặn chát. Rau xào thì lạt nhách. Dĩa xà lách lưa thưa mấy miếng thịt, ba tên “hành quân tảo thanh” là hết veo. Các cô la ó lên. Thì có bao nhiêu tiền đó làm sao cho đủ hai ngày trại. Đi trại phải sống kham khổ một chút chứ, bằng không về nhà ngủ cho khỏe. Cần nhất là vui vẻ. Gớm, nói năng thế có thua gì mấy bà bán cá đâu! Bọn con trai le lưỡi. Thôi để tối tao leo qua bên Nông Lâm Súc hái trộm rau. Bên đó có nhiều rau ngon lắm. Cả bọn cười ồ. Phải đó. Để mấy cây cải không ai ăn… tội nghiệp quá. 

Phe con gái tức ban ẩm thực bày trò nấu bánh. Lá chuối, bột và đậu bỏ đầy nhóc trong lều. Sinh hoạt với nhà trường xong quanh về trại nấu bánh và thức đến sáng. Vài cô phải xung phong ở lại gói bánh dần để đến tối vừa kịp. Huệ tuyên bố một câu làm bọn con trai méo cả mặt. Này, ngày mai ăn bánh nghe không! Bánh tét, bánh ít, bánh ú đủ thứ. Cho có vẻ Tết một chút. Làm bộ nhăn mặt cho có vẻ thảm não một tí chứ có tên nào quan tâm vấn đề ăn uống đâu. Đi trại mà, có đói cũng thấy vui. Nhớ kỳ đi Đà Lạt xe hư khoảng gần Liên Khương trời chiều chẳng có xe nào qua lại. Đành ngủ đại trong trường học lạnh run. Trưa hôm sau đến Đà Lạt tên nào tên ấy thảm như chạy giặc nhịn đói cả tuần lễ. Như thế bữa ăn rất vui và ngon hơn lúc nào hết. Khách quan mà nói việc nấu nướng đâu có sung sướng gì. Cả buổi quần quật nhóm lửa, nấu trên mấy viên gạch cứ sợ ngã ra. Rồi còn màn rửa chén bát. Một cô trong lúc bực mình phát ngôn. Phải có chén dĩa muỗng đũa bằng giấy ăn xong quăng luôn cho tiện việc! Phe con trai la ầm lên, con gái làm biếng quá! Đối với con gái “cái ăn là cái khổ” còn đối với con trai thì ngược lại. Thí dụ như đưa con trai lo việc nấu nướng chắc chẳng có gì ăn được đâu. Các cô làm bếp ngoài trời mồ hôi ướt trán, dính bết các sợi tóc mai. Gò má ửng hồng lấm tấm trông dễ thương không chịu được. Vì vậy các cô luôn luôn phải lo vấn đề ăn uống nấu nướng. Cái đó là dĩ nhiên, Thượng đế đặt để phân chia như thế. 

Anh chàng mặc áo bà ba đen làm anh nhà quê tay cầm nhánh cúc vàng tươi. Cô nàng mặc áo bà ba trắng che nón chậm rãi ra. Vừa đi hai người cùng hát. Xuân vừa về trên bãi cỏ non. Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn. Hoa cười cùng tia nắng vàng son. Lũ ong lên đường cánh tung tròn… Hai người đứng cạnh nhau. Anh chàng đưa cô nàng cành hoa. Cô nàng cầm lấy. Hai bàn tay gần nhau cùng cầm cành hoa. Có một chàng thi sĩ miền quê, Ngắt bông hoa biếu người xuân thì. Có một đàn em bé ngoài đê, Hát câu i tờ đón xuân về. Bài hát dứt tiếng vỗ tay vang náo động cả buổi trại. Ngọn lửa cháy hồng các khuôn mặt hân hoan. Đến màn vũ người Thượng người Lèo gì đó, các cô đi quanh đống lửa. Vũ điệu bên lửa hồng với trang phục xa xưa khiến lòng chùng xuống. Trái tim mềm ra một góc sầu. Đêm mùa đông những ngày cuối năm đang qua. Lạnh nồng nàn như một lời mời gọi, một thân thuộc bên lửa trại. 

Bạn tôi tách khỏi sinh hoạt khi lửa sắp tàn, các thanh củi cháy đỏ rực. Các cô đang lúi húi cột dây, xếp vào rồi bếp lửa mới bén lửa. Gió thổi phần phật trên mái lều. Tiếng cười nói ríu rít như thể là chim. Một tên con trai kêu lên. Vui quá. Thức canh bánh phải biết. Chà trời lạnh thế này thú quá. Tôi nhớ đêm giao thừa thức đợi pháo nửa đêm hồi còn nhỏ. Câu nói làm cả bọn ngậm ngùi. Một thời đã xa tít tắp như đường chân trời che kín dấu mất khoảng trời bên kia. Một nơi thanh bình đỏ tươi màu những viên pháo. 

Đêm sinh hoạt lớp bắt đầu quanh nồi bánh. Tôi ngồi gần nghe tiếng nước sôi sùng sục bên trong. Tiếng củi nổ lốp bốp thơm nồng. Mùi giống như mùi giấy mới. Bắt đầu một màn đồng ca. Khi đất nước tôi thanh bình tôi sẽ đi thăm, tôi sẽ đi thăm… Vỗ tay đều. Miệng hát thật to như niềm mơ ước bừng bừng muốn vượt tỏa ra cõi không gian mộng mơ: Mắt sáng ngời mở to nhìn bầu trời đêm chi chít những sao. Sao nhấp nháy giống như tiếng nói của vũ trụ gởi xuống đám người còn mải mê. Đến bài Trả lại tôi tuổi trẻ, Hòa đề nghị. Cả bọn bốn chục đứa phản đối. Tôi còn tuổi trẻ mà. Chưa ai lấy được tuổi trẻ chúng tôi. 

Trò chơi đạo diễn bắt đầu trong khi vui hăng. Ông đạo diễn bắt diễn viên diễn trò gì quái ác quá. Vuốt tóc xong đến vuốt mũi lại lau mắt sụt sịt. Trò diễn tả nghề nghiệp của người câm một tên đứng múa may quay cuồng phùng má trợn mắt bắt chước. Vài cô cười lăn lộn, bá cổ ôm nhau mà cười. Trò chơi xe lửa, tên xui xẻo bị xe lửa ngừng đến lúc mình sẽ phải làm trò gì tùy thích. Xong đến màn ca hát. Những bài hát nói về mùa Xuân sắp đến xôn xao sau cái lạnh cuối đông. Đêm đang về khuya. Tiếng cười tiếng vỗ tay từ các trại khác vang vang không dứt. Màu lửa sáng như thể niềm vui trong cùng khắp các ngăn tim. 

Anh Ngữ đàn tài quá. Tiếng nói loáng thoáng khi tôi vào lều lấy cây harmonica. Tôi dừng lại nhìn. Khánh đứng vịn sợi dây lều. Tóc đen chảy dài, má hồng đỏ lấp lánh ánh lửa. Chúng tôi đang ở khoảng giữa hai căn lều. Người Mười hai A hai đây mà. Anh đàn lại Une histoire d’amour nghe? Tôi gật đầu. Khánh hát chứ? Hát. Đang tìm bài hát đây. Gió thổi qua chúng tôi rùng mình. Tôi nói. Hát Xuân Thì đi, Khánh biết? Tiếng dạ nhỏ ngoan như một cô bé tiểu học. 

Khánh hát. Xuân đàn và tôi thổi harmonica. Thành công hơn tôi tưởng. Vỗ tay rào rào như mưa dòn trên mái ngói. Chúng tôi nhìn nhau cười. Khánh có hai đồng tiền chúm chím. Tiếng hát đã mềm những khói sương vây phủ. Hòa bảo, quí vị hát ăn “jeu” với nhau lắm. Tiếc mình không tìm ra sớm hơn, ban tam ca tuyệt diệu quá. 

Khánh ngồi bên kia, khoảng cuối vòng tròn quanh nồi bánh. Tôi nhìn Khánh qua màu lửa hồng cháy cao. Lung linh tựa hồ qua một mặt nước gợn sóng. Đôi lúc tôi thấy nhòa lẫn với ánh lửa ngỡ như nhìn lầm. Chúng tôi cách nhau một khoảng lửa hồng hừng hực, ấm áp vô cùng. 

Trò chơi kết thân do Thạch khởi xướng. Chia làm bốn nhóm nhỏ. Cả nhóm cùng vỗ tay thật đều lẫn tiếng búng tay tách tách. Búng tay trái gọi tên mình, búng tay trỏ gọi tên người khác. Người được gọi sẽ tiếp tục gọi tên người khác. Trò chơi gọi là phút xả hơi vì nhàn nhạ êm nhẹ. Khi Tuấn gọi tôi, tôi gọi Ngữ, Khánh. Khánh gọi Khánh, Đào. Lần lượt đến tôi, tôi vẫn gọi Ngữ – Khánh. Đến lần thứ ba Khánh gọi lại Ngữ. tôi tiếp tục Ngữ, Khánh. Bốn lần gọi qua lại như thế bắt đầu có tiếng cười khúc khích. Một tên nói, anh chị gọi nhau kỹ quá. Khánh đỏ mặt, ấp úng không gọi khiến trò chơi gián đoạn trong tiếng cười to. Vài tên cười hô hố ngả người ra sau. Tôi len lén nhìn và Khánh cúi đầu. Má Khánh đỏ hồng có phải vì bếp lửa? 

Hoàng đứng lên đi vào giữa vòng tròn nói. Bây giờ chúng ta chơi trò ông nói gà bà nói vịt. May quá, chúng ta có đủ năm ông và năm bà. Năm vị con trai viết câu trả lời thế nào cũng được. Tưởng tượng như có ai hỏi câu nào đó. Các cô viết câu hỏi. Xong sẽ đọc lên một câu hỏi và một câu trả lời. Đồng ý? Tiếng vỗ tay đáp lời. Giấy xé ra phát mỗi tên một mảnh nhỏ. Tôi sờ túi tìm viết. Khánh nhìn rồi thảy cho tôi cây viết nỉ màu tím. Viết xong đến Khánh, cũng cây viết đó. 

Hôm nay cắm trại vui quá. Anh có thích cắm trại không? – Tôi đói bụng quá rồi, có gì ăn không? Hai câu giao duyên với nhau thật tức cười. Đúng là ông nói gà bà nói vịt. Nắng có hồng bằng đôi môi em? – Không. Tôi buồn ngủ quá! Lần này tiếng cười kéo dài. Phía con trai cười lăn lộn như bị ai thọc lét. Các cô cười e lệ bên nhau, như là nụ cười nghiêng thành đổ nước. Có phải đám mây nào vừa thổi qua mắt tôi đêm nay? – Vâng. Hình như là tình yêu! Câu trả lời là của tôi. Tôi nhìn tờ giấy viết câu hỏi. Tờ giấy viết mực tím giống tờ giấy tôi viết. Khánh viết câu hỏi đó. Tôi hiểu ra rồi. 

Trò chơi tiếp tục vì cả bọn đều thích. Lần này có kinh nghiệm hơn nên có nhiều câu đọc lên hết sức tếu. Phe con trai viết câu hỏi. Tình yêu là gì nhỉ? – Không. Tôi không thích ăn bánh tét. Tại sao em đi cắm trại? – Vì thất tình. Hai câu ý nhị hết sức. Đúng là trường hợp hai câu tư tưởng lớn gặp nhau. Cô có yêu tôi không? – Hôm nay là ngày đáng nhớ nhất. Câu trả lời là của Khánh. Dĩ nhiên câu hỏi không phải là của tôi. Tôi đâu ngu ngốc hỏi một câu sỗ sàng đến vậy được. Câu hỏi như thế này: Hình như trận gió tình yêu vừa thổi đến chúng ta, có phải? Tiếc quá. Nó đi đôi với câu trả lời lãng nhách. Không. Tôi không biết. Tôi quan sát và hơi bằng lòng khi thấy dường như Khánh để ý biết câu hỏi của tôi. Xách đàn tôi bỏ đám đông trở về lều. Căn lều Khánh đối diện cách một khoảng ngắn. Khánh ở trong lều trước khi tôi đến. 

Tôi dạo khúc Une histoire d’amour. Khánh thò đầu ra cười với tôi ở cửa lều. Đôi mắt nàng sáng lấp lánh như những vì sao. Tôi đàn nhìn lơ đãng bóng tối bên cạnh. Hình như đêm mùa đông tối hơn bình thường. Lạnh căm như có nhiều mũi kim đâm nhẹ vào da đau nhói. Gió nhiều, tôi thấy một nửa mặt Khánh nhìn nghiêng. Tóc mà người ta gọi là tóc liêu trai xõa tung theo thế ngồi bó gối. Tôi có cảm tưởng gió muốn thổi bay đi những vì sao chi chít. Đừng nhé. Những vì sao tháng chạp có một vẻ dễ yêu thế nào. Sao dát cùng khắp khiến nền trời như sáng hơn ra. Tôi bấm tiếng đàn cuối, âm thanh sau cùng vang lên rền vang. 

Tôi thò tay ra sau trong lều lấy cuốn vở viết vài chữ đưa sang Khánh. Khánh muốn nghe bài gì nữa? Một lát Khánh chuyển vở sang tôi. Khánh thích nghe nhiều lắm. Để nghĩ đã. Tôi viết. Gì Khánh nhỉ? Cuốn vở chuyển qua đám cỏ ướt đến tôi với một dấu hỏi. Trả lại. Khánh suy nghĩ một lúc xong viết: Hòa Khánh. Tôi mỉm cười. Thông minh nhưng chậm hiểu, tên bạn nào đó đã nói câu kỳ khôi ấy. Tôi viết bâng quơ. Đêm lửa trại hôm nay vui quá – Vui, sao anh lại đi ngủ sớm vậy? – Còn Khánh cũng thế mà. Một đều. Huề nhé! – Khánh đâu có ngủ, vào tìm mấy bản nhạc đó chứ gì – Đêm đẹp thế này ngủ làm gì cho uổng. Hôm nay là ngày đáng nhớ nhất. Cuốn vở chuyển sang lều bên cạnh với câu tôi lặp lại trong trò chơi khi nãy. Khánh giữ vở một lúc lâu. Tôi im lặng nhìn. Chỉ thấy một chút sáng mơ hồ hắt lên từ khu sinh hoạt. Tiếng cười cợt nhẹ loáng thoáng, trò chơi đang chuyển sang các tác động nhẹ. Khánh đưa vở, nàng viết. Thứ năm, 27 tháng giêng – 22 Tết. 

Cứ thế chúng tôi chơi trò bút đàm mặc bọn bạn sinh hoạt. Tôi nằm hẳn trong lều thò đầu ra. Khánh ở tư thế nửa nằm nửa ngồi. Dần dần trang giấy đầy đặc chữ hai màu khác nhau – Hồi nãy Khánh viết câu gì? – Quên rồi – Xạo. Anh không tin – Khi hát Khánh run ghê. Cứ sợ sai nhịp quê lắm. Anh muốn làm đám mây. Có phải anh là đám mây bay qua? – Anh nói gì Khánh không hiểu – Mây có khi xây thành trên mắt biếc. Cũng có khi mây vỡ xuống thành mưa. Đó là những giọt nước mắt (P.C.H) – ?? – Anh mong mây đừng vỡ thành mưa. Buồn lắm – Đêm nay sao nhiều ghê nhỉ – Sao tháng chạp đấy. Khánh chọn cho mình ngôi sao nào chưa? – Có anh ạ. Sao đứng một mình đấy. Còn anh? – Sao anh ở cuối đầu trời kia. Anh thích làm mây bay hơn Khánh ạ – Mây bay trên Biển nhỏ phải không? – Đừng nhắc nữa – Biển nhỏ dễ thương lắm? – Anh không biết. Lâu quá rồi. Đó là một quãng đời cũ? – Đúng. Ta không sống hoài với kỷ niệm. Vả lại bây giờ hiện tại đẹp hơn. – Có hơn những vì sao tháng chạp? – Hơn. Đẹp hơn cả màu lửa hồng ấm áp – Anh thích nhạc không? – Thích vô cùng – Bài gì? – Nhiều lắm. Tùy lúc chẳng hạn – Bây giờ anh thích bài nào? – Phải chi có cassette nghe Je t’aime, Je t’aime – Khánh thích “Đêm chợ phiên mùa đông” – Em muốn nghe? – Muốn. 

Tôi đàn, hát nhỏ. Bên căn lều Khánh hát theo. Bài hát dành cho một người con trai và một người con gái cùng hát. 

– Em hát hay lắm Khánh ạ. Quyển vở lần này Khánh giữ lại thật lâu, bỡ ngỡ vì tôi đột ngột đổi cách xưng hô. – Anh Ngữ… – Khánh – Ngữ – Hòa Khánh – … – … – Sao em không nói gì cả? Em giận? – Có chuyện gì buồn? – Em không muốn nói chuyện nữa? – Anh không viết nữa đâu – Đừng, anh – Em có giận anh không. Anh xin lỗi – Không – Tiếc là anh mới biết em qua đêm trại này. Vậy chứ em ngồi chỗ nào trong lớp học? – Anh không thấy đâu. Nhỏ như con mèo ấy – Này em yêu quí, em nào có nghe. Trên cánh đồng cỏ có con bò kêu. Nó kêu bò bò và nó ăn cỏ. – Anh viết nhảm ghê – Nhạc Phạm Duy đấy, dám chê à – Không phải chê. – Chứ sao? Không biết – Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá. Hãy yêu nhau đi giòng nước đã trôi xa. Nước trôi qua tim rong đầy trí nhớ. Ngày mãi trông chờ, ngày sẽ thiên thu – Nhạc Trịnh Công Sơn hở anh? – Em biết mùa này là mùa gì? Mùa đông – Không, mùa thay lá của rừng… 

Tôi viết một câu cũ rích trên trang giấy, chuyển sang Khánh. Em yêu dấu. Anh yêu em. Khi bàn tay Khánh cầm quyển vở, tôi đột nhiên nắm chặt tay nàng. Quyển vở nằm hờ hững trên hai bàn tay nắm lại. Khánh run rẩy, nàng nghiêng đầu đọc dòng chữ. 

Tiếng chuông từ khu sinh hoạt tiến lại lều. Tôi buông tay nàng. Quyển vở rơi xuống cỏ ướt sương. Vội vã tôi co người nằm im trong lều. Bên kia lều tiếng Khánh nói chuyện với một người con gái. Lát sau tiếng chân đi ngang lều tôi tiến về phía nồi bánh. Tôi có thể nghe rõ tiếng củi nổ lép bép. Tiếng lửa reo vui cùng tiếng nước sôi. Đêm hình như đang ngã về sáng. Đầu tôi ướt sương. Tôi nằm yên, nhìn qua kẽ lều những vì sao nhấp nháy. 

Đêm đó tôi mơ một giấc mơ quá đẹp. 

Buổi sáng tôi dậy sớm lúc sao ngáy ngủ. Bầu trời tối nhưng sao từ từ lặn. Tôi dõi tìm vì sao của Khánh. Còn đó. Cả vì sao cuối bầu trời của tôi. 

Khánh thức sớm hơn tôi, nàng và Huệ ngồi trong căn lều chính. Đống lá khô cháy leo lét. Huệ thả từ từ từng chiếc một vào. Lửa lén đốt từng chiếc một, màu vàng khô phút chốc biến thành màu tro đen. Tôi đến ngồi sưởi. Sương còn rây đều, ngồi đây chỉ thấy loáng thoáng những căn lều. Khánh mang cho tôi một ly cà phê nóng. Tôi cám ơn bằng cách nhìn sâu vào mắt nàng mỉm cười. Tôi đọc trong mắt nàng niềm vui. Một ly cà phê cho buổi sáng trời lạnh tuyệt vời. 

Tà áo dài của Khánh ẩn hiện trong sương. Tôi ngạc nhiên nhìn. Màu áo trắng quá, trắng hơn cả sương mù. Là áo sương mù hay áo em? Thơ của Nguyên Sa. Hình như Khánh mặc áo của sương mù. Trông như một hình bóng sương khói không có thật. 

Tôi hỏi Khánh đi đâu. Khánh đáp đi mua bánh mứt. Anh chở đi nhé? Dạ. Trời chưa sáng hẳn. Chạy trong sương hẳn thú phải biết. 

Tôi chạy bay vào lều, miệng hát nhỏ. Xuân vừa về trên bãi cỏ non… Mùa Xuân đang về. Mùa Xuân rực rỡ của riêng chúng tôi. 

Duy Nguyên   

(Trích từ tuần báo Tuổi Ngọc số 86, ra ngày 25-1-1973)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét