Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

HOA MUỘN


1. Những vườn xung quanh, mai đã bắt đầu trụi lá. Ngày nào, chú Tảo cũng cái quần soọc đen lưng lửng, áo may-ô thủng lỗ chỗ, đầu đội cái nón kết đỏ, len lỏi giữa những hành cây, hỏi sang: "Bên ấy chưa nhặt lá (*) à?". Chưa ai nhặt lá mai cả. Trong vườn, mai vẫn rậm rịt, không ai rảnh mà làm việc ấy. Gần cuối năm, bà cụ lại được mời đi tỉnh chơi, những người trẻ còn lại trong nhà đùn đẩy nhau, ai cũng ngại, ai cũng cố cho rằng người ta chỉ bày vẽ, chứ cứ thử không nhặt xem, nó có nở không? Nở quá đi chứ!

Rồi một người nhớ ra, bảo "Ờ năm nay không có chú nhỏ nào đến nhặt lá giùm nhỉ?". Ở nhà, không cần quy ước, cứ ai lân la tán tỉnh Hạc đều được gọi là "chú nhỏ", có chú đến rồi đi luôn, có chú lai rai lâu lâu đảo qua một lần rồi biến mất, mỗi chú để lại một vài kỷ niệm trong nhà, trong vườn, trong cái trại gà lợp lá dừa mục nát. Đó là những cái ghế con đóng vuông vức đầy đinh; những cành cây bị bẻ quặt, uốn cong, cố vặn theo hình con lân, con phụng; là hệ thống máng ăn cho gà, dùng không biết bao giờ mới hỏng... Mọi người vẫn đùa, hỏi: "Hạc! Mày có nhớ thằng nào làm việc nào không?". Hạc vêu mặt cười: "Nhớ chứ, tôi có ghi sổ hết mà!". Mọi người cười đe: "Cẩn thận! Một trong những thằng ấy mà vớ được cuốn sổ thì mày khốn!"

...Ờ đúng rồi, mấy năm nay chẳng có ai đến nhặt lá mai cho Hạc. Tuyến lấy vợ. Nhật xuất cảnh. Chức cách đây mấy hôm thấy chạy xe vèo vèo ngoài ngã ba, chở một đứa con gái bé như cái kẹo, không ôm iếc gì cả nhưng nhìn thì biết ngay là bồ bịch. Đó là những "chú nhỏ" năm xưa, tay lăm lăm kéo, đứng chông chênh trên cái ghế gỗ, hay khom lưng giữa những tàn mai già, nhặt lá. Lá mai xạm màu rơi đầy gốc, họ lại nghĩ ra việc quét vườn. Hạc lúc tựa gốc mít, lúc đi quanh chú nhỏ, nói chuyện "ngụ ngôn", đôi khi buồn cười, thấy hình như đã nói những câu thế này, cũng trong tiếng chổi lạt xạt quét vườn, vào năm ngoái, với người năm ngoái. Rồi về, nấn ná ở cổng, hẹn Tết nhớ đến coi mai nở, à trước Tết chứ, để còn chở đi chợ. Năm nào Hạc cũng phải giảng giải việc đi chợ Tết cho một người nào đấy, anh chị trong nhà lại cười: "Người vô duyên, không giữ ai được quá một năm!".

2. Rốt cuộc, cả đám người trẻ tuổi trong nhà vừa quyết định vừa cười láu cá: "Khỏi, thử một năm không nhặt lá, biết đâu hoa ra lác đác lại chẳng đẹp hơn?". Họ vùi đầu vào mua sắm, may cho nhanh mấy bộ quần áo Tết. Hai mươi tám Tết bà cụ mới về, đứng lọt thỏm giữa những bị cói, giỏ cước, trẻ con trong nhà ùa ra, miệng hét, tay xách, người lớn cũng ùa ra, cười: "Tết về rồi!". Bà cụ nhìn khoảng vườn còn rậm rịt lá mai, lắc đầu: "Chúng mày đáng sợ thật!" . Cả lũ lại cười.

Mùng Một, mùng hai Tết, không có mai, Hạc thấy Tết giống như một ngày chủ nhật, với nhà ai giàu có làm đám cưới đốt pháo thật nhiều. Một người nói: "Mày đừng có đổ thừa! Cái hoa mai quê mùa ấy việc gì làm mày mất Tết", rồi ngậm miệng ngay, nhìn Hạc như muốn nói: "Chẳng qua năm nay không có thằng nào đến nữa mà thôi!". Hạc cũng chỉ cười, vào nhà trong nằm, lôi mấy tờ báo Xuân ra xem mà thấy buồn rũ rượi. "Năm nay mình đã bao nhiêu tuổi? Vì sao những ngày lễ Tết mình luôn phải nằm nhà?".

Một đứa cháu trèo lên giường, moi móc từ trong túi ra một đống hạt dưa và một nắm phong bao ra đếm lại. Hạc cười: " Dì thấy con đếm phải đến chục lần chứ không ít!". Cô nghĩ: "Ngày xưa mình cũng như thế này" rồi lơ mơ ngủ mất.

3. Mọi người kêu lên ngán ngẩm: "Hết Tết!". Rồi vặn đồng hồ báo thức, dậy sớm đi làm trở lại. Bây giờ bà cụ mới đi nhặt lá mai được, lụi cụi từ gốc này qua gốc khác, thỉnh thoảng pháo sót lẹt đẹt đâu đó trong xóm nhỏ. Hạc đi quanh mẹ: "Chi vậy?". Bà cụ móm mém cười: "Tội nghiệp, nhặt để nó nở!".

Mai nở. Một chiều kia, như đã hẹn, một cô bạn dẫn ông anh họ đến nhà Hạc, gửi anh ta lại bảo: "Ra chợ một chút" rồi phóng xe đi mất, lại bỏ nhỏ: "Ông đàng hoàng lắm đó!". Anh ta lù khù, tay khư khư cái mũ vàng như củ nghệ, chậm chạp, mãi mới cởi được xăng-đan để vào nhà. Hạc cau mày: "Khi mình còn trẻ, cỡ này đừng hòng bò đến gần!". Rồi đau đớn nghĩ: "Sao mình cay đắng thế này!".

... Họ ngồi một lúc lâu, có tám trang báo giở qua giở lại, chẳng đọc được tin gì. Cũng không biết nói chuyện gì. Hạc rủ: "Ra vườn xem mai chơi!". Họ đi qua những góc vườn, nơi khoảng một chục cây mai bung ra đặc kín những hoa vàng nở muộn. Hạc nghĩ: "Có mai rồi đấy, mà vẫn không thành Tết!". Hai người khoanh tay bước, chỉ có tiếng lá mai lạt xạt dưới chân. Họ vẫn không biết nói gì, nghiêm trang như giám khảo hội hoa Xuân... Và nắng chiều tắt dần, như một dải voan cũ vắt trên ngọn cây, nhợt nhạt...


PHAN THỊ VÀNG ANH

.................................. 
(*) Nhặt lá : chỉ công việc ngắt bớt lá trên cây mai để hoa mai nở đúng dịp Tết.  

 

Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

TẾT GIỮA RỪNG


Cha tôi qua đời chưa được một năm thì mẹ tôi giữ vẹn chữ tòng. Chỉ còn mình tôi ở lại với cái gia tài khá lớn. Mấy chú bác của tôi vốn là những người giàu có, tự cho đầy đủ kinh nghiệm trong việc quản trị tiền của, nên sau một ngày bàn cãi sôi nổi bên cạnh quan tài mẹ tôi, thỏa thuận chia xẻ cái gia tài kia ra làm nhiều phần không mấy đều nhau để cùng gánh vác giúp tôi. Sau cùng, chỉ còn lại mỗi mình tôi. Ông nào cũng thấy cáng đáng gia tài là việc nặng nhọc lắm rồi, nay phải nuôi thêm một đứa cháu nữa là điều ngoài sức tưởng tượng. Có ông bảo rằng tôi là đứa trẻ học hành thông minh, sau này chắc có sự nghiệp lớn lao, và sợ mình không đủ sức nuôi dưỡng một hạng tài năng như thế nên dành cái hân hạnh ấy cho một ông khác. Rốt cuộc, ông nào cũng đồng ý với nhau như vậy, cho nên vấn đề của tôi trở nên hết sức khó xử.

Cuối cùng, cần phải ra về êm xuôi, người ta quyết định gửi tôi qua phía bên ngoại cho được trọn tình, lấy cớ là tôi giống mẹ như đúc. Và tôi được đưa cấp tốc lên nhà người cậu buôn bán ở tận miền nguồn.

Ngày tôi mới đến, cậu mợ tiếp tôi như tiếp đón một món hàng quá thời. Suốt trong bữa ăn đầu tiên, thỉnh thoảng tôi gặp cậu tôi liếc về phía tôi một cách vội vàng. Sau đó, lúc ngồi xỉa răng, ông gọi tôi lại mà bảo:

- Tao đã có dịp coi kỹ tướng mày trong lúc ăn rồi. Mày có tương lai khá lắm.

Rồi ông trầm ngâm, chĩa cái tăm lên gần mũi để ngửi xem chút đồ ăn khơi được trong các kẽ răng đã giam giữ quá hạn chưa. Lát sau, ông tiếp:

- Nhưng tướng của mày chỉ khá trong sự buôn bán chứ theo con đường chữ nghĩa thì không nước non gì đâu. Kể thì như vậy cũng tiện, vì ở miền này không có trường học.

Rồi ông hạ giọng thân mật:

- Thôi, ở đây học tập buôn bán với cậu, con à.

Từ đó, tôi thành một thứ hề đồng lẽo đẽo theo sau cậu tôi, tập sự bán buôn. Tôi còn nhớ rõ một dịp cuối năm, cả nhà đang lo chưng dọn để chờ Tết đến thì có tin từ phố Hội đưa lên giá trà cao vọt bất ngờ. Cậu tôi là một tay buôn sành sỏi và ông hiểu kỹ lời ông bà dạy “có gan làm giàu” nên không bỏ qua một cơ hội nào thuận tiện để thủ lợi. Bởi thế, ông quyết đi vào các vùng có chè để đặt giá trước. Còn bốn ngày nữa là Tết nên bà mợ tôi tỏ ý hết sức phân vân. Sau cùng, trước viễn ảnh một món lời to sụ, bà ta không muốn ngăn cản đến lần thứ hai. Nhưng khi cậu tôi bước ra khỏi cửa, bà còn một hai ba bốn dặn dò phải về trước chiều ba mươi để đưa ông bà. Cậu tôi quả quyết sẽ về sớm hơn để tắm tất niên.

 Cậu tôi dẫn tôi qua mạn sông Trầu, sang miền sông Tranh rồi thẳng lên Râm, đây là đất nước đồng bào Thiểu số. Công việc bán mua đổi chác có mòi chắc ăn nên ông tỏ ra hết sức vui vẻ. Trên con đường về, ông cũng không quên nhân tiện ghé buôn Cà Đum để hỏi mật ong. Và ông lại nhớ ghé buôn Cà Đoi để hỏi đổi nếp. Trời mưa, nước suối lên đầy, chúng tôi đi tới Cà Đoi thì trời đã chiều. Theo sự dự tính thì phải đến từ nửa buổi. Chúng tôi đành phải ngủ lại, để sáng ngày sau về sớm

Tôi nằm trên mặt nhà sàn, bên cạnh bếp lửa, băn khoăn thao thức, trong khi cậu tôi ngáy như cưa gỗ. Gần sáng, trong khi tôi bắt đầu thấy cần phải ngủ, thì ông cậu tôi thấy cần phải dậy. Cậu tôi xăm xúi đi trước, còn tôi phập khà khập khiễng theo sau trên đường đá dốc, chứa chan oán giận trong lòng. Khi trời sáng hẳn, chúng tôi đi khỏi buôn đã khá xa và gặp một dòng suối nhỏ. Cậu tôi đứng yên trên bờ hồi lâu, lẩm nhẩm tính toán có vẻ như đang thương lượng giá cả với mấy cục đá bên suối, rồi bảo:

- Mình phải đi tắt mới về kịp được. Hôm nay là ba mươi rồi, cứ theo đường cũ thì mất hai ngày ròng rã, vị chi mồng một mới về tới nhà. Tao biết một con đường khác băng qua Cà Cuống, gần lắm.

Rồi ông hăm hở đi trước, tôi lại lếch thếch theo sau. Cứ thế chúng tôi qua đèo, xuống dốc, lên đường, liên miên chẳng dứt. Những khi gặp dấu đàng mòn, cậu tôi nhìn ngang nhìn dọc tỏ vẻ quan sát như người rất thông thạo, rồi dừng lại chờ cho tôi đến kịp cùng đi.

Nhưng khi dấu mòn đã hết phải đi bương bả trong rừng thì cậu tôi cứ xăm xăm lướt tới, không hề nhớ rằng tôi đang bê bết theo sau. Chúng tôi luồn lõi trong những lùm cây khuất bóng mặt trời, băng đủ mọi chiều mà vẫn không thấy một lối đi sáng sủa. Người tôi mồ hôi dầm dề, lớp này chưa ra khỏi lỗ chân lông có lẽ lớp khác đã túa ra rồi. Cậu tôi cũng mệt chẳng kém, nhưng hễ khi nào quay lại chờ tôi thì ông đã có thì giờ lau sạch mồ hôi trên mặt và đã có dịp thở mạnh vài phút trước rồi, nên trông diện mạo cũng còn giữ vững nếp nhà. Tôi cứ định bụng mỗi khi đến kịp, sẽ bảo ông nên đứng lại để ăn, bởi vì ruột đói cồn cào, nhưng chưa mở miệng đã thấy ông vội quày quả bước đi. Ban đầu tôi muốn kêu lại nhưng sự nhọc mệt và cơn giận tức bỗng dưng nổi lên khiến tôi im lặng. Tôi đâm hờn dỗi, tự nghĩ rằng mình sẽ đi, đi mãi, không nói một câu, không kêu một tiếng, đi cho đến khi ngã chúi xuống đường bất tỉnh, để xem ông cậu vô tình liệu tính thế nào. Do đó tôi chăm chú bước những bước liều lĩnh, tuy mắt rưng rưng muốn khóc mà ruột càng ngày càng đau thắt lại. Sau cùng, trong chuyến đi đua không định trước này, cậu tôi bỏ cuộc. Lúc tôi đến kịp thì thấy ông ngồi rũ người bên một hố nước, thở hào thở hển, hai tay bải hoải chìa đủ mười ngón để ôm lấy cặp đầu gối run run, mồ hôi nhễ nhại khắp mình, lem luốc mặt mày. Nói không sợ tội, quả thực lúc ấy lòng tôi thoáng một ý mừng, và dù đã bết-xà-lết tôi vẫn giả bộ đi luôn. Cậu tôi phì phào kêu lên, gần như hụt hơi:

“Nghỉ đã! Biết đâu mà đi?”

Tôi quay trở lại chậm chạp, cố giấu tình trạng rũ liệt của mình. Cậu tôi giở gói xôi ra, bẻ làm hai phần không được đều nhau, đúng theo tỉ lệ tuổi tác mỗi người, rồi chia cho tôi một cục. Trong suốt thời gian ngồi ăn, hai cậu cháu tôi có vẻ như chưa từng quen biết nhau lần nào. Mỗi người yên lặng ăn rất siêng năng, cẩn thận, chỉ sợ bàn tay run run sơ ý để xôi rơi vãi xuống đất. Tôi ăn rất nhanh nhưng cứ sợ xôi chóng hết. Sau cùng, chúng tôi nhìn lớp lá chuối còn lại trên tay một cách tính toán, tưởng chừng có thể nuốt luôn đi được, nếu không vì chút tự ái của những con người văn minh giữ lại.

Khi đã uống xong một mớ nước hố cho thật khẳm bụng, tôi mới bắt đầu lai tỉnh và nhìn rõ nơi chúng tôi lạc vào. Cây rừng chằng chịt lau lách, dây leo giăng trải mịt mù, có lẽ chúng tôi đã vào một nơi sâu nhất rừng già. Cậu tôi cũng đã khỏe lại, cho nên bây giờ ông ta có đủ tinh thần để mà hốt hoảng một cách hoàn toàn. Ông ta nhớn nhác nhìn quanh, nhìn quất rồi leo lên một tảng đá khá cao để định hướng đi. Ông kêu từ trên cao vót:

“Trời đã xế rồi!”

Tiếng kêu như một lời than tuyệt vọng khiến tôi cũng thấy bàng hoàng. Và ông vội vàng tuột xuống, tuột mau đến nỗi lăn nhào người tới, rớt nằm chổng kềnh ở giữa bụi cây. Tôi cố nín cười hết sức khó nhọc và dọn rất gấp bộ mặt chí hiếu chạy đến nâng cậu tôi dậy. Hai cậu cháu tôi nhìn nhau một cách khó hiểu, không biết ai ngượng hơn ai, rồi cậu tôi lại vội vã bước đi. Chúng tôi theo dòng nước chảy đổ xuống sườn dốc, không mong lạc đến một chốn Thiên-thai mà chỉ mong gặp bất cứ một xóm thôn nào hẻo lánh. Dần dần, dòng nước khuất sâu trong những lùm cây, chỉ còn nghe tiếng róc rách, rồi tiếng rì rầm mơ hồ như muôn ngàn chuyện âm thầm bí mật ở trong lòng đất. Thỉnh thoảng chúng tôi phải dừng bước lại, lắng nghe. Nhiều lúc, tiếng nước yếu ớt chìm dần, hòa hợp với bao âm thanh vọng lại từ xa của chốn rừng sâu như muôn dòng suối đổ dồn một lượt. Rồi gió chiều nổi lên, cây cối xạc xào rúng lạnh. Cậu tôi leo đá, rẽ cây, lao mình nhào tới như phải đuổi theo kẻ thù trước mặt, còn tôi hối hả, vội vàng như phải trốn thoát kẻ thù đang đuổi sau lưng.

Sau cùng, tiếng nước mất hẳn. Chúng tôi dừng lại, tưởng như tim mình ngừng đập. Tôi cố lắng nghe, lắng nghe, nhưng tiếng rừng trước hoàng hôn mỗi lúc dồn dập dâng lên cùng với sắc tối tiết ra từ các khe sâu hốc thẳm, chập từng mảng đen trong các chòm lá âm u dày đặc. Màu xanh xa xôi ngả sang sắc tím. Thỉnh thoảng, vượt khỏi lùm cây rậm rạp, chúng tôi bắt chợt từ đỉnh cây xa một vệt ánh sáng tê tái của nắng chiều nuối lại, y như hy vọng mong manh thoi thóp nơi lòng. Chúng tôi lại đi, âm thầm đẩy những bước chân hồi hộp. Không ai dám mở lời nói tiếng nào, tưởng như lời nói đã thành cấm kỵ. Những tiếng vượn hú kéo dài, rền rĩ, vọng lại từ xa chuyền sang những tiếng hú khác gần hơn, gấp hơn, như lời kêu cứu hốt hoảng. Một con chim lớn lướt qua, vỗ cánh xạc xào. Muôn ngàn côn trùng âm ỉ bắt đầu sống dậy từ trong lòng đất. Hai cậu cháu tôi, không ai bảo ai, cũng chùn bước lại. Kẻ thù bây giờ không chỉ trước mặt, sau lưng, mà đã bủa vây từ phía. Mỗi lần gặp một cành gai bấu áo giật lại, tôi bỗng hoảng hốt như bị bàn tay núi rừng giữ lấy. Qua mỗi bước chân khua động lá khô xào xạc, tôi có cảm tưởng như nghe văng vẳng tiếng rít của loài rắn độc, tiếng gừ của giống hùm beo, sau mỗi lá cành lay chuyển như có hình bóng chập chờn của bầy thú dữ rình mồi. Lo sợ, kinh hoảng càng ngày càng tăng, đến độ thần trí hoang mang không biết mình đang suy nghĩ những gì.

Cậu tôi không còn cái vẻ nhớn nhác linh hoạt hoặc hoảng hốt vội vàng mà chỉ là một bóng dáng thiểu não, đầu cúi gầm, chân quờ quạng, như đang bận tâm vì bao nhiêu nỗi lo lắng trong lòng. Cứ mỗi bước chân tiến tới, tôi có cảm giác đi sâu vào chốn hiểm nghèo, xa dần sự sống loài người. Và sự khiếp đảm nhường lần cho sự tuyệt vọng thảm thiết. Theo bóng hoàng hôn rũ xuống, sự chết dường như lảng vảng khắp nơi.

Một lúc, tôi tưởng mình không còn bước được nữa. Cậu tôi đã vượt qua khỏi một lùm gai rậm và khuất dạng hẳn. Tôi muốn kêu lên nhưng cổ nghẹn lại, nước mắt chảy dài xuống má, vẽ râu quanh miệng, biết rằng khóc lên thành tiếng sẽ làm tiêu tan chút ít cố gắng cuối cùng. Tôi cố dõi theo lá cành lay động. Núi rừng giấu mất người cậu yêu quý của tôi rồi! tôi sợ hãi, hốt hoảng tưởng như điên cuồng. Bỗng một tiếng kêu thét ở phía trước:

- Đây rồi!

Tôi bương gai, nhào đến. Cậu tôi đang đứng yên lặng giữa những lùm cây rậm. Tôi phập phồng hỏi:

- Có thấy nhà ai hở cậu?

Ông vẫn lặng thinh, cúi đầu nhìn quanh chăm chú, lỗ mũi hô hấp một cách tích cực, dáng điệu thận trọng như người phù thủy đang làm phép mầu. Tôi cũng đúng im, hồi hộp, chờ đón một hiện tượng lạ. Sau phút âm thầm, cậu tôi ngẩng lên nhìn tôi, nói bằng một giọng vui mừng, nét mặt tràn đầy tin tưởng:

- Tao nghe có mùi phân người!

Một mùi phân người? tôi hỏi vội vàng:

- Ở đâu?

Cậu tôi đảo người, ngửi quanh một vòng:

- Nghe ở đâu đây, gần lắm.

- Hay là phân của thú rừng?

Ông ta xì một tiếng lớn, đáp lại:

- Phân người khác hẳn với phân loài thú, tao biết rõ mà!

Cậu tôi nói bằng một giọng chắc chắn, có vẻ hết sức tự hào về kiến thức của mình. Tôi còn tỏ ý hoài nghi:

- Biết đâu là của người ta đi lên đốn củi từ lúc sớm mai hay từ hôm qua, nay đã về rồi!

Ông ta gắt lên:

- Không, một mùi phân mới! Mày chẳng biết… cứt gì cả!

Trong đời, tôi bị mắng mỏ nhiều lần, lần nào cũng thấy oan uổng, trừ mỗi lần này.

Cậu tôi vẫn giữ vững niềm tin tưởng trong khi lỗ mũi hoạt động không ngừng:

- Hãy gắng tìm xem. Mày vốn thấp người, dễ ngửi thấy hơn tao nhiều. Có phân, thì thế nào cũng có người.

Chúng tôi quờ quạng vừa hít vừa tìm trong các bụi cây chung quanh. Bóng chiều bắt đầu loạng choang nên mắt và mũi của tôi phải mở rộng hết chu vi trong cuộc săn tìm. Một chốc, tôi bỗng reo lên:

- Đây rồi!

Cậu tôi lách gai, nhào đến:

- Đâu? Ở đâu?

Giữa một vòm cây tương đối khoảng khoát, trên một phiến đá bằng phẳng, một bãi phân người ngự trị uy nghi, cuộn tròn lại thành những khúc chặt chịa. Cậu tôi cúi sát người xuống như muốn khảo sát cho thật tường tận dấu vết hiển hiện của kẻ đồng loại trong chỗ xa xôi và hẻo lánh này. Đến khi biết rằng không còn hồ nghi gì nữa, ông từ từ đứng thẳng lên, thành khẩn, trang nghiêm, mắt vẫn không rời tảng đá. Tôi cũng đứng không nhúc nhích, yên lặng chiêm ngưỡng cái vật mà cậu tôi đặt vào đấy tất cả hy vọng cứu thoát. Không khí rừng già tự nhiên mất hẳn cái vẻ đe dọa rùng rợn ban chiều và chúng tôi thấy dần dần vững tâm như bước vào miền quen thuộc. Bãi phân bây giờ như đã mất hết những mùi hôi thối, mất hết vẻ ghê tởm của chất cặn bã hằng ngày mà trở thành một chứng tích thiêng liêng của những sinh hoạt con người. Cứ thế, chúng tôi yên lặng rất lâu, trong lòng rưng rưng một nỗi cảm động khôn tả.

Sau cùng, cậu tôi ngẩng lên nhìn tôi, nói bằng một giọng hết sức hiền từ:

“Con ạ, mình không đến nỗi gì đâu. Đừng đi xa nữa mà lạc. Cứ chờ nơi đây rồi theo dấu đèn tìm nhà.”

Phút chốc, núi rừng tím đậm đặc lại, khói đã mờ mịt dâng lên. Giữa cảnh đen thẳm mênh mông, xa xa dưới một triền dốc, bỗng thấy le lói hiện lên một vệt lửa dài.

Không biết đã mất bao nhiêu thì giờ qua những cây bụi um tùm, chằng chịt, chúng tôi dõi theo ánh lửa chập chờn  trước mặt, âm thầm xông tới, nghe gai cào sướt da thịt, áo quần sột soạt như bị xé tung từng mảnh. Mỗi lúc ánh lửa lớn dần, chúng tôi thấy rõ một đống củi rừng rực soi sáng nhóm người lố nhố bên kia suối nước phản chiếu ánh lửa đỏ hồng. Đến gần, cảm thấy đuối sức không dám liều lĩnh vượt qua dòng nước trong đêm, chúng tôi ngồi phệt bên bờ. Cậu tôi cố gắng kêu lên:

- Bà con cho tôi hỏi nhờ một chút!

Những tiếng rì rầm dừng lại, đám người tản ra. Tôi kịp trông thấy một con trâu lớn, lông cạo nham nhở, loang lổ những vệt đen trắng, nằm chổng bốn vó.

Vài người che tay lên mặt, nhìn qua, hỏi lớn:

- Ai đó?

Cậu tôi gắng gượng đứng dậy, nói sang:

- Chúng tôi lạc đường, nhờ bà con cho nghỉ tạm đêm nay.

Một người trẻ tuổi có vẻ linh hoạt, vớ lấy bó đuốc châm vào đống lửa cho cháy sáng lên rồi cầm thêm cây lao nhọn, soi đường cho người đứng tuổi tay cắp dáo dài, từ từ lội qua. Hai người rọi đuốc nhìn ngắm chúng tôi một lát. Bấy giờ tôi mới thấy rõ cái vẻ tang thương hết mức của cậu cháu tôi, và trông rõ hơn sắc diện gân guốc của mấy người vừa gặp.

Người đứng tuổi, sau khi nhìn chăm chắm vào tôi, quay sang bảo người trẻ tuổi:

- “Đo mây lò ma do mân bo muôn ỏ mơ chọ mơ” *.

Cậu tôi vốn từng quen thạo những lối nói lái trong sự trao đổi bán buôn nên hiểu ngay là những kẻ “lái mo” *, vội vàng đáp lại:

- Đúng rồi! Chúng tôi là những dân buôn ở chợ.

Và ông bắt đầu kể lể chuyến đi khó nhọc vừa rồi, không quên khéo léo thêm rằng ông không đem theo tiền bạc.

Người trẻ tuổi đưa mắt về phía người đứng tuổi và người này mỉm cưới, bí mật:

- Được, ta biết. Nếu quả dân làng giả dạng mò lên tìm trâu thì ta đã lụi cho một lưỡi dáo này rồi. Thôi, theo ta mà sang bên này.

Rồi họ thong thả lội về, chúng tôi theo sau, biết rằng mình lạc vào một ổ cướp nhưng thấy vững dạ khác thường. Đến nơi, người trẻ và người đứng tuổi xúm lại phụ lực với mấy người kia. Không ai tỏ vẻ ngờ vực, bàn tán gì hết. Sự đột nhập của chúng tôi có nghĩa như hạt cát nhỏ rơi xuống mặt bể bao la. Chúng tôi tự dọn lấy một chỗ nằm bên lửa, và chỉ phút chốc cậu tôi đã chìm sâu trong giấc ngủ mệt mề. Tôi nằm dài người trên lớp lá tươi, cơ thể rã rời, tê nhức. Dần dần được hơi lửa ấm, tôi ngủ thiếp đi.

Khi tôi lơ mơ tỉnh dậy, đống lửa đã tàn quá nửa. Có lẽ đêm đã về khuya nên sương xuống nhiều, lộp bộp rơi trên lá cành. Thỉnh thoảng, thừa dịp ánh lửa nguội tàn, hơi núi lạnh lẽo len vào rồi lại đột ngột bị một cành khô bùng cháy xua đi. Một mùi thơm tỏa khắp nơi và tôi để ý thấy những lụi thịt rất dài nướng lèo xèo trên đống than hồng bươi thành vạt rộng. Hai người đang chụm một cái nồi lớn khói tuôn nghi ngút, còn những kẻ khác bó gối yên lặng chung quanh bếp lửa. sau một giấc ngủ, bây giờ tôi mới có đủ tỉnh táo để nhìn rõ hơn. Họ gồm sáu người suýt soát lứa tuổi như nhau, trừ người trẻ tuổi ban nãy là kẻ nhỏ nhất. Họ mặc đồ đen, ngắn cỡn, tóc mọc khá dài, đôi người trên cằm râu đã lún phún. Người trẻ tuổi kia xem chừng hơn tôi chỉ độ vài tuổi nhưng đôi má hóp nên trông già dặn hơn nhiều.

Tôi cố gắng nghe họ nói với nhau những gì nhưng họ như không còn gì để nói cho nhau nghe nữa. Nhớ lại bãi phân lúc chiều, tôi lẩn thẩn tự hỏi trong những người này ai là tác giả. Tự nhiên tôi thấy mến họ, thương họ một cách lạ lùng. Những khuôn mặt khắc khổ, gân guốc kia không có chút gì gọi là dữ dằn độc ác như tôi đã từng quan niệm kẻ cướp theo lối miệng người mô tả. Tôi chỉ thấy đó là biểu hiện của một sức sống mạnh mẽ khác thường, vì chính họ đã đem lại cho chúng tôi niềm hy vọng và bây giờ đây một sự chở che giữa chốn rừng già hiểm ác hoang vu. Trong cảnh yên lặng nặng nề, một người vụt nói:

- Bây giờ có lẽ đã Giao-thừa rồi!

Giọng nói như niềm luyến tiếc xa xôi, vọng lên cô độc giữa đêm khuya vắng. Không một người nào hưởng ứng. Cái Tết ngoài kia, sau lớp núi rừng dày đặc, đã thành viễn anh mơ hồ, có lẽ chỉ nên hoài niệm trong lòng hơn là nói lên bằng miệng. Khung cảnh trở lại im lìm. Chỉ có tiếng nước reo sôi sùng sục trong nồi, tiếng củi nổ dòn lách tách. Không biết bao lâu tôi đã thiếp dần trở lại thì nghe tiếng người gọi dậy. Cậu tôi đã thức giấc từ bao giờ cùng với mọi người ngồi vây quanh nồi thịt lớn, trước mặt đầy những lá rừng chồng chất ngang dọc những lụi thịt nướng đen ngòm. Người trẻ tuổi quay về phía tôi, bảo rất ôn tồn:

- Xuống suối rửa mặt cho tỉnh người đi rồi đón năm mới.

Khi tôi chen vào tìm một chỗ ngồi trong đám người kia, tôi mới nhận thấy rằng cậu cháu tôi không khác xa họ bao nhiêu. Núi rừng đã giúp hóa trang suốt ngày hôm nay để cho chúng tôi dự cuộc tiệc này bằng một bộ mặt và những quần áo hợp với hầu hết quan khách.

Người đứng tuổi ban nãy có vẻ là đầu bọn, bợ ra từ trong bụi rậm một cái hũ lớn bịt kín, vừa nghiêng về phía cậu tôi, vừa nói:

- Đã mấy năm rồi mới lại ăn Tết với người phường chợ. May cho các người, chiều nay bọn ta mới bắt con trâu về kịp. Thôi thì cứ việc ăn no, uống say, rồi mai dậy sớm bọn ta chỉ đường mà về kẻo người ở nhà nóng ruột đợi chờ. Nhớ đừng bép xép nói đi nói lại điều gì ở đây với lũ tuần vệ dưới làng mà có ngày phải oan mạng. Thôi, ăn đi! Uống đi! Ở đâu cũng là Tết cả.

Anh ta chia cho mỗi người một chiếc gáo dừa:

- Ăn uống cũng trong cái này, bà con. Chén này cũng chẳng phải tồi tàn đâu. Rượu có thuốc độc thì nó sôi lên đấy nhé.

Không ai mời mọc ai nữa, bắt đầu xáp trận. Cậu tôi hình như cho rằng thịt trâu là món bổ dưỡng nên gắp hăng hái lạ thường. Về tửu lượng, ông cũng nhân dịp tỏ cho mọi người thấy rằng ông có bản lĩnh cao cường không kém một ai, kể cả đầu nậu bọn cướp. Sau cùng, mọi người ngật ngà, ngật ngưỡng, đảo những chiếc đầu bù xù thành những vòng tròn loạn xạ rồi ngã lăn ra trên đất. Cậu tôi cố giữ phần thắng về mình, gắng vẽ thêm một vòng tròn cuối cùng mới chịu chấm dứt một cách oanh liệt, đầu úp trên hai cánh tay xếp chéo, một chân duỗi thẳng, gác lên mình một tên cướp.

Tôi không uống được rượu nhưng nhìn mọi người nằm lăn ra ngủ một cách ngon lành, say sưa, trong lòng bỗng thấy thèm thèm. Và nghe điệu ngáy càng ngày càng cao biến thành một thứ giọng đe dọa, tôi đâm sợ hãi không sao ngủ được. Tôi mò dậy, nghiêng hũ rượu, cầm chiếc gáo dừa vét lấy những giọt cuối cùng, rồi cố thu hết can đảm, nhắm mắt nín thở, trút ộc vào miệng. Cổ họng tôi như bị xé toạc ra, dòng rượu càng vào sâu trong gan ruột nung đốt rần rật khắp cả cơ thể. Đầu tôi hoa lên, tôi phải chống cả hai tay xuống đất để tự bảo mình không phải là kẻ nhượng bộ dễ dàng. Cuối cùng, thấy rằng khó lòng đương đầu với một địch thủ quá mạnh, tôi phải đảo một vòng tròn, nhưng mới vẽ được nửa vòng thì đã theo gót cậu tôi, ngã gục trên bãi chiến trường.

Tôi nhớ hình như tôi có giật mình thức dậy một lần nào đó, và thấy lờ mờ gã trẻ tuổi ngồi ủ rũ bên cạnh một đống lửa tàn. Gã thẫn thờ nhìn vọng vào trong đêm dày, rồi gã thở dài, lấy chiếc que nhỏ bươi bươi trong mớ than hồng. Sau cùng gã cứ ngồi im như thế rất lâu, chong một sự sống cô độc giữa chốn rừng đêm u uất, cho đến khi tôi ríu mắt, chìm trong giấc ngủ nặng nề.

*

Lúc chúng tôi thức dậy, mặt trời đã xuyên vòm lá, điểm từng chấm vàng lỗ chỗ trên đất bừa bãi lá héo, củi tàn, xương trâu và thân người. Nghe khua động, người đầu nậu, người trẻ tuổi và một vài người nữa cũng tỉnh giấc. Người đầu nậu gấp cánh tay chống xuống đất để kê đầu lên rồi ngoảnh về những người kia, nói bằng một giọng ngái ngủ:

- Lấy thịt cho cha con ông ấy ăn no để lên đường. Ở đây ngày Tết, nhưng hết gạo rồi. Cũng chẳng có một chiếc bánh. Nhưng về ngoài chợ, các người chẳng thiếu thức gì,

Anh ta nheo một mắt lại, nói tiếp:

- Người nào chịu dẫn họ ra đầu rừng bây giờ?

Gã trẻ tuổi đứng dậy, gật đầu ra dáng tình nguyện rồi đi lại một bụi rậm lôi ra chiếc rựa cán dài.

Người đầu nậu quay về phía cậu tôi nghiêm nghị bảo lớn:

- Này, ông lái, kiểm xem tiền bạc trước khi lên đường kẻo có mất mát đồng nào, lại nghĩ lầm rằng ta đã đòi tiền rượu thịt.

Cậu tôi ấp úng, luống cuống trả lời rằng ông chỉ đem theo số tiền rất nhỏ nhưng đã đặt cọc hết rồi. Nghe thế, anh ta nhếch mép, gần như mỉm cười:

- Tiền nhiều tiền ít ta không cần biết làm gì.Hồi hôm nhìn qua dáng dấp của anh, ta cũng biết là hạng có máu mặt. Nhưng anh đã đến nhờ vả bọn ta, thì bọn ta phải che chở cho anh. Không mất đồng nào chứ? Lần sau thì nhớ cẩn thận, lỡ gặp giữa đường vào dịp bọn ta túng quẫn thế này thì chắc cha con nhà anh khó mà sống thoát.

Anh ta nói những câu này một cách chậm rãi, giọng đặc sệt vì buồn ngủ. Sau cùng anh ta lim dim đôi mắt, nói tiếp:

- Thực ra sống trong bọn người tự hào lương thiện như cha con người mới thường xuyên bị mất cướp, còn sống ở trong bọn cướp là chúng ta đây, mới thực an toàn.

Bỗng anh lồm cồm ngồi dậy, chống thẳng hai tay lên đất, chồm người về trước, giương mắt đỏ ngầu nhìn cậu cháu tôi một lát khá lâu, mỗi lúc vẻ mặt lại càng lộ vẻ căm giận khác thường. Tôi cúi mặt xuống, cảm thấy những miếng thịt nguội thật là khó nuốt. Phải chăng câu nói vừa mới thốt ra từ nơi của miệng của anh đã vụt khêu lên bao nỗi oán hờn ấp ủ từ lâu ở trong gan ruột như rừng cỏ tranh héo khô bùng cháy khi gặp một đốm lửa tàn? Lúc tôi lấm lét nhìn sang, anh ta vẫn còn chăm chắm ngồi nhìn như thế. Có lẽ cái nhìn ấy không để thấy chúng tôi mà để soi mói tìm về một thế giới nào trong hai cậu cháu chúng tôi. Bỗng anh chúm miệng, nhướn cổ khạc một tiếng lớn, nhổ ra trước mặt. Giọng anh trở nên hằn học lởm chởm như bộ lông nhím bắt gặp kẻ thù:

- Khốn nạn cho những lũ người tự hào lương thiện xưa nay! Hừ! Lương thiện! Xé rách túi áo chúng nó ra để xem tiền bạc lấy ra từ ngõ ngách nào? Hay là mồ hôi nước mắt của ai? Hay toàn những lời gian ngoa, vu cáo để che đậy sự xấu xa, thối nát hơn là rác mục trong đầu óc chúng? Đập cho vỡ sọ chúng ra, thử xem chứa đựng những gì, ngoài những mưu mô độc ác để mà thủ lợi? Hừ! Lương thiện! Lương thiện! Nhai xương chúng bay cho hả dạ này…

Anh đứng vùng dậy. Đang nhai, tôi vội ngậm lại, nín thở. Cậu tôi rón rén rút lui đôi đũa từ một nồi thịt, tỏ vẻ thành tâm, kính cẩn của kẻ phục tùng thiên mệnh.

Người đầu nậu khệnh khạng lại một gốc cây, vớ lấy chiếc rựa. Cậu tôi buông đũa, co một gối lên, không biết chuẩn bị chạy trốn hay là van lạy.

Tôi nhìn cậu tôi cầu cứu, nhưng cậu tôi quay nhìn nơi khác rất nhanh. Tôi biết chuyến này nếu phải mở một đường sống thì ông cậu của tôi sẽ lại sốt sắng đi trước và giao cho tôi nhiệm vụ theo sau để mà cản hậu. Bất giác, tôi liếc nhìn vào nồi thịt, cảm thấy rõ rệt trưa nay tôi sẽ nằm gọn trong đó, cùng chung số kiếp với trâu.

Nhưng người đầu nậu không đi về phía chúng tôi. Anh ta tới một bụi cây, vung rựa chặt ngang chặt dọc như kẻ điên cuồng. Cuối cùng, mệt lả, anh ta ném rựa xuống đất, hào hển đi lại chỗ cũ, nằm xuống, nhắm đôi mắt lại. Lát sau, anh ta lại ngẩng đầu lên, lim dim quay mặt về phía chúng tôi, ôn tồn:

- Thôi, đi về, nên nhớ những lời ta dặn hồi hôm mà ăn nói cho cẩn thận, đừng để phiền nhiễu bọn ta. Chẳng phải ta sợ đứa nào động chạm, nhưng ta không muốn cha con các người đổi ân làm oán.

Rồi anh ta ngã đầu xuống, nhắm mắt lại, hơi thở dần dần điều hòa trong một giấc ngủ bình yên.

Ăn xong, gã trẻ tuổi cầm rựa đi trước, cậu cháu tôi lại lúc thúc theo sau. Suốt đoạn đường dài, anh ta lầm lì cất bước, chúng tôi không ai nói gì, âm thầm luồn lõi trong những lối đi nhỏ hẹp dọc theo triền núi xoai xoải. Nhiều lần tôi muốn gợi chuyện, hỏi thăm người dẫn đường một vài câu để ghi lại ít kỷ niệm nhưng không biết nói thế nào, đành phải làm thinh. Lâu lắm, chúng tôi mới đến ven rừng. Cảnh vật bắt đầu thay đổi, quang đãng hơn nhiều. Người trẻ tuổi dừng lại cạnh một tảng đá và đưa tay chỉ về phía trước mặt:

- Các người có thấy khe nước kia không? Ở đằng xa kìa… Ấy đó, cứ theo bờ khe bên mặt mà đi thì sẽ gặp một đồng ruộng dọc theo mấy dãy đồi rang. Băng hết đồng ruộng thì đổ ra một con sông, tiết này lội được. Qua sông là miền Bình-Huề, ở đấy không thiếu người ở.

Anh lập lại lần thứ hai, rồi lần thứ ba cho cậu tôi nhẩm theo, rồi bảo:

- Từ đây ra chợ Việt-An phải một ngày đường ròng rã. Thôi, các người lo đi về cho kịp tối.

Cậu tôi cám ơn, nhưng gã đứng im không đáp. Ông ta quày quả bước. Tôi cứ ngập ngừng không nỡ rời chân, tự nhiên thấy nghẹn ngào. Giữa gã tuổi trẻ và tôi nẩy sinh một niềm quyến luyến, chẳng rõ vì đâu. Nếu không biết thêm chút gì về gã, tôi sẽ xót xa chừng nào, bởi vì mãi mãi từ đây cho đến trọn đời, chắc gì tôi còn được gặp lại gã một lần thứ hai. Tôi ấp úng:

- Anh…

Gã nhíu mày, hỏi:

- Có gì?

Tôi cố gắng lắm mới thốt nên lời:

- Chào anh… Tại… sao mà… anh lên đây?

Gã cười:

- Tại đâm họng người ta, biết chưa? Đâm họng là thế này này…

Gã khoa lưỡi rựa, dừng ngang ở tầm cổ tôi, khiến tôi hốt hoảng lùi lại. Gã phá lên cười rồi lại nín lặng đột ngột.

Tôi mất hết sự hào hứng để hỏi thêm nữa nhưng còn đánh bạo một câu cuối cùng:

- Thế… anh có nhớ nhà không?

Gã trừng mắt lên, mím môi lại, rồi bỗng chỉ về phía trước, quát lên:

- Đi đi! Ông già đang đợi dưới kia!

Câu nói dõng dạc như một lệnh truyền và gã bỗng nhiên có vẻ oai phong của một tướng lĩnh. Tôi không dám chào, vội vàng cắm đầu rảo bước. Dưới kia, cậu tôi đứng chờ, dáng điệu nôn nả.

Đi được một quãng, tôi mới quay đầu nhìn lại. Bây giờ gã trẻ tuổi ấy ngồi trên tảng đá, dựa đầu vào một cánh tay chống lên trên gối, dáng điệu thẫn thờ. Đã khá xa rồi quay lại, tôi còn thấy gã ngồi nguyên như thế. Tôi bỗng nhớ lại hình ảnh của gã mà tôi bắt chợt giữa hai giấc ngủ, trong lúc đêm khuya, và lòng bâng khuâng tự hỏi không biết người trai trẻ kia đang nghĩ ngợi gì?


VŨ HẠNH      
  
---------------
* Câu này, nói lái lại từng hai tiếng, thành ra “Đây momo dân mo buôn momo chợ mo”. Bỏ tiếng mo, có nghĩa : “Đây là dân buôn ở chợ”. Tiếng mo hay bất cứ tiếng nào, có thể được dùng như một loại tiếng “chìa khóa” do một số người ước định với nhau để ghép vào câu nói lái mỗi khi bàn riêng với nhau những điều cần phải che giấu kẻ khác. Lối này ngày xưa phổ biến trong một số tỉnh miền Trung giữa một số người buôn bán và trong nhiều hạng bất lương. Họ nói lái quen và mau đến nỗi ở trong sinh hoạt thường ngày vẫn thích trao đổi ý tưởng bằng cách nói lái. Tương tự như kiểu một số trí thức quen dùng ngoại ngữ để nói chuyện riêng.


(Trích trong tập truyện ngắn VƯỢT THÁC, nhà xuất bản Cảo Thơm 1965)


Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

ÁO SƯƠNG MÙ


Đêm trại có vẻ gì ấm áp dị thường. Một đống lửa to cháy sáng khoảng sân cỏ. Thỉnh thoảng dầu được đổ thêm vào, lửa bùng lên thật nóng. Vòng tròn rộng ra thêm. Bên ngoài sương mù khắp nơi. Sương muối la đà khắp các ngọn cỏ, ướt đẫm trên vai. Đống lửa trại làm cho không khí thân mật. Học trò bao quanh khu cửa hướng về sân khấu lộ thiên. Sân khấu chính là sân cỏ. Mấy cái micro dựng rải rác.

Buổi chiều lớp ăn Tất niên với tụi Mười hai A hai. Phe con gái trổ tài làm bếp, có một nồi cơm hơi khét. Bọn con trai là chúa lười biếng. Chỉ việc đưa mồm ra ăn mà còn bày đặt khen chê. Canh gì mà mặn chát. Rau xào thì lạt nhách. Dĩa xà lách lưa thưa mấy miếng thịt, ba tên “hành quân tảo thanh” là hết veo. Các cô la ó lên. Thì có bao nhiêu tiền đó làm sao cho đủ hai ngày trại. Đi trại phải sống kham khổ một chút chứ, bằng không về nhà ngủ cho khỏe. Cần nhất là vui vẻ. Gớm, nói năng thế có thua gì mấy bà bán cá đâu! Bọn con trai le lưỡi. Thôi để tối tao leo qua bên Nông Lâm Súc hái trộm rau. Bên đó có nhiều rau ngon lắm. Cả bọn cười ồ. Phải đó. Để mấy cây cải không ai ăn… tội nghiệp quá. 

Phe con gái tức ban ẩm thực bày trò nấu bánh. Lá chuối, bột và đậu bỏ đầy nhóc trong lều. Sinh hoạt với nhà trường xong quanh về trại nấu bánh và thức đến sáng. Vài cô phải xung phong ở lại gói bánh dần để đến tối vừa kịp. Huệ tuyên bố một câu làm bọn con trai méo cả mặt. Này, ngày mai ăn bánh nghe không! Bánh tét, bánh ít, bánh ú đủ thứ. Cho có vẻ Tết một chút. Làm bộ nhăn mặt cho có vẻ thảm não một tí chứ có tên nào quan tâm vấn đề ăn uống đâu. Đi trại mà, có đói cũng thấy vui. Nhớ kỳ đi Đà Lạt xe hư khoảng gần Liên Khương trời chiều chẳng có xe nào qua lại. Đành ngủ đại trong trường học lạnh run. Trưa hôm sau đến Đà Lạt tên nào tên ấy thảm như chạy giặc nhịn đói cả tuần lễ. Như thế bữa ăn rất vui và ngon hơn lúc nào hết. Khách quan mà nói việc nấu nướng đâu có sung sướng gì. Cả buổi quần quật nhóm lửa, nấu trên mấy viên gạch cứ sợ ngã ra. Rồi còn màn rửa chén bát. Một cô trong lúc bực mình phát ngôn. Phải có chén dĩa muỗng đũa bằng giấy ăn xong quăng luôn cho tiện việc! Phe con trai la ầm lên, con gái làm biếng quá! Đối với con gái “cái ăn là cái khổ” còn đối với con trai thì ngược lại. Thí dụ như đưa con trai lo việc nấu nướng chắc chẳng có gì ăn được đâu. Các cô làm bếp ngoài trời mồ hôi ướt trán, dính bết các sợi tóc mai. Gò má ửng hồng lấm tấm trông dễ thương không chịu được. Vì vậy các cô luôn luôn phải lo vấn đề ăn uống nấu nướng. Cái đó là dĩ nhiên, Thượng đế đặt để phân chia như thế. 

Anh chàng mặc áo bà ba đen làm anh nhà quê tay cầm nhánh cúc vàng tươi. Cô nàng mặc áo bà ba trắng che nón chậm rãi ra. Vừa đi hai người cùng hát. Xuân vừa về trên bãi cỏ non. Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn. Hoa cười cùng tia nắng vàng son. Lũ ong lên đường cánh tung tròn… Hai người đứng cạnh nhau. Anh chàng đưa cô nàng cành hoa. Cô nàng cầm lấy. Hai bàn tay gần nhau cùng cầm cành hoa. Có một chàng thi sĩ miền quê, Ngắt bông hoa biếu người xuân thì. Có một đàn em bé ngoài đê, Hát câu i tờ đón xuân về. Bài hát dứt tiếng vỗ tay vang náo động cả buổi trại. Ngọn lửa cháy hồng các khuôn mặt hân hoan. Đến màn vũ người Thượng người Lèo gì đó, các cô đi quanh đống lửa. Vũ điệu bên lửa hồng với trang phục xa xưa khiến lòng chùng xuống. Trái tim mềm ra một góc sầu. Đêm mùa đông những ngày cuối năm đang qua. Lạnh nồng nàn như một lời mời gọi, một thân thuộc bên lửa trại. 

Bạn tôi tách khỏi sinh hoạt khi lửa sắp tàn, các thanh củi cháy đỏ rực. Các cô đang lúi húi cột dây, xếp vào rồi bếp lửa mới bén lửa. Gió thổi phần phật trên mái lều. Tiếng cười nói ríu rít như thể là chim. Một tên con trai kêu lên. Vui quá. Thức canh bánh phải biết. Chà trời lạnh thế này thú quá. Tôi nhớ đêm giao thừa thức đợi pháo nửa đêm hồi còn nhỏ. Câu nói làm cả bọn ngậm ngùi. Một thời đã xa tít tắp như đường chân trời che kín dấu mất khoảng trời bên kia. Một nơi thanh bình đỏ tươi màu những viên pháo. 

Đêm sinh hoạt lớp bắt đầu quanh nồi bánh. Tôi ngồi gần nghe tiếng nước sôi sùng sục bên trong. Tiếng củi nổ lốp bốp thơm nồng. Mùi giống như mùi giấy mới. Bắt đầu một màn đồng ca. Khi đất nước tôi thanh bình tôi sẽ đi thăm, tôi sẽ đi thăm… Vỗ tay đều. Miệng hát thật to như niềm mơ ước bừng bừng muốn vượt tỏa ra cõi không gian mộng mơ: Mắt sáng ngời mở to nhìn bầu trời đêm chi chít những sao. Sao nhấp nháy giống như tiếng nói của vũ trụ gởi xuống đám người còn mải mê. Đến bài Trả lại tôi tuổi trẻ, Hòa đề nghị. Cả bọn bốn chục đứa phản đối. Tôi còn tuổi trẻ mà. Chưa ai lấy được tuổi trẻ chúng tôi. 

Trò chơi đạo diễn bắt đầu trong khi vui hăng. Ông đạo diễn bắt diễn viên diễn trò gì quái ác quá. Vuốt tóc xong đến vuốt mũi lại lau mắt sụt sịt. Trò diễn tả nghề nghiệp của người câm một tên đứng múa may quay cuồng phùng má trợn mắt bắt chước. Vài cô cười lăn lộn, bá cổ ôm nhau mà cười. Trò chơi xe lửa, tên xui xẻo bị xe lửa ngừng đến lúc mình sẽ phải làm trò gì tùy thích. Xong đến màn ca hát. Những bài hát nói về mùa Xuân sắp đến xôn xao sau cái lạnh cuối đông. Đêm đang về khuya. Tiếng cười tiếng vỗ tay từ các trại khác vang vang không dứt. Màu lửa sáng như thể niềm vui trong cùng khắp các ngăn tim. 

Anh Ngữ đàn tài quá. Tiếng nói loáng thoáng khi tôi vào lều lấy cây harmonica. Tôi dừng lại nhìn. Khánh đứng vịn sợi dây lều. Tóc đen chảy dài, má hồng đỏ lấp lánh ánh lửa. Chúng tôi đang ở khoảng giữa hai căn lều. Người Mười hai A hai đây mà. Anh đàn lại Une histoire d’amour nghe? Tôi gật đầu. Khánh hát chứ? Hát. Đang tìm bài hát đây. Gió thổi qua chúng tôi rùng mình. Tôi nói. Hát Xuân Thì đi, Khánh biết? Tiếng dạ nhỏ ngoan như một cô bé tiểu học. 

Khánh hát. Xuân đàn và tôi thổi harmonica. Thành công hơn tôi tưởng. Vỗ tay rào rào như mưa dòn trên mái ngói. Chúng tôi nhìn nhau cười. Khánh có hai đồng tiền chúm chím. Tiếng hát đã mềm những khói sương vây phủ. Hòa bảo, quí vị hát ăn “jeu” với nhau lắm. Tiếc mình không tìm ra sớm hơn, ban tam ca tuyệt diệu quá. 

Khánh ngồi bên kia, khoảng cuối vòng tròn quanh nồi bánh. Tôi nhìn Khánh qua màu lửa hồng cháy cao. Lung linh tựa hồ qua một mặt nước gợn sóng. Đôi lúc tôi thấy nhòa lẫn với ánh lửa ngỡ như nhìn lầm. Chúng tôi cách nhau một khoảng lửa hồng hừng hực, ấm áp vô cùng. 

Trò chơi kết thân do Thạch khởi xướng. Chia làm bốn nhóm nhỏ. Cả nhóm cùng vỗ tay thật đều lẫn tiếng búng tay tách tách. Búng tay trái gọi tên mình, búng tay trỏ gọi tên người khác. Người được gọi sẽ tiếp tục gọi tên người khác. Trò chơi gọi là phút xả hơi vì nhàn nhạ êm nhẹ. Khi Tuấn gọi tôi, tôi gọi Ngữ, Khánh. Khánh gọi Khánh, Đào. Lần lượt đến tôi, tôi vẫn gọi Ngữ – Khánh. Đến lần thứ ba Khánh gọi lại Ngữ. tôi tiếp tục Ngữ, Khánh. Bốn lần gọi qua lại như thế bắt đầu có tiếng cười khúc khích. Một tên nói, anh chị gọi nhau kỹ quá. Khánh đỏ mặt, ấp úng không gọi khiến trò chơi gián đoạn trong tiếng cười to. Vài tên cười hô hố ngả người ra sau. Tôi len lén nhìn và Khánh cúi đầu. Má Khánh đỏ hồng có phải vì bếp lửa? 

Hoàng đứng lên đi vào giữa vòng tròn nói. Bây giờ chúng ta chơi trò ông nói gà bà nói vịt. May quá, chúng ta có đủ năm ông và năm bà. Năm vị con trai viết câu trả lời thế nào cũng được. Tưởng tượng như có ai hỏi câu nào đó. Các cô viết câu hỏi. Xong sẽ đọc lên một câu hỏi và một câu trả lời. Đồng ý? Tiếng vỗ tay đáp lời. Giấy xé ra phát mỗi tên một mảnh nhỏ. Tôi sờ túi tìm viết. Khánh nhìn rồi thảy cho tôi cây viết nỉ màu tím. Viết xong đến Khánh, cũng cây viết đó. 

Hôm nay cắm trại vui quá. Anh có thích cắm trại không? – Tôi đói bụng quá rồi, có gì ăn không? Hai câu giao duyên với nhau thật tức cười. Đúng là ông nói gà bà nói vịt. Nắng có hồng bằng đôi môi em? – Không. Tôi buồn ngủ quá! Lần này tiếng cười kéo dài. Phía con trai cười lăn lộn như bị ai thọc lét. Các cô cười e lệ bên nhau, như là nụ cười nghiêng thành đổ nước. Có phải đám mây nào vừa thổi qua mắt tôi đêm nay? – Vâng. Hình như là tình yêu! Câu trả lời là của tôi. Tôi nhìn tờ giấy viết câu hỏi. Tờ giấy viết mực tím giống tờ giấy tôi viết. Khánh viết câu hỏi đó. Tôi hiểu ra rồi. 

Trò chơi tiếp tục vì cả bọn đều thích. Lần này có kinh nghiệm hơn nên có nhiều câu đọc lên hết sức tếu. Phe con trai viết câu hỏi. Tình yêu là gì nhỉ? – Không. Tôi không thích ăn bánh tét. Tại sao em đi cắm trại? – Vì thất tình. Hai câu ý nhị hết sức. Đúng là trường hợp hai câu tư tưởng lớn gặp nhau. Cô có yêu tôi không? – Hôm nay là ngày đáng nhớ nhất. Câu trả lời là của Khánh. Dĩ nhiên câu hỏi không phải là của tôi. Tôi đâu ngu ngốc hỏi một câu sỗ sàng đến vậy được. Câu hỏi như thế này: Hình như trận gió tình yêu vừa thổi đến chúng ta, có phải? Tiếc quá. Nó đi đôi với câu trả lời lãng nhách. Không. Tôi không biết. Tôi quan sát và hơi bằng lòng khi thấy dường như Khánh để ý biết câu hỏi của tôi. Xách đàn tôi bỏ đám đông trở về lều. Căn lều Khánh đối diện cách một khoảng ngắn. Khánh ở trong lều trước khi tôi đến. 

Tôi dạo khúc Une histoire d’amour. Khánh thò đầu ra cười với tôi ở cửa lều. Đôi mắt nàng sáng lấp lánh như những vì sao. Tôi đàn nhìn lơ đãng bóng tối bên cạnh. Hình như đêm mùa đông tối hơn bình thường. Lạnh căm như có nhiều mũi kim đâm nhẹ vào da đau nhói. Gió nhiều, tôi thấy một nửa mặt Khánh nhìn nghiêng. Tóc mà người ta gọi là tóc liêu trai xõa tung theo thế ngồi bó gối. Tôi có cảm tưởng gió muốn thổi bay đi những vì sao chi chít. Đừng nhé. Những vì sao tháng chạp có một vẻ dễ yêu thế nào. Sao dát cùng khắp khiến nền trời như sáng hơn ra. Tôi bấm tiếng đàn cuối, âm thanh sau cùng vang lên rền vang. 

Tôi thò tay ra sau trong lều lấy cuốn vở viết vài chữ đưa sang Khánh. Khánh muốn nghe bài gì nữa? Một lát Khánh chuyển vở sang tôi. Khánh thích nghe nhiều lắm. Để nghĩ đã. Tôi viết. Gì Khánh nhỉ? Cuốn vở chuyển qua đám cỏ ướt đến tôi với một dấu hỏi. Trả lại. Khánh suy nghĩ một lúc xong viết: Hòa Khánh. Tôi mỉm cười. Thông minh nhưng chậm hiểu, tên bạn nào đó đã nói câu kỳ khôi ấy. Tôi viết bâng quơ. Đêm lửa trại hôm nay vui quá – Vui, sao anh lại đi ngủ sớm vậy? – Còn Khánh cũng thế mà. Một đều. Huề nhé! – Khánh đâu có ngủ, vào tìm mấy bản nhạc đó chứ gì – Đêm đẹp thế này ngủ làm gì cho uổng. Hôm nay là ngày đáng nhớ nhất. Cuốn vở chuyển sang lều bên cạnh với câu tôi lặp lại trong trò chơi khi nãy. Khánh giữ vở một lúc lâu. Tôi im lặng nhìn. Chỉ thấy một chút sáng mơ hồ hắt lên từ khu sinh hoạt. Tiếng cười cợt nhẹ loáng thoáng, trò chơi đang chuyển sang các tác động nhẹ. Khánh đưa vở, nàng viết. Thứ năm, 27 tháng giêng – 22 Tết. 

Cứ thế chúng tôi chơi trò bút đàm mặc bọn bạn sinh hoạt. Tôi nằm hẳn trong lều thò đầu ra. Khánh ở tư thế nửa nằm nửa ngồi. Dần dần trang giấy đầy đặc chữ hai màu khác nhau – Hồi nãy Khánh viết câu gì? – Quên rồi – Xạo. Anh không tin – Khi hát Khánh run ghê. Cứ sợ sai nhịp quê lắm. Anh muốn làm đám mây. Có phải anh là đám mây bay qua? – Anh nói gì Khánh không hiểu – Mây có khi xây thành trên mắt biếc. Cũng có khi mây vỡ xuống thành mưa. Đó là những giọt nước mắt (P.C.H) – ?? – Anh mong mây đừng vỡ thành mưa. Buồn lắm – Đêm nay sao nhiều ghê nhỉ – Sao tháng chạp đấy. Khánh chọn cho mình ngôi sao nào chưa? – Có anh ạ. Sao đứng một mình đấy. Còn anh? – Sao anh ở cuối đầu trời kia. Anh thích làm mây bay hơn Khánh ạ – Mây bay trên Biển nhỏ phải không? – Đừng nhắc nữa – Biển nhỏ dễ thương lắm? – Anh không biết. Lâu quá rồi. Đó là một quãng đời cũ? – Đúng. Ta không sống hoài với kỷ niệm. Vả lại bây giờ hiện tại đẹp hơn. – Có hơn những vì sao tháng chạp? – Hơn. Đẹp hơn cả màu lửa hồng ấm áp – Anh thích nhạc không? – Thích vô cùng – Bài gì? – Nhiều lắm. Tùy lúc chẳng hạn – Bây giờ anh thích bài nào? – Phải chi có cassette nghe Je t’aime, Je t’aime – Khánh thích “Đêm chợ phiên mùa đông” – Em muốn nghe? – Muốn. 

Tôi đàn, hát nhỏ. Bên căn lều Khánh hát theo. Bài hát dành cho một người con trai và một người con gái cùng hát. 

– Em hát hay lắm Khánh ạ. Quyển vở lần này Khánh giữ lại thật lâu, bỡ ngỡ vì tôi đột ngột đổi cách xưng hô. – Anh Ngữ… – Khánh – Ngữ – Hòa Khánh – … – … – Sao em không nói gì cả? Em giận? – Có chuyện gì buồn? – Em không muốn nói chuyện nữa? – Anh không viết nữa đâu – Đừng, anh – Em có giận anh không. Anh xin lỗi – Không – Tiếc là anh mới biết em qua đêm trại này. Vậy chứ em ngồi chỗ nào trong lớp học? – Anh không thấy đâu. Nhỏ như con mèo ấy – Này em yêu quí, em nào có nghe. Trên cánh đồng cỏ có con bò kêu. Nó kêu bò bò và nó ăn cỏ. – Anh viết nhảm ghê – Nhạc Phạm Duy đấy, dám chê à – Không phải chê. – Chứ sao? Không biết – Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá. Hãy yêu nhau đi giòng nước đã trôi xa. Nước trôi qua tim rong đầy trí nhớ. Ngày mãi trông chờ, ngày sẽ thiên thu – Nhạc Trịnh Công Sơn hở anh? – Em biết mùa này là mùa gì? Mùa đông – Không, mùa thay lá của rừng… 

Tôi viết một câu cũ rích trên trang giấy, chuyển sang Khánh. Em yêu dấu. Anh yêu em. Khi bàn tay Khánh cầm quyển vở, tôi đột nhiên nắm chặt tay nàng. Quyển vở nằm hờ hững trên hai bàn tay nắm lại. Khánh run rẩy, nàng nghiêng đầu đọc dòng chữ. 

Tiếng chuông từ khu sinh hoạt tiến lại lều. Tôi buông tay nàng. Quyển vở rơi xuống cỏ ướt sương. Vội vã tôi co người nằm im trong lều. Bên kia lều tiếng Khánh nói chuyện với một người con gái. Lát sau tiếng chân đi ngang lều tôi tiến về phía nồi bánh. Tôi có thể nghe rõ tiếng củi nổ lép bép. Tiếng lửa reo vui cùng tiếng nước sôi. Đêm hình như đang ngã về sáng. Đầu tôi ướt sương. Tôi nằm yên, nhìn qua kẽ lều những vì sao nhấp nháy. 

Đêm đó tôi mơ một giấc mơ quá đẹp. 

Buổi sáng tôi dậy sớm lúc sao ngáy ngủ. Bầu trời tối nhưng sao từ từ lặn. Tôi dõi tìm vì sao của Khánh. Còn đó. Cả vì sao cuối bầu trời của tôi. 

Khánh thức sớm hơn tôi, nàng và Huệ ngồi trong căn lều chính. Đống lá khô cháy leo lét. Huệ thả từ từ từng chiếc một vào. Lửa lén đốt từng chiếc một, màu vàng khô phút chốc biến thành màu tro đen. Tôi đến ngồi sưởi. Sương còn rây đều, ngồi đây chỉ thấy loáng thoáng những căn lều. Khánh mang cho tôi một ly cà phê nóng. Tôi cám ơn bằng cách nhìn sâu vào mắt nàng mỉm cười. Tôi đọc trong mắt nàng niềm vui. Một ly cà phê cho buổi sáng trời lạnh tuyệt vời. 

Tà áo dài của Khánh ẩn hiện trong sương. Tôi ngạc nhiên nhìn. Màu áo trắng quá, trắng hơn cả sương mù. Là áo sương mù hay áo em? Thơ của Nguyên Sa. Hình như Khánh mặc áo của sương mù. Trông như một hình bóng sương khói không có thật. 

Tôi hỏi Khánh đi đâu. Khánh đáp đi mua bánh mứt. Anh chở đi nhé? Dạ. Trời chưa sáng hẳn. Chạy trong sương hẳn thú phải biết. 

Tôi chạy bay vào lều, miệng hát nhỏ. Xuân vừa về trên bãi cỏ non… Mùa Xuân đang về. Mùa Xuân rực rỡ của riêng chúng tôi. 

Duy Nguyên   

(Trích từ tuần báo Tuổi Ngọc số 86, ra ngày 25-1-1973)