Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG CẢ ĐỜI VÌ SÁCH



Tôi được dịp biết bác Nguyễn Hùng Trương từ thuở còn là sinh viên trường Đại học Luật Khoa Sàigòn, trước năm 1975. Vào dạo đó, cứ mỗi cuối tuần bọn sinh viên các trường đại học quanh vùng thủ đô Sàigòn thường đến nhà sách Khai Trí của bác để tìm sách cho mình. Lúc đó, thật sự tôi và một số bạn sinh viên không rõ được tên thật của bác là Nguyễn Hùng Trương như những trang báo, phân ưu rõ mồn một tên thật của bác bây giờ. Chúng tôi chỉ biết người Sàigòn thời đó gọi bác là “ ông Khai Trí”.

Theo một số người am hiểu về bác Nguyễn Hùng Trương thì : Sở dĩ người Sàigòn gọi bác là “ông Khai Trí” vì bác là chủ nhân nhà sách Khai Trí, nhà xuất bản lớn nhất Sàigòn trước năm 1975. Bác là người say mê sách hiếm có, lúc nào cũng sưu tầm những sách hiếm quí. Bác quí sách còn hơn cả tính mạng của Bác. Đến khi ngã bệnh, nằm hôn mê mà miệng Bác lúc nào cũng nhắc đến sách!

Bác Nguyễn Hùng Trương ( tức ông Khai Trí) sinh ngày 4 tháng 7 năm 1926, tại Thủ Đức tỉnh Gia Định. Thuở nhỏ học trường tiểu học Thủ Đức và trường Trung học Pétrus Ký Sàigòn. Năm 1952 lập gia đình với bà Phùng Thị Bông. Có tất cả 4 con trai và 4 con gái, 8 cháu nội và 2 cháu ngoại.

Bác là một tấm gương sáng về khởi nghiệp, xuất thân từ nhà nghèo, tự thân lập thân từ hai bàn tay trắng!

Bác là một người căn cơ, kiên trì cần mẫn, nhiều sáng kiến về sách! Bác sống rất giản dị! Hồi nhỏ đi học, Bác thường nhịn ăn sáng, lấy tiền mẹ cho đi mua sách, báo đọc. Bác thích những sách mở mang kiến thức, sách học làm người! Đến khi giàu có, nhiều bửa ăn sáng, Bác chỉ ăn vài củ khoai lang, trong khi nhân viên của Bác lại thích ăn phở! Các con của Bác cũng chỉ cho học trường Việt bình thường ở Việt Nam chứ không học trường Tây, đi Tây như những nhà giàu khác!

Trước 30 tháng 04 năm 1975 Bác có cơ nghiệp rất lớn, ngoài hiệu sách lớn nhất miền Nam và cả Đông Dương là Hiệu Sách Khai Trí ở số 60-62 đường Lê Lợi tức Bonard cũ, Bác còn là giám đốc nhà xuất bản lớn với hàng trăm đầu sách có giá trị cùng nhà in lớn ở đường Chi Lăng Gia Định và hàng chục kho chứa sách hàng triệu cuốn tại đường Lê Lợi, Pasteur, Công Lý và Nguyễn Minh Chiếu…

Nhớ lại từ thập niên 40 trở về trước, cả Nam Bộ mới có 2 trường trung học Công Lập bậc Tú Tài dành cho người Việt là trường PéTrus Ký dành cho con trai và nữ sinh áo tím dành cho con gái ở Sàigòn và 2 trường trung học chỉ học đến lớp đệ tứ ( lớp 9 bây giờ) ở Cần Thơ và Mỹ Tho. Ngoài ra còn có trường trung học tư thục là Lê Bá Cang và trường Nguyễn Khuê ở Sàigòn. Trường trung học Chasseloup Laubat dành cho con em người Pháp hay người có quốc tịch Pháp.

Số người đọc sách nhất là sách về kiến thức, không nhiều, mới thấy công lao của Bác trong việc khai trí! Hiệu sách qui mô lớn ở Sàigòn chỉ có 2 nhà sách Pháp chuyên bán sách Pháp là nhà sách Albert Portail và nhà sách Ardin đều tọa lạc ở đường Catinat. Nhà sách Việt Nam chỉ có mấy nhà rất nhỏ vừa bán sách vừa bán thuốc cao đơn hườn tán. Sách chỉ để trong tủ kính. Nên việc nâng cao dân trí , phổ biến tri thức từ thập niên cho người Việt như là những bức xúc, tâm huyết của Bác Nguyễn Hùng Trương! Bác là một trong những người khai phá, đi tiên phong!

Bác bắt đầu bằng nghề mua sách cũ có giá trị của những người Pháp về nước bán lại và đặt mua sách quí từ bên Pháp về gởi bán cho các nhà sách ở Sàigòn kể cả nhà sách lớn của Pháp hay các quán sách báo ở lề đường hay những người bán sách báo dạo cho người nước ngoài ở mấy nhà hàng như Continental, Majestic! Bác xây dựng nhà sách người Việt lớn đầu tiên và sau lớn hơn cả những sách của người Pháp ở Sàigòn hay cả Đông Dương theo cung cách mới.

Có thể nói, nhà sách Khai Trí là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam bán hàng theo kiểu tự chọn, khách có thể đứng đọc tại chỗ hàng giờ rồi đi ra không cần phải mua, thậm chí đọc hết cả cuốn sách cũng không cần phải trả tiền. Nữ nhân viên bán hàng mặc đồng phục, lúc nào cũng vui vẻ ân cần, trông nom một cách kín đáo…

Đến với nhà xuất bản, Bác Trương cũng thích xuất bản những sách có giá trị, phong phú cho nền văn học Việt Nam. Một trong những thú chơi đặc biệt của Bác Trương là sưu tầm sách báo. Bác cũng đã giúp rất nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu trước năm 1975 bằng cách mua những bản thảo có giá trị mà lại khó bán hay chưa có thể xuất bản ngay được . Có khi là hình thức giúp đỡ, bằng thể thức ứng tiền trước cho nhà văn. Bác là người bảo trợ cho Tập San Sử Địa (1966- 1975) rất có giá trị cho nhóm giáo sư, sinh viên Trường Đại Học Sư Phạm Sàigòn chủ trương, do ông Nguyễn Nhã làm chủ nhiệm. Bác còn là chủ nhiệm tuần báo Thiếu Nhi và xuất bản khoảng 300 đầu sách về thiếu nhi, nhi đồng. Sau năm 1975, Bác không còn bán sách, xuất bản. Bác tiếp tục sưu tầm chọn lọc viết thành nhiều sách như Tư Tưởng Về Tình Yêu (1974), Tình Yêu Trong Danh Ngôn Và Thi Ca (1993), Thơ Tình Chọn Lọc (1993), Danh Ngôn Tình Yêu (1993), Thơ Tình Việt Nam Và Thế Giới Chọn Lọc (1998), Quê Em Mến Yêu (2001), Làm Con Nên Nhớ (2002), Chánh Tả Dành Cho Người Miền Nam (2003), Dưỡng Sinh Và Sức Khỏe (2003), Danh Ngôn Hạnh Phúc (2003), Danh Ngôn Tình Bạn ( 2003), Danh Ngôn Đàn Ông Đàn Bà ( 2003), Thơ Tình Thế Giới Chọn Lọc ( 2003), Huế Mến Yêu (2004). Sắp xuất bản : Những Bài Thơ Hay Trong Văn Chương Việt Nam. Bác Nguyễn Hùng Trương mất đi còn nhiều mộng ước về sách, còn đang dang dở! Yêu sự truyền bá kiến thức cho giới trẻ . Bác tâm đắc hai chữ khai trí cho người dân ! Nhiều người yêu sách, yêu thơ, yêu văn nhất là giới văn nghệ sĩ thương tiếc Bác, một người hào hiệp đối với văn nghệ sĩ.!

Cuộc đời vì sách, lập nên sự nghiệp lớn, hạnh phúc vì sách mà mất cơ nghiệp, khổ cũng vì sách! Con người suốt đời đam mê sách, tận tụy cho việc khai trí dân tộc Việt Nam thật sự không còn nữa. Bác Nguyễn Hùng Trương hay ông Khai Trí không còn nữa. Xin Vĩnh biệt Bác Nguyễn Hùng Trương! Vĩnh Biệt “ ông Khai Trí” ông vua sách Việt Nam của thế kỷ 20.

Theo HÀ ĐÌNH HUY   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét