Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

HẮC CẨU ĐẠI TẶC (II)


Theo như Thế Lân tính toán, cung nữ thường xuyên là ba ngàn người, có thể chia làm ba loại: một loại cực tốt và một loại cực xấu, chiếm tỷ lệ nhỏ, xen giữa hai cực là hạng đông đảo bình thường. Loại rất tốt này có thể ước khoảng chừng 500 người, đó là những kẻ có nền giáo dục vững vàng, ý thức về phẩm giá mình sâu sắc, không thể lung lạc hoặc bị dao động vì tình huống nào. Còn hạng rất xấu ắt cũng xấp xỉ số lượng như thế độ 500 người, là loại lẳng lơ, dâm đãng, sẵn sàng làm theo ý muốn nhất thời, mà không đếm xỉa gì đến danh dự, tương lại. Giữa hai loại người kể trên, số người bình thường gồm độ hai ngàn, đó là những kẻ thường xuyên chòng chành giữa tốt và xấu, dễ bị tác động của các ảnh hưởng bên ngoài. Nói theo ngôn ngữ chính trị ngày nay, đó là đa số thầm lặng. Như vậy, Thế Lân sẽ để yên lành cho số 500 cực tốt mà không phí sức hoài công gạ gẫm, chỉ hướng hoạt động vào số 500 cực xấu rồi sẽ dùng lực lượng này tác động vào cái số đông thầm lặng hai ngàn, nâng dần con số có thể thao túng là hai ngàn rưỡi. Với cái sức lực sung mãn của gã, nếu như mỗi đêm giao tiếp năm người, thì phải mất gần năm rưỡi mới quay vòng được.

Nhưng làm thế nào giao tiếp cho được an toàn, giữa đám thái giám đầy lòng nghi hoặc và lớp cung tần đa sự, chua ngoa?

Thế Lân vắt óc để tìm phương kế. Bây giờ sáu tháng đã qua, tác dụng của thuốc không còn, sinh lực đã được phục hồi mau chóng, gã muốn số vàng bỏ ra cho lão họ Lưu phải được thu về lợi tức tối đa. Bỗng gã chợt nhớ nội cung có một chuồng lớn nhốt đầy loại chó sung mãn, để người nuôi dạy, cho vua sử dụng trong dịp săn bắn đầu xuân, thỉnh thoảng vẫn được thả cho chạy rong để giãn gân cốt và gần như chẳng mấy ai buồn lưu ý đến. Nếu gã có thể cải trang làm chó, dọ dẫm đi giữa đêm khuya, chẳng là thượng sách hay sao?

Thế Lân hì hục chọn mua một loại vải đen, tìm ít da thuộc làm cốt, lúi húi khâu kết tạo tác ra một lốt chó – một con chó mực, cho phù hợp với đêm đen – rồi một đêm khuya gã khoác vào người, khi chắc thiên hạ đã an giấc điệp. Gã mở nhẹ cửa bò ra khỏi phòng, rồi cứ bốn chân men xuống bực cấp, theo các lối đi, nép mình vào dãy tường hoa, thỉnh thoảng dừng lại hít ngửi ở dưới gốc cây y hệt loài khuyển chính hiệu. Gã rẽ phải, quẹo trái, đi vào khuôn vi gần nhất và đến căn phòng Thúy Liễu, là người cung nữ lẳng lơ mà gã đã chọn làm điểm đột phá đêm nay. Vẫn cúi khom người, gã đưa một tay cào lên cánh cửa. Chỉ nghe im lìm. Gã cào mạnh hơn. Và cửa sực mở, hắt ra ánh sáng của ngọn đèn hồng. Gã chồm vào trong, Thúy Liễu vừa buột miệng kêu:

- Con…

Thì gã bật dậy kịp thời, ngăn chận tiếng “chó” khỏi ra đầu miệng, hổn hển nói ngay:

- Ta là Chu Thái giám đây…

- Ồ!

Dưới ánh hồng lạp chập chờn, long lanh đôi mắt đa tình của người cung nữ:

- Ta đến tìm nàng, nên phải tự biến thành loài súc vật luồn lõi trong đêm. Ngoài đôi ta đây, không ai biết được cuộc hội ngộ này.

Thúy Liễu có thừa thông minh để hiểu việc gì đang đợi chờ mình – và mình chờ đợi – nên vội đưa tay tắt ngọn đèn hồng.

Trái hẳn với điều Thế Lân suy tính, đêm ấy gã không còn đủ thời gian tìm đến với người thứ hai, nói gì đến bốn, năm người. Đã nhiều năm rồi chờ đợi mỏi mòn mà không gặp được nhà vua – khát vọng duy nhất của đời Thúy Liễu cũng như của những phi tần – dồn nén ấy đã lâu ngày thành mối ám ảnh gây nên cuồng loạn. Vì thế, mỗi một đêm xuân làm sao bù đắp cho nhiều năm dài đã là những ngày đông lạnh triền miên, và Chu Thế Lân dẫu đem tất cả háo hức chất chồng qua bao thời gian mơ tưởng vẫn không thực sự làm nàng toại nguyện. Chưa tàn canh ba, gã phải vội vã cáo từ, nhưng còn bị kéo lui lại mấy lần mới khoác được cái lốt chó, lết về phòng mình.

Sau thử nghiệm ấy, họ Chu thêm phần bạo dạn, từ đấy không đêm nào gã lại không bốn cẳng ra đi sục sạo khắp chốn tam cung. Nhưng sau hai tháng, gã thấy mình gần kiệt lực trong khi đối tượng tìm gặp thảy đều ở buổi ban đầu phơi phới tình nồng. Đến tháng thứ ba, gã đã đuối sức, cố gắng đến tháng thứ tư thì bước không nổi, đầu ù, mắt hoa, chân tay run rẩy. Con số những kẻ dâm đãng mà gã thống kê thì gã chỉ mới tiếp xúc trên một phần năm, và số còn lại chỉ cần nghĩ đến đã khiến gã thấy hoảng sợ. Hẳn khát thèm nào đã được thỏa mãn cho đến thừa mứa, no nê, cũng dễ khiến thành nhàm chán đến độ khủng khiếp. Đồng thời, như có một luồng thông tin ngấm ngầm trong giới, Thế Lân được sự đón mời khẩn thiết của nhiều cung phòng. Gã phải vét hết số tiền dành dụm gởi mua đủ loại sâm nhung cùng các liều thuốc bổ dương có mặt trên thị trường, để nhờ tiếp sức. Nhưng các loại thuốc kích dục có làm cho gã chồm lên như một con ngựa đuối sức nếm phải đòn roi quất mạnh, để rồi sau đó lại rơi xuống sự đuối liệt thảm thương, bởi mọi trợ lực giả tạo mang đến từ ngoài càng làm cạn kiệt nhiều hơn chút ít nội lực đang còn thoi thóp. Cuối tháng thứ năm, Thế Lân hoàn toàn là kẻ suy bại, giống hệt như các thái giám thực sự. Và sự thái quá, cuối cùng đã gặp được sự bất cập.

Tuy vậy, Thế Lân không thể làm ngơ trước sự đón mời nồng nhiệt của kẻ chào hàng, và nhiều cung nữ đã từng với gã qua đêm thân mật nay thành liều lĩnh một cách quái đản, thường dám réo gọi mỗi khi bóng gã thoáng qua. Để xoa dịu các cung nữ quá đỗi nhiệt tình hòng tránh những điều tai họa, gã lại lê cái thân xác suy nhược bọc trong lốt chó tìm đến bọn họ vào lúc đêm khuya, một hai lấy lời an ủi, vỗ về, mượn cớ bệnh hoạn để mà chối từ… nhiệm vụ. Thoạt đầu, gã không dám tự thú nhận về sự bất lực của mình. Đàn ông nào trên đời này thảy đều có lòng tự ái đặc biệt ở trong khả năng giới tính của mình, và họ thường vẫn phao tin thất thiệt để tự chứng tỏ vượt trội trên người đồng loại. Rốt cuộc, Thế Lân thấy chỉ có lòng thành khẩn khai ra sự thực mới cứu được mình.

Nhưng dẫu gã đã dẹp bỏ tự ái truyền thống của người đàn ông bằng những chứng minh cụ thể về sự bất lực, các nàng cung phi vẫn cứ bừng bừng nổi giận, nhất định không tin đó là sự thực. Người ta đã nhiếc mắng gã bằng những ngôn từ cay độc và phũ phàng nhất, và nhiều người đã đánh gã, cắn gã, thậm chí rút các trâm cài lược giắt rạch da thịt gã cho đến chảy máu. Gã đã làm họ hụt hẫng, thất vọng và họ trả thù. Bây giờ họ không còn sợ gã nữa, vì gã đã cùng phạm tội và phạm nhiều hơn. Thà cứ để họ chết héo dần đi trong sự mỏi mòn, hơn là châm lửa đốt khu rừng cấm cho cháy bùng lên mà không tìm phương dập tắt.

Hóa ra những sự gắn bó giữa người, thuần bằng ngã dưới, lại dẫn đến những kết quả bi thảm vậy sao? Trong khi ê ẩm khắp mình, đau từng khớp xương, nhức từng bắp thịt, gã đã khom mình lê lết đi trên bốn chân về lại chỗ ở, thấm thía hiểu rằng phải đi bằng chính đôi chân giữ sự ngay thẳng cho một mái đầu ngẩng cao mới tiếp nhận được nguồn vui thực sự của lòng tự hào.

Một hôm ngắm mình trong gương, Thế Lân hoảng hốt đối diện với một con người xa lạ, má hóp, mắt sâu, dáng vẻ lờ đờ, cọm rọm như một ông già suy yếu ngoài tuổi 70. Sự biến đổi thật mau chóng, vượt xa qui luật tang thương của trò tạo hóa. Thì ra, mọi vật, mọi việc trên cõi đời này đều phải trả bằng cái giá tương xứng, và mọi khả năng, kể cả khả năng ước vọng, đều có lằn ranh khó nỗi vượt qua. Ý thức được các điều đó thì đã muộn rồi. Có lẽ, những câu kết luận tìm thấy chậm nhất là điều tệ hại nhất của nhân loại.

Và khu rừng cấm đã bị đốt cháy cứ cháy phừng lên, mỗi ngày quạt cái sức nóng vào vùng lân cận. Các cung nữ đã đạp ngã các thứ tường thành cấm kỵ để tiếp đón Chu Thế Lân, bây giờ như leo lên trên mình cọp, không còn kiêng sợ gì nữa. Các ả đem sự bí mật của mình tiết lộ cho kẻ đồng hội, đồng thuyền, thêu dệt, vẽ vời cho thêm kỳ thú để tự thỏa mãn qua sự khiêu khích nơi người nghe chuyện, và lầm nghĩ rằng ngoài gã Thế Lân hẳn còn nhiều vị thái giám cương cường có thể gạ gẫm vào vòng thân mật. Hậu cung rõ ràng đã có khá nhiều triệu chứng bất thường, và những con người xét nét, đa nghi rất mực, là các thái giám, bắt đầu sục sạo đi tìm sự thực. Chức vị phó quản của gã Thế Lân còn là nguyên cớ cho sự sục tìm, bởi các thái giám chính hiệu đã bị tước đoạt khả năng ham muốn bản năng, chuyển đổi dục vọng thành nỗi khát thèm quyền lực. Và một thái giám họ Cù, sau khi nắm chắc nguồn tin, đã làm tường trình tâu lên vua.

Thoạt nghe, vua tái cả mặt, không muốn tin chuyện động trời như thế là điều có thật. Lập tức, lệnh truyền gọi Chu Thế Lân đến trước bệ rồng. Vua quát:

- Tên súc sinh kia! Mày đã giở trò cuồng loạn ở nơi cung cấm, ngàn lần đáng tội bêu đầu!

Họ Chu đập đầu xuống bệ, một mực kêu oan, khóc than thảm thiết. Vua nhìn thấy gã gầy ốm, xanh xao, má hóp lưng còng, không tin gã dám cả gan xúc phạm hậu cung, bèn cho tạm giam vào ngục để chờ tra hỏi phi tần. Một đoàn giám sát được gấp thành lập, thẩm vấn từng người cung nữ. Dĩ nhiên ả nào cũng đều xác quyết về sự trong trắng, trung thành đối với nhà vua, lên án những phường dâm đãng, lăng loàn. Vua chợt hiểu rằng trong vấn đề này nếu không bắt được quả tang tại trận thì ai cũng đều tự cho là mình đạo hạnh thập toàn. Viên thái giám đã tố cáo nội vụ, thấy việc chưa được làm rõ, sợ mình sẽ bị kết tội vu cáo, bèn xin vua cho khám xét chỗ ở của Chu Thế Lân, và được chấp thuận.

Một đoàn mười viên thái giám được phái đến nơi, rà soát, lục lọi, xâm tìm từ ngoài vào trong, từ trên mái nhà xuống đến nền đất, vẫn không thấy một dấu vết khả nghi. Họ toan quay về bỗng thấy ở trên bàn thờ tiên tổ họ Chu có một tráp lớn bằng bạc, chạm trổ khá đẹp đặt sau lư hương, bèn lấy xuống xem. Tráp được khóa kỹ, phải dùng mũi gươm thật bén cạy nắp, và họ tìm thấy một đống vải màu đen và có viền nẹp da. Lôi ra, mọi người bàng hoàng và cũng mừng rỡ nhận rõ đấy là tấm áo mượn hình loài chó với chiếc đầu chó độn bằng bông vải.

Vua thấy tang vật, ngồi chết lặng đi, căm giận cùng cực. Một sự xúc phạm thể giá vương triều đến mức như thế thật đã ra ngoài trí tưởng mọi người. Khi điệu gã lên, vua ném tang vật xuống đầu của gã, hét to: “Cẩu đại tặc”, rồi lại nín lặng. Trong bầu không khí trang nghiêm và yên tĩnh như trước cơn giông bão, chỉ nghe có tiếng nghiến răng của đấng quân vương.

Không có một hình phạt nào tương xứng với tội trạng ấy. Dẫu đem băm vằm xác gã ra trăm ngàn mảnh thì cũng vô ích, vì sau khi chết thân xác của gã có đem xào lăn hay là nướng chả cũng không làm gã động lòng. Cuối cùng nhà vua nảy ra một ý: cho đem treo gã lên một cành đào ở giữa hậu cung và buộc cung nữ mỗi người đánh gã đúng ba chục hèo. Như thế, vừa có tác dụng răn đe thị chúng, vừa ngầm theo dõi những ai đã có tình ý với gã đặng đem trừng phạt, vì vua cho rằng kẻ nào đánh nhẹ hoặc là đánh không đủ số qui định, ắt có liên hệ với tên cẩu - tặc.

Nhưng tất cả đám cung nữ đã đánh đập gã một cách nhiệt tình. Không phải vì họ sợ bị theo dõi, nhưng vì ai cũng căm thù: các nàng đã tiếp xúc gã trong đêm thì quá bất bình vì gã đã khơi bùng dậy ham muốn ở nơi lòng họ rồi lại bỏ cuộc đột ngột, chia sẻ niềm vui với đám người khác, các nàng chưa gặp được gã thì bất mãn hơn, phải đánh để cho hả giận vì gã đã không tìm cách gặp mình. Còn những cung nữ đạo hạnh thì phải trừng phạt gã thật quyết liệt để bênh vực cho thể giá hậu cung. Vì vậy, mới nếm gậy của khoảng ba chục người gã đã tắt thở. Những kẻ còn lại cứ tiếp tục đánh vào cái xác chết cho đến tan tác, rã rời.

Nhà vua truyền đem ném xác giữa đồng cho loài côn trùng dưới đất và loài diều quạ trên không tiêu thụ tử thi của phường cẩu tặc. Rồi cho bắt Lưu ngự y là tội phạm gốc của tai họa này. Nhưng đã từ lâu ông xin cáo quan về nuôi mẹ già, rồi bán sạch hết nhà cửa ruộng vườn, mua chiếc ghe lớn để đưa toàn gia ra ngoài bể khơi tìm đến một xứ sở khác, không rõ là nơi chốn nào.

Vua chưa nguôi giận và cũng khốn khổ vì không biết rõ trong đám cung nữ những ai đã có giao tình với loài cẩu tặc. Tốt nhất là cho sa thải toàn bộ ba ngàn cung phi để họ trở về đời sống dân dã và tuyển mộ một lớp mới. Vì họ kể như là hạng bị ô nhiễm rồi nên được cho phép lấy chồng để phân biệt với phi tần đúng hiệu, khi trả về dân không quyền được lập gia đình, và những ai vi phạm vào qui định đều bị kết tội.

Cung nữ sau những năm dài cay đắng ở nơi hậu cung đã tưởng đời mình tàn lụi thảm thương trong chốn tù ngục lụa là nay được thả về, rất là vui sướng. Đi qua cánh đồng còn phơi xương của Thế Lân, họ bèn lấy đất lấp lại, vun thành mộ lớn. Về sau, nhiều cô có chồng, có con, được sống vui vầy, mỗi khi qua đó vẫn nhớ ơn gã bèn trồng nơi mộ một loài hoa thơm hoặc một giống cây ăn trái. Cây hoa nở rộ, lớn lên, gọi chim chóc đến khiến chẳng bao lâu mộ đã thành rừng, và đất tự nhiên nổi lên như một gò lớn – hình như thái giám họ Chu xúc động được sự chăm sóc của các cung nữ nên không chịu nằm bất động – do đó, có người gọi đây là hòn Cẩu Sơn, tức là núi Chó.

Một số nho sĩ trong vùng nghĩ về núi Chó và chuyện Thế Lân, cho rằng tai họa làm cho đồi phong bại tục là sự dâm ô và làm rối nát xã hội là tệ tham những. Có Chu Thế Lân, là sự tồi bại, nhưng nếu không có được Lưu ngự y tiếp tay, thì cái thể giá vương triều đâu bị tổn thương như thế? Các vị bèn dựng ở tại Cẩu Sơn một tấm bia lớn, ghi hai câu thơ để nhắc nhở đời. Xin dịch sát ý, nhưng kém văn vẻ, như sau:

Dâm ô đảo lộn, người ra thú
Tham nhũng lộng hành, quỷ nhục vua.

Về sau có một nịnh thần cho rằng tấm bia đã bêu xấu vua, hơn nữa lấy thú mà đối với vua là chuyện khi quân, nên cho đập nát tấm bia.

Riêng số phận của các vị thái giám thì bi đát hơn. Nhà vua không còn tin tưởng ở phép châm cứu, nên kể từ đấy, thái giám được tuyển vào cung phải bị thiến gọn, do các quan lớn đầu triều kiểm tra. Danh từ hoạn quan xuất hiện từ đấy. Nhưng theo sử sách, do còn tham nhũng nên vẫn có sự thiến sót và các loại yêm - hoạn dỏm đã có một thời náo động hậu cung, gây nên lắm chuyện cực kỳ quái đản mà chúng ta sẽ nói đến, trong một dịp khác.


VŨ HẠNH    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét