Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

ĐÀO KÉP CŨ

GÁNH "GIÓ BỤI" CỦA ÔNG BẦU XƯỞNG LÀ một gánh hát nhỏ và nghèo. Đến nỗi giấc mơ duy nhất của ông là được chuyển gánh về thủ đô hát một tháng, một tuần hay chỉ một đêm thôi mà cũng chưa bao giờ thực hiện nỗi. Cho đến bây giờ thì giấc mơ ấy thực sự đã chết trong lòng ông bầu già nặng lòng với nghệ thuật.

Những cô đào lẳng, đào thương có chút nhan sắc ; những chàng kép độc có giọng ca mùi mẫn ; những anh hề có tài chọc cười duyên dáng, lần lượt bỏ bầu Xưởng ra đi tìm tiền tài và danh vọng ở phương trời khác. Rồi tới phiên anh soạn giả ruột, anh đạo diễn tâm huyết, anh họa sĩ hào hoa giã từ "Gió Bụi" để lại cho bầu Xưởng vài vở hát cũ mèm, vài tấm phông nham nhở mầu sắc thì gánh của bầu Xưởng bắt đầu hấp hối trên miệng hố đen ngòm của đe dọa đói rách, bệnh tật...

Bầu Xưởng gánh "Gió Bụi" bằng hai vai, bằng tự ái nghề nghiệp và bằng lòng kiêu hãnh của kiếp tài tử. Ông soạn lại các vở cũ, sơn phết lại phông, đạo diễn luôn tuồng kịch. Ông làm việc ngày đêm. ôm đồm đủ thử, đủ món. Tóc ông bạc phơ, râu ông dài tua tủa. Ông đâm ra thù đời, thù người. Ít lâu sau ông biến thành một bầu gánh khó tính độc tài không tin cậy ai cả trừ vợ ông và hai cô đào chánh, con gái yêu của ông.

Bầu Xưởng đưa "Gió Bụi" lang thang khắp nẻo đường gió bụi lục tỉnh. Khi những đấng thiên tử, những anh hùng hiệp sĩ xuất hiện trên sân khấu thì đồng thời cũng hiện những thằng ăn mày, những thằng phản bội ở hậu trường. Gánh hát của bầu Xưởng toàn gặp thất bại ê chề. Chiếc xe chuyên chở phong cảnh hành lý và công nhân của bầu Xưởng đã bán đứt cho chủ vựa cá. Người ta bèn dùng nó vào việc thiết thực hơn là việc nghệ thuật. Thành thử mỗi lần chuyển gánh, bầu Xưởng lại phải mướn xe đò. Do sự mướn thuê đau buốt tim gan đó nên cứ một phen ra đi là một phen gửi lại chút ít đồ đạc làm kỷ niệm. Dần dà, đồ nghề thưa thớt. Thưa thớt luôn cả nghệ sĩ. Vì họ vội nghĩ tới một đời sống tầm thường, một đời sống không sóng gió nhưng no lành, yên ổn. Đào thì kết duyên với các thầy đại diện xã, các thầy hội viên cảnh sát hoặc các thầy trung sĩ trấn thủ quận lỵ, hoặc nữa, làm lẽ mấy ông chủ vựa cá, chủ xe đò... Kép thì lọt vào những đôi mắt xanh của các cô thợ may, các cô bán hàng ngoài chợ. Có anh tốt số vớ được cô nữ sinh con ông điền chủ ái mộ tài hoa. Thế lả nghệ sĩ có quyền vĩnh biệt ông bầu, quên sáu câu vọng cổ, bài xàng xê và những tháng ngày đói rách để lảm cuộc đời mới...

Sự kiện này tiến diễn không ngừng khiến bầu Xưởng ứa nước mắt. Ông kiên nhẫn chịu đựng. Cái hi vọng ngày mai tươi sáng là ngọn nến leo lét trong đầu óc ông. Bầu Xưởng không thể bỏ cuộc vì ít ra ông còn một số đàn em trung thảnh với ông, số đàn em nguyện cùng ông, cùng gánh "Gió Bụi" rút ruột nhả tơ đến ngày trở về cát bụi. Bầu Xưởng lo vá lại mũ mãng, y phục và kết nạp thêm đảo kép trẻ. Mặc dù "Gió Bụi" nằm gánh nhiều nơi, mặc dù những lượng vàng dành dụm của vợ, của con gái tháo hết đổi cơm cháo, cà phê, thuốc lá cho nghệ sĩ, bầu Xưởng vẫn tin vào cơn gió thần, ngày nào đó, sẽ thổi tung "Gió Bụi" cho tiếng trống tuồng vang vang thuở oanh liệt lúc ban đầu.

Và đây là giấc mơ thứ hai...


Một buổi chiều u ám, gánh "Gió Bụi" của bầu Xưởng lạc loài tới Hậu-nghĩa. Hậu-nghĩa là một tỉnh lỵ mới thành lập. Từ công sở đến chợ búa, từ chùa chiền đến rạp hát, tường chưa khô mùi vữa, mái còn đỏ tươi dưới ánh nắng chói chang. Dân tỉnh lỵ rất dễ tính. Người ta đón người đến như đón bà con thân thuộc. Người đến, nếu ở lại lâu sẽ được săn sóc chu đáo, sẽ được an ủi tinh thần, giúp đỡ vật chất.

Gánh "Gió Bụi" dĩ nhiên được hoan nghênh nhiệt liệt. Nó cũng giống những trái dừa giữa sa mạc nóng bỏng. Nó tới đúng lúc người ta khát khao. Bất kể sự rách rưới, nghèo đói, người ta chỉ cần biết nó là gánh cải lương đầu tiên đặt chân lên miền đất trẻ trung này.

Bầu Xưởng sung sướng muốn khóc. Ông ta phấn khởi đôn đốc nghệ sĩ tập dượt lại những vở tuồng ruột. Hai ngày cái tỉnh lỵ nhỏ bé Hậu-nghĩa đã om sòm tiếng trống cổ động của gánh "Gió Bụi". Tấm "băng-đờ-rôn" căng thẳng trước rạp. Hai chữ "Gió Bụi" đỏ chói đập vào mắt người qua đường. Những bức ảnh đào kép treo trên tường làm mồi câu khán giả. Sở dĩ gọi là "mồi" vỉ những bức ảnh này đều chụp hồi đào kép còn trẻ đẹp, béo tốt. Bầu Xưởng nắn nót cán bút sơn lên những tờ "áp-phích" dán khắp phố. Những tờ "áp-phích" hấp dẫn dân chúng tỉnh lỵ hơn những tờ "tuyên cáo" của chính phủ.

Khán giả bắt đầu thuộc tên kép Mộng-Tần, Tám Liều, Chín Long-xuyên, Năm Định-tường, hề Tiếu-Tử ; tên đào Ái-Hoa, Duyên-Hương, Ba Chợ-lớn, Bẩy Gò-đen... Bầu trưởng đã bóp óc nặn ra những dòng văn chương bay bướm như thế này : "Gió Bụi, một ban hát tổng hợp mọi danh tài của vạn nẻo sông hồ gió bụi với ngôi sao bắc đẩu của vừng trời ca kịch xứ sở Ái-Hoa ; với giọng vàng thế kỷ Duyên-Hương ; với sắc đẹp tuyệt vời của Cléopâtre Việt-Nam Bẩy Gò-đen ; với giọng ca thiên phú trầm ấm Mộng-Tần ; với tiếng hát truyền cảm tuyệt vời Tám-Liều và chìa khoá mở kho cười vô tận Tiếu-Tử. Gió Bụi, tiếng chuông vàng của những tiếng chuông vàng, nghệ thuật của những nghệ thuật. Đúng chín giờ đêm nay, tấm màn nhung Gió Bụi sẽ hé mở để quý ngài bước vào thế giới âm nhạc cải lương, quý ngài sẽ mê ly ngây ngất và thương cảm cho mối tinh đầu dang dở của đôi trai tài gái sắc trong tuồng "Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài". Y phục Thượng-hải bạc triệu. Chú ý: Quý ngài nhớ mang mùi xoa theo để thấm nước mắt..."

Văn chương quảng cáo tuồng của bầu Xưởng êm ái cơ hồ điệu vĩ cầm, đã lọt vào tai dân Hậu-nghĩa. Đêm ấy, người ta xô đẩy nhau mua vé ban "Gió Bụi" chơi tuồng "Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài". Đào già Năm Phồn, bầu Xưởng ngỡ ngàng như sống trong chiêm bao. Đào ngồi ở "ghi sê" mà cứ đang tưởng ngồi ở đảo hạnh phúc. Đào xé vé lia lịa, đếm tiền rào rào. Vé bán hết thật nhanh. Nhiều khán giả chậm chân đành phải trở về. Đào Năm Phồn tươi tỉnh xin lỗi và hứa hẹn đêm mai sẽ in nhiều vé hơn. Năm Phồn cảm thấy mình trẻ ra vài chục tuổi. Khi đống tiền đã nằm gọn trong cái "xắc" lớn, đào già Năm Phồn mới nhớ tới kỷ niệm của những đêm mưa chong đèn đợi khán giả, những đêm đau khổ móc tiền đổi lại vé, những đêm ăn cháo trắng hột vịt muối nằm nghe tiếng thở dài, những đêm khóc tỉ tê nghĩ đến ngày mai đen tối.

Giữa giây phút thần tiên của vợ, bầu Xưởng hé tấm màn cũ kỹ nhìn xuống. Khán giả đông nghịt. Bầu Xưởng cảm động nghẹn lời. Nước mắt ông ứa ra, những giọt nước mắt của ông thấm vào tâm hồn đào kép. Chưa bao giờ họ được chơi tuồng trước số khán giả kỷ lục như thế. Hồn tài tử vụt thức. Trong khoảnh khắc họ quên tất cả mọi nỗi niềm cực nhục ê chề. Họ chỉ nghĩ họ là nghệ sĩ đúng với danh hiệu trời phong cho họ. Và họ đã sống thật cùng nhân vật tuồng. Họ không cần hỏi diễn tuồng xong họ sẽ ăn cơm hay nhịn đói như thường lệ. Cuộc đời của họ, vinh quang của họ cơ chừng có một đêm nay.

Ban "Gió Bụi" chinh phục khán giả tỉnh lỵ Hậu-nghĩa dễ dàng. Khán giả khoái sáu câu của Mộng-Tần, mê sắc đẹp của Cléopâtre Bẩy Gò-đen, cười nghiêng ngửa vời Tiếu-Tử đến nỗi dám tha thứ cho "y phục Thương-hải" của bầu Xưởng. Bầu bèn tìm kế hồi sinh gánh hát.

"Đất lành chim đậu" Gánh "Gió Bụi" của bầu Xưởng đóng đô thường trực tại rạp "Sông Hồ". Nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả. bầu Xưởng đã có đủ phương tiện để sắm sửa thêm phông cảnh, quần áo, mũ mãng, đàn sáo... Đời sống đào kép được bảo đảm nhưng bầu Xưởng thật sự là một ông bầu độc tài. Những tay soạn giả, đạo diễn xuất sắc tình nguyện đầu quân gánh "Gió Bụi" đều bị bầu Xưởng xua đuổi. Ông không cần đạo diễn, soạn giả. ông thừa tài để lèo lái gánh hát của ông. Vinh quang biến ông thành kẻ kiêu hãnh, phách lối. Bầu Xưởng cứ "bổn cũ soạn lại" diễn hết tuần này sang tuần khác. Khán giả vẫn đông nghịt. Không ai chê một lời nào. "Gió Bụi" vỏn vẹn có mười vở tuồng mà bầu Xưởng kéo dài chương trình trình diễn ngót ba tháng. Bây giờ, đôi tay của đào già Năm Phồn nặng trịch những vàng. Chiếc nhẫn đeo ngón giữa nổi bật những viên kim cương óng ánh. Bây giờ, đào già Năm Phồn đã quên những đêm ăn cháo trắng hột vịt muối cầm hơi và giọng của đào kênh kiệu như giọng của trăm ngàn bà bầu giầu sang khác. Bây giờ, tủ áo của đôi đào lẳng Ái-Hoa, Duyên-Hương, ái nữ của ông bà bầu đã đầy nhóc những chiếc áo dài đắt tiền. Nước hoa Chanel số 5, son Elizabeth Arden, phấn Hariet Hubbard Ayer thơm phức. Bây giờ bầu Xưởng không hút thuốc Mélia vàng nữa. Ông mua những cái tẩu Dunhill bạc ngàn, hút thuốc Prince Albert. Luôn luôn ông ngậm tẩu và ví mình với các đạo diễn gạo cội quốc tể. Bây giờ, ở hậu trường sân khấu mọc lên hai bộ bàn đèn đuốc phiện. Các kép nằm hút chửi ông bầu. Thuốc phiện có sức quyến rũ mãnh liệt. Chẳng bao lâu vợ chồng bầu Xưởng cũng rủ nhau "đi mây về gió".

Gánh "Gió Bụi" bắt đầu lười biếng. Bầu Xưởng quên hẳn giấc mơ chuyển gánh về thủ đô phô bày nghệ thuật. Khỉ đã thành công một cách dễ dàng, mấy ai cần cố gắng. Cái xã hội "Gió Bụi" được đà đi sâu vào dâm ô, thối nát. Thời gian buồn nản trôi. Đào già Năm Phồn nhìn kỹ mới thấy mình trẻ hơn chồng.. Thuốc phiện đối với đàn bà là thuốc hồi xuân. Bất giác đào Năm Phồn nhớ lại dĩ vãng hoa bướm để rồi cắm lên đầu bầu Xưởng những cái sừng dài nhọn hoắt. Bầu Xưởng chưa hay sự tình.

Kép Mộng-Tần một mặt "ái tình vụng" với đào già Năm Phồn, một mặt "ái tình công khai" với đào lẳng Ái-Hoa. Hai mẹ con bầu Xưởng âm thầm ghen ghét nhau. Đến khi hai mẹ con cùng mang bầu thì bầu Xưởng mới tỉnh men... thuốc phiện. Ông khai trừ kép Mộng-Tần khỏi gánh. Kép Mộng-Tần đòi "bồi thường". Hai bên dọa kiện nhau ầm ỹ. Chưa hết chuyện, kép Tám-Liều tố cáo bầu Xưởng hiếp dâm người yêu của kép là đào Ba Chợ-lớn. Đào Duyên-Hương bênh cha phát giác tội kép Tám-Liều đêm khuya mò mẫm vào mùng của đào. Ôi cha, cứ rối tung như hẹ. Hết người này kể tội người nọ đến người khác điểm chỉ người kia. Cái xã hội "Gió Bụi" thối um. Cuối cùng, sợ khán giả đả đảo thì bể nồi cơm, người ta điều đình. Mọi điều đều ôn thỏa. Gánh "Gió Bụi" vẫn nguyên số đào kép cũ. Họ chung sống với nhau nhưng sống trong thù hận vả chỉ rình rập cơ hội hại nhau.


Khán giả xem đi xem lại "Lương Sơn Bá, Chục Anh Đào" mãi phát ngấy. Cảm tình ban đầu vơi đi. Người ta mong có ban hát cải lương mới. Nhưng cái tỉnh lỵ còm cõi này, gánh hát danh tiếng nào thèm lai vãng. Họa chăng chỉ có loại "Gió Bụi". Người ta nản lòng đến nỗi ước ao gánh mới, cần mới mẻ thôi, rồi có dở hơn "Gió Bụi" cũng chịu khó thưởng thức vậy. Đón được dư luận thèm tuồng mới của khán giả, các đào kép yêu cầu bầu Xưởng mướn soạn giả hoặc mua tuồng lạ. Bầu Xưởng không hứa hẹn gì cả.

Ông lấy quyền làm bầu át giọng các đào kép. Gánh "Gió Bụi" thách đố khán giả tỉnh lỵ Hậu-nghĩa bằng cách cứ diễn tuồng cũ rích. Khán giả không hoan hô song vé bán không ế. Ông bầu độc tài Xưởng đáng lẽ nể khán giả thì ông lại khinh thị ra mặt. Ông cho rằng có ban "Gió Bụi" của ông trình diễn ở đây là phúc lắm rồi. Khán giả không có quyền đòi hỏi tuồng mới tuồng cũ. Khán giả như những con cá đói, ném phân xuống cũng phải đớp.

Sự khinh khi ấy khiến bầu Xưởng càng ngày càng độc đoán. Ông bỏ ngoài tai những ý kiến xây dựng gánh của anh em nghệ sĩ. Đến khi khán giả tẩy chay tuồng vở cũ mèm của bầu Xưởng ra mặt, ông mới bối rối. Bối rối nên mất bình tĩnh. Ông đuổi công nhân, bớt lương đảo kép và hứa vội rằng sẽ đổi tuồng mới. Nhưng trong thời gian chờ đợi, khán giả hãy tạm xem tuồng cũ.

Khán giả bằng lòng. Đào già Năm Phồn ưỡn cái tác phẩm của Mộng-Tần, thu tiền chặt túi. Bầu Xưởng lại lo ăn hút. Năm Phồn lại cho chồng mọc sừng. Đào Ba Chợ-lớn lại lo cho bầu Xưởng hiếp dâm kiếm chác thêm tí tiền mua hột xoàn. Kép Tám-Liều lại lo chui vô mùng đào Duyên-Hương. Cái xã hội "Gió Bụi" lại tiếp tục bu quanh các bàn đèn thuốc phiện, lại chửi nhau, lại cám ơn nhau, lại tử tế, lại đểu giả, lại rình rập hạ nhau. Khán giả bị đánh lừa nhiều lần tức hộc máu. Bọn đàn em trung thành của bầu Xưởng bị bạc đãi cũng ức hộc máu. Họ vận động một cuộc đánh gục uy tín bầu Xưởng. Họ ngầm bố trí đưa bầu Xưởng vào bẫy.

Bẫy đã giương sẵn sàng. Một đêm hát do Hội Phụ Nữ tổ chức, bầu Xưởng uốn ba tấc lưỡi hứa hẹn đổi mới, đổi rất mới. Đúng giờ, ba tiếng vồ oan khiên nện trên sân khấu, tấm màn nhung mở rộng. Diễn viên đình công phản đối bầu Xưởng. Họ bí mật rủ nhau đi xem hát bóng trước giờ trình diễn năm phút. Khán giả đợi mãi không thấy nghệ sĩ ra trò. Bầu Xưởng hết hồn, lắp bắp mấy câu xin lỗi.

Khán giả ghét bầu Xưởng, không cho xin lỗi. Họ chồm lên đấm đá ông tơi bời. Thân già chịu đòn sao nổi. Bầu Xưởng chết tươi trên sân khấu. Ông sinh ra ở sân khấu, sống bằng sân khấu rồi chết ở sân khấu. Đúng là "Gió Bụi" lại trở về gió bụi.

Khán giá "thịt" bầu Xưởng xong, nhào ra "ghi-sê" vồ tiền. Đào giả Năm Phồn tưởng bị tống tiền, kêu cứu inh ỏi. Đào sợ quá, ngất đi. Lúc tỉnh, đào trở vào hậu trường thì thấy đứa con gái mình nằm ngay đơ, tay chân bị trói chặt, mồm lại nhét đầy giẻ. Cởi trói cho con, đào dắt con đi kiếm chồng. Đào Năm Phồn hét lớn, nhẩy bổ lại ôm lấy chồng khóc nức nở. Hai cô đào lẳng Ái-Hoa và Duyên-Hương cũng ôm lấy cha, rên xiết.

Đây là màn bi kịch độc đáo nhất của cuộc đời, tiếc rằng khán giả đã về hết.


Cuộc đảo chính lật đổ bầu Xưởng của anh em nghệ sĩ gánh "Gió Bụi" thảnh công mỹ mãn. Gánh hát bắt buộc phải nghĩ ít lâu. Họ điều đình với đào già Năm Phồn để mua trả góp y phục, mũ mãng... Một tháng sau, gánh "Gió Bụi" đổi tên mới cho hợp thời. Lựa chọn mãi, cuối cùng họ quyết định là "Đường Đời Gió Bụi" do Mộng-Tần làm bầu có Mộng-Lương về tăng cường. Họ tung ra vở mới toanh "Bạo Chúa Tần Thủy Hoàng".

Cô đào lẳng Ái-Hoa thay chân bà bầu của mẹ. Kép Mộng-Tần đã lấy cô hẳn hoi. Cái bào thai trong bụng đào già Năm Phồn, kép Mộng-Tần hứa sẽ bao bọc nó nếu nó sống. Cô đào Duyên-Hương khăn gói về thủ đô gia nhập gánh "Ra Đi". Mọi sự đều thay đổi. Đào Bẩy Gò-đen nghiễm nhiên thành đào chính. Công nhân thì vẫn là công nhân, vẫn phải quét dọn và khuân vác đồ đạc. Và lương bổng không tăng đồng nào. Khán giả nóng lòng coi hát. Nghiện ghê mất rồi. Đóng cửa một tháng còn chi nữa.

Rồi một buổi sáng trời trong mây lành, khán giả bỗng nghe thấy tiếng trống quen thuộc. Người ta đổ xô ra đường. "Áp-phích" của gánh "Đường Đời Gió Bụi" dán đầy phố với những dòng văn chương như thế này :

"Sau khi đã cải tổ nội bộ, đoàn "Đường Đời Gió Bụi" do Mộng-Tần lãnh đạo hoàn toàn đổi mới. Đổi mới hết, từ phông cảnh, tuồng tích đến đào kép. Chúng tôi không dám nói dối đâu. Quý ngài tới coi sẽ rõ. Đêm ra mắt bà con, chúng tôi trịnh trọng khai trương vở "Bạo Chúa Tần Thủy Hoàng". Tới coi quý ngài sè thấy tráng sĩ Kinh Kha... xuýt đâm chết bạo chúa. Vở mới ! Đào kép mới ! Đợt sóng mới ! Tài năng mới ! Khung cảnh mới ! Tinh thần phục vụ cũng mới !"

Khán giả xô nhau tới rạp "Sông Hồ". Vé hết rất sớm. Người ta chờ từng giây phút. Khi tấm màn nhung quen thuộc mở rộng, người ta vội vàng sửng sốt. Vẫn phông cảnh cũ, vẫn đào kép cũ. Khác có tuồng mới. Người ta say sưa thưởng thức. Chỉ tiếc đào kép hơi cũ và tuồng mới hay không quá một đêm khai trương.
16. 11. 1963
(Sau ngày cách mạng năm ngày)